tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-11-2015

  • Cập nhật : 26/11/2015

Bỏ quy định nhập tàu biển nước ngoài về Việt Nam phá dỡ

tu 1/7/2017, bo luat hang hai viet nam se co hieu luc thi hanh.

Từ 1/7/2017, Bộ luật Hàng hải Việt Nam sẽ có hiệu lực thi hành.


Bộ luật Hàng hải Việt Nam được Quốc hội thông qua chiều 25/11 đã lược bỏ các quy định về nhập khẩu tàu biển từ nước ngoài vào Việt Nam để phá dỡ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý cho biết.

Đây là kết quả tiếp thu ý kiến nhiều vị đại biểu, rằng việc nhập tàu biển nước ngoài về để phá dỡ cần được thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan.

Ý kiến đề nghị cân nhắc không nên quy định cho phép tổ chức, cá nhân là người nước ngoài quyền quyết định hình thức quản lý, khai thác cảng biển, luồng hàng hải cũng được giải trình.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, việc quy định cho tổ chức, cá nhân trong đó có tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư, xây dựng cảng, luồng hàng hải là nhằm khai thác các nguồn lực trong xã hội, thu hút các nguồn vốn cả trong nước và ngoài nước để đầu tư phát triển ngành hàng hải.

Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài nếu họ đã đầu tư, xây dựng cảng, luồng hàng hải thì họ phải được quyền quyết định hình thức quản lý, khai thác cảng biển, luồng hàng hải.

Toàn bộ các quy định này là kế thừa quy định hiện hành của pháp luật, quá trình thực hiện vấn đề này không có vướng mắc trong thực tiễn.

Về quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì để quản lý chặt chẽ, có hiệu quả nguồn vốn Nhà nước và bảo đảm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên của đất nước (quỹ đường bờ), trong bộ luật chỉ quy định hình thức cho thuê đối với kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước là phù hợp.

Do đó, đề nghị Quốc hội không cho bổ sung quy định hình thức chuyển nhượng kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước vào dự thảo Bộ luật như ý kiến của một số vị đại biểu.

Đề nghị không quy định cụ thể ban quản lý và khai thác cảng là doanh nghiệp Nhà nước mà nên quy định là một định chế công tự quản, một tổ chức do Chính phủ thành lập cũng đã được tiếp thu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, ban quản lý và khai thác cảng là một mô hình đặc thù, mang tính đột phá được thành lập và tổ chức để khắc phục những bất cập trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác cảng biển ở Việt Nam.

Vì vậy, nếu quy định cứng, “ban quản lý và khai thác cảng là doanh nghiệp Nhà nước” sẽ gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình tổ chức hoạt động, khó đạt được kết quả như mong đợi.

Do đó, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đại biểu quy định theo hướng ban quản lý và khai thác cảng do Chính phủ thành lập với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể được quy định tại dự thảo.

Trên cơ sở góp ý của đại biểu, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua cũng đã làm rõ hơn về điều kiện tạm giữ  tàu biển, quy định cụ thể việc tạm giữ tàu biển để điều tra tai nạn xảy ra ở vùng nước cảng biển có thể được gia hạn nhưng không quá 5 ngày.

Đối với tai nạn xảy ra ngoài vùng nước cảng biển thì thời gian gia hạn tạm giữ tàu biển được giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xem xét, quyết định.

Luật cũng đã bổ sung quy định việc bắt giữ tàu biển để đảm bảo thi hành án dân sự, thực hiện tương trợ tư pháp và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Việc bắt giữ tàu biển trong từng trường hợp sẽ được thực hiện theo quy định cụ thể của Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản khác.

Từ 1/7/2017, Bộ luật Hàng hải Việt Nam sẽ có hiệu lực thi hành.


Không 'tiếp chuyện' với khách hàng, bị phạt 10 triệu đồng

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, người bán hàng là cá nhân kinh doanh sẽ bị phạt 5 triệu đồng nếu từ chối tiếp nhận yêu cầu tiến hành thương lượng của người tiêu dùng hoặc không tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định.

Nếu bên bán hàng là doanh nghiệp thì bị phạt gấp đôi, đến 10 triệu đồng. Đây cũng là quy định trong Nghị định số 124/2015/NĐ-CP, hiệu lực từ 5-1-2016. 

Theo phản ánh của các hội bảo vệ người tiêu dùng (NTD), khi NTD có khiếu nại về sản phẩm, dịch vụ thì các doanh nghiệp (DN) lớn, có tên tuổi thường trả lời sau 3-7 ngày, giải quyết khiếu nại theo đúng quy trình mà DN đã công bố trên website của DN. Trong khi đó, các DN nhỏ, những người bán hàng qua mạng thường không trả lời đơn khiếu nại, các hội phải gửi thư mời 2-3 lần, DN mới cử người đến “nói chuyện”, việc giải quyết khiếu nại rất chậm, nhiều vụ không có kết quả.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã được đưa vào áp dụng và triển khai thực hiện hơn bốn năm. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm về quyền lợi NTD vẫn còn diễn ra phổ biến với nhiều hành vi tinh vi và phức tạp hơn. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý nêu trên được kỳ vọng sẽ làm tăng tính hiệu quả, hiệu lực thực thi của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD trên thực tiễn trong thời gian tới.


Cảnh báo tôm, cá bẩn từ Đài Loan, Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam

Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) cho biết từ ngày 1-12, tất cả lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Đài Loan vào Việt Nam sẽ được kiểm tra chặt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. 
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết thực tế gần đây một số doanh nghiệp (DN) thủy sản phải nhập khẩu thủy, hải sản từ các nước để chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, đó là hiện tượng xảy ra trong một số thời điểm nhất định khi tôm trong nước hết vụ thu hoạch khiến giá tôm Việt Nam cao hơn các nước khác như Ấn Độ, Indonesia… khiến giá tôm nhập khẩu rẻ. Tuy nhiên, chất lượng thủy sản nhập khẩu lại là mối lo của DN.

Theo ông Hòe, vào cuối tháng 9-2015, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã phát hiện 23 lô hàng thủy sản giống gồm cá mú giống, tôm giống nhập khẩu vào Việt Nam có mầm bệnh truyền nhiễm buộc phải tiêu hủy. Trong tháng 8, cơ quan thú y cửa khẩu lấy mẫu giám sát 100% các lô hàng nhập khẩu tôm của 13 công ty ở Ấn Độ, phát hiện sáu mẫu dương tính với mầm bệnh đốm trắng (gồm có bốn mẫu tôm thẻ và hai mẫu tôm sú). Mới đây cơ quan thú y cũng phát hiện hai lô mực đông lạnh có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) có chất tồn dư kim loại nặng (Cadimi) vượt quá giới hạn cho phép.


TPHCM: Khu phức hợp Sóng Việt hơn 7.000 tỷ đã chính thức có nhà đầu tư

Thông tin từ UBND TPHCM cho biết UBND thành phố đã chấp thuận chỉ định Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát thực hiện dự án Khu phức hợp Sóng Việt tại khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án Khu phức hợp Sóng Việt gồm 4 lô đất tại khu chức năng số 1 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo dự kiến, với số vốn đầu tư 7.055 tỷ đồng và khởi công xây dựng trong năm 2016, Khu phức hợp Sóng Việt sẽ trở thành khu đô thị mới với trung tâm thương mại tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đó, theo kiến nghị của TP.HCM gửi Chính phủ về việc cho phép Thành phố được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp Sóng Việt, Thành phố cho biết Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát cam kết sẽ ký quỹ 100 tỷ đồng, đồng thời nộp tiền sử dụng đất ước tính 2.000 tỷ đồng/4 lô đất nếu được chọn làm chủ đầu tư.

Được biết, Khu chức năng số 1 tọa lạc tại một nửa phía bắc Khu Lõi Trung tâm, là khu trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng mật độ cao. Các tòa tháp cao nhất bố trí dọc theo cạnh đại lộ Vòng cung và Quảng trường Trung tâm, giảm dần chiều cao về phía sông Sài Gòn và Hồ Trung tâm. Các công trình điểm nhấn, công cộng quan trọng trong Khu chức năng số 1 là Trung tâm Hội nghị Triển lãm với Cầu đi bộ qua kênh số 1 kết nối với Nhà Bảo tàng; Nhà hát Giao hưởng và Trung tâm Thông tin Quy hoạch.


TPHCM: Lập quy hoạch chi tiết khu đô thị lấn biển Cần Giờ hơn 1.000 ha

UBND Thành phố đã chấp thuận giao Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 cho toàn khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với tổng diện tích 1.080ha (bao gồm khu 600ha cũ và 480ha mới).

UBND Thành phố lưu ý, việc lập quy hoạch phải bảo đảm kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa khu này với khu đô thị du lịch Cần Giờ 221ha.

Ngoài việc chấp thuận nhiệm vụ quy hoạch, UBND Thành phố HCM còn chấp thuận cho Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ xây dựng tuyến cầu đường từ đường Huỳnh Tấn Phát kết nối vào đường Rừng Sác và nâng cấp tuyến cầu đường Rừng Sác – Cần Giờ theo hình thức BT bằng quỹ đất thực hiện dự án khu lấn biển Cần Giờ 600ha và dự án lấn biển Cần Giờ mở rộng 480ha..

Được biết, Dự án lấn biển Cần Giờ (còn gọi là dự án Khu đô thị biển Cần Giờ) đã có từ cách đây 15 năm. Dự án được khởi động vào các năm 2007 và 2011 với tên Saigon Sunbay, tuy nhiên do không đủ tiềm lực để triển khai, nên đến nay dự án vẫn chưa thành hiện thực.

Tháng 6/2015, Thành phố đã đồng ý cho Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup tham gia làm đối tác chiến lược để thực hiện dự án này. Với việc Vingroup tham gia đầu tư, thành phố kỳ vọng dự án sẽ được thực hiện nhanh, tạo động lực phát triển cho Cần Giờ.

Hiện Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ đang nghiên cứu bổ sung chức năng khu phức hợp phim trường, du lịch điện ảnh và bảo tàng nghệ thuật vào dự án khu đô thị lấn biển có diện tích trên 1.000 héc ta này cùng với các hạng mục quan trọng phục vụ cho du lịch ven biển như chỗ đậu thủy phi cơ, trực thăng, cầu cảng…


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục