Apple, Samsung đã bị tụt hạng ở Trung Quốc như thế nào?; Nhiều hãng bán lẻ Mỹ chật vật chứng minh họ chưa “chết”; Nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc tiếp tục tăng mạnh; 4 tháng, ngân sách nhà nước thặng dư 3,09 nghìn tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-05-2017
- Cập nhật : 09/05/2017
Lao động nước ngoài tại Singapore được tăng mức bồi thường bảo hiểm
Bắt đầu từ ngày 1/10, mức bồi thường tối thiểu mà người lao động nước ngoài sẽ được bảo hiểm khi chẳng may gặp tai nạn cá nhân tại Singapore sẽ tăng từ 40.000 lên 60.000 SGD (tương đương gần 43.000 USD).
Thông tin trên được dựa theo những thay đổi mới nhất vừa được Bộ Nhân lực Singapore (MOM) công bố. Bộ trưởng Bộ Nhân lực Sam Tan cho hay, động thái này là nhằm bảo vệ thu nhập của người lao động nước ngoài và gia đình họ thông qua việc bồi thường đầy đủ cho người lao động không may gặp phải tai nạn bất ngờ dẫn đến bị tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong trong thời gian làm việc tại Singapore.
Ông Tan cho biết việc điều chỉnh dựa trên cơ sở đối chiếu mức lương của người lao động nước ngoài hiện đã cao hơn cũng như sự gia tăng chi phí sinh hoạt tại quê hương của người lao động nước ngoài, kể từ lần khảo sát gần đây nhất vào năm 2008.
Trong khi đó, mức lương khởi điểm cho người lao động nước ngoài ở Singapore cũng đã tăng từ trung bình 300 SGD trong năm 2012 lên khoảng 550 SGD vào năm 2016. Dự kiến, với mức bồi thường này thì mức phí bảo hiểm hàng năm đối với lao động nước ngoài cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ 7 đến 15 SGD.
Với những thay đổi này, người lao động nước ngoài hoặc người đại diện hợp pháp của họ sẽ được quyền yêu cầu bồi thường trực tiếp với hãng bảo hiểm. Trong trường hợp người lao động hoặc người thân của họ không thể tự nộp đơn, MOM sẽ chỉ định một đại diện để thực hiện các thủ tục nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Để bảo đảm người lao động được bảo vệ trong suốt quá trình làm việc, MOM xác định thời hạn bảo hiểm được tính từ ngày người lao động đến Singapore làm việc cho đến ngày họ về nước, hoặc khi có sự chuyển đổi người sử dụng lao động thì thời điểm để xác định bảo hiểm sẽ là ngày ban hành giấy phép lao động mới.
Theo thống kê của MOM, hiện có khoảng 200.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Singapore và dự kiến con số này sẽ tăng lên khoảng 300.000 người trong những năm tới.
Trong năm 2016 vừa qua, Trung tâm Lao động trong nước (CDE) thuộc Liên minh Thương mại quốc gia Singapore (NTUC) đã giải quyết các trường hợp bồi thường bảo hiểm tai nạn cho khoảng 600 trường hợp. Bên cạnh đó, CDE cũng kêu gọi chính phủ tăng mức bảo hiểm y tế bắt buộc lên tới 15.000 SGD đối với lao động trong nước.(TTXVN)
--------------------------
Gạch men Thái Kenzai có mặt tại VN
Tập đoàn Halo phối hợp cùng Công ty TNHH công nghiệp Kenzai Ceramics (Thái Lan) đã tổ chức lễ ra mắt sản phẩm gạch men Kenzai nhập khẩu từ Thái Lan, với phong cách thiết kế hiện đại và nhiều dòng sản phẩm theo tiêu chuẩn thiết kế mới.
Tập đoàn Halo phối hợp cùng Công ty TNHH công nghiệp Kenzai Ceramics (Thái Lan) đã tổ chức lễ ra mắt sản phẩm gạch men Kenzai nhập khẩu từ Thái Lan, với phong cách thiết kế hiện đại và nhiều dòng sản phẩm theo tiêu chuẩn thiết kế mới, ứng dụng trong các công trình xây dựng, bất động sản hiện nay tại thị trường VN.
Được biết, gạch men Kenzai do Halo Group phân phối độc quyền là những sản phẩm được chọn lọc và thẩm định kỹ càng về chất lượng, mang tính thẩm mỹ cao, đáp ứng phong cách thiết kế hiện đại và có mức giá hợp lý với đa số khách hàng cá nhân cũng như đòi hỏi của những chủ đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và trang trí.(TN)
-----------------------------------------
4 tháng, vốn ngoại tăng hơn 40%
Tổng cục Thống kê cho biết 4 tháng đầu năm, VN đã thu hút 734 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,88 tỉ USD, tăng 5,3% về số dự án và giảm 4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất gần đây là từ nhà đầu tư Nhật Bản, liên doanh với đối tác trong nước vào dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, trị giá 1,27 tỉ USD vừa được cấp phép ngày 20.4 vừa qua. Theo thống kê, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút vốn FDI lớn nhất với số vốn đăng ký các dự án được cấp phép mới đạt 2,58 tỉ USD, chiếm 52,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành khai khoáng đạt gần 1,28 tỉ USD, chiếm 26,2%; các ngành còn lại đạt 1,02 tỉ USD, chiếm 20,9%. Bên cạnh đó, có 345 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,36 tỉ USD.
Ngoài đầu tư trực tiếp, trong 4 tháng đầu năm, đã có 1.687 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1,35 tỉ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 4 tháng đầu năm đạt gần 10,6 tỉ USD, nguồn vốn ngoại tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước.(TN)
------------------------------
Philippines hối thúc đàm phán thương mại tự do giữa ASEAN và 6 đối tác
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez ngày 8/5 hối thúc các bên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đẩy nhanh các cuộc thương lượng, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết phải đạt được mục tiêu ký kết hiệp định thương mại tự do quan trọng này trong năm nay.
Năm 2013, đại diện 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác khu vực đã có đàm phán cấp bộ trưởng đầu tiên hướng tới việc thành lập RCEP. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu khai mạc vòng đàm phán RCEP lần thứ 18 tại thủ đô Manila, ông Lopez cho rằng cần duy trì động lực đàm phán, đồng thời khuyến khích các bên xúc tiến các cuộc thương lượng nhằm hướng tới ký kết thỏa thuận “tin cậy và chất lượng cao” này trong năm 2017.
Ông Lopez cho biết kể từ khi được khởi động vào năm 2012, đến nay RCEP đã đi qua được 17 vòng đàm phán. Ông Lopez nói rằng các cuộc đàm phán RCEP vẫn đang tiến triển bất chấp gặp phải nhiều thách thức.
Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 hồi tuần trước, các lãnh đạo ASEAN đã chỉ đạo các bộ trưởng cũng như nhà đàm phán tăng cường nỗ lực đàm phán RCEP dựa trên những tiến triển đạt được, đồng thời tái khẳng định cam kết của các nước ASEAN cùng hợp tác theo các nguyên tắc chỉ đạo và mục tiêu đàm phán RCEP nhằm sớm thông qua thỏa thuận thương mại tự do này.
RCEP là thỏa thuận thương mại quy mô lớn, được xây dựng nhằm mở rộng và tăng cường các cam kết giữa 10 quốc gia ASEAN và 6 đối tác đối thoại, trong đó có Trung Quốc.
RCEP sẽ mở rộng thị trường ASEAN từ 600 triệu người lên 3,5 tỷ người vì sẽ bao gồm cả 6 đối tác đối thoại của ASEAN, chiếm gần 1/2 dân số thế giới, tạo ra nền tảng thị trường hội nhập lớn. RCEP hướng tới việc tối ưu hóa các quy định về nguồn gốc bằng cách sử dụng một cách tiếp cận đơn giản hóa về định nghĩa nguồn gốc sản phẩm.
RCEP tập trung dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tạo sự thông suốt và hài hòa của các quy định hải quan và làm cho các quy định này trở nên phù hợp hơn so với các thỏa thuận hiện nay.
Quá trình đàm phán RCEP đã được khởi động từ tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) và đặt mục tiêu hoàn tất trước khi hết năm 2015. Tuy nhiên, hạn chót này đã bị bỏ lỡ và các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được tăng cường trong năm 2017, hướng tới việc ký kết thỏa thuận trong năm nay.(TTXVN)
-------------------------