Giá vàng tăng hơn 1% trong tháng 4; Kinh tế Mỹ nặng gánh vì núi nợ của người trẻ; TP.HCM thu hút vốn FDI tăng 43%; Gần 40.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm
Tin kinh tế đọc nhanh 27-07-2017
- Cập nhật : 27/07/2017
Doanh số iPhone tại Trung Quốc sắp rơi khỏi top 5?
Theo phân tích của Canalys, Xiaomi đã đánh chiếm vị trí thứ 4 tại thị trường smartphone Trung Quốc, đẩy Apple xuống vị trí thứ 5.
Theo số liệu từ công ty phân tích độc lập Canalys, thị phần của Apple tại thị trường smartphone Trung Quốc đã giảm trong quý vừa qua. Thương hiệu nội địa Xiaomi đã đánh chiếm vị trí thứ 4 của Apple, đẩy gã khổng lồ công nghệ của Mỹ xuống vị trí thứ 5. Trong khi đó, Samsung của Hàn Quốc còn không lọt nổi vào top 5.
Theo Canalys, 4 thương hiệu smartphone có doanh số mạnh nhất tại Trung Quốc trong quý II/2017 là:
1. Huawei: 23 triệu chiếc
2. Oppo: 21 triệu
3. Vivo: 16 triệu
4. Xiaomi: 15 triệu
Apple không đưa ra chi tiết về doanh số bán hàng của từng sản phẩm trong từng khu vực, và chưa bình luận ngay về thông tin này. Nhưng đầu năm nay, một báo cáo khác của Counterpoint Research cho thấy iPhone không còn là smartphone bán chạy nhất Trung Quốc trong năm 2016, đánh dấu lần đầu tiên Apple mất ngôi vị này kể từ năm 2012.
Theo đánh giá của Canalys, việc bám trụ trong top 5 ở Trung Quốc là rất quan trọng với Apple, vì nhóm top 5 chiếm gần 75% trong số 113 triệu chiếc điện thoại được bán ra ở Trung Quốc trong quý II/2017. Chỉ riêng thị phần của 4 thương hiệu mạnh nhất đã tăng tổng cộng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
CEO Tim Cook của Apple đã bày tỏ sự lạc quan về dài hạn đối với thị trường Trung Quốc, bất chấp sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hệ sinh thái của mạng xã hội WeChat (thuộc sở hữu của Tencent). Apple gần đây đã tạo ra một vị trí mới là giám đốc điều hành của Đại Trung Quốc, phụ trách phát triển các tính năng cụ thể của iPhone và iPad giành riêng cho thị trường Trung Quốc.
Năm nay là dịp kỷ niệm 10 năm iPhone ra mắt thị trường, và sản phẩm sắp được công bố iPhone 8 đang được kì vọng là sẽ giúp lấy lại vị thế của Apple tại Trung Quốc. Theo FactSet, doanh số của Apple tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đạt 9,96 tỷ USD trong quý kết thúc ngày 30/9 năm nay, so với mức 8,79 tỷ USD cùng kỳ năm trước.(NCĐT)
--------------------------
Doanh nghiệp Việt trúng thầu cung cấp 175.000 tấn gạo cho Philippines
Các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu áp đảo 175.000 tấn gạo trong phieên mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo của Philippines.
Trong phiên mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo 25% tấm của Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) ngày 25/7, các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu áp đảo 175.000 tấn gạo.
Thông tin này được ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác nhận với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vào chiều 25/7, ngay sau khi có kết quả đấu thầu.
Theo ông Năng, đợt đấu thầu 250.000 tấn của NFA lần này là đấu thầu mở quốc tế (G2P) cho tất cả nhà cung cấp các nước tham gia, không phải là hình thức đấu thầu Chính phủ (G2G) theo Bản ghi nhớ thỏa thuận về thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines. Khối lượng gạo này được chia thành các lô gồm 25.000 tấn và 50.000 tấn, với số lượng cụ thể giao hàng đến các cảng khác nhau. Mỗi nhà cung cấp có thể chào thầu bất cứ lô nào, nhưng chỉ được trúng thầu tối đa 50.000 tấn.
Có 20 hồ sơ dự thầu đủ điều kiện, tiêu chí quy định của NFA; trong đó, có 8 doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có 4 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp tổng cộng 175.000 tấn gạo cho Philippines. Cụ thể, 3 doanh nghiệp gồm Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Công ty cổ phần Quốc tế gia và Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long mỗi đơn vị trúng thầu cung cấp 50.000 tấn gạo và Công ty cổ phần Hiệp Lợi trúng lô 25.000 tấn. Còn lại 75.000 tấn gạo trong gói thầu trên do 2 Tập đoàn nước ngoài trúng thầu.
Được biết, do mỗi doanh nghiệp dự thầu cung cấp ở các cảng khác nhau, nên mức giá bỏ thầu cũng khác nhau. Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về mức giá bỏ thầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là lần đầu Philippines công khai giá trần mua với giá CIF là 450 USD/tấn tương đương với giá FOB tại Tp.Hồ Chí Minh là 380 USD/tấn.
Do đây không phải là đấu thầu G2G nên các doanh nghiệp tham gia không phải thực hiện theo các quy định về thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các văn bản hướng dẫn liên quan. Dự kiến các doanh nghiệp sẽ giao hàng cho Philippines trong tháng 8 và 9/2017.(TTXVN)
--------------------------
Công ty con của KKR thâu tóm WebMD với giá 2,8 tỷ USD
Trang thông tin y khoa WebMD thường xuyên nằm trong top 50 trang web được truy cập nhiều nhất nước Mỹ, theo số liệu từ ComScore.
Mới đây, công ty chuyên về thông tin y khoa WebMD đã xác nhận việc họ sắp được thâu tóm lại bởi công ty con Internet Brands của tập đoàn KKR.
Theo đó, Internet Brands sẽ trả 66,50 USD cho mỗi cổ phiếu WebMD, vốn vừa chốt phiên 24/7 với giá 55,19 USD. 2 bên cho biết rằng giá 66,50 USD này cao hơn 30% so với giá cổ phiếu của WebMD ngày 15/2, một ngày trước khi WebMD công bố kế hoạch xem xét "các lựa chọn chiến lược".
Cổ phiếu của WebMD tăng khoảng 19% lên 66,10 USD sau khi thỏa thuận được công bố.
Martin J. Wygod, chủ tịch của WebMD, tuyên bố: "Sau khi xem xét kỹ lưỡng các lựa chọn chiến lược, chúng tôi vui mừng thông báo về giao dịch này. Nó cung cấp cho các cổ đông của chúng tôi những khoản tiền mặt lớn ngay lập tức và một mức chênh lệch đủ lớn. Trong suốt quá trình này, Hội đồng Quản trị của chúng tôi đã tiến hành phân tích và thảo luận rất kỹ lưỡng. WebMD và các nhà tư vấn tài chính của công ty đã thực hiện một quá trình có sự tham gia của 100 đối tác chiến lược và tài chính. Chúng tôi tin rằng giao dịch này sẽ giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của chúng tôi".
2 phía tham gia cho biết họ kì vọng thương vụ sẽ được chốt trong quý IV năm nay.
Được thành lập năm 1996 bởi Jim Clark (đồng sáng lập Netscape) và Pavan Nigam với cái tên Healthscape, WebMD là một trong số ít những công ty sống sót sau bong bóng Dot Com 1.0. Sau đó, công ty đã đổi tên thành Healtheon, và sau khi mua lại WebMD vào năm 1999 thì cũng đổi tên luôn thành WebMD.
WebMD đã tiến hành IPO vào năm 2005 và đã tồn tại qua nhiều làn sóng công nghệ. Nhưng vào tháng 2 vừa qua, công ty đưa ra một dự báo đáng thất vọng, và cho biết đã thuê J.P. Morgan tìm hiểu về khả năng bán lại. Khi đó, nhiều người nghi ngờ liệu có ai đủ hứng thú với công ty 21 tuổi đời này hay không.
Theo VentureBeat, thỏa thuận giữa WebMD, với Internet Brands có nhiều điểm hợp lý. Internet Brands cũng sở hữu một số trang web chuyên về thông tin y khoa, chẳng hạn như DentalPlans.com, VeinDirectory.org và AllAboutCounseling.com. Vì vậy, việc thâu tóm WebMD sẽ giúp Internet Brands mở rộng danh mục đầu tư trong ngành này nhiều hơn nữa.(NCĐT)
--------------------------
Một startup tại Singapore phát triển thẻ Visa dùng tiền ảo
Liệu ý tưởng của TenX sẽ giúp cho việc sử dụng tiền ảo hàng ngày được chấp nhận rộng rãi hơn?
Một thách thức hay được nhắc đi nhắc lại khi nói về tiền ảo là làm thế nào để chúng trở nên dễ sử dụng hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Mới đây, công ty khởi nghiệp TenX đã phát triển một loại thẻ ghi nợ Visa cho phép chuyển đổi nhanh chóng nhiều loại tiền tệ số sang các loại tiền chính thống như USD, yen và euro. TenX cho biết sẽ thu phí 2% mỗi giao dịch, với mức giới hạn giao dịch tối đa là 2.000 USD/năm. Hiện tại hãng đã nhận được các đơn đặt hàng cho hơn 10.000 thẻ.
Để làm điều này, TenX đã xây dựng một ví kỹ thuật số kết nối với thẻ Visa, để khi người dùng cà thẻ tại điểm bán hàng, người bán sẽ nhận được thanh toán bằng tiền địa phương, còn tài khoản tiền ảo của người dùng sẽ được trừ đi một khoản tương ứng.
Hiện tại cộng đồng tiền ảo đang có nhiều biến động lớn. Loại tiền ảo phổ biến nhất là bitcoin đã giảm giá sau khi đạt mức kỷ lục vào tháng 6, do những lo ngại rằng nó có thể bị tách làm đôi vào đầu tháng 8 tới đây.
Đồng sáng lập của TenX là Julian Hosp nói: "Công nghệ này là sự hòa trộn giữa hai thế giới khác nhau như ngày và đêm. Khi người dùng sử dụng tiền ảo, chúng tôi phải chuyển đổi ngay các loại tiền tệ này sang tiền chính thống, và thanh toán ngay cho Visa".
Hosp cho biết các giao dịch được TenX xử lý ngay lập tức, và không có thêm một khoản phí nào khác ngoài phí chuyển đổi của các sàn giao dịch tiền ảo, thường là từ 0,15% đến 0,2% giá trị giao dịch. Thẻ này hiện hỗ trợ 8 loại tiền ảo, bao gồm cả các loại tiền chưa được phổ thông lắm như dash và augur, và đang nhắm đến việc tăng con số này lên 11 vào cuối năm nay.
TenX hiện đang xử lý lượng giao dịch khoảng 100.000 USD mỗi tháng. Công ty đặt mục tiêu đưa con số này lên 100 triệu USD vào cuối năm 2018, với 1 triệu người dùng.
Nhà phân tích Mati Greenspan của eToro cho rằng TenX có lợi thế của người đi tiên phong, nhưng trong tương lai startup này có thể gặp phải sự cạnh tranh từ các định chế tài chính và nhà đầu tư mạo hiểm lớn, vốn là những người giàu có hơn và nguồn khách hàng và cơ sở dữ liệu lớn hơn.
Greenspan nói thêm: "Đây là một ý tưởng rất khác thường. Việc nó có thành công hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ với khách hàng. Liệu TenX có đáp ứng được mong đợi của khách hàng không? Có ai khác có thể làm tốt hơn họ hay không?".
Theo Hosp cho biết, trong đợt chào bán đầu tiên các token (ICO) vào tháng trước, TenX đã huy động được 80 triệu USD. Khoảng một nửa số tiền này sẽ được sử dụng để mở rộng hoạt động, trong khi phần còn lại sẽ tạo ra thanh khoản cho việc giao dịch tiền ảo.
Trước đây, TenX đã huy động được 120.000 USD từ các nhà đầu tư thiên thần, và sau đó là thêm 1 triệu USD trong vòng đầu tư hạt giống từ công ty đầu tư mạo hiểm Fenbushi Capital, vốn có một lãnh đạo là Vitalik Buterin - nhà đồng sáng lập Ethereum. TenX không kì vọng sẽ có lợi nhuận trong 2 năm tới, vì cần phải tập trung vào việc mở rộng dịch vụ.
Hosp nói: "Mục tiêu của chúng tôi là giúp bạn có thể chuyển đổi qua lại giữa các loại tiền ảo trong ứng dụng. Nếu làm được điều này, chúng tôi có thể trở thành người kiến tạo thị trường (market maker), từ đó đem lại nhiều doanh thu".(NCĐT)