tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 26-10-2017

  • Cập nhật : 26/10/2017

Việt Nam có nhiều lợi thế trong xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin

Theo bảng xếp hạng của hãng tư vấn AT Kearney công bố tháng 9/2017, Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu 2017. Ngoài ra, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế trong xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT).

toan canh hoi nghi. anh: huu thong

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hữu Thông

Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017 (Vietnam ITO Conference 2017) - sự kiện thu hút gần 500 đại biểu, trong đó có 150 đại diện quốc tế đến từ 20 quốc gia, 250 lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) CNTT của Việt Nam.

Hội nghị tập trung vào việc giới thiệu, quảng bá năng lực của ngành dịch vụ CNTT Việt Nam về công nghệ mới (S.M.A.C, AI, IoT), dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO), xúc tiến đầu tư cho các địa phương như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đồng bằng sông Cửu Long... Bên cạnh đó, hội nghị còn mở rộng kết nối hướng đến các lĩnh vực khác như nông nghiệp công nghệ cao hay giới thiệu các công nghệ và giải pháp mới của doanh nghiệp CNTT.

Theo ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), mặc dù là nước đi sau so với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc nhưng Việt Nam đang có các lợi thế, tiềm năng và uy tín đối với thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu. Trong đó, phần mềm là một trong những ngành hoàn toàn có khả năng đứng vững trong cuộc cạnh tranh rất khốc liệt với các nước.

Hội nghị này giúp các DN phần mềm Việt Nam tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin hiệu quả để phát triển thị trường và hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh, nhằm nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ phần mềm thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, nếu tính các DN gia công, xuất khẩu dịch vụ CNTT có quy mô trên 1.000 người thì TP. Hồ Chí Minh có 11/14 DN (không tính Tập đoàn Viettel và VNPT). Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng để trở thành một điểm đến hàng đầu về cung cấp dịch vụ phần mềm và CNTT khu vực Đông Nam Á và châu Á

Bên cạnh đó, sự kiện lần này còn mở ra 250 cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các DN Việt Nam và quốc tế thông qua buổi giao lưu kết nối DN giữa các DN trong và ngoài nước, giúp các DN Việt Nam tìm kiếm đối tác và khách hàng tiềm năng, tìm thấy các mối quan hệ và nhà đầu tư chất lượng giúp mở rộng hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế. Từ đó, giúp tạo nền tảng kinh doanh hiệu quả cho cả nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ CNTT tại Việt Nam.

Theo Hãng tư vấn AT Kearney công bố tháng 9/2017, năm 2016, Việt Nam đã có hơn 67 tỷ USD được thu về trong lĩnh vực CNTT, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 60 tỷ USD.(TCTC)
------------------------------

Đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường Hàn Quốc

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của tôm Việt Nam sau EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ; chiếm 9,7% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Tính tới 15/9/2017 xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 243,2 triệu USD tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2016.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt.

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 12 trên thế giới. Nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc tăng trưởng ổn định qua các năm, chiếm tỷ trọng trong tổng giá trị nhập khẩu tôm của toàn thế giới từ 1,9% năm 2007 lên 2,4% năm 2016.

Trong 10 năm (2007-2016), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc liên tục tăng trưởng dương với kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Chỉ riêng năm 2015, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc giảm do tăng mạnh trong năm 2014 nhờ giá tôm thế giới tăng và đồng USD tăng giá. 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt. Tính tới 15/9/2017, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 243,2 triệu USD; tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tôm sú được coi là mặt hàng nhập khẩu nhiều thứ hai vào Hàn Quốc. Từ 2009-2016, tỷ trọng tôm sú xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm từ 23,5% xuống còn 10,5% trong tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này. Trong giai đoạn 2010-2012, tỷ trọng tôm sú chiếm từ 50-60% tổng xuất khẩu tôm tuy nhiên giai đoạn 2013-2016, tỷ trọng tôm sú giảm xuống còn 29-30%. Tỷ trọng xuất khẩu tôm sú sang Hàn Quốc giảm do sản lượng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam giảm dần.

Hơn nữa, Hàn Quốc cũng là thị trường nhạy cảm về giá nên các sản phẩm tôm chân trắng giá phải chăng sẽ được người tiêu dùng Hàn Quốc ưu tiên lựa chọn nhiều hơn so với các sản phẩm tôm sú có giá cao hơn.

Với nhu cầu ổn định, giá xuất khẩu cao, ưu đãi thuế nhờ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Hàn Quốc và Việt Nam, Hàn Quốc được coi là thị trường thay thế tiềm năng và có nhiều cơ hội tăng trưởng cho các Doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường chính, truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù xuất khẩu tôm sú sang Hàn Quốc không nhiều nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Hàn Quốc trong 2 năm gần đây (2015-2016) có xu hướng tăng.

Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Việt Nam chịu thuế nhập khẩu thấp nhất (10%) so với các nguồn cung đối t hủ khác như Trung Quốc (20%), Ấn Độ (12,5%), Ecuador (20%) và Thái Lan (10%).

Sau hơn 1 năm thực hiện Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với VKFTA, thách thức từ thị trường Hàn Quốc đối với tôm Việt Nam chính là việc siết chặt hơn vấn đề chất lượng.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Hàn Quốc cần chủ động kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu chất lượng và cập nhật các thủ tục và yêu cầu của Hàn Quốc để giữ vững thị trường này.(Thoidai)
---------------------------------

Siêu dự án 500 tỉ đô của Saudi Arabia

Dù nằm trên rốn dầu của thế giới, Saudi Arabia đã bắt đầu các bước đi nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào loại vàng đen này bằng siêu dự án kinh tế khổng lồ trị giá hơn 500 tỉ USD công bố ngày 24-10.

 

thai tu saudi arabia mohammed bin salman (thu hai tu trai) trong hoi thao doanh nghiep co ten "sang kien dau tu tuong lai" tai riyadh ngay 24-10 - anh: reuters

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (thứ hai từ trái) trong hội thảo doanh nghiệp có tên "Sáng kiến đầu tư tương lai" tại Riyadh ngày 24-10 - Ảnh: REUTERS

 

Theo Hãng tin Reuters, đích thân thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã công bố kế hoạch trong bài phát biểu công khai hiếm hoi tại một hội thảo doanh nghiệp quốc tế vừa diễn ra ở thủ đô Riyadh.

Theo đó, khu công nghiệp và thương mại khổng lồ trị giá 500 tỉ USD, còn được biết đến với tên gọi ngắn gọn là NEOM, sẽ nằm tại ngã ba biên giới Saudi Arabia, Jordan và Ai Cập.

Trải rộng trên diện tích 26.500km2, NEOM là tham vọng nhưng đồng thời là nỗ lực thoát dầu mỏ của Saudi Arabia, sẽ chú trọng vào các lĩnh vực như năng lượng, nước sạch, công nghệ sinh học, thực phẩm, chế tạo tiên tiến và giải trí. 

Thái tử Mohammed khẳng định NEOM là trọng tâm trong chiến lược đầu tư mới, là chìa khóa cho giấc mơ hiện đại hóa đất nước. Sử dụng hình ảnh hai chiếc điện thoại, một "cùi bắp" và một chiếc điện thoại thông minh, ông so sánh đó là sự khác biệt giữa NEOM và những nơi khác.

 

"Dự án này không phải là nơi dành cho các nhà đầu tư thông thường. Đây là nơi dành cho những người ấp ủ giấc mơ muốn làm điều gì đó vĩ đại cho thế giới", thái tử Saudi Arabia nhấn mạnh.

Nền kinh tế của Saudi Arabia, dù được đánh giá là đa dạng, đã phải vật lộn để vượt qua các khó khăn khi giá dầu sụt giảm. Thái tử Mohammed, người sẽ nắm giữ vận mệnh của đất nước trong tương lai, đã đưa ra một loạt cải cách về kinh tế - xã hội như cho phép phụ nữ lái xe, để hiện đại hóa đất nước.

Như một con dao hai lưỡi, nếu những người trẻ Saudi Arabia chịu làm việc và đi đúng đường, với tất cả sức lực họ sẽ tạo ra một quốc gia khác, một điều gì đó khác hoàn toàn... nhưng nếu họ đi sai hướng, họ sẽ hủy diệt tương lai của đất nước này.

Thái tử Mohammed bin Salman

Giới chức Saudi Arabia kỳ vọng chương trình tư nhân hóa, trong đó có kế hoạch bán 5% cổ phiếu của Tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco, sẽ giúp huy động 300 tỉ USD cho nền kinh tế vốn đang chịu tác động xấu của tình trạng giá dầu thấp, sụt mạnh từ mức trên 100 USD/thùng hồi giữa năm 2014 xuống còn hơn 50 USD/thùng hiện nay.      

Hiện Riyadh đang thực hiện cắt giảm các thủ tục rườm rà, loại bỏ tệ quan liêu và các rào cản đối với hoạt động đầu tư. Ngày 22-10, Saudi Arabia thông báo sẽ cho phép các nhà đầu tư chiến lược nắm giữ trên 10% cổ phần trong các công ty đã niêm yết của nước này.          

Nằm kề Biển Đỏ cũng như Vịnh Aqaba và gần các tuyến thương mại đường biển như kênh đào Suez của Ai Cập, khu công nghiệp và thương mại NEOM sẽ là cửa ngõ dẫn tới cây cầu hữu nghị Quốc vương Salman nối Ai Cập và Saudi Arabia. 

"NEOM sẽ là một trong những động lực kinh tế hàng đầu thế giới. Vị trí chiến lược của nó sẽ nhanh chóng đưa khu vực nổi lên như một trung tâm kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi", Reuters dẫn thông báo của Quỹ đầu tư công Saudi Arabia nhấn mạnh.(Tuoitre)
----------------------------

Điểm mặt những ông lớn sẽ bán mình trong hai năm tới

Sabeco và Vinamilk sẽ bán một phần vốn trong năm nay, còn 2018 sẽ có đến 64 doanh nghiệp ồ ạt "bán mình" trong khi danh sách 2019 là những tập đoàn lớn.

 

hoi nghi gateway to vietnam thu hut duoc 25 doanh nghiep dau nganh tai vn va 200 quy dau tu trong va ngoai nuoc.

Hội nghị Gateway to VietNam thu hút được 25 doanh nghiệp đầu ngành tại VN và 200 quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

 

Những tập đoàn có thể kể tên như Tổng công ty cà phê Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính viễn thông (VNPT), Tập đoàn hóa chất (Vinachem), Tập đoàn than và khoáng sản (TKV)…

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đã cho biết như vậy tại phiên thảo luận của Hội Nghị Gateway to Vietnam 2017 được tổ chức ngày hôm nay, 25-10 tại TP.HCM.

Theo ông Dũng, tính đến hết tháng 9-2017 đã có 34 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong năm nay, đạt 77% so với kế hoạch cả năm.

Từ nay đến cuối năm một số doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như PVOil, PV Power, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam và thực hiện đẩy mạnh bán cổ phần tại Sabeco và Vinamilk.

Còn trong danh sách cổ phần hóa năm 2018 có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty giấy Việt Nam, Mobifone, và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện,…

"Như vậy, trong thời gian 1-2 năm tới, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Dũng nói.

Vậy phải làm gì để thu hút được vốn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài qua các đợt bán vốn?

Trả lời câu hỏi này, ông Dũng cho rằng để giải quyết câu chuyện này cần có sự tham gia của nhiều phía. 

Riêng về chính sách phải thay đổi hướng đến một số mục tiêu chính, sao cho các đợt phát hành phải công khai, minh bạch hơn. 

Bên cạnh đó cần tạo điều kiện rõ ràng hơn cho thị trường tài chính phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh phát triển. 

Ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey & Company Việt Nam, nhấn mạnh sự minh bạch của một doanh nghiệp là rất quan trọng và là thước đo giá trị của công ty. 

"Chúng ta đang sống trong thị trường đầy biến động, do vậy các nhà đầu tư rất cần có minh bạch thông tin trước khi quyết định đầu tư", ông Marco Breu nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nói thêm trước đây có nhiều trường hợp cổ phần hóa chỉ là hình thức vì sau cổ phần hóa nhà nước vẫn nắm 95% đến 98% vốn. 

Như vậy không đạt được mục tiêu đa sở hữu nhưng hiện nay quyết tâm cổ phần hóa rất mạnh mẽ do vậy thị trường vốn và thị trường chứng khoán sẽ có rất nhiều cơ hội và sẽ rất sôi động trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng nếu trước đây giới đầu tư đặt câu hỏi vì sao Nhà nước chỉ bán vốn nhỏ giọt mà không phải 49% vốn, rồi nhắc đến thực tế hiện nay đã có doanh nghiệp nhà nước bán đến 51% vốn.

Điều đó, theo ông Hưng, là một minh chứng Chính phủ đã lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của nhà đầu tư. 

"Tất nhiên khi đứng ở vị trí cơ quan quản lý thì không thể nay thế này mai thế khác nhưng từ những gì diễn ra trong thời gian qua nhà đầu tư có quyền hy vọng những mong mỏi hôm nay của mình sẽ được đáp ứng trong tương lai", ông Hưng nói.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục