Thái Lan tiếp tục 'bung' gạo dự trữ; Cơ hội hợp tác năng lượng Việt Nam - Australia; Trung Quốc sắp có tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới?; Việt Nam sẽ bán 1 triệu tấn gạo cho Bangladesh trong 5 năm; Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đường
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 29-10-2017
- Cập nhật : 29/10/2017
Vụ Khaisilk: Đại biểu Quốc hội đề nghị giải tán Hội Bảo vệ người tiêu dùng
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho biết bản thân bà từng rất nhiều lần được tặng lụa Khaisilk và đem tặng lại người khác mà không hề biết rằng đó là hàng giả.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 27/10 về vụ việc của Khaisilk nhập khăn lụa từ Trung Quốc rồi dán mác “Made in Vietnam”, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng cần phải xem Hội Bảo vệ người tiêu dùng “mọc ra” rồi hoạt động như thế nào.
Theo bà Khánh, Hội Bảo vệ người tiêu dùng chưa bao giờ có hoạt động nào để chứng minh họ đang… tồn tại ngoài vụ việc công bố kết luận về chất lượng nước mắm năm 2016.
“Nếu Hội Bảo vệ người tiêu dùng còn hoạt động thì chúng ta cũng cần phải lên tiếng để họ hành động. Còn nếu họ không có hành động gì thì chúng ta cũng không cần sự tồn tại của Hội”, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.
“Theo tôi, Hội Bảo vệ người tiêu dùng không hề có hoạt động gì để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, từ an toàn thực phẩm cho đến những sản phẩm tiêu dùng khác”, Đại biểu Khánh nói tiếp.
Cũng theo bà Khánh, để xảy ra vụ việc này cơ quan Quản lý thị trường cũng cần có trách nhiệm. Cũng có thể từ trước đến nay cơ quan này cho rằng đây không phải là vấn đề gây chết người như vấn đề an toàn thực phẩm, hoặc cũng có thể họ tin tưởng Khaisilk là doanh nghiệp lớn nên không kiểm tra.
“Đây cũng là vụ việc cảnh báo các ngành chức năng không được chủ quan, cần kiểm tra, thanh tra mọi lĩnh vực. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra thường xuyên thì người ta cũng không đến mức vi phạm như vậy. Đây là bài học để các ngành chức năng phải chấn chỉnh.”
Sản phẩm lụa Khaisilk được lựa chọn làm quà tặng giống như một thương hiệu tự hào của người Việt. Bà Khánh thừa nhận bản thân bà cũng từng nhận được rất nhiều quà tặng là sản phẩm mang thương hiệu Khaisilk vào các dịp này dịp kia.
“Bản thân tôi đã được tặng những sản phẩm như thế. Thực ra vì những sản phẩm đấy cũng có thương hiệu nên tôi lại đem đi cho người khác. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho người tiêu dùng từ nay cũng cần phải lên tiếng khi cần thiết.”
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng vụ việc này không những thiệt hại cho khách hàng mà còn thiệt hại cho thương hiệu Việt, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh để mang tính ngăn chặn, răn đe các trường hợp tương tự.
Có nhiều vấn đề pháp lý ở đây, nhân chuyện này phải làm nghiêm để cảnh tỉnh những doanh nghiệp đang làm ăn gian dối, có thể mất hẳn doanh nghiệp này nhưng cứu được những doanh nghiệp khác.
Theo bà Khánh, các doanh nghiệp cần phải biết rằng trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, người tiêu dùng hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Muốn đứng vững trên thị trường, doanh nghiệp phải cống hiến và chấp nhận những bước đi dù khó khăn nhưng nhận ra giá trị thì rất vô giá.(Vnexpress)
----------------------------
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức rất đáng báo động
Theo dữ liệu từ cảm biến chất lượng không khí đặt tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, trong những ngày gần đây, chỉ số AQI của Hà Nội đang ở mức rất xấu.
Được biết, chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được biểu diễn qua một thang điểm.
Theo đó, chỉ số AQI của Hà Nội trong hai ngày gần đây 26/10 và 27/10 đều ở mức xấp xỉ 150 đến 250. Trong khi, mức AQI 150 đã được đánh giá là "Kém", 151 - 200 là "Xấu" và 201- 300 là "Rất xấu".
Mức AQI 150 "Kém" biểu thị bằng màu cam, 151 - 200 là "Xấu" biểu thị bằng màu đỏ và 201- 300 là "Rất xấu" biểu thị bằng màu tím.
Nhìn vào biểu đồ đo AQI theo ngày, thì những ngày gần đây chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở mức rất đáng báo động. Theo đó, trong những ngày trước đó, chỉ số AQI lên trên mức 200 chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, hoặc không xuất hiện nhưng đến ngày hôm qua và hôm nay, chỉ số AQI liên tục lên trên mức 200 và thậm chí còn vượt qua mốc 250.
Chỉ số chất lượng không khí vào thời điểm giữa ngày càng ở mức đáng báo động và có phần giảm xuống vào cuối ngày
Trước đó, vào đầu tháng 10, Trạm quan trắc chất lượng không khí được Đại sứ Quán Hoa Kỳ đặt tại số 7, Láng Hạ, Quận Ba Đình cũng cập nhật chỉ só AQI ở Hà Nội ở mức "rất không tốt cho sức khỏe". Kết quả đó cho thấy mức độ ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội đang ở mức rất xấu, chỉ số AQI lên tới 247, đứng thứ hai trong các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới chỉ sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ (124µg/m3).
Trong năm 2016, Hà Nội cũng đã trải qua 8 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Chỉ số ô nhiễm bụi PM 2.5 ở thủ đô cao gần gấp 2 lần TP.HCM. Về lượng bụi PM 2.5 trung bình năm 2016 ở TP.HCM là 28,23 µg/m3 (quy chuẩn là 25 µg/m3), trong khi tại Hà Nội chỉ số này lên tới 50,5 µg/m3, cao gấp đôi so với ngưỡng quy chuẩn của quốc gia và cao gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình của WHO.(Bizlive)
--------------------------
Đồng USD tăng giá nhờ chính sách “bồ câu” của ECB
Đồng đô la Mỹ hôm 26/10 tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác, nhất là so với đồng euro, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết sẽ duy trì chương trình nới lỏng định lượng đến ít nhất là tháng 9/2018.
Chỉ số ICE U.S. Dollar, so sánh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền mạnh khác (EUR, JPY, CAD, GBP, SEK, CHF), tăng 1% lên 94,683 điểm – mức cao nhất kể từ giữa tháng 7.
Chỉ số WSJ U.S. Dollar, đo lường sức mạnh đồng USD với 1 rổ gồm 16 đồng tiền khác, tăng 0,8% lên 87,82 điểm.
Đồng euro giảm giá 1,38% về 1,1650 USD so với mức 1,1813 USD cuối phiên thứ Tư. Đây là phiên đầu tiên đồng tiền chung để mất mốc 1,17 USD kể từ tháng 7.
So với đồng yen Nhật, đồng USD tăng giá lên 114,05 yen so với 113,74 yen phiên hôm trước.
Đồng bảng Anh cũng giảm giá về 1,3153 USD từ mức 1,3262 phiên hôm thứ Tư.
Ngân hàng Trung ương châu Âu thông báo sẽ tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng (QE) đến ít nhất tháng 9 năm sau, đồng thời cắt giảm 50% quy mô chương trình mua trái phiếu xuống còn 30 tỷ euro/tháng, bắt đầu tháng 1/2018.
Chủ tịch ECB cho biết nền kinh tế Mỹ đang trong chu kỳ phục hồi so với khu vực Eurozone và lãi suất ở châu Âu sẽ giữ mức thấp “thêm một thời gian dài nữa”.
Simon Wells, kinh tế gia trưởng của HSBC châu Âu, cho rằng việc ECB ra tín hiệu kết thúc QE vào năm sau, và giảm chương trình mua trái phiếu còn 1 nửa về tổng thể được nhìn nhận là “bồ câu” và thị trường đã phản ứng tương tự.
“Bằng việc kéo dài chương trình mua trái phiếu thêm 9 tháng và định hướng lãi suất điều hành sẽ ở mức hiện tại ở thời gian dài sau khi chương trình mua trái phiếu kết thúc, ECB đang cố giữ cho kỳ vọng của thị trường về tăng lãi suất ở mức thấp và điều này sẽ làm hạn chế bất kỳ đà tăng giá nào của đồng euro”, Wells nói thêm.
Đối với giới buôn đồng USD, tâm điểm chú ý là ai sẽ là người lãnh đạo Fed tiếp theo. Các hãng tin cho biết bà Janet Yellen không còn tranh đua chức chủ tịch Fed thêm nhiệm kỳ nữa. Thống đốc Fed Jerome Powell và chuyên gia kinh tế Đại học Stanford John Taylor được coi là 2 ứng viên mạnh nhất để thay thế bà Yellen.
Tổng thống Trump được cho là sẽ công bố chọn ai cho chức vụ này trước chuyến công du châu Á vào ngày 3/11. (Bizlive)
------------------------
HDG sẽ ra sao khi Bộ Quốc phòng thoái hết vốn?
Tuy đăng ký thoái hết vốn, nhưng đến nay Bộ Quốc phòng chỉ bán được 771.000 cổ phiếu tại CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG) trong đợt giao dịch trước và giảm sở hữu xuống còn 8,92%, tương đương 6,78 triệu cổ phiếu. Nếu Bộ Quốc phòng thoái vốn thành công tại HDG, thì doanh nghiệp này sẽ trở thành doanh nghiệp 100% vốn tư nhân.
Ảnh minh họa.
Mới đây, thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết, Bộ Quốc phòng vừa đăng ký bán 6.783.316 cổ phiếu HDG (8,93%).
Phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thoả thuận. Thời gian giao dịch dự kiến từ 30/10 - 28/11/2017. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của Bộ Quốc phòng sẽ giảm về 0%. Với thị giá cổ phiếu HDG hiện dao động quanh ngưỡng 31.500 đồng/CP, Bộ Quốc phòng có thể thu về khoảng 214 tỷ đồng.
Trước đó vào cuối tháng 9, Bộ Quốc phòng cũng công bố thoái hết 7.554.316 cổ phần HDG, song chỉ bán được 771.000 cổ phần ngày 29/9
HDG tiền thân là xí nghiệp xây dựng trực thuộc Bộ Quốc phòng ra đời tháng 10/1990 do ông Nguyễn Trọng Thông làm Giám đốc.
Năm 2004, doanh nghiệp này được cổ phần hoá và niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2010. HDG hiện là thương hiệu uy tín trong lĩnh vực bất động sản và thuỷ điện.
Nửa đầu năm 2017, HDG đạt doanh thu hợp nhất 755 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ việc tiếp tục ghi nhận doanh thu từ bán khu thấp tầng thuộc dự án Centrosa Garden và phần đóng góp của nhà máy thủy điện. Lãi sau thuế 10,8 tỷ đồng; tổng tài sản tới cuối kỳ đạt 7.906 tỷ đồng, vốn điều lệ 760 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu kinh doanh bất động sản đạt 310,99 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng doanh thu hợp nhất và tăng gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng kinh doanh có biên lợi nhuận gộp cao nhất (gần 77%) của HDG là khai thác thủy điện thông qua công ty con là Công ty CP Za Hưng đã tăng trưởng mạnh trên 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng gần 40 lần so với 6 tháng đầu năm 2016 khi Công ty hạch toán 142 tỷ đồng là chi phí môi giới và bán hàng. Tiếp đến, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm 62,9%, chi phí lãi vay tăng thêm 42,75% so với cùng kỳ 2016.
Thu không đủ chi khiến cho lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm hơn 20,13 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 6 tháng chỉ đạt 10,77 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức kế hoạch 245 tỷ đồng được phê duyệt tại ĐHĐCĐ thường niên 2017. Nguyên nhân được phía Công ty giải trình là do tạm hoãn ghi nhận doanh thu tài chính từ nguồn chi trả cổ tức của công ty con.
Bên cạnh mảng bất động sản, HDG đang đẩy mạnh đầu tư sang lĩnh vực năng lượng. Sau 10 năm đầu tư và vận hành thủy điện, đến nay sản lượng điện của HDG đã cán mốc 800 triệu KWh/năm. Năm 2017, Tập đoàn này mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh mới là năng lượng tái tạo với việc phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời ở Bình Thuận, Ninh Thuận và các tỉnh phía Nam….
Việc cổ đông lớn thoái vốn và doanh nghiệp này mở rộng đầu tư sang mảng năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới cho HDG. Tuy nhiên kết quả kinh doanh hiện tại lại gây thất vọng cho nhà đầu tư.
Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, trong 10 doanh nghiệp bất động sản có lượng hàng tồn kho lớn nhất cả nước, đứng đầu Tập đoàn Vingroup, thứ hai là Tập đoàn Novaland, Kinh Bắc xếp vị trí thứ 3 và HDG xếp ở thứ 4.
Ngoài ra còn có Sacomreal với 3.606 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long 3.698 tỷ đồng, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 2.855 tỷ đồng,...
Trong 3 tháng qua, cổ phiếu HDG có lúc đạt đỉnh lên tới 35.200 đồng/cổ phiếu (26/9) và thấp nhất là 30.400 đồng/cổ phiếu (1/8), hiện nay, HDG đang được giao dịch quanh mức 32.000 đồng/cổ phiếu.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017, HDG đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.812 tỷ đồng, tăng 40% so với thực hiện 2016. Lợi nhuận trước thuế 305,8 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm trước. (DDDN)