Nhà đầu tư Thái Lan: Vào sâu, ở lâu, bám chặt; Áp dụng thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu; Hơn 31.000 tỉ đồng đầu tư vào năng lượng sạch ở Ninh Thuận; Vận hành nhà máy sản xuất kim chi trị giá 250 tỷ đồng, công suất 5.800 tấn/năm
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-08-2017
- Cập nhật : 24/08/2017
Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị S2 tại Hoài Đức
Theo quyết định điều chỉnh, ô đất quy hoạch ký hiệu E1 có chức năng là đất công trình kỹ thuật đầu mối nay sẽ điều chỉnh sang chức năng đất hỗn hợp đa chức năng (ở, dịch vụ thương mại, quảng trường công cộng, hạ tầng kỹ thuật...).
Phối cảnh tổng thể Quy hoạch phân khu đô thị S2.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị S2, tỷ lệ 1/5000, tại một phần lô đất thuộc ô quy hoạch ký hiệu E1, thuộc khu Đồng Gạc, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức.
Theo đó, tổng diện tích khu đất nghiên cứu phân khu đô thị trên khoảng 6.156m2. Về nguyên tắc điều chỉnh cục bộ một phần ô quy hoạch ký hiệu E1 (tại khu Đồng Gạc, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức), trên cơ sở giữ nguyên bố cục tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch phân khu đô thị S2 đã được phê duyệt.
Quyết định nêu rõ, quy hoạch phân khu đô thị S2 tỷ lệ 1/5000 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 16/1/2014, lô đất nêu trên thuộc ô quy hoạch ký hiệu E1 có chức năng là đất công trình kỹ thuật đầu mối. Theo đó, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đã không còn xác định bến xe tại đây. Nay điều chỉnh cục bộ quy hoạch với chức năng và chỉ tiêu như sau: Điều chỉnh từ chức năng đất công trình kỹ thuật đầu mối sang chức năng đất hỗn hợp đa chức năng (ở, dịch vụ thương mại, quảng trường công cộng, hạ tầng kỹ thuật...). Mật độ xây dựng tối đa 48%; tầng cao 25 tầng; dân số tối đa 1.750 người.
Việc bố trí tầng hầm theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại Thông báo số 83-TB/TU ngày 24/3/2016, đảm bảo nhu cầu đỗ xe cho bản thân công trình theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam kết hợp bổ sung một phần phục vụ dân cư khu vực theo quy định. Bố trí đủ diện tích nhà trẻ, cây xanh, phòng sinh hoạt cộng đồng của dự án theo quy định.
Khu vực tiếp giáp với Quốc lộ 32 bố trí 641,5m2 đất quảng trường, vịnh đỗ xe và tiện ích công cộng để khớp nối với ga đường sắt tuyến đường sắt đô thị số 3 dự kiến theo quy hoạch.
Các giải pháp về hướng tuyến hạ tầng kỹ thuật kết nối từ khu đất đề xuất điều chỉnh quy hoạch với mạng lưới bên ngoài cụ thể sẽ được xác định trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trên cơ sở thỏa thuận của các cơ quan quản lý chuyên ngành về nguồn cấp, điểm đấu nối, công suất cấp.(Bizlive)
---------------------
Cảnh báo lệch pha dòng tiền đầu tư bất động sản
Hiện nay đang có sự chênh lệch về dòng tiền đầu tư vào bất động sản. Tức là nguồn vốn đang tập trung vào các đại gia địa ốc và thiếu từ các nguồn huy động khác.
Nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ đang khát vốn . Ảnh: Dũng Minh.
Chia sẻ với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện nay, đang có sự lệch pha về sản phẩm bất động sản, nguy hiểm hơn là lệch pha về dòng tiền. Tức là lệch pha về nguồn vốn tín dụng của nhà đầu tư thứ cấp và lệch về nguồn vốn huy động từ xã hội của nhà đầu tư vào các doanh nghiệp lớn. Đây cũng là lý do khiến 7 tháng đầu năm 2017, tình hình thị trường bất động sản chững lại và mất cân bằng về cung cầu.
Để cân bằng được dòng tiền đầu tư vào bất động sản, theo ông Châu, các chủ đầu tư cần tái cấu trúc đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm, đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, cũng như khả năng thanh toán của khách hàng. Bên cạnh đó, những người mua nhà có nguồn vốn chiếm tỷ lệ trên 50% thì khi đầu tư hoặc mua nhà để ở sẽ yên tâm, đảm bảo tính thanh khoản và tính ổn định của thị trường.
“Tuy nhiên, vẫn có những nhà đầu tư thứ cấp chỉ có nguồn vốn khiêm tốn nhưng lại đặt cọc rất nhiều sản phẩm và khi không bán được sản phẩm, nhà đầu tư sẽ mất tiền cọc và ảnh hưởng đến cuộc sống của chính các nhà đầu tư.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư nếu đầu tư bằng nguốn vốn của mình hoặc bằng vốn vay với lãi suất thấp và dài hạn thì lúc nào cũng yên tâm. Còn nếu nguồn vốn đi vay nóng với lãi suất cao, thì chúng tôi cảnh báo là thị trường đầy rủi ro”, ông Châu khuyến cáo.
Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước và đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về vấn đề lệch pha dòng tiền vào các đại gia.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, huy động vốn ngân hàng không nên "chảy" vào một số doanh nghiệp lớn, mà dòng tiền phải "chảy" vào doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hay nói cách khác là đầu tư sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
Trên thị trường bất động sản, cũng đã từng xuất hiện những cảnh báo về dòng vốn tín dụng ngân hàng dồn mạnh vào một số doanh nghiệp lớn và phân khúc cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, trong khi nguồn vốn cho đầu tư nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp lại khó tiếp cận.
Chính điều này đã dẫn tới lệch pha cung cầu trên thị trường, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng trước đó cũng đã lên tiếng cảnh báo tình trạng lệch pha dòng tiền và lệch pha cung cầu trên thị trường bất động sản, nhưng xem ra, đến nay thị trường vẫn chưa cân bằng được cán cân giữa nhà ở giá rẻ và nhà ở cao cấp.
Một số chuyên gia nhận định, nếu không có giải pháp giải quyết tình trạng này, phân khúc nhà ở cao cấp sẽ đối mặt với tình trạng bội cung, sau này sẽ rất dễ tạo nên một đợt bong bóng mới.
Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, hiện tượng bong bóng có thể xuất hiện trong thời gian tới, nhưng sẽ chỉ ở một phân khúc, một vài khu vực nhỏ, chứ rất khó lan ra thị trường cả nước như giai đoạn 2009 - 2013.
"Thị trường bất động sản thường trải qua 4 giai đoạn trước khi hình thành một chu kỳ mới là phục hồi, tăng trưởng, sốt nóng và đóng băng. Dường như Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu dịch chuyển từ phục hồi sang giai đoạn tăng trưởng và sốt nóng”, ông Alex Crane nói.
Trong khi đó, theo JLL Việt Nam, thị trường hiện nay đã cho thấy bước qua khỏi thời kỳ bong bóng bất động sản từ năm 2011 và hiện tại, người mua đang được tiếp cận mức tín dụng hợp lý hơn, tỷ lệ lạm phát thấp và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam vẫn thuộc top nhanh nhất tại khu vực ASEAN.
Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, pháp luật mở rộng quyền mua và sở hữu bất động sản tại Việt Nam của người nước ngoài, đã tạo ra những tín hiệu tích cực cho thị trường.
Ngoài ra, với Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu bắt đầu có hiệu lực từ 15/8/2017, nhiều thành viên thị trường kỳ vọng, bài toán nợ xấu liên quan đến bất động sản sẽ được giải quyết, giúp nhiều dự án được tái khởi động, cung cấp nhiều dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, qua đó giúp cân bằng cung cầu cũng như dòng tiền chảy vào thị trường.(ĐTCK)
---------------------------------
Cuộc cách mạng robot tại Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ
Tác động của việc Trung Quốc sử dụng robot trong sản xuất sẽ không chỉ giới hạn trong biên giới nước này mà sẽ tác động đến cả kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc đang lắp đặt nhiều robot hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, và điều này sẽ tác động không nhỏ đến các nước khác.
Theo Bloomberg, năm ngoái, Trung Quốc đã lắp đặt khoảng 90 nghìn robot, mức tăng 27% so với năm trước đó. Số lượng robot lắp đặt trong một năm như vậy cao hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Liên đoàn Robot quốc tế (IFR) còn ước tính tổng số robot mà Trung Quốc sản xuất ra sẽ tăng gấp đôi lên 160 nghìn vào năm 2019.
Cho đến hiện tại, với số lượng robot khủng khiếp cung cấp ra thị trường như trên, mức lương lao động của người Trung Quốc chưa bị ảnh hưởng tiêu cực, tuy nhiên qua thời gian nó sẽ có tác động không chỉ đến Trung Quốc mà thậm chí cả thế giới.
Việc sử dụng thêm nhiều robot trong sản xuất sẽ có thể giúp tăng năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh trong xuất khẩu, thế nhưng cùng lúc đó có thể nới rộng bất bình đẳng thu nhập, làm giảm tiêu dùng. Tác động của việc Trung Quốc sử dụng robot trong sản xuất sẽ không chỉ giới hạn trong biên giới nước này.
“Bằng việc đẩy cao phía nguồn cung và giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, khi hoạt động sản xuất được tự động hóa nhiều hơn, nó sẽ khiến kinh tế Trung Quốc còn phụ thuộc nhiều hơn nữa vào xuất khẩu, như vậy những hy vọng vào khả năng cân bằng nền kinh tế theo hướng phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa sẽ không còn nhiều căn cứ”, chuyên gia kinh tế thuộc Bloomberg, ông Tom Orlik và Fielding Chen nhận định.
Mức lương lao động Trung Quốc đã tăng khá nhanh trong thời gian qua. Mức lương của người lao động trong ngành sản xuất có bằng trung học tăng 53% trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2014, theo ước tính từ khảo sát của Hiệp hội Tài chính Tiêu dùng Trung Quốc.
“Việc sử dụng ngày một nhiều robot trong sản xuất hẳn là tin xấu cho người lao động có trình độ tay nghề trung bình, đặc biệt trong những ngành mà thao tác công việc chủ yếu mang tính lặp đi lặp lại. Ngoài ra, mức lương lao động ở Trung Quốc đã tăng quá nhanh, chính vì vậy, người lao động chỉ có thể giữ được việc làm nếu họ thực sự có kỹ năng làm việc đột phá”, ông Tom Orlik và Fielding Chen nhận xét.
Chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch phát triển ngành sản xuất Trung Quốc mang tên “Made in China 2025” để nâng cấp trình độ kỹ thuật cho các nhà máy, trong đó robot được đặt ở vị trí phát triển trung tâm.
Việc thay thế các nhân lực chuyên làm việc tại các dây chuyền lắp ráp cũng giúp Trung Quốc ứng phó tốt hơn với tình trạng dân số già khiến lực lượng lao động ngày một co hẹp.
Và tất nhiên, dù hoạt động sử dụng robot trong sản xuất tại Trung Quốc đang ngày một nhiều hơn, tiến gần hơn đến khả năng bắt kịp Hàn Quốc và Singapore, sẽ còn lâu thị trường robot Trung Quốc mới bão hòa, tỷ lệ sử dụng robot trong sản xuất tại Trung Quốc hiện vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi xướng cuộc cách mạng robot vào năm 2014, từ đó đến nay, người ta không khỏi lo ngại về tình trạng bất bình đẳng tăng cao khi robot được sử dụng nhiều, lợi nhuận càng tập trung nhiều hơn vào tay giới chủ trong khi đó người lao động mất việc. Hậu quả, tiêu dùng người dân tất yếu sụt giảm, kinh tế Trung Quốc khó có thể trông chờ vào tiêu dùng để cân bằng nền kinh tế.
Thị trường robot Trung Quốc hiện được ước tính có quy mô khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, hơn một nửa thị phần vẫn thuộc về các công ty robot nước ngoài bao gồm Fanuc và Yaskawa của Nhật. Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu cân bằng thị phần giữa các công ty sản xuất robot của Trung Quốc và nước ngoài.(Bizlive)
-----------------------
Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu bảo lãnh thông quan
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu áp dụng hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu toàn diện về những vấn đề liên quan đến việc áp dụng hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-11.
Hệ thống bảo lãnh thông quan có thể giúp cải thiện thủ tục giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Ảnh: Hoàng Triều
l Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết 79 nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, sẽ đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực: đất đai, môi trường, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước.
Cụ thể, các nhóm thủ tục: Đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu; đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đã đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với tài sản gắn liền với đất mà sở hữu không đồng thời là người sử dụng đất; đăng ký đất đai lần đầu đối với trường hợp được nhà nước giao đất để quản lý... khi làm thủ tục sẽ thay thế cụm từ "số giấy CMND" và "số giấy chứng minh nhân dân" bằng cụm từ "số định danh cá nhân". Một số mẫu đơn, mẫu tờ khai liên quan đến các nhóm thủ tục khác có cụm từ "số giấy CMND" và "số giấy chứng minh nhân dân" cũng được thay thế bằng cụm từ "số định danh cá nhân"…(NLĐ)