tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 05-09-2017

  • Cập nhật : 05/09/2017

Khủng hoảng Triều Tiên đe dọa dòng chảy dầu thô ở châu Á

Hơn một phần ba lượng dầu vận chuyển trên biển sẽ bị 'ảnh hưởng nghiêm trọng' trong trường hợp xung đột khu vực giữa Triều Tiên và các nước láng giềng xảy ra.

Theo hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, hành động quân sự của Triều Tiên gia tăng có thể ngăn chặn dòng chảy dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lượng dầu này chiếm tới 34% tổng giao dịch thương mại toàn cầu.

Chris Graham, giám đốc phụ trách sản phẩm khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của hãng, cho biết trong “trường hợp xấu nhất” nếu căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và các nước láng giềng biến thành xung đột, Trung Quốc sẽ có nguy cơ mất đi hơn một nửa sản lượng dầu và sẽ phải dùng đến lượng dầu từ các nguồn dự trữ chiến lược, “lần đầu tiên kể từ khi họ bắt đầu tích trữ cách đây 3 - 4 năm”.

Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có thể phải hành động tương tự. Theo CNBC, cả hai nước đều có kho dầu dự trữ khẩn cấp có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong vòng 90 ngày. Để bù đắp cho nguồn cung dầu và khí đốt nhập khẩu bị siết chặt trong trường hợp có xung đột, Nhật Bản có thể sẽ đẩy nhanh tiến độ vận hành lại các máy phát điện hạt nhân.

Đối với Trung Quốc, khả năng sản xuất dầu mỏ trong nước có thể tạo ra một vùng đệm tốt hơn, nhưng việc các khu vực sản xuất chủ chốt được đặt gần biên giới với Triều Tiên vẫn có thể gây rủi ro cao về sản lượng dầu. “Trung Quốc tự sản xuất được dầu mỏ trong nước. Tuy nhiên, khoảng 58% vẫn có nguy cơ bị đóng cửa trong trường hợp căng thẳng leo thang”, ông Graham nói.

Theo Wood Mackenzie, khoảng 1,5 triệu trong số 3,95 triệu thùng dầu được sản xuất mỗi ngày của Đại lục đều đến từ khu vực phía bắc nước này. Mỏ dầu gần nhất cách biên giới Triều Tiên chỉ 200km.

Song, không chỉ sản lượng dầu tại các nước Đông Bắc Á, nơi chiếm khoảng 65% công suất lọc dầu của châu lục bị đe dọa, Wood Mackenzie cho biết các thị trường dầu mỏ khác trên thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề trong trường hợp xung đột khu vực, chưa kể các “hoạt động tích trữ và chi phí hậu cần có thể đẩy giá dầu tăng cao trong ngắn hạn”.(Thanhnien)
---------------------

Lập đề án thí điểm cơ chế tích tụ đất đai tại Thái Bình và Hà Nam

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai thí điểm cơ chế tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung tại tỉnh Thái Bình và Hà Nam.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Hà Nam và Thái Bình lập đề án thí điểm về cơ chế tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Thái Bình.

Đồng thời gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định và trình Chính phủ để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

thu tuong chinh phu nguyen xuan phuc trong landen tham khu san xuat nong nghiep cong nghe cao tai ha nam thuoc cong ty nsc, mot thanh vien tap doan pan group

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong lầnđến thăm khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam thuộc công ty NSC, một thành viên tập đoàn PAN Group

Tại một hội nghị về giải pháp tích tụ tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp hồi tháng 4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã chỉ đạo trong thời gian tới cần thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện để tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tài sản đất đai.

Về quan điểm thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng,thứ nhất, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người nông dân.

Tích tụ, tập trung đất đai phải đi đôi với phát triển công nghiệp, dịch vụ nói chung, phát triển ngành nghề ở nông thôn nói riêng, tạo công ăn, việc làm để từng bước giảm lao động trong nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và cơ giới hóa nhằm tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, tích tụ, tập trung đất đai phải dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải gắn với việc cơ cấu các ngành kinh tế nói chung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng; gắn với nhu cầu của thị trường và năng lực sản xuất.

Thứ ba, phải phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương.

Trên cơ sở các mục tiêu và quan điểm đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục khảo sát, tổng hợp, đánh giá chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai để xác định rõ các quy định hiện không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn về tích tụ, tập trung đất đai để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương cùng với quá trình sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI; trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đất đai năm 2013 cho phù hợp.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất quy trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Vấn đề đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các dự án nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện thế chấp tài sản hợp pháp gắn liền với đất để huy động vốn đầu tư.

Đồng thời, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức công bố công khai quỹ đất nông nghiệp, nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

Trên cơ sở đó hình thành quỹ đất nhằm chủ động kêu gọi đầu tư, cùng với doanh nghiệp tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp; phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về đất đai, đặc biệt là quy định về các quyền, nghĩa vụ cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường, trong đó lấy thị trường quốc tế làm mục tiêu, đồng thời coi trọng thị trường trong nước. Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp cho phù hợp và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và địa phương xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.(NDH)
--------------------

Đình chỉ hoạt động, xử phạt nhiều khách sạn vi phạm về phòng cháy

Cảnh sát Phòng cháy- chữa cháy (PCCC) tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động nhiều khách sạn cao tầng tại thành phố Nha Trang vi phạm các quy định về PCCC.

khach san bavico nha trang la mot trong so 14 co so luu tru vua bi xu phat do vi pham pccc.

Khách sạn Bavico Nha Trang là một trong số 14 cơ sở lưu trú vừa bị xử phạt do vi phạm PCCC.

Đây là những khách sạn lớn quy từ 11 đến 25 tầng, tại các phường Lộc Thọ, Hương Xuân và Vĩnh Hòa, nằm ở trung tâm TP. Nha Trang. Đó là các khách sạn: Dubai, New Sun, Vennue, Love, Euro Star, Begonia, Lavender, B&B, Aroma Nha Trang, Maple Leaf, Siren, Sun City, Bavico Nha Trang, Tri Giao. ..

Theo cảnh sát PCCC, các khách sạn này vi phạm tổ chức thi công công trình không đúng thiết kế được phê duyệt; Đưa công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu phòng cháy- chữa cháy. Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt mỗi khách sạn 23 triệu đồng; Chủ tịch UBND tỉnh cũng ra quyết định xử phạt mỗi khách sạn từ 80 đến 103 triệu đồng; tổng số tiền xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Đồng thời, tạm đình chỉ hoạt động 10 khách sạn.

Đáng nói là sau 1 tháng tạm đình chỉ để khắc phục hệ thống phòng cháy chữa cháy có đến 9 cơ sở chưa khắc phục xong, nên tiếp tục bị đình chỉ hoạt động. Đại tá Nguyễn Đức Quỳnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy- chữa cháy tỉnh Khánh Hòa cho biết, qua kiểm tra, cho thấy ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật về phòng cháy- chữa cháy của các chủ đầu tư chưa cao, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong hoạt động, kinh doanh; tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và môi trường kinh doanh:

“Đây là những khách sạn có quy mô tương đối lớn. Vi phạm chính là tiêu chuẩn đảm bảo an toàn phòng cháy không đảm bảo; đặc biệt không có đủ các cầu thang, khi có hỏa hoạn có đường thoát cho nhân viên và khách lưu trú. Bên cạnh đó còn các vi phạm khác mà theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, Nghị định của Thủ tướng cũng như Thông tư của Bộ Công an thì không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy”, Đại tá Nguyễn Đức Quỳnh cho hay(VOV)
---------------------

Euro tăng mạnh - kẻ khóc, người cười

Giá euro tại các ngân hàng thương mại tăng nhanh và đang ở mức cao nhất trong hơn 2,5 năm trở lại đây đã tác động khá mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

gia usd giam manh so voi euro khien hang hoa vn xuat vao eu re hon anh: dao ngoc thach

Giá USD giảm mạnh so với euro khiến hàng hóa VN xuất vào EU rẻ hơn ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

So với đầu năm, giá euro đã tăng từ 3.300 - 3.700 đồng/euro, tương đương 14 - 15,8%, một tỷ lệ rất cao.

Ngày 1.9, giá mua euro tại Eximbank là 26.833 đồng, giá bán 27.183 đồng. Trước đó vài ngày, giá euro lên đỉnh cao ở mức 27.214 - 27.569 đồng.

Xuất vào EU hưởng lợi

Trưởng đại diện công ty xuất khẩu thủy sản tại TP.HCM cho biết mấy ngày nay khá bận rộn khi đơn hàng xuất khẩu thủy sản của công ty qua thị trường châu Âu (EU) tăng lên đáng kể do hưởng lợi từ việc đồng euro tăng giá. Theo vị này, từ đầu năm đến nay, giá euro tăng khoảng 10% giúp giá hàng thủy sản của công ty vào thị trường này rẻ hơn, nhờ đó cạnh tranh tốt hơn và lượng tiêu thụ cũng tăng cao hơn. Đây cũng là tình hình chung của những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa qua EU. Thực tế, rất nhiều DN thủy sản lớn trong nước đều coi trọng và có doanh số cao từ thị trường này như Công ty CP Hùng Vương xuất khẩu cá tra sang EU mỗi năm thu về tương đương

41 triệu USD/năm; Công ty CP Vĩnh Hoàn xuất khẩu cá tra qua EU tương đương 39 triệu USD/năm; Công ty CP thực phẩm Sao Ta xuất khẩu sang EU trị giá 490 tỉ đồng/năm...

Ngoài thủy sản, VN còn xuất khẩu sang EU các sản phẩm dệt may, da giày, cà phê, sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ... tất cả đều đang hưởng lợi từ việc euro tăng giá. Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc khối kinh doanh vốn và ngoại hối HSBC VN, euro tăng giá đã giúp cho các sản phẩm của VN xuất qua EU trở nên rẻ hơn so với các sản phẩm nội địa, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ của người dân sở tại. Euro mạnh lên cũng là tín hiệu cho thấy sự ấm lên của nền kinh tế khu vực EU, đồng nghĩa với nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia này cũng được cải thiện đáng kể, các DN Việt cũng xuất khẩu được nhiều mặt hàng hơn.

Vay mượn euro chịu thiệt

Tuy nhiên, giá euro tăng cũng khiến nhiều DN vay nợ ngoại tệ này lãnh đủ. Tính đến cuối tháng 6, Công ty CP điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) có dư nợ 91,4 triệu euro và đã lỗ tỷ giá 165,5 tỉ đồng. Tương tự, Công ty xi măng Hà Tiên 1 (HT1) có khoản vay 49,5 triệu euro theo báo cáo kiểm toán năm 2016, lỗ chênh lệch tỷ giá 6 tháng đầu năm 2017 là 90,2 tỉ đồng. Giá euro tăng 1% khiến Công ty CP xi măng Bỉm Sơn (BCC) lỗ từ chênh lệch tỷ giá khoảng 2,6 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 6, dư nợ euro tại BCC là 9,8 triệu euro, lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 18,5 tỉ đồng...

Ông Ngô Đăng Khoa cho hay tính chung từ đầu năm, euro đã tăng tương ứng xấp xỉ 15% so với đồng USD. Động lực của sự phục hồi khu vực EU đã thể hiện mạnh mẽ hơn, các chỉ số kinh tế tiếp tục được cải thiện, các kịch bản bất lợi cho triển vọng lạm phát trở nên ít có khả năng, đặc biệt là rủi ro giảm phát đã biến mất. Đồng euro nhìn chung được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững vị thế của mình, ít nhất là trong ngắn hạn, trong bối cảnh chỉ số USD-Index, thước đo sức mạnh của USD với 6 đồng tiền chủ chốt, đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5.2016. Thêm vào đó, ảnh hưởng tiêu cực từ siêu bão Harvey khiến bức tranh kinh tế Mỹ trở nên kém tươi sáng sẽ tiếp tục là gánh nặng gây suy yếu thêm đồng bạc xanh. USD đang có những suy yếu rõ rệt do những bất ổn về địa, chính trị và trong nội bộ nước Mỹ như hàng loạt vụ bê bối trong bộ máy chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump, căng thẳng hạt nhân bán đảo Triều Tiên, xung đột lợi ích biên giới Mỹ - Mexico... Để đảm bảo hoạt động DN không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến động của tỷ giá, các DN nên chủ động sử dụng các công cụ bảo hiểm phòng ngừa rủi ro tỷ giá như hợp đồng kỳ hạn (forward) và hoán đổi (swap) phù hợp với dòng tiền và nhu cầu ngoại tệ cụ thể của DN.

Cũng theo ông Ngô Đăng Khoa, thị trường ngoại hối trong nước kể từ đầu năm đã được kiểm soát tương đối bình ổn dù đứng trước nhiều áp lực trong và ngoài nước. Tuy nhiên, giai đoạn từ nay đến cuối năm được đánh giá là mùa cao điểm cho nhu cầu ngoại hối của DN trong nước. Do vậy, áp lực từ biến động tỷ giá là có cơ sở, chủ yếu đến từ khả năng USD tăng trở lại. "USD đã giảm khá sâu thời gian qua, cộng thêm khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong cuối năm hoặc thu hẹp cung tiền thông qua việc giảm nắm giữ trái phiếu. Hơn nữa cán cân thương mại VN vẫn thâm hụt đồng nghĩa với nhu cầu ngoại tệ trong nước vẫn cao, trong khi nguồn vốn giải ngân FDI, FII vẫn chưa có nhiều đột phá so với cùng kỳ năm trước", ông Khoa phân tích.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục