Việt Nam đã chi gần 214.000 tỷ đồng trả nợ gốc và lãi vay; "Siêu dự bị" của chính sách tiền tệ có ra sân?; Giá thuốc và dịch vụ y tế đẩy CPI tháng 10 tăng; Audi nhận đặt hàng thanh lý 400 xe phục vụ APEC
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 27-10-2017
- Cập nhật : 27/10/2017
TP.HCM phát thải khí nhà kính khoảng 38,5 triệu tấn CO2, tương đương Seoul, London
Ngày 26.10, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp UBND TP.HCM tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Kiểm kê khí nhà kính (KNK) TP.HCM”. Dự án này được thực hiện trong nhiều năm qua. Đây là lần đầu tiên việc kiểm kê này được thực hiện tại TP.HCM.
Kết quả tính toán của năm 2013 cho biết TP.HCM thải ra lượng KNK tương đương 38,5 triệu tấn CO2. Con số này chiếm khoảng 16% tổng lượng phải thải của VN.
Có đến 46% lượng phát thải này do việc sử dụng năng lượng từ các nguồn cố định như: các tòa nhà (dân cư, thương mại, hành chính và cơ sở hạ tầng), sản xuất công nghiệp và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, phát tán từ dầu và khí thiên nhiên. Chiếm 45% là các hoạt động giao thông, 6% là chất thải, 3% còn lại đến từ hai nguồn khác.
TP.HCM là thành viên của mạng lưới C40 - Nhóm các thành phố lãnh đạo về khí hậu, kết nối 91 thành phố trên khắp thế giới. Các chuyên gia của JICA cho biết, tính đến thời điểm này TP.HCM là một trong 5 thành phố kiểm kê đầy đủ 5 nguồn phát thải gây hiện tượng KNK; 16 thành phố kiểm kê được 3 nguồn phát thải.
Ông Kuwahara, chuyên gia của JICA, nói: Để có được những con số trên chúng tôi đã hợp tác với các ngành chức năng để được cung cấp những số liệu chính thức. Khi so sánh với 16 thành phố khác trong mạng lưới (chỉ so sánh 3 nguồn chính) chúng ta thấy rằng lượng phát thải bình quân đầu người của TP.HCM tương đương với thành phố Seoul (Hàn Quốc) và London (Anh) dù phát triển về kinh tế của TP.HCM chậm hơn nhiều.
Còn nếu tính theo GDP, lượng phát thải KNK của TP.HCM đang dẫn đầu và cao hơn nhiều lần so với các thành phố khác trong mạng lưới C40.
Cũng theo ông Kuwahara, việc kiểm kê này giúp chúng ta định lượng được cụ thể các nguồn gây phát thải KNK và dự báo được lượng phát thải trong tương lai. Điều này giúp chúng ta thiết lập mục tiêu, xây dựng chính sách giảm phát thải hiệu quả. Chính vì vậy việc kiểm kê KNK cần được tiếp tục trong thời gian tới.(Thanhnien)
-----------------------
Trung Quốc tham vọng 'lật đổ' đồng USD
Trung Quốc đang có những động thái lớn để chống lại sự thống trị toàn cầu của đồng USD, nhiều khả năng nước này có thể sẽ hành động trong năm nay.
Theo CNBC, chiến lược mới của Trung Quốc là tìm kiếm sự trợ giúp của thị trường năng lượng. Bắc Kinh có thể đưa ra cách định giá dầu mới trong những tháng tới, nhưng khác với các hợp đồng giao dịch dựa trên đồng USD đang chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, tiêu chuẩn mới sẽ dử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Nếu việc này nhận được sự chấp nhận rộng rãi như hi vọng của Đại lục, thì vị trí đồng tiền mạnh nhất thế giới của đồng bạc xanh sẽ bị thách thức.
Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, vì vậy Bắc Kinh coi việc dùng đồng tiền của họ để định giá cho một trong những mặt hàng quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu là điều hợp lý. Không chỉ Trung Quốc, Nga gần đây cũng đưa ra chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, hạn chế tiếp xúc với rủi ro tiền tệ cũng như lệnh trừng phạt của Mỹ.
“Ít nhất ở thời điểm này trò chơi vẫn chưa thay đổi, nhưng đây sẽ là dấu hiệu bắt đầu thời kỳ suy giảm của đồng USD”, theo Gal Luft, đồng Giám đốc của Viện Phân tích An toàn Toàn cầu, một nhóm chuyên gia về an ninh năng lượng của Washington.
Song, quá trình xây dựng tiêu chuẩn định giá dầu mới của Trung Quốc nhằm cạnh tranh với tiêu chuẩn hiện tại như dầu Brent hoặc West Texas Intermediate (WTI), cả hai đều được niêm yết bằng USD, nhiều khả năng sẽ bị cản trở. Nguyên nhân là do quốc gia châu Á đang phải đối mặt với hoài nghi trong thị trường dầu mỏ và nhận thức toàn cầu cho rằng chính phủ Trung Quốc đang kiểm soát nền kinh tế quá nhiều. Chưa kể, dầu thô đã được niêm yết bằng đồng USD hơn bốn thập niên, đồng thời việc thu hút sự quan tâm từ các thị trường vốn đã quen với đồng bạc xanh như châu Âu, Mỹ, và Trung Đông cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
“Rất nhiều hợp đồng tương lai đã được đưa ra và nhận được sự chú ý. Nhưng kết quả là lượng hợp đồng này đã không trụ lại được vì ''chìa khóa'' vẫn nằm ở khả năng thanh khoản”, Jeff Brown,Giám đốc Công ty tư vấn năng lượng quốc tế FGE, cho hay.
Một trở ngại khác trên con đường tham vọng của Đại lục chính là bản thân đồng nhân dân tệ. Đồng tiền này vẫn chưa được chuyển đổi hoàn toàn, dễ bị can thiệp và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Thực tế này khiến nhiều nhà đầu tư toàn cầu nghi ngại rằng tiêu chuẩn niêm yết dầu mới cũng sẽ bị Bắc Kinh quản lý.
“Quan ngại lớn nhất của tôi là chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp và thiên vị các công ty trong nước. Thách thức lớn nhất trên thị trường dầu mỏ toàn cầu là làm sao để có thể đảm bảo không có một quốc gia hay tổ chức nào có lợi thế vượt trội. Hầu hết các đối tác không thích một hợp đồng mà ở đó vai trò chi phối của chính phủ quá lớn”, John Driscoll, cựu thương gia dầu mỏ có kinh nghiệm gần 40 năm trong nghề, kiêm Giám đốc JTD Energy Services tại Singapore, nói.
Tuy nhiên, bất kể những ý kiến trái chiều, Bắc Kinh vẫn thúc đẩy kế hoạch này. Các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua đưa tin rằng “kế hoạch đã tiến triển nhanh chóng”. Theo Reuters, nước này cũng mở hơn 6.000 tài khoản giao dịch cho hợp đồng dầu thô kỳ hạn để hỗ trợ cho tiêu chuẩn mới.(Thanhnien)
--------------------------
4 thách thức lớn nền kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt
Nợ nần, tăng trưởng lương chậm, kinh doanh thiếu năng động và hàng loạt vụ bê bối trong ngành công nghiệp thời gian qua là những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang phải đối mặt.
Trong vài quý gần đây, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã có một số dấu hiệu tích cực và sự tự tin trong kinh doanh hiện ở mức cao nhất trong một thập niên. Tuy nhiên, vẫn có một loạt thách thức mà quốc gia Đông Á đang phải vật lộn, theo tổng hợp từ CNN.
Khối nợ khổng lồ
Nhật Bản là nước giàu có nợ nần nặng nề nhất thế giới, với nợ chính phủ lớn gấp hai lần nền kinh tế quốc dân. Tokyo cần huy động tiền để trả số nợ này, nhưng họ cũng cần thêm tiền để chăm sóc xã hội cho dân số ngày càng già đi của đất nước. Theo quan điểm của Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe, tập trung tăng trưởng kinh tế sẽ làm cho việc giảm nợ trở nên dễ dàng hơn, vì nó có thể mang lại nhiều khoản thu thuế hơn cho chính phủ. Tuy nhiên, ông Stephen Nagy, Giáo sư Đại học Christian ở Tokyo lại cho rằng: “Tăng trưởng kinh tế chỉ là cách giải quyết vấn đề tài chính trong ngắn hạn”.
Mức tăng thuế doanh thu được đưa ra vào năm 2014 nhằm mục đích mang lại nguồn tài chính dồi dào hơn nhưng kết quả lại đưa nền kinh tế rơi vào suy thoái. Đến thời điểm này các quyết định khó khăn cần phải được thực hiện. Song, khác với một số nước, Nhật Bản không phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Hầu hết các khoản nợ của nước này đều được Ngân hàng trung ương Nhật Bản và các bộ phận khác của chính phủ nắm giữ.
Tăng trưởng lương chậm
Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản ở mức khá thấp so với các nền kinh tế phát triển khác như Pháp, Mỹ. Tuy nhiên, mức lương tăng chậm đã làm nản lòng người lao động tại đây. Điều này dẫn đến lạm phát giảm, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu 2% bất chấp chính sách tiền tệ gay gắt.
Giá cả đình trệ hoặc giảm giá hàng hóa thường được coi là tin xấu đối với nền kinh tế. Người tiêu dùng bỏ qua việc mua sắm khiến các công ty khó tăng lợi nhuận, dẫn đến tình trạng không có tiền để đầu tư vào sản phẩm mới hoặc tăng lương cho nhân viên.
Các vụ bê bối công nghiệp
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã bị cản trở bởi một loạt vụ tai tiếng của những tập đoàn khổng lồ trong vài năm qua. Trường hợp mới nhất diễn ra cách đây vài tuần khi nhà sản xuất thép Kobe Steel thừa nhận đã giả mạo dữ liệu chất lượng sản phẩm bán ra cho những khách hàng lớn như Boeing, Toyota… Nissan tuần qua cũng thông báo sẽ ngừng sản xuất ô tô cho thị trường nội địa vì một số vấn đề liên quan đến kiểm tra an toàn kỹ thuật. Trước đó, danh sách này cũng đã dày đặc bởi lỗi túi khí gây chết người của Takata, trường hợp kinh doanh điện hạt nhân thua lỗ của Toshiba, gian lận số liệu kinh tế của Mitsubishi và vụ tham nhũng của Olympus. “Khả năng cạnh tranh và tiêu chuẩn của các tập đoàn Nhật Bản đang giảm sút”, ông Thomas Clarke, giám đốc trung tâm quản trị doanh nghiệp tại UTS Business School ở Sydney (Úc), nói.
Kinh doanh kém năng động
Theo báo cáo của Capital Economics, khoảng một phần ba số nhân viên Nhật Bản làm việc kém hiệu quả hơn so với các đồng nghiệp ở Mỹ. Số tiền đầu tư vào quốc gia Đông Á từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng ít hơn so với số tiền được bỏ ra cho các nền kinh tế khác. Chưa kể, hơn một phần tư người dân nước này đã trên 65 tuổi, khiến tình hình lao động có phần trì trệ của Nhật Bản khó được cải thiện. “Không có nhiều năng động trong kinh doanh của Nhật Bản”, trích báo cáo của Capital Economics. Các chuyên gia dự đoán nếu chính phủ Tokyo không mạnh dạn hơn trong các cuộc cải cách, thì sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế của đất nước sẽ sớm bốc hơi trong vài năm tới.(Thanhnien)
-------------------------
Singapore không kiểm soát tiền kỹ thuật số
Singapore không có kế hoạch điều tiết các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin, người đứng đầu ngân hàng trung ương nước này cho biết, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, Singapore vẫn sẽ cảnh báo về hoạt động rửa tiền và các rủi ro tiềm ẩn khác từ việc sử dụng tiền kỹ thuật số. “Trong thời điểm hiện tại, tôi không thấy có cơ sở nào để điều chỉnh tiền kỹ thuật số. Thay vào đó, trọng tâm của ngân hàng trung ương là nhìn vào các hoạt động xung quanh hệ thống tiền kỹ thuật số để xác định những rủi ro nào có thể xảy ra, và sau đó điều chỉnh hợp lý ngay từ đó”, Ravi Menon, giám đốc Cơ quan Tiền tệ Singapore, nói.
Sự bùng nổ của bitcoin và các loại tiền tệ số khác đang thu hút sự giám sát thận trọng của các nhà quản lý toàn cầu, mặc dù có nhiều ngân hàng trung ương vẫn chưa vào cuộc. Trung Quốc và Hàn Quốc gần đây đã cấm ICO, hoạt động huy động tài chính của doanh nghiệp cho các dự án tiền ảo, trong khi đó Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng kêu gọi cần phải có quy định để quản lý lĩnh vực này.
“Hiện có rất ít quy định pháp lý cho các loại tiền kỹ thuật số. Thực tế bản thân loại tiền tệ này không gây ra nhiều nguy cơ rủi ro, nhưng chúng lại bị lạm dụng cho những mục đích tài chính phi pháp. Do đó, điều chúng ta cần làm là kiểm soát các hoạt động bất hợp pháp xung quanh tiền kỹ thuật số hơn là chỉ tập trung vào bản thân đồng tiền”, ông Menon nhận định.
Singapore đã yêu cầu các tổ chức trung gian về tiền kỹ thuật số như sàn giao dịch tuân thủ các quy định chống lại nạn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Theo ông Menon, “những điều này sẽ được chính thức hóa trong các quy chế giao dịch sắp tới của chúng tôi. Nếu ICO bao gồm cả việc chia cổ tức hoặc đảm bảo các lợi ích kinh tế khác, thì hoạt động này có thể giống với các đợt chào bán chứng khoán thông thường, và do đó sẽ được bảo vệ bởi đạo luật Chứng khoán và Hàng hóa Singapore”.
Nhiều công ty ở Singapore đã tiến hành ICO, trong đó TenX, công ty khởi nghiệp chuyên về dịch vụ thanh toán qua thẻ, đã thu được 80 triệu USD hồi tháng 6.2017.
Giá trị bitcoin đã vượt qua mốc 6.000 USD lần đầu tiên vào cuối tuần trước, tăng hơn 500% kể từ đầu năm nay. Song, đồng tiền này hiện vẫn phải chịu không ít lời chỉ trích. “Chúng tôi luôn giữ thái độ cởi mở về bitcoin. Tôi nghĩ đồng tiền này đang bị cường điệu quá mức bởi vì mọi người chỉ đơn thuần nghĩ rằng bitcoin là một phương tiện đầu tư và nó sẽ tăng giá trị. Nhưng đó là cách tiếp cận sai lầm đối với việc sử dụng bitcoin cũng như các loại tiền kỹ thuật số khác”, ông Menon cho hay.(Thanhnien)