tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-05-2017

  • Cập nhật : 07/05/2017

Cấp 'chứng minh thư' cho hạt điều xuất ngoại

Ngày 5-5, tại TP.HCM, UBND tỉnh Bình Phước và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức họp báo thông tin về hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều Bình Phước năm 2017.

cap 'chung minh thu' cho hat dieu xuat ngoai

Cấp 'chứng minh thư' cho hạt điều xuất ngoại

Hội nghị quốc tế ngành điều Bình Phước dự kiến diễn ra từ ngày 14 đến 16-5-2017 tại tỉnh Bình Phước, với sự tham gia của trên 300 doanh nghiệp (DN) quốc tế, trong nước chuyên thu mua điều nhân và bán điều nguyên liệu cho Bình Phước; các tổ chức nước ngoài…

Hội nghị là cơ hội để các DN điều Việt Nam mở rộng thị trường, ký kết hợp tác, ổn định đầu ra, gia tăng giá trị cho hạt điều Bình Phước.

Theo ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, hiện nay cây điều là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, giá trị xuất khẩu hạt điều mang lại cho Bình Phước 500 triệu USD/năm, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh.

Tỉnh sẽ hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ trong sản xuất chế biến điều xuất khẩu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của nước nhập khẩu, gia tăng chuỗi liên kết, quảng bá sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý điều Bình Phước.

"Đặc biệt các DN chế biến xuất khẩu hạt điều sẽ tiến tới đảm bảo được truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước và tại các thị trường xuất khẩu" - ông Hoàng nói .

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho biết giá điều tươi đang ở mức cao 35.000-45.000 đồng/kg nhưng người nông dân thiệt hại do mất mùa rất lớn, sản lượng giảm 50%. Điều này khiến DN xuất khẩu gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu, phải nhập điều châu Phi giá cao.

Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ sẽ khó khăn vì nước này áp dụng Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA), các DN Việt Nam muốn bán hạt điều qua thị trường này phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Thanh, hội nghị quốc tế ngành điều Bình Phước sẽ tập trung thảo luận, đưa ra giải pháp liên kết sản xuất, gia tăng giá trị hạt điều, tăng thu nhập cho người nông dân, tăng cường hợp tác đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, ổn định đầu ra cho hạt điều xuất khẩu.(PLO)
-------------------------------------

Nhiều 'ông lớn' bất động sản công bố lãi khủng

Mới đây nhất, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I-2017, Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ 191,3 tỉ đồng (tăng 152,9% so cùng kỳ). Trong quý đầu năm, Công ty Nhà Thủ Đức đã đạt lợi nhuận sau thuế với 41,5 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số lợi nhuận 12,99 tỉ đồng của năm 2016 và hoàn thành 32% kế hoạch năm 2017.

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng đột biến trong quý đầu tiên năm nay, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nhà Thủ Đức, cho rằng kết quả này đạt được là do hoạt động sản xuất kinh doanh tại hầu hết các công ty con đều có mức tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính trong quý I cũng ghi nhận mức tăng lên đến gần 43% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I, thị trường bất động sản tại TP.HCM sôi động cũng là một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của TDH khởi sắc. Doanh thu bán hàng chủ yếu đến từ các dự án bất động sản tăng mạnh, như dự án TDH-Tocontap góp tới gần 40 tỉ đồng, S-Home Phước Long 6,5 tỉ đồng, xây lắp 7,5 tỉ đồng… Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 219% so với cùng kỳ năm trước. Được biết đến năm 2020, TDH sẽ dự định đưa ra thị trường 3.567 căn hộ chung cư, 1.192 lô đất nền, 14.554 m2 văn phòng cho thuê và 8,62 ha bất động sản nghỉ dưỡng.

Nhiều 'ông lớn' bất động sản công bố lãi khủng  - ảnh 1

Tương tự, Công ty Địa ốc Đất Xanh cũng thông báo mức đạt lợi nhuận quý I đạt 140 tỉ đồng, vượt rất xa con số lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái là 94,718 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính riêng.

Theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Đất Xanh, cho biết nhờ dự báo chính xác diễn biến thị trường và thực hiện chiến lược M&A hợp lý, tập trung vào phân khúc nhà ở hạng B, C (phân khúc giá trung bình, trung bình khá và khá), Đất Xanh đã có được quỹ đất giá rẻ và phù hợp với nhu cầu thị trường.

“Có dự án khi lên phương án tiền khả thi (FS) để M&A, với mức giá bán ra khoảng 18 triệu đồng/m2 là công ty đã chấp nhận mua lại để triển khai và có lời. Sau đó do điều kiện thị trường thuận lợi, công ty đã thay đổi phương án đầu tư, tăng chi phí xây dựng khoảng 1 triệu đồng/m2. Nhưng giá bán tăng lên tới xấp xỉ 28 triệu đồng/m2 giúp mang lại lợi nhuận lớn cho công ty, mà khách hàng vẫn được mua nhà với giá phù hợp hơn mặt bằng chung của thị trường” -ông Thìn nói.

Hay như Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam-Vinaconex (VCG) cho biết doanh thu thuần quý I của doanh nghiệp đạt 2.041 tỉ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. 

Vinaconex sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư kinh doanh các dự án bất động sản, phát triển hạ tầng cũng như các lĩnh vực mà Vinaconex có kinh nghiệm triển khai, mang lại hiệu quả cao như năng lượng (thủy điện), phát triển hạ tầng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I-2017 của CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (mã HBC) cho thấy doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong kỳ đều tăng trưởng mạnh. Theo đó, doanh thu thuần quý I năm nay đạt 3.032 tỉ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ 2016. Như vậy, với kết quả đạt được trong quý I, HBC đã hoàn thành hơn 1/5 kế hoạch lợi nhuận cả năm.(PLO)
--------------------------

Việt Nam có thể kiếm gần chục tỉ USD từ nuôi cá biển

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi cá biển Việt Nam (VSA), nhận định như trên tại hội thảo “Phát triển nghề nuôi cá biển quy mô lớn bền vững phục vụ xuất khẩu tại Việt Nam”, tổ chức ở TP.HCM ngày 5-5.

Theo ông Dũng, từ năm 2012, Việt Nam đã có mặt trên bản đồ những nước nuôi cá biển (bao gồm tôm và tôm hùm, cá biển, trai ngọc, nhuyễn thể khác, tảo và rong biển, các hải sản khác) hàng đầu thế giới. Mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, tuy nhiên nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư thì nuôi cá biển có thể đạt 1 triệu tấn/năm và 8 tỉ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, ông Lucas Manomaitis, Giám đốc kỹ thuật nuôi khu vực Đông Nam Á thuộc Hội đồng Xuất khẩu đậu tương Hoa Kỳ (USSEC), cho rằng để chuẩn bị phát triển công nghiệp nuôi cá biển, người nuôi và các cơ quan quản lý nhà nước cần hiểu rõ yêu cầu của khách hàng quốc tế đối với sản phẩm cá biển nuôi. Đồng thời thiết lập và thực hiện chương trình giám sát và kiểm ra môi trường nuôi biển, chương trình tái tạo môi trường sinh thái biển.(PLO)
-------------------------

Bỏ nhiều điều kiện để được xuất khẩu gạo

Những quy định về kho chứa, cơ sở xay xát sẽ được bãi bỏ để thay vào các tiêu chí về chất lượng, đồng thời sẽ tăng thêm trách nhiệm quản lý cho các bộ, ngành mà đặc biệt là Bộ Công Thương.

nhieu dieu kien de duoc xuat khau gao da duoc bo trong du thao nghi dinh moi do bo cong thuong soan thao. anh: tu lieu tuoi tre

Nhiều điều kiện để được xuất khẩu gạo đã được bỏ trong dự thảo Nghị định mới do Bộ Công thương soạn thảo. Ảnh: Tư liệu Tuổi trẻ

Đó là những nội dung được đưa ra trong dự thảo thay thế Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Nghị định 109 đã có tác dụng sàng lọc, định hướng thương nhân đầu tư lâu dài. Hiện số lượng thương nhân tương đối ổn định với 150 doanh nghiệp, năng lực kho chứa, xay, xát, sấy lúa được cải thiện. Các thương nhân cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc gạo với người nông dân.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng thừa nhận những điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo về kho chứa, cơ sở xay, xát đã khiến cho những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo đặc sản, hữu cơ với số lượng nhỏ khó đáp ứng.

Do đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân hay những doanh nghiệp có thị trường, khách hàng nhưng không có năng lực tài chính, vốn, đất đai để đầu tư kho chứa nên không được cấp giấy chứng nhận.

Ngoài ra là những bất cập trong dự trữ lưu thông, hợp đồng tập trung và hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung; đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo; quy định về giá sàn; công tác điều hành và trách nhiệm các bộ, ngành...

Do vậy, Bộ Công Thương cho biết trong dự thảo Nghị định sẽ không quy định điều kiện về quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo, không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng các cơ sở này.

Theo đó, chỉ quy định yêu cầu các cơ sở này phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm...

Đồng thời bổ sung quy định đối với thương nhân đã xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo thì không cần điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo.

Với mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo dược liệu, thương nhân sẽ được xuất khẩu mà không hạn chế về số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận; khi xuất khẩu chỉ cần thực hiện thông báo hợp đồng xuất khẩu, thủ tục xuất khẩu thực hiện tại cơ quan hải quan.

Dự thảo cũng bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định về giá sàn gạo xuất khẩu. Đồng thời giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông của thương nhân từ 10% xuống còn 5%.

Quy định về đăng ký hợp đồng tại Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), hay thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký xuất khẩu cũng được bãi bỏ. Thay vào đó là quy định áp dụng phương thức thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, dự thảo sẽ bổ sung thêm quy định như liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng gạo, công tác phát triển thị trường xuất khẩu, việc ký kết các thỏa thuận về thương mại gạo với các nước.

Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong điều hành xuất khẩu gạo cũng được xác định rõ, trong đó Bộ Công Thương có vai trò chính. Trường hợp nhiều thương nhân được chỉ định làm đầu mối tại một thị trường tập trung và thực hiện cơ chế đầu mối luân phiên cũng được bổ sung thêm quy định...(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục