Trung Quốc chuẩn bị ra mắt hợp đồng dầu tương lai bằng Nhân dân tệ; Điều gì đã tạo cho bất động sản Hạ Long biến động; Mỹ có thể hủy chương trình nhập cư DACA; HSC: Nhà nước sẽ bán 53,59% vốn cổ phần tại Sabeco
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 05-09-2017
- Cập nhật : 05/09/2017
Malaysia cấm túi ni lông, hộp xốp
Chính phủ Malaysia vừa ban hành lệnh cấm sử dụng sản phẩm túi ni lông và hộp xốp trong việc mua sắm tại thủ đô Kuala Lumpur, trung tâm hành chính mới Putrajaya và trung tâm thương mại Labuan.
Theo đó, từ ngày 1.9, hàng ngàn siêu thị và cơ sở buôn bán tại các vùng lãnh thổ liên bang nói trên phải yêu cầu khách hàng sử dụng túi, hộp thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy tốt hơn. Chính phủ cũng sẽ mở các chốt kiểm tra để đảm bảo quy định được tuân thủ đầy đủ, theo tờ The Straits Times.
Giới chức Malaysia cho biết túi ni lông thông thường phải mất 500 năm mới có thể phân hủy. Điều này làm gia tăng chi phí quản lý chất thải tại các khu chứa rác vì không thể tái sử dụng ngay được, trong khi chính phủ chưa thể nhanh chóng mở thêm các công xưởng tái chế rác chuyên xử lý túi ni lông và hộp xốp. Ngoài ra, loại vật liệu khó phân hủy này còn gây ô nhiễm, làm tắc nghẽn sông và hệ thống cống rãnh. Chính phủ mong muốn thúc đẩy việc sử dụng túi sinh học đựng thực phẩm có thể phân hủy trong vòng 6 tháng, tuy nhiên giá thành sản phẩm mới gấp khoảng 3 lần loại túi thông thường.(Thanhnien)
-----------------------
Amazon và Alibaba đua cán mốc vốn hóa 500 tỷ USD
Alibaba có thể sẽ vượt Amazon trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới trong tháng 9 và chạm mốc vốn hóa 500 tỷ USD trước.
Amazon đang có một năm kinh doanh tốt đẹp, nhưng Alibaba còn lại có kết quả tốt hơn thế. Alibaba sắp vượt Amazon để trở thành công ty thương mại điện tử có mức vốn hóa cao nhất thị trường. Giá cổ phiếu Amazon đã tăng 30% trong năm nay trong khi cổ phiếu Alibaba đã tăng gần gấp đôi, đưa hai công ty vào cuộc đua đến mốc giá trị vốn hóa 500 tỷ USD.
Các nhà đầu tư đang yêu thích cổ phiếu của cả hai công ty này. Mỗi công ty đang chiếm ưu thế tại thị trường thương mại điện tử tương ứng. Amazon chiếm thị phần lớn ở Mỹ trong khi Alibaba “bá chủ” ở Trung Quốc. Cả hai công ty cũng đang lấn sân sang các mảng khác như hệ thống bán lẻ, nội dung hay điện toán đám mây.
Có một sự khác biệt là thị trường Trung Quốc và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh hơn và các nhà đầu tư nhìn thấy Alibaba như một đại diện cho sự tăng trưởng đó. Đây cũng là lý do mà gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đang bắt kịp Amazon. Hơn thế, Alibaba còn thu hút một số tên tuổi lớn trong ngành quỹ phòng hộ như David Tepper và Dan Loeb, những người đã mua cổ phiếu trong năm nay.
Alibaba đang có một số lợi thế hơn để sớm chạm mốc vốn hóa 500 tỷ USD trước Amazon.
Cổ phiếu Alibaba và Amazon đều đang nhận được rất nhiều tình cảm từ các nhà phân tích mặc dù Alibaba có phần lợi thế hơn. Không công ty nào trong 47 công ty môi giới chứng khoán chuyên phân tích cổ phiếu Alibaba đưa ra khuyến nghị bán. Theo FactSet, giá mục tiêu trung bình của Alibaba là 197,51 USD mỗi cổ phiếu, cao hơn 15% so với mức giá đóng cửa phiên cuối tuần trước.
Trong khi đó, đã có một trong số 44 công ty môi giới chuyên phân tích cổ phiếu Amazon đưa ra khuyến nghị bán cổ phiếu hãng này với giá mục tiêu trung bình là 1.150,4 6USD mỗi cổ phiếu, cao hơn 17% so với mức giá đóng cửa cuối tuần trước.
Mặc dù có sức hút lớn nhưng đây cũng là hai cổ phiếu gây nhiều tranh cãi trên thị trường. Đặc biệt là cổ phiếu Alibaba, vốn đang bị bán không nhiều nhất trên thế giới.
Theo số liệu của Công ty phân tích tài chính S3 Partners, vị thế bán không của cổ phiếu Alibaba tổng cộng gần 23 tỷ USD. Đứng ở vị trí thứ hai là cổ phiếu Tesla với khoảng 10,4 tỷ USD. Tiếp theo là Apple với 7,1 tỷ USD và AT&T với 6,6 tỷ USD. Trong khi đó, vị thế bán không của Netflix và Amazon cùng đạt tầm khoảng 5 tỷ USD.
Theo lý giải của CNBC, các nhà đầu tư xem Alibaba là đại diện cho nền kinh tế Trung Quốc. Việc bán khống cổ phiếu Alibaba là một cách để đặt cược vào sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và thị trường chứng khoán nước này.
Tuy nhiên, những ai bán khống cổ phiếu Alibaba năm nay đang trải qua một cơn “đau tim” do sự tăng giá mạnh của cổ phiếu này. Các nhà đầu tư đã mất hơn 10 tỷ USD trong năm nay và 2,8 tỷ USD riêng trong tháng 8 vì cổ phiếu Alibaba tăng 10%. Dự báo, nếu cổ phiếu Alibaba tiếp tục tăng 10% nữa trong tháng này thì công ty sẽ vượt mặt Amazon về giá trị vốn hóa.(Vnexpress)
-------------------------------
Cao ốc bị gán nợ, dân có mất nhà?
Như tin đã đưa, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam - VAMC đã thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Tài sản bị thu giữ là dự án cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.
Từ khi Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực, đây là tài sản đầu tiên và lớn nhất mà VAMC thu giữ. Trong tương lai, có thể sẽ còn nhiều dự án khác bị xử lý theo cách tương tự. Vậy quyền lợi của những người đã đăng ký mua căn hộ tại các dự án bị thu giữ có bị ảnh hưởng?
Có thể bán đấu giá tòa nhà
Dự án Saigon One Tower có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng, khởi công từ năm 2007. Sau hai năm khởi công, dự án rơi vào bế tắc. Tính đến thời điểm ngưng thi công vào cuối năm 2011, khoảng 80% khối lượng công việc đã hoàn thành.
Ngày 21-8, VAMC đã thu giữ tòa nhà để xử lý và thu hồi nợ của Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower (tổng dư nợ gốc và lãi lên đến trên 7.000 tỉ đồng). Trong văn bản thông báo thu giữ tài sản, VAMC cho hay sẽ thực hiện thu giữ quyền sở hữu và quyền khai thác kinh doanh toàn bộ công trình xây dựng tầng, khu trung tâm thương mại, khu văn phòng cho thuê, các công trình phụ; quyền sở hữu gần 15.000 m2 diện tích khai thác kinh doanh thực tế của khu căn hộ cao cấp.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, việc VAMC thu giữ tòa nhà không đồng nghĩa với việc họ hay tổ chức tín dụng có quyền sở hữu đối với dự án Saigon One Tower. Chủ sở hữu của dự án vẫn là Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower. Chỉ khi nào Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower đã đăng ký sang tên bằng hợp đồng và thủ tục hợp pháp cho người khác thì pháp luật mới thừa nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu mới.
“Ở đây, VAMC được quyền đòi nợ chủ đầu tư dự án, không đòi được thì xử lý tài sản bảo đảm. Để xử lý tài sản bảo đảm, VAMC có thể nhận chính tài sản này để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ hoặc bán cho tổ chức khác chẳng hạn” - luật sư Đức nói.
Còn chuyên gia ngành tài chính ngân hàng Trần Khiết Hùng cho biết: VAMC thu giữ và xử lý tài sản đó bằng cách bán đấu giá. Bởi nếu không xử lý như vậy thì dự án đó không biết đến khi nào mới tái khởi động. Và nếu thời gian “đắp chiếu” càng lâu thì quyền lợi của người mua nhà mới càng có nguy cơ không được bảo đảm.
Là dự án lớn lại nằm tại vị trí đất vàng thuộc trung tâm TP.HCM nhưng sau hai năm khởi công, Saigon One Tower rơi vào khó khăn. Đến cuối năm 2011, khi 80% khối lượng công trình đã hoàn thành, dự án bắt buộc phải ngừng thi công. Ảnh: HOÀNG GIANG
Người dân không lo mất tài sản
Khảo sát trên các trang quảng cáo mua bán bất động sản, rất hiếm tìm thấy khách hàng nào rao bán căn hộ thuộc dự án Saigon One Tower. Hiếm lắm mới thấy một quảng cáo rao vặt bán gấp một căn hộ từ dự án này nhưng đã từ năm 2015. Gọi cho anh Trần Thanh Tùng, người xưng là nhân viên môi giới của dự án này, chúng tôi được biết: Hiện anh Tùng đã không còn làm môi giới giao dịch căn hộ thuộc dự án này nữa rồi.
“Chả ai dại gì đầu tư vào dự án đã đắp chiếu gần 10 năm như thế. Bởi với một số vốn đầu tư lên đến cả chục tỉ đồng, khách hàng dễ dàng có những lựa chọn tốt hơn gấp nhiều lần. Chưa kể giờ đây lại còn bị VAMC thu giữ thì không biết quyền lợi của khách hàng sẽ ra sao” - anh Tùng nói thêm.
Anh Phạm Tú, nhà đầu tư bất động sản khác, nói thêm: Chỉ với riêng việc “ngâm” gần chục tỉ đồng suốt 10 năm mà không sinh một đồng lãi nào cộng thêm với việc trượt giá cũng đủ khiến nhà đầu tư lao đao. Nhưng ngay cả khi nhà đầu tư của Saigon One Tower chấp nhận bán tống, bán tháo trong thời điểm này cũng chẳng có ai mua. Đó là lý do vì sao trên thị trường hiện không xuất hiện bất cứ một thông tin rao bán nào liên quan đến dự án này.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Trần Khiết Hùng trấn an: Về mặt quyền lợi, người dân mua căn hộ tại các dự án bị thu giữ tương tự như Saigon One Tower hoàn toàn yên tâm. Bởi khi bán đấu giá thì trong hồ sơ mời dự thầu sẽ bao gồm cả danh sách các khách hàng đã mua hợp pháp các căn hộ của dự án. Do đó, tổ chức nào trúng thầu cũng sẽ buộc phải kế thừa quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư ban đầu đối với các khách hàng đã mua căn hộ hợp pháp trước đó.
“Chỉ trừ khi chủ đầu tư mới được phép thay đổi thiết kế, dẫn đến giá thành căn hộ tăng lên thì lúc này cả khách hàng và chủ đầu tư mới sẽ phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, thảo luận để đi đến thống nhất ý kiến giữa các bên” - ông Hùng nói.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết thêm: Nếu trước đây việc mua bán diễn ra bất hợp pháp (ví dụ như chủ đầu tư bán chui hoặc khách hàng mua phải căn hộ bất hợp pháp - như phần xây lố của tòa nhà 8B Lê Trực) thì bên VAMC được quyền xử lý, thu hồi nợ và nếu bên bán phá sản thì khách hàng có nguy cơ mất trắng. Nhưng nếu khách hàng đã thực hiện nghĩa vụ tài chính 100% cho chủ đầu tư thì sẽ có quyền sở hữu đối với căn hộ theo quy định của Luật Nhà ở. Đã có quyền sở hữu thì không ai có quyền xâm phạm tài sản của người mua.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Văn phòng luật SB Law) nói: VAMC chỉ có quyền thu giữ những tài sản mà chủ đầu tư cũ chưa bán thôi. Còn các căn hộ đã bán rồi thì họ không có quyền thu giữ và phát mại. Bởi người dân đã bỏ tiền ra để mua thì họ đã xác lập quyền sở hữu đối với tài sản mà mình đã mua. Chủ đầu tư mới sẽ vẫn phải tôn trọng hợp đồng mua bán hợp pháp của khách hàng. Bởi giao dịch của khách hàng diễn ra trước thời điểm dự án bị thu giữ và đó là giao dịch hợp pháp, được pháp luật thừa nhận và công nhận. (PLO)
Nguyên tắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm là phải bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân nếu họ đã thực hiện đúng pháp luật. Còn công tác quản lý khoản vay và tài sản bảo đảm yếu kém, sơ hở dẫn đến không thu hồi được nợ thì đó lỗi của ngân hàng, cơ quan quản lý chứ không thể bắt dân chịu được.
Luật sưNguyễn Thanh Hà,Văn phòng luật SB Law
-----------------------------------
Nhiều doanh nghiệp đang "nằm trên thớt"
Trong đầu năm 2017 đã có không ít cổ phiếu đã bị hủy niêm yết, thế nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp thuộc diện kiểm soát và bị cảnh báo khác như đang nằm “trên thớt” và có thể bị hủy niêm yết bất cứ lúc nào.
Dẫu biết việc điều hành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không phải là chuyện dễ dàng, nhưng một khi đã niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán thì các doanh nghiệp cũng cần phải tuân thủ các quy định. Có như thế, các doanh nghiệp mới có thể tránh xa các “án tử” hủy niêm yết.
Từ trước đến nay, thị trường đã không còn quá xa lạ khi thấy cảnh các doanh nghiệp không niêm yết trên sàn, thậm chí là nhiều nhà đầu tư còn bị “kẹp hàng” do không giao dịch được. Đầu năm 2017 đến nay đã có nhiều doanh nghiệp bị hủy niêm yết theo nhiều phương cách khác nhau, thế nhưng án tử này sẽ chưa có dừng lại và sẽ còn bao nhiêu doanh nghiệp sắp bị thêm vào “danh sách đen” này trong thời gian tới.
Muôn vàn kiểu “chết” từ án hủy niêm yết
Từ đầu năm 2017 đến này đã có nhiều công ty bị hủy niêm yết, điển hình như SDH, VNH, BHS, BGM, Vinaship, G20,… Còn lý do để công ty bị hủy niêm yết thì lại khá đa dạng, những ví dụ sau sẽ cho thấy rõ hơn điều này.
Kết quả kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2014, 2015 và 2016), CTCP Xây dựng Hạ tầng Sông Đà (HNX: SDH) đã bị hủy niêm yết trên HNX gần 21 triệu CP kể từ 08/09. Với lý do tương tự, cổ phiếu CTCP Thủy hải sản Việt Nhật (HOSE: VNH) cũng bị HoSE hủy niêm yết hơn 8 triệu cổ phiếu kể từ ngày 23/3/2017.
Hay hơn 20 triệu CP VNA của CTCP Vận tải biển Vinaship cũng chính thức không còn xuất hiện trên HoSE từ ngày 21/04/2017. Lý do là công ty đã lỗ lũy kế tổng cộng hơn 205 tỷ đồng vượt mức vốn điều lệ thực góp 200 tỷ.
Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, gần 11 triệu CP của CTCP Đầu tư tài chính Giáo dục (HNX: EFI) và gần 46 triệu CP của CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc Giang (HoSE: BGM) nhận án phạt. Trong đó, EFI bị hủy niêm yết kể từ ngày 17/4/2017, còn BGM kể từ ngày 10/08/2017.
Vào đầu năm, Công ty Cổ phần NTACO (HoSE: ATA) bị hủy niêm yết gần 12 triệu cổ phiếu từ ngày 06/02/2017 do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của Công ty.
Cũng do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2016, gần 15 triệu cổ phiếu HDO của CTCP Hưng Đạo Container chính thức không còn tồn tại trên HNX từ ngày 26/05 và PVR, G20 cũng nhận án hủy niêm yết lần lượt từ 26/5 và 21/07/2017.
Cũng có cổ phiếu hủy niêm yết do sáp nhập, giải thể như gần 298 triệu CP của CTCP Đường Biên Hòa (HoSE: BHS) đã không còn giao dịch trên HoSE kể từ 30/08/2017 để hoán đổi thành cổ phiếu SBT.
Thị trường cũng còn khá nhiều trường hợp hủy niêm yết khác. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư chết điếng, không chỉ mất tiền trước đợt lao dốc mạnh của cổ phiếu mà còn phải cắn răng chịu cảnh "kẹp hàng" từ các đợt tạm ngưng giao dịch đến án hủy niêm yết bắt buộc.
Những tên tuổi nào đang lọt vào “tầm ngắm” của án hủy niêm yết?
Bên cạnh những nỗi buồn do việc công ty kinh doanh thua lỗ, vi phạm công bố thông tin hay thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính, cổ đông của nhiều doanh nghiệp này còn lo lắng hơn về tương lai cũng như khả năng bị hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp.
Nổi lên gần đây sau “lùm xùm” báo cáo tài chính bán niên 2017, cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết rất cao.
Tại thời điểm cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành là 1.767 tỷ đồng, vượt 322 tỷ đồng so với vốn điều lệ hiện tại là 1.446 tỷ đồng. Nhờ phép màu “lợi nhuận khác” mà TTF đã thoát cảnh 5 quý liên tiếp báo lỗ từ quý II/2016. Qua đó ghi nhận lãi ròng 6 tháng 891 triệu đồng.
Tuy nhiên trong BCTC HN bán niên đã soát xét, kiểm toán đã có lưu ý về khoản chênh lệch thiếu số dư hàng tồn kho 1.052 tỷ và khoản lãi vay được miễn giảm 84,7 tỷ đồng của Công ty.
Tính đến cuối quý II/2017, hàng tồn kho của TTF gần 1.692 tỷ; tổng nợ phải trả là 3.565 tỷ và lỗ lũy kế đang là hơn 1.416 tỷ đồng.
Một cái tên “sáng giá” khác CTCP Đầu Tư Cao Su Quảng Nam (HOSE: VHG) khi mới đây tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, cổ đông đã đề xuất việc hủy niêm yết toàn bộ CP và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Cuối cùng Ban lãnh đạo và cổ đông đồng thuận hủy niêm yết.
Được biết trong năm 2016, VHG thua lỗ hơn 30 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến quý II/2017 là 114,8 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty lại đặt mục tiêu năm 2017 với doanh thu 500 tỷ nhưng lỗ ròng tới 200 tỷ đồng.
Hiện VHG đã bị đưa vào diện bị cảnh báo nhưng việc Công ty tiếp tục thua lỗ sẽ khiến cổ phiếu rơi vào diện bị kiểm soát đặc biệt, thời gian giao dịch sẽ bị rút ngắn còn 15 phút cuối phiên, hoặc không được giao dịch.
Một cái tên đáng nhắc là CTCP Tập đoàn Đại Dương (HoSE: OGC) khi kiểm toán nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty trong BCTC bán niên đã soát xét.
Cụ thể, tại thuyết minh BCTC HN giữa niên độ, tài sản ngắn hạn của Công ty nhỏ hơn nợ ngắn hạn khoảng 702,6 tỷ đồng, cuối 2016 chỉ khoảng 510,2 tỷ. Số lỗ lũy kế của Công ty cuối quý II/2017 khoảng 2.763 tỷ đồng, cuối 2016 là 2.480 tỷ; con số này sắp vượt vốn điều lệ 3.000 tỷ của OGC. Như vậy, nếu không có cải thiện nào vào cuối năm và minh bạch hơn trong BCTC, khả năng cổ phiếu OGC sẽ nhận án phạt từ HoSE. Hiện tại cổ phiếu đang thuộc diện bị kiểm soát.
CTCP Văn hóa Phương Nam (HoSE: PNC) cũng bị liệt vào chứng khoán thuộc diện kiểm soát đặc biệt khi Công ty lỗ lũy kế kéo dài, tính đến cuối quý II/2017, mức lỗ lũy kế hiện 28,5 tỷ đồng.
Được biết, sau 3 lần Đại hội thường niên năm 2017 và 3 lần ĐHĐCĐ bất thường trước đó, PNC đều chưa thể thông qua cáo tài chính năm 2016, báo cáo BKS năm 2016, kế hoạch kinh doanh năm 2017 và bầu cử Hội đồng quản trị.
Và vẫn còn khá nhiều những cái tên “tiềm năng” khác đang trong tầm ngắm của án hủy niêm yết.
Tiêu biểu như CTCP Hùng Vương (HVG) vi phạm quy định công bố thông tin từ bốn lần trở lên trong vòng một năm. Tương tự vi phạm quy định công bố thông tin thuộc diện bị cảnh báo còn có CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA); CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (PPI).
Hay CTCP Thủy sản số 4 (TS4) tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 17/04 và CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (KHA) tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 29/06 đều đã có quyết định hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE.
Chưa bị hủy niêm yết nhưng cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (FID) và CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (SGO) đang nằm trong diện kiểm soát hiện giá hai cổ phiếu này đều đã về mức 1.500 đồng sau 2 năm được chấp thuận niêm yết tại HNX.
Kiểm toán đã đưa ý kiến ngoại trừ liên quan đến các khoản công nợ phải thu và công nợ phải trả chưa có đối chiếu ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính của CTCP HACISCO (HAS), cổ phiếu HAS đang thuộc diện bị cảnh báo.
Mới đây, HNX cũng thông báo tạm ngừng giao dịch cổ phiếu của CTCP Sữa Hà Nội – Hanoimilk (HNM) do Hanoimilk vẫn chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, thuộc diện kiểm soát.
Cổ phiếu JVC củaCTCP Thiết bị Y tế Việt Nhậtđã bị liệt vào danh sách chứng khoán thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Trong năm 2015, JVC chứng kiến mức lỗ “khổng lồ” lên đến 1.336 tỷ đồng, còn trong năm 2016 lỗ gần 32 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến cuối quý IV/2016 đã là 1.019 tỷ và cuối quý I/2017 (01/04-31/07) là gần 1.020 tỷ đồng. Nếu để lỗ tiếp năm thứ ba, JVC sẽ bị hủy niêm yết. Tín hiệu khả quan là tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, JVC lên kế hoạch doanh thu 2017 là 630 tỷ đồng, tăng 20% so với 2016; lợi nhuận sau thuế có lãi 19 tỷ đồng thay vì lỗ như các năm trước.
Đối với doanh nghiệp việc cổ phiếu bị hủy niêm yết có thể gây nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và nhiều vấn đề kinh doanh khác, nhưng xét đến cùng người chịu thiệt nhất có lẽ là cổ đông khi phải chứng kiến cổ phiếu bị “trừng phạt”, bị giảm khả năng tiếp cận vốn, bị kẹp hàng và nhiều vấn đề khác. Do vậy, trong khả năng của mình, doanh nghiệp nên cân nhắc thận trọng các quyết định cũng như minh bạch thông tin để đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông.(NDH)