Nhà giàu châu Á tăng giữ tiền mặt; Chuyên gia Mỹ: “Thế Kỷ Xuyên Thái Bình Dương đã bắt đầu”; Châu Âu thảo luận danh sách đen những nơi trốn thuế; Đại lý nhập khẩu ôtô chuyển sang buôn xe cũ trong nước
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-11-2017
- Cập nhật : 07/11/2017
Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia đã vượt giới hạn cho phép
Theo Báo cáo về tình hình vay nợ của Chính phủ ước thực hiện năm 2017 và kế hoạch năm 2018 gửi Quốc hội, dư nợ nước ngoài của quốc gia đã tăng đáng kể từ năm 2016, chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả của các doanh nghiệp tăng mạnh.
Cho dù 9 tháng đầu năm nay Chính phủ không cấp mới bảo lãnh cho các dự án của doanh nghiệp vay vốn trong và ngoài ước nhưng kể từ năm 2016, dư nợ nước ngoài cùa quốc gia đã tăng mạnh khiến cho nghĩa vụ trả nợ nước ngoài so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã đạt mức 29,7%, vượt giới hạn cho phép 25%.
Dư nợ tự vay, tự trả của các doanh nghiệp tăng mạnh
Theo Báo cáo về tình hình vay nợ của Chính phủ ước thực hiện năm 2017 và kế hoạch năm 2018 gửi Quốc hội, dư nợ nước ngoài của quốc gia (bao gồm tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp, tổ chức khác vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả theo quy định) đã tăng đáng kể từ năm 2016, chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả của các doanh nghiệp tăng mạnh.
Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II - một ví dụ điển hình về vay nợ nước ngoài để đầu tư sau gần chục năm chưa hoàn thành dự án. Ảnh: TL
Năm 2016 đã tăng 14,5% so với năm 2015, trong đó nợ nước ngoài của Chính phủ tăng 8,6%; nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh tăng 3%; nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp tăng 26,8%. Điều đó kéo theo nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ là 29,7%, trong khi giới hạn cho phép là 25%.
Nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã được siết lại rất chặt để đảm bảo an toàn nợ công. Song nợ của doanh nghiệp tự vay tự trả lại khó kiểm soát hơn. Và nếu không kiểm soát chặt thì việc chuyển các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp thành nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước là rủi ro và hệ lụy lớn. Các khoản nợ đến hạn không trả được của các dự án xi măng, đạm Ninh Bình, nhà máy bột giấy Phương Nam, gang thép Thái Nguyên giai đoạn II… là những ví dụ cụ thể.
Đến hết năm 2016, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia là 2.013.681 tỉ đồng, bằng 44,7% GDP. Con số này vẫn trong giới hạn an toàn (dưới 50%) nhưng chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng cao hơn năm trước. Nguyên nhân là do quy mô vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp (tự vay, tự trả) tăng nhanh. Tốc độ tăng dư nợ của các khoản vay trung và dài hạn là 30,4%, của các khoản vay ngắn hạn là 20,4% so với năm 2015. Nó kéo theo nghĩa vụ trả nợ tăng gấp đôi (29,7% so với 12,4% của năm 2015) do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong năm 2016. Việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống.
Tính đến hết 9 tháng năm 2017, tổng mức trả nợ của Chính phủ là 213.316 tỉ đổng (75.352 tỉ đồng là trả nợ lãi). Việc trả nợ Chính phủ được thực hiện chặt chẽ, đúng hạn theo đúng cam kết của Chính phủ với các nhà tài trợ.
Về bảo lãnh vay nợ Chính phủ, định hướng về hạn mức bảo lãnh của Chính phủ năm 2017 và các năm tiếp theo là: hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ cho các khoản vay mới. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển, bảo lãnh phát hành mới bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm. Do đó, 9 tháng đầu năm không thực hiện cấp mới bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án vay vốn. Riêng việc giải ngân ròng các dự án đã cấp bảo lãnh trước đây vẫn trong hạn mức phê duyệt.
Vậy vấn đề nằm ở hạn mức vay nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
Không thể chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ quốc gia
Chính phủ đã đồng loạt triển khai các biện pháp tăng cường quản lý chặt chẽ, đảm bảo nợ công trong mức an toàn, trong đó có chủ trương tạm dừng xem xét cấp bảo lãnh cho các dự án mới, thẩm định chặt các dự án đăng ký sử dụng vốn vay, nhất là vay mới. Vấn đề là phải có các biện pháp kiểm soát tốc độ tăng nhanh dư nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc hạn mức đã được phê duyệt
Theo Báo cáo định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, dự kiến hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả tối đa là 5,5 tỉ đô la Mỹ/năm. Ước thực hiện hạn mức dư nợ vay này năm 2017 đã là 5,1 tỉ đô la, bằng 93% hạn mức định hướng/năm, mà chỉ bao gồm các khoản vay đã đăng ký chính thức với Ngân hàng Nhà nước tính đến hết 30-9-2017, chưa bao gồm các khoản sẽ phát sinh trong quí 4. Đây là hạn mức rất lớn.
Trên thực tế, việc kiểm soát nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp là rất khó, vì đầu mối quản lý nợ phân tán, lại là nợ tự vay, tự trả. Chính phủ đề ra mục tiêu tốc độ tăng tối đa hàng năm của dư nợ nước ngoài ngắn hạn là 8% đến 10%. Tuy nhiên, việc phải có cơ quan thống kê số lượng, giá trị các dự án mới của doanh nghiệp ký kết, nguồn vay và dự án có khả năng ký kết trong giai đoạn 2016-2020 (kể cả trong kế hoạch của Nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp, nhất là DNNN) là hết sức cần thiết, nhằm đánh giá tác động đến nợ công cũng như những rủi ro của việc doanh nghiệp vay nợ nước ngoài.(TBKTSG)
-------------------------------
Thực phẩm chức năng dạng lỏng chịu thuế nhập khẩu 30%
Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố áp dụng thống nhất trong việc phân loại, tính thuế đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng dạng lỏng.
Theo đó, trường hợp xác định mặt hàng là thực phẩm bổ sung/thực phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng gồm nhiều thành phần (ví dụ: nước, chiết xuất thực vật, đường, vitamin...) dạng lỏng, đóng gói sẵn để uống luôn, không cần pha loãng, không có cồn hoặc chứa cồn có nồng độ không quá 0,5% tính theo thể tích thuộc nhóm 22.02.
Chi tiết hơn thì sản phẩm được phân thành “Loại khác” có mã số 2202.09.30, là “Đồ uống không có ga khác dùng ngay được không cần pha loãng”, không phụ thuộc vào liều lượng dùng sẽ phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 30%.(Thanhnien)
------------------
Nhu cầu khu vực châu Á đẩy giá hàng loạt các mặt hàng năng lượng tăng mạnh
Nhu cầu ở châu Á chính là động cơ thúc đẩy giá các loại nhiên liệu tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhất là khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu khí gas hóa lỏng trong nỗ lực giảm bớt sự lệ thuộc vào than nhiệt.
Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu dành cho việc phát điện đã đẩy giá hợp đồng giao ngay tăng cao với giá khí gas hóa lỏng và than nhiệt giao dịch ở mức cao hơn 70% và 30% so với mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay.
Việc giá khí gas hóa lỏng tăng do nhu cầu từ phía Trung Quốc tăng mạnh khi quốc gia này đang cố gắng tách khỏi sự lệ thuộc vào than đá.
Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, giá các loại nhiên liệu mà Nhật Bản nhập khẩu dưới hợp đồng dài hạn cũng tăng và khả năng cao sẽ đẩy giá điện cao hơn trong năm tới.
Giá khí gas hóa lỏng tự nhiên giao ngay tại thị trường châu Á luôn giữ ổn định kể từ tháng 3, bên trên mức 5 USD/ triệu BTU và hiện tại đang ở ngưỡng 9 USD/triệu BTU, mức cao nhất trong vòng 9 tháng rưỡi do Trung Quốc tăng cường nhập khẩu trước khi mùa đông tới.
Chuyên gia phân tích cấp cao đến từ công ty Sumitomo Corp Global Research, ông Mikiko Tate cho hay "Nhu cầu khí gas tự nhiên tăng mạnh do Trung Quốc đang đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi từ than sang khí gas tự nhiên". Theo hãng nghiên cứu đến từ Anh Wood Mackenzie, lượng nhập khẩu khí gas hóa lỏng của quốc gia này trong tháng 8 tăng mạnh tới 39%.
Trong khi đó, giá than nhiệt giao ngay - sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện, cũng tăng trong những tháng gần đây với giá than Australia tham chiếu lên tới khoảng 100 USD/tấn. Giá than tăng mạnh từ khoảng 70 USD hồi tháng lên mức trên 90 USD/tấn trong tháng 8.
Công ty điện lực Tohoku Electric Power cùng với "gã khổng lồ" Glencore của Thụy Sĩ ký hợp đồng mua than trong vòng 1 năm với giá 94,75 USD/tấn, bắt đầu từ tháng 10, cao hơn 10% so với hợp đồng 1 năm trước đó bắt đầu từ tháng 4.
Giá dầu thô cũng chứng kiến đợt tăng giá mạnh mẽ do thị trường kỳ vọng nhiều vào khả năng OPEC và các nước ngoài tổ chức sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng qua tháng 3/2018.
Giá dầu thô Dubai tham chiếu giao ngay tại thị trường châu Á đang giữ ở khoảng 58 USD/thùng, tăng gần 30% so với mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay hồi tháng 6.
Đối với hợp đồng dầu tương lai, giá thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Cuối tuần trước, tại Sàn giao dịch hàng hoá liên lục địa, giá dầu Brent tăng 1,5 USD lên mức 62,12 USD/thùng. Hợp đồng dầu này tăng gần 2,7% trong tuần trước - tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Hiện tại, nhà đầu tư theo dõi tình hình khai thác dầu thô cũng như trữ lượng dầu thô trên thế giới, nhất là khi số lượng giàn khoan Mỹ tuần trước bất ngờ giảm mạnh.(NDH)
----------------------------
Truy tìm hàng loạt doanh nghiệp bỏ địa chỉ, trốn thuế
Bộ Tài chính vừa gửi văn bản sang Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị phối hợp, kiểm tra truy tìm các doanh nghiệp (DN) tạm dừng hoạt động, bỏ địa chỉ, trốn và gian lận thuế để xử lý theo quy định.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2015 - 2016, có 49 DN có thời gian hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) dưới 1 năm kể từ ngày thành lập và có thông báo tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; 1.041 DN bỏ địa chỉ kinh doanh và không còn hoạt động XNK trong thời hạn 6 tháng trở lên; 15.379 DN không có hoạt động XNK từ 6 tháng trở lên mà không thông báo với cơ quan chức năng...
Đặc biệt, có 24 DN vi phạm bị hải quan phát hiện, ấn định thuế, tuy nhiên trốn tránh nghĩa vụ, bỏ trốn; 8 DN đang còn nợ hơn 12 tỉ đồng thuế XNK và không có thông tin xác nhận nợ thuế tại hải quan nhưng có thông tin đã giải thể trên hệ thống dữ liệu quốc gia; 180 DN ngừng hoạt động, giải thể phá sản có thông tin vi phạm pháp luật hải quan bị xử phạt hành chính hơn 3,4 tỉ đồng...
Các đối tượng này thường sử dụng phương thức đứng tên hoặc thuê người đứng tên thành lập nhiều DN cùng tham gia hoạt động XNK. Sau thời gian hoạt động, nếu thấy có nguy cơ bị phát hiện gian lận thì tạm ngừng hoạt động và chuyển sang lập DN khác.(Thanhnien)