50 ngày, 3 hãng hàng không châu Âu phá sản; Tạo thuận lợi cho gạo, sữa, heo… Việt Nam vào TQ; Úc nâng cấp tàu chiến đối phó Triều Tiên; Tìm giải pháp gỡ khó cho cá tra xuất khẩu sang Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-09-2017
- Cập nhật : 06/09/2017
Vì sao Quảng Nam hấp dẫn dự án bất động sản nghỉ dưỡng ngàn tỷ?
Với chính sách tạo quỹ đất sạch, thủ tục hành chính thông thoáng kết hợp hạ tầng đầu tư đồng bộ, bờ biển trải dài hơn 130 km... và định hướng thành tỉnh khá năm 2020, từ đầu năm đến nay Quảng Nam đang hấp dẫn các dự án bất động sản nghỉ dưỡng hàng ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, từ đầu năm 2016, tỉnh Quảng nam đã điều chỉnh quy hoạch tạo thêm 1.500 ha đất sạch, xúc tiến đầu tư các dự án với không gian rộng 42.000 ha, bao gồm cả Khu kinh tế mở Chu Lai và dự án tổng thể sắp xếp dân cư dọc 25 xã, phường, thị trấn ven biển. Nhờ chính sách này, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn vào bất động sản nghỉ dưỡng đã chọn tỉnh Quảng Nam.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Quảng Nam vừa đồng ý cho phép triển khai hai dự án thương mại dịch vụ, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp do Công ty CP Bất động sản nghỉ dưỡng Quảng Nam làm chủ đầu tư tại xã Bình Hải và Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, với tổng vốn đầu tư 4.050 tỷ đồng.
Trong đó, dự án khu thương mại, dịch vụ, khách sạn Quảng Nam (tại xã Bình Hải và Bình Đào, huyện Thăng Bình) có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, trên diện tích đất 53,5 ha. Dự án sẽ đầu tư xây dựng khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, khu thương mại dịch vụ cao cấp phục vụ nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng và cung cấp các dịch vụ liên quan. Dự án khởi công và xây dựng hạng mục khách sạn, nhà phố thương mại trong quý I/2018 - quý IV/2019; xây dựng hạng mục còn lại và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động quý II/2018 – quý II/2020.
Còn dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Quảng Nam (tại xã Bình Hải, huyện Thăng Bình) có tổng vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng, trên diện tích đất 47,5 ha. Dự án sẽ đầu tư xây dựng một khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, gồm: khu nghỉ dưỡng; hạ tầng kỹ thuật và cây xanh. Dự án khởi công công trình và xây dựng khu nghỉ dưỡng trong quý I/2018 - quý IV/2019; hoàn thiện và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động trong quý III/2018 – quý IV/2020.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quang Nam cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã vừa khởi công xây dựng Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An. Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An tọa lạc tại 2 xã Bình Dương và Bình Minh thuộc huyện Thăng Bình. Dự án có quy mô diện tích đất 200 ha, vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.
Đây là mô hình Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên cùa hệ thống Vinpearl gồm các hạng mục: khu khách sạn và biệt thự Vinpearl; khu dịch vụ thể thao Vinpearl Golf; khu vui chơi giải trí Vinpearl Land; trung tâm thương mại Vincom và khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch VinEco. Dự án sẽ được triển khai theo 02 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 là khu khách sạn, biệt thự, trung tâm hội nghị, nhà hàng và khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp tham quan, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/04/2018. Giai đoạn 2 sẽ tập trung hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và tiếp nối thêm các hạng mục công trình khu vui chơi giải trí, sân golf... Dự kiến sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục vào năm 2019.
Đáng chú ý, Khu du lịch có casino Nam Hội An của liên doanh VinaCapital - Chow Tai Fok (Hồng Kông) và Suncity Group (Ma Cau) với mức đầu tư 4 tỷ USD dự kiến đi vào hoạt động năm 2019. Đây sẽ là sự thúc đẩy lớn cho chuỗi khách sạn du lịch cao cấp ven biển từ Đà Nẵng đến Hội An.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ được phát triển trên diện tích khoảng 163 ha với mức đầu tư 500 triệu USD gồm sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, khu nghỉ dưỡng 1.000 phòng được thiết kế theo kiểu biệt thự hay khách sạn được quản lý bởi các thương hiệu nổi tiếng như Rosewood, New World…, khu trung tâm thương mại và các tiện ích khác. Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An là dự án có vốn đầu tư lớn nhất tại Quảng Nam hiện tại.
Ở phía Bắc thành phố Hội An, một dự án quy mô tỷ đô khác là New Hội An City hiện cũng đang hoàn thiện những công đoạn cuối để chuẩn bị vận hành giai đoạn một. Chủ đầu tư dự án này là HB Group của nhóm nhà đầu tư có liên quan đến đại gia Trịnh Thanh Huy đã công bố đổ vào đây 1,5 tỷ USD nhằm tạo nên khu đô thị phức hợp ven biển có diện tích hơn 400 ha.
Gần đầy nhất, HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (Mã CK: DXG) vừa quyết định góp vốn 1.000 tỷ đồng, thành lập Công ty TNHH MTV Đất Xanh Quảng Nam. Theo DXG, việc lập Công ty con để hoàn thành thủ tục thành lập pháp nhân thực hiện đầu tư Dự án Khu du lịch và du lịch nghỉ dưỡng Opal Ocean View tại xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Dự án Opal Ocean View của DXG có tổng diện tích đất khoảng 185 ha và tổng đầu tư dự kiến 4.600 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục chính như: khu villa, biệt thự, nghỉ dưỡng ven biển; khu khách sạn kết hợp dịch vụ, du lịch; hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Theo ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, hiện các dự án đầu tư tại khu vực Nam Hội An được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam về đất đai hạ tầng, các loại thuế, chính sách tài chính tín dụng, chuyển giao công nghệ.
Những dự án có quy mô lớn (từ 500 triệu USD trở lên) hoặc có vai trò quan trọng phát triển, đóng vai trò động lực thì ngoài những quy định chung, chính quyền Quảng Nam và Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ phối hợp với nhà đầu tư trình Chính phủ cho áp dụng những chính sách đặc thù để bảo đảm thu hút đầu tư và triển khai dự án đạt hiệu quả nhất.
Một động lực lớn thu hút các nhà đầu tư đến Quảng Nam là sự kiện thông xe tạm tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ hồi đầu tháng 8 vừa qua. Bên cạnh đó, ngày 18/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam. Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam từ loại II lên loại I.
Sau 20 năm xây dựng, Quảng Nam từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung và trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Quy mô kinh tế tăng hơn 30 lần, GDP đạt khoảng 53 triệu đồng, gấp 28 lần so với thời điểm chia tách tỉnh, vượt mức bình quân cả nước.
Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương, đến nay thu ngân sách đã đạt trên 20 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 170 lần so năm đầu tái lập. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ.
Đặc biệt, năm 2016, tỉnh Quảng Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách đạt kết quả cao nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 14,73% (theo cách tính mới), vượt kế hoạch đề ra. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm gần đây.
Mục tiêu đến năm 2020, Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đặc biệt, Quảng Nam chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Chú trọng nâng cấp hạ tầng các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, nhất là ở khu vực Hội An, khu vực ven biển; đồng thời, mở rộng không gian phát triển du lịch về phía Nam và phía Tây; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính, viễn thông,...(Thanhnien)
-----------------
VNF báo lãi 6 tháng đầu năm 2017 sau soát xét tăng 17%
Công ty cổ phần Vinafreight (mã VNF - HNX) công bố giải trình chênh lệch KQKD trên BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017 trước và sau soát xét.
Theo BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017 đã soát xét, VNF đạt 908,67 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ - không thay đổi so với BCTC tự lập, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng 17% (3,9 tỷ đồng) lên hơn 26,5 tỷ đồng.
Nguyên nhân có sự chênh lệch lợi nhuận trước và sau soát xét được VNF đưa ra là do Công ty tính nhầm khoản loại trừ tiền lãi được nhận từ các năm trước của công ty liên kết.
------------------------
Microsoft Việt Nam bổ nhiệm Tổng giám đốc mới thay ông Vũ Minh Trí
Ngày 5/9, Microsoft chính thức thông báo bổ nhiệm ông Aung San Maung vào vị trí quyền Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, thay cho ông Vũ Minh Trí.
Theo Microsoft Việt Nam, ở cương vị vừa được bổ nhiệm, ông Aung San Maung sẽ tiếp tục triển khai những chiến lược và hoạt động kinh doanh, các sáng kiến phát triển của tập đoàn Microsoft tại thị trường Việt Nam.
Ông Aung San Maung có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc và lãnh đạo nhân sự tại các tập đoàn hàng đầu toàn cầu về công nghệ, trong đó có hơn 10 năm làm việc và lãnh đạo nhóm tại IBM và gần 20 năm đồng hành cùng Microsoft khu vực châu Á.
Ông Aung San Maung tốt nghiệp Đại học Khoa học Máy tính Canberra, Australia vào năm 1983. Ông gia nhập IBM năm 1987 sau khi tốt nghiệp và khởi đầu công việc tại vị trí bán hàng, sau đó là tư vấn kỹ thuật cho khối bán hàng và Giám đốc bán hàng cho đến hết năm 1999.
Ông Aung San Maung
Tháng 1/2000, ông Aung bắt đầu làm tại Microsoft Australia. Kể từ tháng 1/2013, ông Aung San Maung chuyển đến Microsoft Việt Nam với cương vị lãnh đạo khối bán hàng EPG (khối doanh nghiệp lớn và đối tác).
Theo Microsoft, ông Aung đã thành công trong việc tạo dựng lại phòng EPG trong một thời gian rất ngắn và mang lại thành tích cao chỉ sau 6 tháng. Liên tiếp trong 4 năm tài chính, phòng EPG của ông Aung đã đạt những định mức ngoài dự đoán.
Microsoft cũng đánh giá, trước ông Aung San Maung, ông Vũ Minh Trí đã có thời gian dẫn dắt Microsoft Việt Nam với nhiều thành công trong suốt 5 năm.(ICTNews)
----------------------