Hơn 130 nghìn tỷ đồng chi trả nợ và viện trợ trong 11 tháng
Chính phủ hướng dẫn về việc mua cổ phần trả chậm
Ngân hàng Quân đội bổ nhiệm thêm 2 Phó Tổng giám đốc
Singapore sẽ có 'nhan nhản' tỷ phú vào năm 2020
HSBC: Trung Quốc là chìa khóa cho giá dầu
Tin kinh tế đọc nhanh 26-11-2015
- Cập nhật : 26/11/2015
Quốc hội hoãn thông qua xóa nợ thuế cho doanh nghiệp nhà nước
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, dự kiến dự thảo sửa đổi các luật về thuế sẽ được thông qua tại kỳ họp tháng 3-2016.
Theo đó, sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ và tại hội trường mới đây, Bộ Tài chính nhận thấy còn có nhiều ý kiến khác nhau, do đó Bộ cần chỉnh sửa lại một số nội dung để trình tại kỳ họp tiếp theo.
Như vậy, với việc lùi thời gian thông qua, một số nội dung quan trọng của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế sẽ được xem xét lại như: đề xuất giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt (20%-25% so với mức thuế hiện hành); cho ô tô dung tích dưới 2.0 và tăng mạnh với dòng xe 3.0 trở lên nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, nếu các mức thuế mới được thông qua sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước bị phá sản vì sẽ tạo cơ hội cho xe nhập khẩu tràn vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong nội dung của dự thảo luật, Chính phủ đề xuất xóa nợ cho doanh nghiệp nhà nước nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng quy định xóa nợ thuế sẽ tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp, tạo ra sự không bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Dồn dập dự án bất động sản nghìn tỷ đầu tư vào vùng Tây Bắc
Ngày 23/11 vừa qua, Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Tp.HCM đã tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch vùng Tây Bắc.
Tại đây , đại diện của 14 tỉnh vùng Tây Bắc đã ký cam kết hợp tác đầu tư với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch và các doanh nghiệp lữ hành Tp.HCM, nhằm tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch đến các tỉnh, thành vùng Tây Bắc.
Tỉnh Bắc Kạn cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Saigontourist đẩy mạnh phát triển du lịch tại tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Cạn đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng công ty du lịch Sài Gòn về dự án Khu du lịch Sài Gòn-Ba Bể với tổng vốn hơn 130 tỷ đồng.
Sun Group cũng đã ký kết với UBND tỉnh Lào Cai cam kết đầu tư vào tỉnh này hơn 20.000 tỷ đồng triển khai trong giai đoạn 2016 -2020. Đó là các dự án phát triển hạ tầng Khu du lịch Cáp treo Sapa với các loại hình khách sạn, khu vui chơi giải trí, khoảng 6.000 phòng khách sạn từ 3-5 sao, trung tâm hội nghị, mua sắm... có tổng vốn 10.000 tỷ đồng.
Đại diện UBND tỉnh Sơn La còn cho rằng nếu đường hàng không thuận lợi thì việc bay từ Tp.HCM – đến các tỉnh Tây Bắc sẽ tạo điều kiện phát triển du lịch, kinh tế cho toàn vùng. Còn như hiện nay, để đến Sơn La phải mất 6 tiếng đi từ Hà Nội nên du khách chọn địa phương khác. Vì vậy, Chính phủ nên nghiên cứu để nâng cấp sân bay Sơn La, vốn nâng cấp dự tính khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo thống kê Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2014, vùng Tây Bắc đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 1,5 triệu lượt, chiếm tỷ trọng nhỏ dưới 10% trong cơ cấu khách du lịch cả nước.
Giá thép xây dựng tiếp tục đi xuống
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong tháng 11/2015, sản lượng thép sản xuất đạt 526.000 tấn; sản lượng thép tiêu thụ ước đạt khoảng 517.000 tấn.
Về thị trường, nửa đầu tháng 11/2015, giá chào phôi thép, thép phế trên thị trường thế giới giảm nhẹ so với tháng 10/2015.
Trong nước, theo Tổng Công ty Thép Việt Nam, trong nửa đầu tháng 11/2015, Công ty Gang Thép Thái Nguyên, Vinakyoei đã điều chỉnh giảm giá thép xây dựng một lần, với mức điều chỉnh giảm từ 150-800 đồng/kg tùy từng loại.
Trước đó trong tháng 10/2015, Công ty Gang Thép Thái Nguyên cũng đã điều chỉnh giảm giá cho một số chủng loại thép với tổng mức giảm từ 100-130 đồng/kg. Đồng thời, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép khác điều chỉnh tăng mức chiết khấu bán hàng khoảng 100-200 đồng/kg tùy từng loại.
Về giá bán lẻ trên thị trường, giá bán lẻ thép xây dựng nửa đầu tháng 11/2015 tại một số tỉnh miền Bắc giảm khoảng 100-300 đồng/kg so với tháng 10/2015. Cụ thể tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động phổ biến ở mức 13.700-14.500 đồng/kg; tại các tỉnh miền Nam dao động phổ biến ở mức 13.900-14.600 đồng/kg.
Nhìn chung kể từ tháng 10/2015 đến nay, giá thép có xu hướng đi xuống, nguyên nhân chủ yếu do tác động của xu hướng giảm giá thép trên thị trường thế giới; thời tiết không thuận lợi; thị trường bất động sản có sự chuyển biến, tuy nhiên chưa có nhiều dự án, công trình mới được triển khai.
Cùng với đó, lượng lớn thép nhập khẩu giá rẻ về Việt Nam, nhất là các sản phẩm phôi thép, thép hợp kim, sản phẩm mạ trong mấy tháng gần đây khiến sức mua giảm sút, cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt gây tác động xấu tới thị trường trong nước, buộc các nhà sản xuất thép tiếp tục chính sách giảm giá bán và đẩy mạnh các hình thức chiết khấu.
Kiểm tra chặt thủy sản nhập khẩu từ Đài Loan
Cục quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cho biết, từ ngày 1/12/2015, từng lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Đài Loan sẽ được kiểm tra chặt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (ATTP).
Theo Nafiqad, từ ngày 10 đến 16/10/2015, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã thực hiện thanh tra hệ thống kiểm soát ATTP thủy sản của Đài Loan xuất khẩu vào Việt Nam.
Căn cứ kết quả thanh tra, Nafiqad thông báo tạm thời dừng xem xét, công nhận bổ sung các doanh nghiệp, tàu cá của Đài Loan vào danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam.
Cùng đó, áp dụng biện pháp kiểm tra chặt (từng lô) các chỉ tiêu ATTP đối với các lô hàng thủy sản của Đài Loan nhập khẩu theo quy định của Việt Nam, và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/12/2015. Chi phí lấy mẫu, kiểm nghiệm do nhà nhập khẩu chi trả.
Việc dỡ bỏ các biện pháp trên sẽ được Nafiqad thông báo khi kết quả khắc phục từ phía Đài Loan đạt yêu cầu.
Được biết, vào cuối tháng 9, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thông tin, các cơ quan Thú y cửa khẩu Việt Nam phát hiện 23 lô hàng thủy sản giống gồm cá mú giống, tôm giống nhập khẩu vào Việt Nam có mầm bệnh truyền nhiễm buộc phải tiêu hủy.
Nafiqad cũng đề nghị Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thông tới các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản từ Đài Loan và thực hiện việc lấy mẫu kiểm tra từng lô. Các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản từ Đài Loan cần lưu ý để có kế hoạch đàm phán, nhập khẩu phù hợp.
Mỹ kiện chống bán phá giá ống thép của VN
Ngày 25-11, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA- bộ Công thương), cho biết bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá (AD) sản phẩm ống thép cuộn cacbon (CWP) xuất khẩu từ VN và bốn quốc gia khác.
Giữ vai trò nguyên đơn là các công ty Bull Moose Tube Company, EXLTUBE, Wheatland Tube và Western Tube & Conduit, biên độ phá giá mà VN bị cáo buộc lên tới 113,18%, mức cao nhất so với bốn quốc gia khác là Oman, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Philippines và Pakistan cùng bị kiện trong vụ việc.
Theo VCA, số liệu Hải quan Hoa Kỳ ghi nhận giá trị nhập khẩu CWP từ VN vào Mỹ trong năm 2014 khoảng 60,6 triệu USD, mức nhập khẩu lớn nhất trong số các nước bị điều tra.
Dự kiến phán quyết cuối cùng sẽ được DOC công bố vào tháng 6-2016.