Giàn Thỏ Trắng 3 khai thác dòng dầu đầu tiên; Tập đoàn Thoresen muốn đầu tư vào cảng biển tại Cần Thơ; DOC hủy bỏ rà soát thuế chống bán phá giá với sản phẩm mắc áo thép của Việt Nam; Bộc lộ yếu kém của EU trong lĩnh vực ngân hàng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-05-2017
- Cập nhật : 08/05/2017
Anh sẽ mất hoạt động tài chính 1.500 tỉ USD hậu 'ly hôn' EU?
London (Anh) đóng vai trò làm trung gian giữa người mua và người bán các sản phẩm tài chính được định giá bằng euro nhiều năm qua song giờ đây, cuộc chiến thu hút các doanh nghiệp lớn nhất rời khỏi thành phố đang được tiến hành.
Theo CNN, khối lượng giao dịch chảy qua London rất lớn. Thành phố này xử lý các giao dịch có giá trị khoảng 1.500 tỉ USD hằng ngày, tương đương khoảng 75% tổng số các giao dịch cùng loại. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ lâu cho hay họ muốn các hoạt động tài chính phải diễn ra trong khối 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Giờ đây, khi Anh quyết “ly hôn” Liên minh châu Âu (EU), nhiều rủi ro thật sự xuất hiện.
London có các phòng thanh toán bù trừ lớn nhằm tạo thuận lợi cho việc giao dịch sản phẩm tài chính. Nơi lớn nhất là London Clearing House, nằm dưới sự điều hành của London Stock Exchange Group. London Clearing House giúp thị trường tài chính hoạt động bình thường thông qua hoạt động gọi là “thanh toán bù trừ đồng euro”.
Song đây là vấn đề: nước Anh chưa bao giờ sử dụng đồng tiền chung. Thay vào đó, họ gắn bó với bảng Anh. Đây luôn là điểm gây lấn cấn khi ECB cho rằng sự sắp xếp này tạo ra mối nguy lớn cho hệ thống tài chính nói chung.
Chuyên gia Uuriintuya Batsaikhan thuộc hãng chính sách Bruegel cho hay: “Vị trí của nơi thanh toán bù trừ là một vấn đề gây nhiều tranh cãi từ trước Brexit (tức Anh quyết định rời EU). Giờ đây khi Anh muốn đi, chuyện này sẽ không còn được giữ yên nữa”.
Chừng nào Anh còn là thành viên EU, ECB không thể buộc London “thất nghiệp”. Song hiện tại, Anh đang rục rịch rời đi, tất cả các khoản cược cho nước này không còn thuận lợi. Ông Batsaikhan nói: “Nó giống như phần lớn các giao dịch bằng đồng đô la Mỹ được thanh toán bù trừ ngoài nước Mỹ, điều này có thể gây ra vấn đề”.
Quan chức dịch vụ tài chính hàng đầu EU Valdis Dombrovskis cũng ám chỉ nhiều thay đổi tiềm năng trong một bài phát biểu trong tuần này. Ông vạch ra hai kịch bản. Thứ nhất, Anh có thể cho phép EU điều chỉnh chặt chẽ các thị trường nước này sau khi rời EU, đây là lựa chọn không có lợi cho chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May. Bà từng nói Anh hậu Brexit sẽ không còn chịu sự kiểm soát của Tòa án Tư pháp châu Âu.
Thứ nhì, EU có thể yêu cầu doanh nghiệp rời khỏi Anh, “tái định cư” ở các nước thuộc EU. Điều này đồng nghĩa với việc các phòng thanh toán bù trừ được đặt ở những nơi khác trong lục địa già phải mở rộng để xử lý khối lượng lớn cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm tài chính khác. Nếu kịch bản này xảy ra, London có thể chịu thiệt hại vì công ăn việc làm biến mất theo hoạt động thanh toán bù trừ.
Dù số người làm việc trực tiếp cho bốn phòng thanh toán bù trừ vốn xử lý phần lớn giao dịch ở châu Âu chỉ là vài trăm người, cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho hoạt động này rất lớn. Người đứng đầu Sở Giao dịch Chứng khoán London Xavier Rolet cho hay ít nhất 100.000 việc làm tại các ngân hàng, tổ chức tài chính đứng trước nguy cơ nếu hoạt động thanh toán bù trừ đồng euro rời London.
Hiện Anh đang tích cực vận động để giữ hoạt động thanh toán bù trừ ở lại. Miles Celic, CEO nhóm vận động hành lang TheCityUK, cho biết: “Việc buộc phải di dời hoạt động thanh toán bù trừ đồng euro sẽ gây ra sự gián đoạn, thiếu chắc chắn và làm phân mảnh thị trường”.(Thanhnien)
-----------------------------
Canada cân nhắc trả đũa thương mại Mỹ
Chính phủ Canada đang cân nhắc một số hành động trả đũa thương mại Mỹ sau khi Bộ Thương mại nước láng giềng quyết định áp thuế lên tới 24% đối với các mặt hàng gỗ mềm xuất khẩu của Canada.
Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết một trong những biện pháp đầu tiên đang được Canada xem xét là ngừng xuất khẩu than sang Mỹ theo đề nghị của Thủ hiến tỉnh British Columbia Christy Clark. Theo nguồn tin không chính thức, Thủ tướng Justin Trudeau đã gửi thư cho bà Clark nói rõ đề nghị trên đang được quan chức thương mại liên bang cân nhắc trước khi đưa ra quyết định chính thức.
Ngoài việc cân nhắc đề nghị trên, chính phủ Canada cũng đang tính đến khả năng áp thuế đối kháng với một số mặt hàng ở bang Oregon của Mỹ. Đây là bang nhà của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ron Wyden, người có quan điểm cứng rắn trong vấn đề tranh cãi gỗ xẻ với Canada. Phía Canada cho rằng bang Oregon cung cấp các khoản hỗ trợ không công bằng cho một số ngành hàng thông qua 9 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Những mặt hàng có thể sẽ bị áp thuế là ván ép, ván sàn, bào gỗ, rượu và các vật liệu đóng gói.
Sau nhiều tháng tranh cãi, ngày 24/4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp mức thuế đối kháng trung bình 20% đối với các mặt hàng gỗ xẻ của Canada với cáo buộc các công ty xuất khẩu gỗ xẻ của nước này đang nhận được trợ cấp từ hệ thống chính quyền các cấp. Đáp lại, Canada khẳng định cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ và nước này sẽ kiên quyết bảo vệ ngành công nghiệp gỗ xẻ, kể cả việc phải tiến hành các thủ tục khởi kiện.
Hiện ngành công nghiệp gỗ xẻ đang tạo ra hàng trăm nghìn việc làm thu nhập cao cho tầng lớp trung lưu ở Canada. Theo các nguồn tin giấu tên từ hai nước, cuộc tranh cãi gỗ mềm hiện nay chỉ có thể được giải quyết thông qua một thỏa thuận dài hạn.(Baotintuc)
----------------------------------
Chi hơn 100 tỷ đồng nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa quyết định phê duyệt “Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế” với tổng kinh phí 102,2 tỷ đồng.
Người lao động tại xưởng chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty Bianfishco, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Trong đó ngân sách nhà nước 40 tỷ đồng, huy động từ các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế 62,2 tỷ đồng. Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai các Hiệp định Thương mại tư do (FTA) phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nội dung chính của Đề án là rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cùng với các quy định chặt chẽ về sản xuất từ nuôi trồng thủy sản (giống, thức ăn, thuốc phòng trừ bệnh…) đến chế biến xuất khẩu ra thị trường (nguyên liệu vào nhà máy, chế biến, đóng gói bao bì…).
Điều chỉnh và bổ sung quy định về nhập khẩu sản phẩm thủy sản và nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu phù hợp với chuẩn mực quốc tế được Việt Nam thỏa thuận trong các FTA.
Bên cạnh đó, bổ sung vào hệ thống tiêu chuẩn thủy sản các quy định về truy xuất nguồn gốc, quy định trách nhiệm bảo quản, chế biến và tiêu thụ xuất khẩu, quản lý một cửa chuyên nghiệp được chấp nhận trong các hiệp định FTA trên nền tảng tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới nhằm nâng cao năng lực quản lý và khả năng hội nhập của ngành thủy sản. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI phục vụ phát triển thủy sản ở cả 3 vùng nước ngọt, lợ và mặn.
Sản xuất các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế cao; các chế phẩm vi sinh để xử lý nước trong môi trường thủy sản; các loại thức ăn đặc thù cho từng loại thủy sản nuôi.
Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho khai thác xa bờ như: sản xuất các loại ngư cụ khai thác có chọn lọc một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu; sửa chữa, cải tạo và đóng mới tàu khai thác xa bờ với trang thiết bị và ngư cụ phù hợp hơn.
Ngoài ra, tận dụng lợi thế về thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, tiềm năng theo lộ trình giảm thuế tại các thị trường có FTA với Việt Nam và mở rộng các thị trường tiềm năng. Đồng thời, nâng cao năng lực giải quyết các rào cản kỹ thuật trong thương mại thủy sản quốc tế.
Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực và ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đi sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trước mắt, tập trung xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, thương hiệu cá tra Việt Nam và thương hiệu cá ngừ Việt Nam đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế, gắn với chỉ dẫn xuất xứ địa lý của Việt Nam…(TTXVN)
-----------------------------
Giá sữa bán buôn giảm mạnh, sữa bán lẻ vẫn đứng yên
Báo cáo mới công bố của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong quý đầu năm 2017, sản xuất sữa tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng sữa tươi ước đạt 293,7 triệu lít, tăng 12,7% so với cùng kỳ, tính riêng tháng 3/2017 sữa tươi đạt 104,2 triệu lít, tăng 2,1% so với tháng 3/2016.
Đối với sữa bột, tháng 3/2017 sản lượng đạt 8,3 nghìn tấn, tăng 15,5% so với tháng 3/2016, nâng sản lượng sữa bột quý I/2017 lên 25,8 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về diễn biến giá, báo cáo cho biết, sau khi Bộ Công Thương thông báo dừng áp dụng bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong tháng 4/2017 giá sữa trên thị trường không có nhiều biến động một phần do nguồn cung dồi dào, mặt khác do yếu tố cạnh tranh giữa các nhãn hàng.
Gần đây nhất, ngày 17/4, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam công bố mức giá bán buôn mới, hầu hết đều giảm từ 4-22% tùy loại so với mức giá cũ. Trước đó, trong tháng 3/2017, đã có 8 doanh nghiệp kê khai giá sữa tại Bộ Công Thương trong đó có một số mặt hàng được kê khai mới với xu hướng giảm giá 3-10% tùy từng sản phẩm. “Tuy nhiên, giá bán lẻ sữa trên thị trường bán lẻ chưa có mức giảm tương ứng”, báo cáo cho hay.
Báo cáo của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại cũng cho biết, trong quý I, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa giảm trong đó, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 3 giảm mạnh nhất, đạt 61,34 triệu USD, giảm 22,1% so với tháng 2 trước đó và giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính chung trong quý I, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 214,67 triệu USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, New Zealand vẫn là thị trường nhập khẩu sữa chính của Việt Nam với 27,36%, tiếp theo đó là Singapore với 15,38% và Thái Lan với 6,06%, Đức 5,16%...
Dự báo của trung tâm này cho biết, thời gian tới do lượng tiêu thụ ổn định, giá nhập khẩu giảm, nguồn hàng của các doanh nghiệp còn khá dồi dào nên khi nhà nước kết thúc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng vẫn có sự giám sát thông qua việc kê khai giá sẽ giúp giá sữa trong nước không có hiện tượng tăng tự do, bất hợp lý.(Dantri)