Nhôm ép Việt Nam vẫn bị ADC nói bán phá giá; Đại gia Lê Thanh Thản nói về dấu hiệu trốn thuế: “Tôi chả hiểu gì cả”; Hà Nội cấm xe máy, cơ hội dành cho doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi; Hà Nội thống nhất rút 124 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý
Tin kinh tế đọc nhanh tối 24-08-2017
- Cập nhật : 24/08/2017
Công ty Nhật đang dần rời bỏ Trung Quốc
Lương nhân công tại Trung Quốc tăng đang khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật mang nhà máy và việc làm về nước.
Theo khảo sát thường niên của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) với khoảng 3.000 công ty, trong những doanh nghiệp gần đây chuyển sản xuất ra ngoài, khoảng 8,5% đã quay về Nhật Bản từ Trung Quốc.
“Nguyên nhân lớn nhất là lương nhân công tại Trung Quốc tăng. Việc này đang khiến các doanh nghiệp đổ về các nước Đông Nam Á như Việt Nam, hoặc quay lại Nhật Bản”, Yuichi Kodama - kinh tế trưởng tại hãng bảo hiểm nhân thọ Meiji Yasuda nhận xét, “Việc này đã giúp đầu tư vốn tại Nhật Bản tăng lên”.
Ngoài việc chênh lệch lương nhân công ngày càng thu hẹp, đồng yen yếu đi do chương trình nới lỏng tiền tệ kỷ lục của Ngân hàng Trung ương Nhật cũng đang khuyến khích các công ty sản xuất trong nước để xuất khẩu, Yuji Shimanaka - kinh tế trưởng tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities giải thích. Từ đầu năm 2013, yen đã mất giá 15% so với NDT.
Công việc quay về trong nước là tín hiệu tích cực với nền kinh tế lớn nhì thế giới. Nhật Bản đang trong đà tăng trưởng dài nhất hơn một thập kỷ qua.
Dù vậy, xu hướng chung là các công ty Nhật vẫn muốn mở rộng hoặc chuyển sản xuất ra nước ngoài. Họ muốn tận dụng lao động giá rẻ và thị trường tiêu dùng đang bùng nổ - những thứ không có tại xã hội già hóa như Nhật Bản.
Trong 3 tháng đầu năm, lượng sản phẩm Nhật Bản sản xuất tại các nước khác đã lên kỷ lục. “Các công ty vẫn tiếp tục nhắm vào các thị trường có nhu cầu”, Kodama cho biết. Vì thế, Đông Nam Á - với dân số trẻ, đang tăng và kinh tế bùng nổ - trở thành điểm đến ưa thích của các công ty nước này. (Vnexpress)
----------------------------
Bùng nổ xuất khẩu trái cây
7 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt hơn 2 tỉ USD giúp mục tiêu 3 tỉ USD cho cả năm 2017 trở nên dễ dàng
Dù tăng trưởng khá nóng, gần 49% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng theo các chuyên gia, tiềm năng của ngành rau quả còn rất lớn, khả năng bùng nổ thời gian tới còn cao.
Tăng đều các thị trường
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 7 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 2,029 tỉ USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ 2016, sản xuất và xuất khẩu đều thuận lợi. Kim ngạch 10 thị trường chính đều tăng cao. Trong đó, 3 thị trường cao nhất là Trung Quốc (74% thị phần, tăng 53%), Mỹ (hơn 3%, tăng 28%) và Nhật Bản (hơn 3%, tăng 64%). Về mặt hàng, có 10 loại trái cây chủ lực gồm: thanh long (50,3%), nhãn (12,8%), sầu riêng (6,3%), dưa hấu (6%), măng cụt (5,1%), vải (4,6%), xoài (3,8%), dừa (2,8%), chanh (2,8%), chuối 2,4%.
Với 2 mặt hàng dẫn đầu là thanh long và nhãn, theo TS Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đây là mặt hàng bán sang thị trường khó tính được nhiều nhất. Hiện có quy trình trồng tốt, tập trung với diện tích lớn, rải vụ, sản phẩm quanh năm, có quy trình thu hái, bảo quản sau thu hoạch tốt. Do đó, sản phẩm xuất khẩu đạt cả chất luợng ổn định đồng nhất lẫn an toàn thực phẩm, đóng gói chuyên nghiệp, vận tải được cả bằng đường biển và hàng không, giá cả tương đối ổn định quanh năm, khả năng cạnh tranh cao. Đây là những tín hiệu cho thấy chủ trương chuyển đổi đa dạng hóa thị trường đã khởi sắc.
Sự tăng trưởng của xuất khẩu rau quả vài năm gần đây đã thu hút nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Có mặt tại một hội thảo về nông nghiệp gần đây ở TP HCM, trước giờ chỉ hoạt động trong các lĩnh vực nhựa, may mặc…, ông Lâm Đạo Hưng, Chủ tịch HĐQT Minh Hưng Group, tiết lộ sẽ đầu tư vào ngành trái cây. Bước đi đầu tiên của Minh Hưng là tìm kiếm giải pháp xử lý dịch hại trên cây trồng mà không để lại tồn dư cho sản phẩm để có vùng nguyên liệu sạch cho xuất khẩu.
Góp phần vào sự tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu rau quả có thể nhắc đến sự gia nhập mới nhưng sản lượng lớn là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Theo báo cáo vào cuối tháng 6 vừa qua của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã trồng 18.686 ha (ở Việt Nam 2.111 ha) cây ăn trái tập trung vào loại nhiệt đới và dự kiến tăng 20.800 ha vào cuối năm 2017. Tập đoàn này đã trồng tới 17 loại cây ăn trái, nổi bật trong đó có xoài (3.983 ha), thanh long (2.988 ha), chuối (2.826 ha) và chanh dây (1.483 ha) với mục tiêu doanh thu 2.600 tỉ đồng cả năm 2017.
Vẫn còn khả năng tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T, chuyên xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ - tăng trưởng của công ty thời gian qua rất ấn tượng. Bảy tháng đầu năm, công ty xuất khẩu trái cây sang Mỹ đạt 8 triệu USD, bằng cả năm 2016. Nhằm mở rộng vùng nguyên liệu để xuất khẩu, vừa qua, ông Tùng đã tham gia xúc tiến thương mại tại 2 tỉnh Hưng Yên và Sơn La, nơi có những giống nhãn ngon nổi tiếng. Kết quả, nhãn sông Mã (Sơn La) - loại quả to, cùi dày, hạt nhỏ, ngọt dịu - đã được công ty thu mua để chào lô hàng đầu tiên xuất sang Mỹ. "Tôi rất kỳ vọng vào chuyến hàng này vì nhãn có chất lượng rất tốt, nếu khách hàng hài lòng có thể tiến tới xây dựng thương hiệu nhãn Việt Nam tại Mỹ. Đây là đặc sản mùa vụ, mỗi năm chỉ có khoảng 45 ngày, trồng trên vùng đồi núi. Trước giờ, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn sang Mỹ nhiều nhưng là giống ido, tương tự như các nước, không có sự khác biệt như nhãn sông Mã. Để xuất khẩu nhãn sang Mỹ, bắt buộc phải chiếu xạ tại một nhà máy ở TP HCM khiến doanh nghiệp (DN) phải tốn nhiều chi phí vận chuyển từ vùng nguyên liệu Tây Bắc nhưng nhờ chất lượng tốt hơn, có thể bán được giá cao tại Mỹ nên có thể bù được chi phí" - ông Tùng phân tích.
Ông Huỳnh Lê Quang Nhật - đại diện Công ty TNHH Agricare Việt Nam, chuyên xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Úc - thừa nhận DN của ông và nhiều đơn vị khác đã sẵn sàng xuất khẩu thanh long, chỉ còn chờ ngày "mở cửa" chính thức. Công ty đang xuất khẩu xoài tươi sang Úc rất thuận lợi bằng cả đường hàng không và đường biển. Hàng thu mua để đi Úc có giá cao hơn thị trường từ 10%-25% do người tiêu dùng nước này thích hàng có cảm quan đẹp, không tì vết.
Ông Chu Hồng Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (đơn vị phụ trách mở cửa thị trường khó tính), nhận định tiềm năng xuất khẩu trái cây còn rất lớn, khả năng vượt xa 3 tỉ USD/năm vào những năm sau khi Việt Nam chính thức mở cửa thêm nhiều thị trường mới. Những mặt hàng tiềm năng như thanh long đi Úc (DN đã có đơn hàng), xoài đi Mỹ… Do đó, cần tập trung đầu tư vào những loại quả đã mở cửa thành công để giữ và phát triển thị trường để bảo đảm khả năng cung ứng về số lượng, chất lượng, độ đồng đều. Về giống, muốn xuất khẩu tốt phải có những loại giống cho ra quả dễ bảo quản, có khả năng đi xa và công tác bảo quản sau thu hoạch. Nên nhớ, xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường khó tính không phải là xuất thô mà là hàng giá trị gia tăng. Bởi vì để xuất khẩu được, Việt Nam phải vượt qua hàng rào kỹ thuật khắt khe, phải ứng dụng công nghệ cao để xử lý dịch hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Là mặt hàng khó làm nhưng nếu làm được thì giá trị rất lớn. Chẳng hạn tại Nhật Bản, một quả thanh long 300 g có giá khoảng 3 USD, xoài xanh bán ở Úc giá quy đổi khoảng 200.000 đồng/kg. (NLĐ)
-----------------------------
Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo
Phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ có liên quan sớm rà soát, đề xuất cụ thể.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan, trong đó, khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Đặc biệt là nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế tại một số nước (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...) về pháp luật và thực tiễn liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 8-2018 hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng xem xét.
Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Nhiệm vụ này phải hoàn thành vào tháng 6-2019.
Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9-2019.(Tuoitre)
-----------------------
15 doanh nghiệp trúng thầu gần 90.000 tấn đường nhập khẩu
Theo Bộ Công thương, trong phiên đấu thầu sáng 23-8, có 15/28 doanh nghiệp gửi hồ sơ tham gia đấu giá đã trúng thầu nhập khẩu 89.500 tấn đường trong hạn ngạch thuế quan theo cam kết với WTO trong năm 2017.
Trong đó có ba doanh nghiệp nhập khẩu đường thô và 12 doanh nghiệp nhập khẩu đường tinh luyện.
Đáng chú ý là ba doanh nghiệp trúng thầu 44.000 tấn đường thô là Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Công ty cổ phần đường Biên Hòa và Công ty TNHH đường Biên Hòa, Ninh Hòa đều thuộc Tập đoàn Thành Thành Công.
Theo Bộ Công thương, đối với mặt hàng đường thô, sau quá trình làm việc công khai, minh bạch trong xét duyệt phiếu đăng ký của 5 doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng kim ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường thô, Hội đồng đấu giá đã chọn ra 3 doanh nghiệp trúng thầu với mức giá đưa ra bằng nhau là 2.500.000đ/ tấn.
Đối với mặt hàng đường tinh luyện, hạn ngạch được đưa ra tại phiên đấu giá là 45.500 tấn.
Theo phiếu đăng ký của doanh nghiệp gửi, Hội đồng đấu giá đã chọn ra 12 doanh nghiệp trúng thầu.
Mức giá cao nhất trúng thầu là 4.550.000đồng/tấn. Mức giá thấp nhấp trúng thầu là 1.820.000đồng/ tấn.
Đây là lần thứ hai Bộ Công thương tổ chức đáu thầu hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thay cho phương án chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu như trước kia.(Tuoitre)