tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-09-2017

  • Cập nhật : 05/09/2017

Vĩnh Phúc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nga

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, mở đầu chuyến công tác xúc tiến thương mại tại một số nước châu Âu, ngày 3/9, đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đã đến thăm Liên bang Nga để tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hàng hóa thế mạnh của tỉnh sang thị trường tiềm năng này.

Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam với vai trò là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Nga, Đại biện lâm thời Lại Ngọc Đoàn cùng đại diện các phòng ban liên quan đã tiếp đoàn, hoan nghênh đoàn đi tìm hiểu thực tế về thị trường Nga, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn thông tin trong nước còn chưa đầy đủ, chưa thực sự khách quan về tiềm năng của thị trường, tâm lý lo ngại những rào cản cơ chế, tác động của biện pháp trừng phạt Nga hiện nay.

doan doanh nghiep vinh phuc lam viec voi dai su quan.

Đoàn doanh nghiệp Vĩnh Phúc làm việc với Đại sứ quán.

 

Đại biện Lại Ngọc Đoàn hy vọng những hiểu biết thực tế từ thị trường sẽ được chú ý đến trong công tác hoạch định chính sách kinh tế và thương mại của tỉnh.

Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Vinh cho biết, vốn là tỉnh có thế mạnh về công nghiệp lắp ráp với các khu công nghiệp lớn, trong hơn một năm qua, Vĩnh Phúc chú trọng phát triển thêm ngành nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, với hai sản phẩm chủ đạo là thanh long ruột đỏ và chuối tiêu hồng.

Sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh đã thuyết phục được những thị trường khó tính, chất lượng cao như Malaysia và tiến tới là thị trường Nhật Bản. Nga là thị trường mà tỉnh đang hướng tới xúc tiến thương mại. Đoàn Vĩnh Phúc đã chuẩn bị những thông tin đầy đủ, cập nhật và toàn diện về năng lực cũng như thế mạnh của tỉnh để qua các kênh của Đại sứ quán giới thiệu đến các đối tác tiềm năng trong thương mại và đầu tư.

Tham tán, Trưởng phòng Kinh tế, Nguyễn Phan Hải cho biết những điều kiện khó khăn do bên ngoài khi phải chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây lại là cơ hội để nền kinh tế Nga phát huy nội lực, mở rộng tìm kiếm các nguồn hàng, bạn hàng, đối tác mới, đặc biệt là chính sách “Hướng Đông” của Tổng thống Vladimir Putin đã đưa các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đến gần hơn vơi cơ hội tiếp cận thị trường Nga.

Trong chính sách đó, Việt Nam được xem là cánh cửa mở vào thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho các doanh nghiệp Nga. Đặc biệt thuận lợi hơn khi trong chuyến thăm cấp cao tới Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang hồi tháng 6 vừa qua, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, trong hợp tác Việt – Nga thì hợp tác giữa các địa phương được đặt lên nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Đoàn cũng đã đến tham quan Trung tâm thương mại Hà Nội-Moskva, gặp gỡ đại diện ban giám đốc trung tâm, tìm hiểu điều kiện mở đại diện, đăng ký kinh doanh tại Trung tâm, nơi một số các doanh nghiệp lớn trong nước hiện đã đặt đại diện cũng như thuê cửa hàng kinh doanh sản phẩm. (TTXVN)
---------------------

Làm sao để đảm bảo công bằng cho các đối tượng kinh doanh qua mạng?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí đã trả lời về các giải pháp quản lý thuế đảm bảo công bằng đối với hình thức kinh doanh thương mại điện tử.

lam sao de dam bao cong bang cho cac doi tuong kinh doanh qua mang? (anh minh hoa)

Làm sao để đảm bảo công bằng cho các đối tượng kinh doanh qua mạng? (Ảnh minh hoa)

Đã hơn 2 tháng kể từ khi Tổng cục Thuế bắt đầu việc kê khai, nộp thuế từ hoạt động kinh doanh qua mạng, song số lượng cá nhân đến đăng ký với cơ quan Thuế vẫn chưa được như kỳ vọng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí đã có những chia sẻ với Phóng viên TTXVN về các giải pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh thương mại điện tử.

BNEWS: Xin ông cho biết những kết quả đã đạt được qua hơn 2 tháng triển khai việc kê khai, nộp thuế từ hoạt động kinh doanh qua mạng ?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí: Để tăng cường quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử; trong đó bao gồm cả cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính có Công văn số 6015/BTC-TCT ngày 10/5/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ; sau đó Tổng cục Thuế đã có Công văn số 2623/TCT-CS ngày 16/6/2017 gửi Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai.

Thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, các Cục thuế đã triển khai việc rà soát những cá nhân có dấu hiệu kinh doanh qua mạng faccebook để nhận diện, phân loại cá nhân đã đăng ký thuế và cá nhân chưa đăng ký thuế. Sau hai tháng triển khai tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã thu được một số kết quả. Đó là đã rà soát đối với khoảng 27.000 tài khoản cá nhân có dấu hiệu kinh doanh qua mạng facebook.

Cơ quan thuế đã phân loại đối tượng để áp dụng cách quản lý phù hợp như: đối với tài khoản đã đóng, tài khoản không còn hoạt động thì không gửi thông báo; đối với cá nhân kinh doanh đang thuộc diện quản lý của cơ quan thuế có sử dụng mạng xã hội để quảng cáo hàng hoá thì cơ quan thuế cập nhật thêm vào cơ sở dữ liệu của cá nhân để làm căn cứ xác định doanh thu khoán.

Đối với những tài khoản mạng xã hội của cá nhân nhưng thực hiện quảng cáo bán hàng hoá cho doanh nghiệp thì thực hiện quản lý theo quy định đối với doanh nghiệp. Đối với những tài khoản cá nhân chưa có đăng ký thuế thì cơ quan thuế hướng dẫn để cá nhân thực hiện đăng ký thuế và kê khai doanh thu kinh doanh. Sau hai tháng triển khai đã có khoảng 3.000 cá nhân thuộc nhóm chưa đăng ký thuế đã có ý kiến phản hồi chính thức về cơ quan thuế.

Ý kiến phản hồi theo hình thức trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc điền vào mẫu phiếu điều tra qua mạng. Ngoài ra, cơ quan thuế còn nhận được nhiều ý kiến của cá nhân qua đường dây nóng để tìm hiểu về chính sách thuế đối với cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội. Qua đó đã thể hiện người dân có nhận thức đúng đắn đối với trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế đối với kinh doanh qua mạng cũng áp dụng bình đẳng như đối với kinh doanh truyền thống.

BNEWS: Vậy trong quá trình triển khai, ngành thuế có gặp những bất cập gì không, thưa ông?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí: Việc quản lý thu thuế đối với cá nhân kinh doanh tại Việt Nam nói chung, bao gồm cả cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội và cá nhân kinh doanh theo hình thức truyền thống luôn có nhiều khó khăn.

Cụ thể, do đặc thù ý thức tuân thủ pháp luật của cá nhân tại Việt Nam chưa cao; các hình thức kinh doanh chủ yếu là nhỏ lẻ chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình; các loại hàng hoá, dịch vụ chủ yếu là cung cấp trực tiếp đến người tiêu dùng; hình thức thanh toán chủ yếu là tiền mặt, nếu qua tài khoản thì chủ yếu là tại khoản của cá nhân.

Bên cạnh đó, đối tượng thực hiện hình thức kinh doanh của cá nhân rất đa dạng từ người lao động tự do, học sinh, sinh viên, người nội chợ, thậm chí cả cán bộ, công chức ....

Đặc biệt, đối với cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội còn có nhiều rủi ro do cá nhân có thể không hiện diện tại địa điểm cố định, có trình độ công nghệ thông tin nhất định, khó xác định được doanh thu kinh doanh thực tế nếu chỉ căn cứ các thông tin giao dịch trên mạng xã hội.

BNEWS: Thời gian qua Tổng cục thuế cũng đã sử dụng nhiều biện pháp khuyến khích, tuyên truyền cũng như đốc thúc thông qua việc gửi tin nhắn và thông báo đến từng tổ chức, cá nhân được xác định là có hoạt động kinh doanh qua mạng, song lượng người đến đăng ký với cơ quan Thuế vẫn còn ít so với kỳ vọng. Tổng cục Thuế sẽ có những giải pháp cụ thể gì để việc thu thuế kinh doanh online đạt hiệu quả cao và đảm bảo công bằng?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí: Do đặc thù hoạt động kinh doanh của cá nhân tại Việt Nam đại đa số là ý thức tuân thủ thấp, không thực hiện sổ sách kế toán, hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình, số thu từ khu vực này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách Nhà nước (chưa đến 2%).

Vì vậy, việc tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực này không nhằm mục tiêu tăng thu ngân sách Nhà nước mà chỉ để đảm bảo công bằng trong các đối tượng kinh doanh.

Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ pháp luật thuế và giảm thiểu việc lợi dụng của các cá nhân kinh doanh quy mô lớn, núp bóng hộ kinh doanh để hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến quản lý thuế nói chung của khu vực doanh nghiệp.

Công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nói chung trong thời gian qua đang được xây dựng theo hướng quản lý theo rủi ro, tránh việc tập trung quá nhiều thời gian và nhân lực của ngành thuế vào lĩnh vực mà chỉ chiếm tỷ trọng số thu rất nhỏ trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Ngành thuế đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu về cá nhân kinh doanh để làm căn cứ cho việc xác định doanh thu và mức thuế khoán phù hợp.

Cơ sở dữ liệu được xây dựng trên các nguồn thông tin quản lý từ cơ quan thuế và xây dựng các hệ thống kết nối thông tin từ các cơ quan quản lý, tổ chức có liên quan như: cơ quan quản lý về đất đai, hệ thống ngân hàng thương mại, công ty cung cấp điện, nước, công ty cung cấp dịch vụ thông tin truyền thông, dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng hoá, ...

BNEWS: Tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh qua mạng đã nhận được thông báo qua tin nhắn, hay qua đường bưu điện nhưng nếu vẫn không tự giác lên đăng ký kinh doanh hay không kê khai, nộp thuế có vi phạm pháp luật về thuế không, thưa ông?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí: Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo để các Cục Thuế triển khai các giải pháp hỗ trợ cá nhân đã có phản hồi về cơ quan thuế thực hiện đăng ký thuế, kê khai doanh thu kinh doanh, xác định doanh số khoán và thực hiện nộp thuế theo quy định đối với cá nhân có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Đối với các tài khoản cá nhân chưa có phản hồi thì cần tiếp tục rà soát, nhận diện, qua đó phân biệt những fanpage phục vụ cho kinh doanh của doanh nghiệp, những fanpage của cá nhân, những tài khoản cá nhân không còn hoạt động, phân biệt những cá nhân có mở nhiều tài khoản facebook, phân biệt những cá nhân đã đăng ký thuế, những cá nhân chưa đăng ký thuế, ... để tiếp tục có giải pháp đôn đốc lần 2.

Sau khi đôn đốc nếu các cá nhân chây ì không có phản hồi thì cơ quan thuế sẽ phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp xác định cụ thể địa chỉ cư trú của cá nhân thông qua địa chỉ giao dịch trên facebook, địa chỉ giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng, qua đó phối hợp với chính quyền địa phương nơi cư trú để phối hợp quản lý thuế theo quy định.

BNEWS: Tổng cục Thuế có khuyến nghị gì đối với các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh qua mạng mà chưa đăng ký thuế ?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí: Cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với các hình thức kinh doanh của cá nhân đang được áp dụng theo hướng đơn giản, thông thoáng về thủ tục, mức thuế suất thấp, thông tin công khai, minh bạch... để đảm bảo quyền được tự do kinh doanh của người dân theo đúng Hiến pháp của Việt Nam.

Cá nhân kinh doanh nói chung bao gồm cả cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội cần có ý thức tuân thủ pháp luật về thuế để đảm bảo quyền lợi kinh doanh hợp pháp theo quy định của pháp luật mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đời sống gia đình.

Đối với lĩnh vực thuế, theo quy định của Luật Quản lý thuế thì chậm nhất là 10 ngày kể từ khi bắt đầu tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế để được hướng dẫn kê khai, nộp thuế theo quy định nếu xác định được doanh thu kinh doanh trên 100 triệu đồng/năm; trường hợp không kê khai nộp thuế thì được xác định là hành vi trốn thuế.

Tại mỗi cơ quan thuế đều có bộ phận hỗ trợ để giúp cá nhân tìm hiểu về chính sách thuế và hướng dẫn kê khai, nộp thuế theo quy định.(Bnews)
--------------------------

Doanh thu bán lẻ cả nước đạt hơn 1,93 triệu tỉ đồng

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 8, doanh thu bán lẻ cả nước đạt 249.000 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8, doanh thu bán lẻ hàng hóa của cả nước ước đạt 1,93 triệu tỉ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành hàng có doanh thu bán lẻ tăng khá như lương thực thực phẩm tăng 10,6%, may mặc tăng 13,9%, trang thiết bị gia đình tăng 11,6%...

Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống lũy kế từ đầu tháng 1 - 8 ước đạt 318.000 tỉ đồng do lượng khách quốc tế và du lịch đến VN tăng mạnh. Điều này cũng góp phần khiến doanh thu ngành du lịch lữ hành ước đạt 23.100 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016.(Thanhnien)
--------------------

Gian nan vật liệu xây không nung

Phát triển vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung là một chủ trương đúng của Chính phủ, đặc biệt là sản phẩm này góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung vẫn chưa như kỳ vọng và hành trình tìm đường tới “đích” vẫn gian nan.

 

san xuat gach khong nung than thien voi moi truong. anh: bui duc hieu/ttxvn

Sản xuất gạch không nung thân thiện với môi trường. Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN

 

Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 (Chương trình 567). Mục tiêu đặt ra là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lượng thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho xã hội.

Theo Quyết định, lộ trình phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 20 - 25% vào năm 2015; từ 30 - 40% vào năm 2020.

Các chuyên gia tính toán, hàng năm cần sử dụng khoảng từ 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao...) để sản xuất vật liệu xây không nung. Như vậy sẽ tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công… Đích đến vẫn đang thử thách với dòng sản phẩm mới mẻ này.

Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), ông Phạm Văn Bắc cho biết, hiện hệ thống cơ sở các văn bản pháp lý nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung cơ bản đã được xây dựng đầy đủ. Hệ thống các tiêu chuẩn về sản phẩm, hướng dẫn thi công, định mức cơ bản đã được xây dựng, bổ sung, soát xét. Bởi vậy, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình đang từng bước nhích dần lên.

Nhiều công trình lớn đã sử dụng từ 80 - 100% vật liệu xây không nung như dự án nhà ở xã hội Ecohome, dự án nhà ở thương mại tại ngõ 102 Trường Trinh (Hà Nội). Thế nhưng, đối với các công trình xây dựng nhỏ, riêng lẻ, Chương trình 567 chưa thực sự được hưởng ứng, do hiệu quả kinh tế chưa cao, nhận thức của chủ đầu tư về loại vật liệu này chưa đầy đủ.

Giai đoạn mới triển khai, các doanh nghiệp theo đuổi hướng sản xuất mới này gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn kiên định đến cùng và đồng hành với chương trình. Đặc biệt, một số doanh nghiệp tư nhân rất tích cực trong việc chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm chất lượng và từng bước đa dạng hóa các sản phẩm…

Thương hiệu gạch Khang Minh nổi lên như một ví dụ điển hình. Công ty cổ phần Gạch Khang Minh đã đầu tư 6 dây chuyền gạch xi măng cốt liệu (gạch bê tông) với tổng công suất 270 triệu viên QTC/năm. Mới đây, công ty này tiếp tục đầu tư mới nhà máy thứ 2 với công suất tương tự, cũng trên địa bàn Hà Nam. Hay như, Công ty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên cũng đã đầu tư dây chuyền 2 sản xuất gạch bê tông khí chưng áp…

Tính chung toàn quốc, hiện tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm gạch không nung chính, gồm gạch block xi măng cốt liệu (gạch bê tông), gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt đạt khoảng 7 tỷ viên quy chuẩn (QTC)/năm; sản xuất đạt 5,8 tỷ viên QTC/năm, chiếm khoảng 25% so với tổng sản lượng vật liệu; tiêu thụ tổng các loại trên 5,5 tỷ viên QTC/năm…

Với sản lượng này, ước tính, hàng năm tiết kiệm được 8,5 triệu m3 đất sét (tương đương 412 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 825 nghìn tấn than và giảm thải ra môi trường 3,1 triệu tấn CO2.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Phạm Văn Bắc, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung tại các công trình xây dựng thực tế vẫn chưa đạt mục tiêu kỳ vọng của chương trình. Một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy là nhiều chính sách đưa ra chưa cụ thể nên khi áp dụng vào thực tế, địa phương không thực hiện được. Ví dụ, cơ chế ưu đãi chỉ áp dụng với các dự án đầu tư mới còn các dự án đầu tư mở rộng thì không được hưởng thụ - ông Bắc dẫn chứng.

Cùng đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chương trình, hoặc chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.

Như tỉnh Bình Thuận là địa phương có sẵn nguồn nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây không nung và đã có nhà đầu tư. Thế nhưng, địa phương này vẫn xin lùi thời gian thực hiện Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, nhận thức của nhà đầu tư, nhà tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ, thậm chí không nắm được các quy định của nhà nước. Điển hình, công trình trụ sở văn phòng làm việc không thường xuyên của các cơ quan Quốc hội tại Đà Nẵng, Trụ sở Cục Thuế TP Đà Nẵng… được xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước nhưng đã không thiết kế sử dụng vật liệu xây không nung theo quy định.

Ông Nguyễn Đức Lợi (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho rằng, việc phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn Đà Nẵng còn hạn chế là do chưa chú ý quan tâm đến việc truyên truyền hiệu quả của loại sản phẩm này; cũng như ý nghĩa của việc cần thiết phải sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung trong xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng các cơ sở sản xuất thì đơn độc, người sử dụng mang tính tùy thích theo sự hiểu biết chủ quan. Các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, ưu đãi về chuyển giao công nghệ.

Với TP Hồ Chí Minh - một địa bàn thực hiện khá tốt Chương trình 567 - ông Nguyễn Minh Thái (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) cho biết, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Tính lũy kế, từ năm 2013 đến năm 2016, TP Hồ Chí Minh có 806 dự án, công trình thuộc đối tượng bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung; trong đó 163 dự án đã sử dụng vật liệu này. Với nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, số lượng doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung tại thành phố ban đầu chỉ có 4 cơ sở thì nay đã tăng lên đến 19 cơ sở.

Mặc dù vậy, ông Thái cũng chia sẻ, TP Hồ Chí Minh cũng chưa có giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát chặt chẽ về giá của các sản phẩm và chất lượng của các loại phụ kiện đi kèm khi thi công, để bảo vệ lợi ích và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm này. Số lượng các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung vẫn còn ít, nên dễ dẫn đến tình trạng độc quyền của nhà sản xuất, có thể gây khó khăn cho các chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình trong quá trình áp dụng.

Để vật liệu xây không nung phát huy hiệu quả trong cuộc sống, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 09/2012/TT-BXD theo hướng nâng tỷ lệ sử dụng gạch nhẹ trong các công trình cao tầng; quy định cụ thể chế độ nhà đầu tư, đơn vị thi công phải báo cáo Sở Xây dựng địa phương về tình hình sử dụng vật liệu xây không nung hàng quý, năm và kết thúc công trình.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 121/2014/NĐ-CP với quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng với các mức phạt cao hơn để việc tuân thủ sử dụng tỷ lệ vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng đi vào nề nếp.(TTXVN)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục