tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 27-10-2017

  • Cập nhật : 27/10/2017

ĐBSCL kêu gọi đầu tư du lịch, hạ tầng gần 160.000 tỉ

Du lịch ĐBSCL có nhiều tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng, dịch vụ còn rất hạn chế.

dbscl keu goi dau tu du lich, ha tang gan 160.000 ti

ĐBSCL kêu gọi đầu tư du lịch, hạ tầng gần 160.000 tỉ


Ngày 25-10, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với câu lạc bộ các trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư và du lịch 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hội nghị thường niên đầu tư vào ĐBSCL lần thứ V năm 2017 với chủ đề “Thu hút đầu tư hạ tầng – nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL”.

Theo Ban tổ chức, Hội nghị có sự tham gia của các tập đoàn kinh tế lớn về tư vấn đầu tư, dịch vụ bất động sản du lịch, logistic như Savills, CBRE, Phú Mỹ Hưng, Akubai, Công ty xây dựng và bất động sản Hòa Bình, Vietnam Consulting Group, Habour, Hiệp hội bất động sản TP.HCM…

Tại hội nghị này, các địa phương giới thiệu, mời gọi đầu tư 33 dự án thuộc nhóm bất động và du lịch với tổng vốn đầu tư gần 7.800 tỉ và 45 dự án khác liên quan đến các ngành công nghiệp, nông nghiệp, chế biến, hạ tầng logistic với tổng vốn dự kiến 150.000 tỉ.

Một số dự án về du lịch có vốn đầu tư lớn như Khu du lịch sinh thái U Minh Thượng (Kiên Giang) với vốn đầu tư 2600 tỉ; Khu dịch vụ du lịch xã Mỹ Đức (Kiên Giang) -2250 tỉ;  Khu du lịch Mũi Cà Mau (Cà Mau) – 1000 tỉ; Khu du lịch sinh thái Búng Bình Thiên (An Giang) – 600 tỉ…

Đại diện Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng cơ sở lưu trú trong vùng còn thiếu rất nhiều so với quy hoạch, khu vui chơi giải trí lớn chỉ có hai điểm là Vinpearl Phú Quốc và Nhà Mát Bạc Liêu, điểm dừng chân lớn rất ít, chưa có trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp có quy mô lớn…

Tiềm năng du lịch có nhiều nhưng cơ sở hạ tầng, dịch vụ còn thiếu nhiều như vậy cần sớm được đầu tư để phát triển ngành du lịch thực sự trở thành mũi nhọn.

Theo TS Võ Hùng Dũng – Giám đốc VCCI Cần Thơ, cải thiện đầu tư  FDI vào ĐBSCL được khởi sắc từ năm 2015 – lần đầu tiên với số vốn lên tới 3,65 tỉ USD, chiếm 9% tổng vốn FDI cả nước. Vốn đầu tư gia tăng đã làm thay đổi diện mạo của TP Cần Thơ và một số đô thị trong vùng.

Sự thay đổi này cho thấy sức sống của vùng ĐBSCL trong thời gian tới trở nên phát triển hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.(PLO)
-------------------------------

Chính Phủ Trung Quốc phát hành trái phiếu USD sau hơn 10 năm

Nhu cầu tham gia đấu thầu trái phiếu bằng USD do chính phủ Trung Quốc phát hành vượt xa khối lượng dự kiến. Bộ tài chính Trung Quốc cho biết, có khoảng 10 tỷ USD đăng ký tham gia cho khối lượng dự kiến là 2 tỷ USD.

Đây là đợt phát hành trái phiếu USD đầu tiên kể từ năm 2004, và dự kiến chia theo 2 kỳ hạn 5 năm và 10 năm, với khối lượng tương ứng là 1 tỷ USD mỗi loại. Trong đó, lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 5 năm tương đương lãi suất tín phiếu kho bạc cộng biên độ 30-40 điểm cơ bản (100 điểm cơ bản bằng 1 điểm %), kỳ hạn 10 năm cộng biên độ 40-50 điểm cơ bản.

Thu nhập từ trái phiếu trên sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân hay thu nhập doanh nghiệp tại cả Trung Quốc và Hồng Kông. Hơn nữa, Hồng Kông đang nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi được miễn thuế đối với tất cả các trái phiếu chính phủ được phát hành bằng ngoại tệ.

Tiền thu được của đợt phát hành sẽ sử dụng cho các mục đích chung của chính phủ.

Bank of China, Bank of Communications, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, CICC, Citigroup, Deutsche Bank, HSBC, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc và Standard Chartered Bank cùng tham gia quản lý và bảo lãnh phát hành.

Trong một tuyên bố đăng trên trang web hôm thứ 3, Bộ tài chính Trung Quốc cho hay việc chào bán chủ yếu nhằm đẩy mạnh mở cửa hệ thống tài chính của đất nước và giúp thiết lập một chuẩn mực định giá đối với trái phiếu ngoại tệ của Trung Quốc. (NDH)
----------------------------

Vietjet đạt gần 3.000 tỷ đồng lợi nhuận sau 9 tháng

Trong quý 3, lợi nhuận trước thuế Vietjet đạt 1.054 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước

Công ty cổ phần hàng không Vietjet (mã chứng khoán VJC) vừa công bố thông tin về ước kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2017.

Qúy 3/2017, nhờ việc mở rộng thêm các đường bay mới và tăng cường khai thác các đường bay hiện có, doanh thu và lợi nhuận của Vietjet tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể,doanh thu vận chuyển hàng không đạt 6.142 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.054 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế 9 tháng đạt 2.982 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2017, tổng tài sản của Công ty đạt 26.289 tỷ đồng, tăng 57,39 % so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm nay, với việc nhận thêm 5 tàu bay, Vietjet khai trương thêm 13 đường bay mới, nâng tổng số đường bay khai thác lên 73. Trong đó, số đường bay nội địa là 38, số đường bay quốc tế là 35. Tỷ lệ đúng giờ 9 tháng đạt 85,4%.

Trong quý 4, Vietjet dự kiến sẽ mở thêm 6 đường bay mới, nâng tổng số đường bay mở thêm của cả năm 2017 lên 19 đường.

Dựa trên kết quả kinh doanh hiện đã đạt được, Vietjet ước tính lợi nhuận trước thuế vượt khoảng 10% so với kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.(NDH)
-------------------------------

Giá thép Trung Quốc tăng liên tiếp trong 4 phiên

Trong bối cảnh lệnh thắt chặt sản lượng và trữ lượng thép của Trung Quốc chuẩn bị có hiệu lực, giá thép tăng liên tiếp trong 4 phiên.

Giá thép thanh giao sau tại Thượng Hải tăng gần 2% vào hôm thứ 4, đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên liên tiếp do nguồn cung bị thắt chặt trước nỗi lo chính phủ cắt giảm sản lượng và trữ lượng thép trong mùa đông.

Các nhà máy phía bắc Trung Quốc đang thực hiện cắt giảm sản lượng theo yêu cầu của chính phủ nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Chính sách này của Bắc Kinh đã giúp giá thép tăng 6% kể từ giữa tháng 10.

Trữ lượng thép thanh giảm gần 5% tính từ đầu tháng 10 đến ngày 20/10 giảm xuống còn 4,15 triệu tấn, theo dữ liệu từ SteelHome.

Giá thép thanh tại Sàn Giao dịch Tương lai tăng 1,7% đạt 3.792 nhân dân tệ (tương đương 571 USD)/tấn sau khi chạm mức cao nhất trong vòng 1 tuần là 3.814 nhân dân tệ/tấn.

Trong khi đó, một số nhà máy thép đang thu hẹp hoạt động sản xuất. Các chuyên gia phân tích tại công ty Marex Spectron cho rằng quá trình cắt giảm sản lượng có thể diễn ra chậm nếu biên lợi nhuận tiếp tục giữ ở mức cao. Họ sẽ sản xuất nhiều thép nhất có thể trước khi lệnh cấm có hiệu lực để thu khoản lợi nhuận lớn từ việc giá thép tăng cao.

Hàng năm, chính phủ thắt chặt sản lượng thép vào mùa đông khi tình hình ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng. Giai đoạn cắt giảm sản lượng thường kéo dài từ tháng 12 năm nay đến tháng 2 năm sau. Thế nhưng năm nay, chính phủ khởi động cắt giảm sớm hơn, bắt đầu từ từ tháng 11 kéo dài đến tháng 3/2018 và áp dụng trên 26 thành phố lớn trong đó bao gồm cả Bắc Kinh.

Thành phố Hàm Đan (thuộc tỉnh Hà Bắc) và thành phố Trịnh Châu (thuộc tỉnh Hà Nam) thậm chí bắt đầu chiến dịch cắt giảm 50% sản lượng kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Việc kéo dài thời gian thắt chặt sản lượng thép có vẻ như nhằm mục đích xoa dịu tình hình bong bóng thị trường nhà ở mới nổi. Một số thành phố như Nam Xương, Tây An và Trung Khánh cũng đang bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua nhà.

Bắc Kinh, thành phố đang phải vật lộn với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đã cấm thi công công trình công cộng như cầu, đường ở một số thành phố trong 5 tháng bắt đầu từ tháng 11.

Giá thép giao sau tăng khiến giá nguyên liệu thô là quặng sắt cũng tăng theo. Giá quặng sắt giao trong tháng 1/2018 tại Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên tăng 0,7% lên 463 nhân dân tệ/tấn. Nhu cầu quặng sắt chất lượng cao vẫn ở thế vững, một thương lái cho hay.

Giá quặng sắt giao đến cảng Qingdao, Trung Quốc hôm thứ 3 tăng 0,7% lên 62,42 USD/tấn.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục