tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-11-2017

  • Cập nhật : 06/11/2017

Trung Quốc cần dẹp công ty 'xác sống', giảm nợ để tránh khủng hoảng

Đây là chiến lược mới được Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên đưa ra để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.

thong doc ngan hang nhan dan trung quoc chu tieu xuyen anh: reuters

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên ẢNH: REUTERS

Theo Bloomberg, ông Chu Tiểu Xuyên vừa thúc đẩy nền kinh tế nước nhà tăng vốn cổ phần, tài chính trực tiếp để giảm đòn bẩy doanh nghiệp, loại bỏ công ty xác sống. Trang Shanghai Securities News cho hay ông Chu cho biết thị trường cần đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực tài chính, song cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều tiết, quy định và định hướng cải cách tài chính từ đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Chu viết trong bài báo cáo hồi tháng trước rằng để tránh khủng hoảng tài chính hệ thống, Đại lục cần giải quyết cả nguyên nhân và biểu hiện của cuộc khủng hoảng. Vị thống đốc nhà băng trung ương được dự báo sẽ sớm rời ghế chỉ ra rủi ro về việc giá cả tài sản đột ngột lao dốc sau thời gian dài tăng trưởng, với lý do áp lực nợ hoặc tiền tệ.

Đến nay, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa sụt giảm mạnh song giới phân tích và các cơ quan kinh tế toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Bắc Kinh rằng Đại lục đang gánh nợ quá cao. Nhiều hãng xếp hạng tín nhiệm ước tính gánh nợ chung của cả nền kinh tế lớn gấp ba lần GDP.

Các biện pháp cụ thể mà ông Chu đề xuất bao gồm: cải cách cơ chế phát hành cổ phiếu, tiếp tục phát triển nguồn vốn cổ phần tư nhân, thúc đẩy hoán đổi nợ trên thị trường và mở rộng thị trường trái phiếu. Ông cũng kêu gọi bãi bỏ quy định về tài chính, cho hay Trung Quốc sẽ giảm quản lý thị trường ngoại hối, thúc đẩy hoạt động quốc tế hóa nhân dân tệ và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho các định chế tài chính quốc tế.(Thanhnien)
-------------------------------

Khi các đặc khu đã khởi động trên đường băng

Phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả nhận thức, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (viết tắt là luật đặc khu) mới được hoàn chỉnh để trình ra Quốc hội. Trong khi đó, cuộc sống đang vận hành cơ chế của nó.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành nheo mắt nhìn ra xa. Trước mặt ông là đường băng đã hoàn thành trải dài tít tắp. Từ khu nhà điều hành bay đang được gấp rút xây dựng vọng ra những tiếng gõ, đập hối hả. Nhà đầu tư, tập đoàn Sun Group, đã cam kết bỏ ra 7.500 tỉ đồng để xây dựng sân bay có năng lực đón những máy bay quốc tế hạng lớn nhất ở huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nơi dân cư còn thưa thớt, cảnh vật còn hoang vu. Dự kiến năm tới việc xây dựng sân bay này sẽ hoàn thành. “Muốn đến đích thì trước tiên chúng ta phải bắt đầu đi đã. Chúng tôi không hề viển vông”, ông Thành, người được giao phụ trách phát triển Vân Đồn với hơn 551 ki lô mét vuông và 600 hòn đảo, nói một cách đầy tự tin. “Song, quan trọng nhất vẫn phải chờ thể chế, chờ luật”, ông nhấn mạnh.

Các lãnh đạo Quảng Ninh, như ông Thành, vừa phấn khởi vừa hồi hộp chờ luật đặc khu được thảo luận và thông qua tại Quốc hội. Phải mất nhiều thời gian và nhận thức, dự luật này đến nay mới hoàn thành. Tất nhiên, nhiều cơ hội cũng đã vuột qua.

Cuối năm 2013, được tỉnh phân công, ông Thành một mình âm thầm sang Singapore, Macau và Mỹ để tiếp cận các nhà đầu tư quan tâm đến Vân Đồn. Kết quả là cuối năm đó, Chủ tịch tập đoàn Las Vegas Sands, tỉ phú Sheldon Adelson, đã tới Quảng Ninh và bay chuyên cơ thị sát khắp vùng biển. Ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Đọc và nhiều lãnh đạo tỉnh đã chờ sẵn để tiếp đón ông. Ông Thành nhớ lại, họ định giới thiệu một bài trình bày dài hai tiếng về tiềm năng và cơ hội đầu tư cho vị thượng khách. Tuy nhiên, thật trớ trêu, cuộc gặp diễn ra vỏn vẹn trong năm phút. Vị tỉ phú chỉ đặt vài câu hỏi: “Thể chế cho đặc khu đã được luật hóa chưa?”; “Các ông hứa có quy hoạch tầm quốc gia, thì khi nào có?”; “Hạ tầng giao thông như sân bay, bến cảng, cao tốc có được đảm bảo bằng luật pháp để chúng tôi đưa vào vài tỉ đô la?”; “Ai là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhà đầu tư?”... Ông Thành nhớ lại với vẻ tiếc nuối: “Tất cả các câu hỏi đó chúng tôi không trả lời được, và cuộc gặp nhanh chóng kết thúc sau năm phút”.

Câu hỏi đặt ra là dự án luật đã được thiết kế vượt trội hay chưa, và nếu đã vượt trội thì liệu tinh thần của nó có được chấp nhận?

Năm năm nữa đã trôi qua, những câu hỏi khó đó phải được trả lời mạnh dạn và thỏa đáng nếu muốn Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong có thể cạnh tranh quốc tế và khu vực, nơi đã dày các đặc khu đối thủ của Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, quần đảo Virgin, quần đảo Cayman, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Myanmar. Trung Quốc, quốc gia thử nghiệm mô hình đặc khu vào năm 1979, nay thậm chí đã lập ra đặc khu trong đặc khu Thâm Quyến với sức cạnh tranh cực cao. Vì lẽ đó, luật chơi cho ba đặc khu dự kiến của ta cần khác so với nền tảng hiện có. Đây là điều đặt ra với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cơ quan chủ trì soạn thảo luật.

Bộ KH&ĐT đang đề nghị những thể chế vượt trội trong dự luật. Theo đó, trong trường hợp có khác biệt, luật này sẽ được áp dụng thay vì các luật khác. Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh theo cơ chế thông qua tòa án, trọng tài nước ngoài. Cùng với đó là số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được thu hẹp còn 108 thay vì 243 như hiện nay. Thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm. Các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất vượt trội so với quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới...

Tuy nhiên, điều quan tâm nhất vẫn là vị trí của ông trưởng đặc khu, mà vị tỉ phú Mỹ từng đặt ra với lãnh đạo Quảng Ninh. Ông Thành nói: “Trưởng đặc khu mà không đặc biệt thì mọi thứ khác khó mà đặc biệt. Ông ấy phải có quyền lực và chịu trách nhiệm tận cùng với tất cả quyết định của mình”. Quảng Ninh lâu nay vẫn kiên định đề nghị cơ chế trưởng đặc khu, thay vì tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) gồm có hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND, giống như tất cả các địa phương hiện nay. Bộ KH&ĐT, tuy vẫn trình hai phương án tổ chức chính quyền, song khẳng định, Hiến pháp không quy định chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính phải có HĐND và UBND. Bên cạnh đó, bộ cũng liệt kê hàng loạt yếu tố tích cực của mô hình trưởng đặc khu.

Câu hỏi đặt ra là dự án luật đã được thiết kế vượt trội hay chưa, và nếu đã vượt trội thì liệu tinh thần của nó có được chấp nhận?

Các lãnh đạo địa phương liên quan đang rất nóng lòng. Trong báo cáo gửi Quốc hội, UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, một trong những vấn đề lo ngại nhất của các nhà đầu tư hiện nay, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, là về sự thay đổi chính sách của chính quyền. Để khắc phục những rủi ro này, họ đề nghị Quốc hội ban hành luật, và nghị quyết cho Phú Quốc. “Đây là điều kiện tiên quyết để cam kết đối với các nhà đầu tư”, báo cáo viết. Ông Thành của Quảng Ninh hoàn toàn đồng tình: “Quan trọng nhất phải có luật cái đã”.

Cuộc gặp với vị tỉ phú Mỹ năm nào đã không mang lại kết quả. Song, với Vân Đồn, họ đã tìm được nhà đầu tư chiến lược. Ngoài việc đầu tư sân bay, Sun Group còn đề xuất dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí trị giá 48.500 tỉ đồng. Tập đoàn FLC đang nghiên cứu một khu tương tự trị giá 46.000 tỉ đồng. Đi sau là một số doanh nghiệp khác như CEO, MBland, Crytal Plate, HD Moon.

Có vẻ như, tất cả đã đang trên đường băng, khó mà dừng lại được.(TBKTSG)
-------------------------

Ba cách "kiếm tiền" của ngành dệt may

Tiến sĩ Võ Trí Thành- Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chưa bao giờ trong lịch sử, Việt Nam có thế trận hội nhập tốt như từ cuối năm 2015 trở lại đây. Ngành dệt may hoàn toàn có thể tận dụng những lợi thế này.

Thế trận hội nhập tốt nhất trong lịch sử

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, từ cuối năm 2015 đến nay, Việt Nam đã ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA). Vì thế, FTA của Việt Nam bao phủ khắp các thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn như: EU, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc...

"Chưa bao giờ Việt Nam có nhiều đối tác đến như vậy. Việt Nam đang có thế trận hội nhập tốt nhất trong lịch sử. Nhiều thông tin cho biết, FTA Việt Nam - EU sẽ được thực thi vào khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019, mở ra những cơ hội vô cùng lớn"- ông Võ Trí Thành nói.

Vậy làm thế nào để ngành dệt may khai thác được các cơ hội hiện có? Ông Võ Trí Thành gợi ý, có 3 cách để ngành dệt may "kiếm tiền" trong bối cảnh hiện nay. Một là khai thác các thị trường Việt Nam đã ký kết FTA để tận dụng thuế suất ưu đãi 0%.

Đây là cách đơn giản nhất, nhưng điều kiện cần là hàng dệt may Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về nguyên tắc xuất xứ.

nganh det may co nhieu co hoi tan dung loi the tu fta

Ngành dệt may có nhiều cơ hội tận dụng lợi thế từ FTA

"Với thị trường EU, dệt may có thể nhập vải từ Hàn Quốc để tận dụng ưu đãi thuế. Về thị trường, Nga là thị trường đầy tiềm năng nhưng hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 4,3 tỷ USD/năm, bằng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mỗi năm. Vậy tại sao ta không khai thác?

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) 11 cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Nếu được ký kết, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 thấp nhất cũng đạt 2 tỷ USD sang thị trường này, đồng thời tạo việc làm cho 2 triệu lao động"- ông Võ Trí Thành thông tin.

Hiện nay, trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam đang ở đáy chuỗi, mặc dù gần đây các doanh nghiệp đã đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất len, vải sợi... nhưng ta còn yếu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam hoàn toàn có thể chen chân vào khâu thiết kế mẫu mã. Đây là "cách kiếm tiền" thứ hai. Cuối cùng, theo ông Võ Trí Thành, doanh nghiệp nên khai thác thế mạnh về phân phối để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngành dệt may đang chuyển hướng tích cực

Đồng quan điểm cho rằng ngành dệt may đang đứng trước rất nhiều cơ hội, PGS. TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương đánh giá: "Gần đây, ngành dệt may đang có những chuyển hướng tích cực.

Trong đó, đáng chú ý là các doanh nghiệp đã chuyển từ các thành phố lớn về nông thôn để khai thác lực lượng lao động trực tiếp tại địa phương. Thêm vào đó, hàng loạt dự án trong ngành đã được triển khai để doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi từ FTA".

Chẳng hạn như riêng năm 2016, Tập đoàn dệt may Việt Nam đã khởi công 41 dự án. Trong đó có 9 dự án sợi, 9 dự án dệt nhuộm, 17 dự án nhà máy may, 6 dự án nâng mức đầu tư.

Thông qua đó, ngành dệt may đổi mới để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà hiện nay các doanh nghiệp còn rất yếu.

Cũng theo vị chuyên gia này, bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên đầu tư cho thị trường trong nước.

"Nhu cầu hàng dệt may của thị trường nội địa ước tính đạt 4-5 tỷ USD/năm, nhưng hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức"- ông Phạm Tất Thắng khuyến nghị.(ANTĐ)
--------------------------

Arab Saudi bắt hàng loạt hoàng tử, cựu bộ trưởng

Arab Saudi có thể đã bắt 10 hoàng tử cùng hàng chục cựu bộ trưởng trong chiến dịch trấn áp tham nhũng.

 

hoang tu arab saudi al-waleed bin talal. anh: reuters.

Hoàng tử Arab Saudi al-Waleed bin Talal. Ảnh: Reuters.

 

"10 hoàng tử và hàng chục cựu bộ trưởng bị bắt tại Arab Saudi", kênh truyền hình Arab Saudi Al-Arabiya đăng trên Twitter ngày 4/11, dẫn các nguồn giấu tên. Riyadh chưa có thông báo xác nhận.

Động thái trên diễn ra không lâu sau khi ủy ban chống tham nhũng Arab Saudi, do Thái tử Mohammed bin Salman, còn gọi là MBS, được thành lập theo một sắc lệnh hoàng gia.

Truyền thông Arab Saudi đưa tin tỷ phú, Hoàng tử al-Waleed bin Talal cũng bị bắt.

"Quy mô đợt bắt người dường như chưa từng có trong lịch sử Arab Saudi hiện đại", Kristian Ulrichsen, nhà nghiên cứu tại Viện Baker về Chính sách công, đại học Rice, Mỹ, nói với AFP. "Hoàng tử al-Waleed bin Talal nếu thực sự bị bắt sẽ tạo ra cơn chấn động với cộng đồng kinh doanh nội địa và nước ngoài".

Theo một nguồn tin hàng không, Arab Saudi đã cấm bay đối với các phi cơ riêng tại thành phố Jeddah, dường như để ngăn nghi phạm rời đi. Arab Saudi còn thay thế người đứng đầu Vệ binh Quốc gia và hải quân nước này.

Mohammed bin Salman, 32 tuổi, được chọn là người kế vị Vua Arab Saudi Salman bin Abdulaziz al-Saud hồi tháng 6. Thái tử có vai trò khá rõ ràng trong chính phủ Arab Saudi. Ông là người đi đầu trong những nỗ lực nhằm giúp Arab Saudi không quá phụ thuộc vào dầu mỏ, theo chiến lược kinh tế công bố năm 2016. Với vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, ông giám sát chiến dịch quân sự do Arab Saudi dẫn đầu, nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục