Mexico và Canada phản pháo ông Trump; Doanh nghiệp ô tô lớn mới được giảm thuế; Trung Quốc: Ấn Độ nên tránh lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; Thương mại Mỹ - Trung: cuộc chiến dai dẳng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-07-2017
- Cập nhật : 27/07/2017
Vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng cao, đạt gần 22 tỷ USD sau 7 tháng
Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,05 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 7 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 21,93 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, tổng vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp nước ngoài tăng gấp rưỡi lên 12,92 tỷ USD. Giai đoạn này cũng có 5,87 tỷ USD vốn đăng ký tăng thêm.
Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm, có 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,12 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2016.
Ước tính đến ngày 20/7/2017, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,05 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài khi chiếm gần một nửa tổng số vốn vào Việt Nam với 10,83 tỷ USD.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,25 tỷ USD, chiếm 23,98%. Đứng thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,28 tỷ USD, chiếm 5,86%.
Theo đối tác đầu tư, có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 5,62 tỷ USD, chiếm 25,63%. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,46 tỷ USD, Singapore đứng vị trí thứ ba với 3,8 tỷ USD.(NCĐT)
------------------------------
Bùng nổ thức ăn nhanh tại Anh gây lo ngại về béo phì
Sự gia tăng của những cửa hàng take away (mua mang đi) đã khiến thức ăn nhanh trở nên thống trị ở những khu vực nghèo của nước Anh, dẫn đến các lo ngại về tình trạng béo phì và tiểu đường
Điều đó dẫn tới vấn đề về bất bình đẳng xã hội và những hoài nghi về phúc lợi xã hội, báo Guardian ngày 25-7 nhận xét.
Thức ăn nhanh ở khắp nơi
Từ lâu nay, thức ăn nhanh vẫn bị đánh giá là không tốt cho sức khỏe, đặc biệt được coi là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh béo phì.
Nhưng văn hóa cửa hàng dạng take away - mua mang đi ngay chứ không ngồi lại - càng làm bệ phóng cho thức ăn nhanh tiếp tục gia tăng chóng mặt.
Tổng số lượng cửa hàng kinh doanh thức ăn dạng take away ở Anh đã tăng thêm 4.000 trong ba năm qua, tức tăng 8%, theo Guardian.
Số liệu do Trung tâm nghiên cứu chế độ ăn và hoạt động (CEDAR) của đại học Cambridge cho thấy hiện có 56.638 cửa hàng take away tại Anh, chiếm hơn 1/4 tổng số các cửa hàng bán thức ăn nước này.
Dữ liệu cũng nói rằng trong 30 khu vực trung tâm nơi cửa hàng take away chiếm đa số, thì đến 25 khu vực thuộc dạng kinh tế khó khăn ở phía bắc nước Anh.
Giáo sư Simon Capewell, phó chủ tịch phụ trách chính sách tại Khoa y tế công cộng ở Anh, nhận định: “Thức ăn nhanh và nước uống có đường được bán tại các cửa hàng này tạo ảnh hưởng quan trọng lên tình trạng béo phì và tiểu đường. Hơn nữa, sự phân bổ các cửa hàng thức ăn nhanh dày đặc ở các khu vực còn nghèo khó sẽ càng khiến tình trạng bất bình đẳng dai dẳng về sức khỏe”.
Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu mối liên hệ giữa sự gia tăng của các cửa hàng thức ăn nhanh với cân nặng và những mối lo về béo phì ở Anh.
Gần 2/3 người trưởng thành và 1/3 trẻ từ 2-15 tuổi đang có biểu hiện tăng cân, béo phì, theo Public Health England, cơ quan y tế công cộng thuộc Bộ Y tế Anh.
Chính quyền khó giải quyết
Một trong những ý kiến phổ biến để ngăn chặn nguy cơ sức khỏe từ thức ăn nhanh là kêu gọi chính quyền các thành phố hành động, song song với nỗ lực của doanh nghiệp.
Thực tế từ năm 2010, hơn 20 khu vực tại Anh đã có kế hoạch hạn chế sự bành trướng của các cửa hàng take away.
Trong số đó có quy định không được mở cửa hàng thức ăn nhanh trong vòng 400m gần các trường học.
Nhưng thực tế, theo giáo sư Capewell, chính quyền nhiều nơi đã đối mặt với việc ngân sách cắt giảm, vì vậy phải thỏa hiệp và nới lỏng quy định cho các doanh nghiệp buôn bán những loại thức ăn không tốt cho sức khỏe.
Yếu tố tài chính và nhân khẩu học cũng góp phần khiến “làn sóng” thức ăn nhanh khó có thể kiểm soát.
Hội đồng quận Barking và Dagenham ở London nhận xét rằng thức ăn nhanh có giá quá rẻ và dễ tiếp cận với người trẻ và người nghèo.
Hơn nữa, các công ty/cửa hàng này chỉ bán thứ mọi người muốn ăn, nên sự can thiệp của chính quyền không chắc có hiệu quả.
Câu chuyện có thể bị đẩy ngược lại phía người dân, và trước hết là nỗ lực tự cải thiện sản phẩm của doanh nghiệp.
Lấy ví dụ trường hợp của ông Roziur Choudhury tại vùng ngoại ô Dagenham thuộc Anh.
Ông này nảy ra ý tưởng kinh doanh thức ăn nhanh “lành mạnh” như gà nướng, khoai chiên dầu ít béo và sa lát miễn phí.
Ông Choudhury đặt cược vào doanh nghiệp của mình khi bán giá 3,49 bảng cho 6 cặp cánh gà, mức giá cao hơn gần gấp đôi các cửa hàng thức ăn nhanh khác.
Choudhury quan niệm rằng mình bán hàng bằng lương tâm.
Ông nói: “Tại sao anh lại cho mọi người ăn những thứ mà mình biết chắc sẽ chẳng cho gia đình mình ăn nổi? Nếu mọi người nghĩ tới sức khỏe của họ, họ sẽ không đi mua những cặp cánh gà với giá 1,99 bảng đâu”.(Tuoitre)
------------------
Gần 73.000 doanh nghiệp ra đời trong 7 tháng đầu năm
Ngày 26.7, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trong 7 tháng đầu năm nay, tổng số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là 90.455 đơn vị. Trong đó số DN được thành lập mới là 72.953.
Cụ thể riêng trong tháng 7, số DN được thành lập mới là 11.677 đơn vị với số vốn đăng ký 94.543 tỉ đồng, tăng 8,7% về số lượng và giảm 14,5% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 DN trong tháng 7 đạt 8,1 tỉ đồng, giảm 21,3% so với tháng trước.
Cùng với số lượng DN ra đời, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng qua là 1.670.465 tỉ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 9,5 tỉ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.(Thanhnien)
--------------------------
Alibaba chuẩn bị rót 500 triệu USD cho “Taobao của Indonesia”
Tập đoàn Alibaba Group Holding Ltd. đang thảo luận để đầu tư 500 triệu USD vào công ty thương mại điện tử PT Tokopedia của Indonesia, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết.
Cũng theo nguồn tin trên, trong vòng gọi vốn này của PT Tokopedia - sàn thương mại điện tử lớn nhất của Indonesia, Alibaba có thể sẽ cùng tham gia với các nhà đầu tư hiện tại của công ty gồm SoftBank Group Corp. và Sequoia Capital.
Thương vụ này có thể sẽ ngăn cản ý định đầu tư vài trăm triệu USD vào Tokopedia của hãng thương mại điện tử Trung Quốc JD.com Inc. - đối thủ của Alibaba. Đại diện của Alibaba và JD từ chối đưa ra bình luận về thông tin này. Còn Tokopedia cũng chưa có bình luận.
Thời gian gần đây, các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc đua nhau đẩy mạnh đầu tư vào Đông Nam Á nhằm giúp mở rộng ra nước ngoài khi thị trường trong nước có dấu hiệu bão hoà. Trong đó, Alibaba là công ty có hoạt động đầu tư tích cực nhất, không chỉ trong ngành thương mại điện tử mà cả mạng lưới thanh toán điện tử.
Tháng 6 vừa rồi, Alibaba cũng rót thêm 1 tỷ USD để nâng tỷ lệ ở hữu 83% cổ phần hãng thương mại điện tử Lazada Group SA của Singapore, nằm trong kế hoạch mở rộng sang thị trường Đông Nam Á.
Khoản đầu tư vào Tokopedia sẽ giúp mở rộng thị phần của Alibaba tại thị trường thương mại điện tử Indonesia, đồng thời biến Tokopedia và Lazada chuỗi liên minh thương mại điện tử, đáp ứng gần như mọi nhu cầu của người mua sắm trực tuyến với hàng hoá từ các thương hiệu nổi tiếng cho tới tiểu thương.
Tokopedia được đồng sáng lập bởi William Tanuwijaya, con trai một công nhân nhà máy tại Indonesia, vào năm 2009. Mô hình kinh doanh của Tokopedia tương tự như sàn thương mại điện tử Taobao của Alibaba, là trung gian kết nối giữa khách hàng và nhà cung cấp hàng hoá.
Trong vòng gọi vốn năm 2014, công ty này huy động được 100 triệu USD từ SoftBank và Sequoia Capital, mở màn cho làn sóng đầu tư vào công nghệ tại Indonesia.
Theo một báo cáo của hãng nghiên cứu Macquarie Research, thị trường thương mại điện tử Indonesia được dự báo sẽ tăng lên 65 tỷ USD vào năm 2020 từ mức 8 tỷ USD hiện tại.(Vneconomy)