tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-05-2017

  • Cập nhật : 09/05/2017

UAE cấm nhập khẩu rau quả từ 5 quốc gia Trung Đông, cơ hội cho Việt Nam

5 nước bị cấm nhập khẩu rau quả vào UAE gồm Ai Cập, Oman, Jordan, Lebanon và Yemen do có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép.

rau qua viet nam co co hoi xuat khau nhieu hon vao uae anh: gia khiem

Rau quả Việt Nam có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn vào UAE ẢNH: GIA KHIÊM

Ngày 8.5, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương) cho biết Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu một số loại rau quả từ 5 nước Trung Đông do có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép. Đây sẽ là cơ hội cho rau quả Việt Nam.

5 nước bị cấm nhập khẩu rau quả vào UAE gồm Ai Cập, Oman, Jordan, Lebanon và Yemen do có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép. Lệnh cấm này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15.5 để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng UAE. Theo đó, các loại rau củ quả bị cấm nhập khẩu gồm: các loại ớt chuông từ Ai Cập; bắp cải, cải thảo, rau diếp, bí, đậu và cà tím từ Jordan; các loại táo từ Lebanon; các loại dưa, cà rốt và cải xoong từ Oman; và tất cả các loại trái cây từ Yemen.

Việc Chính phủ UAE cấm nhập khẩu các loại rau và trái cây từ 5 quốc gia nói trên có thể sẽ đẩy giá các loại rau và trái cây tại UAE lên cao trong ngắn hạn do bị hạn chế nguồn cung để chuẩn bị cho mùa lễ Ramadan sẽ diễn ra trong khoảng cuối tháng 5 tới đây. Mỗi năm, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của UAE rất cao. Cụ thể năm 2014 nhập khẩu gần 3,2 tỉ USD, 2015 đạt khoảng 2,6 tỉ USD và trên 2,5 tỉ USD năm 2016.

Riêng Việt Nam đã xuất khẩu mặt hàng rau, củ, quả sang UAE chỉ đạt 14,2 triệu USD năm 2014, 16,2 triệu USD năm 2015 và 22,8 triệu USD năm 2016. Mặc dù có mức tăng trưởng mạnh mẽ so với các năm trước đó nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của UAE.

Do đó trong bối cảnh Chính phủ UAE đang thắt chặt quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại rau củ quả nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu đang làm ăn hoặc đang có ý định tiếp cận thị trường UAE cần lưu ý tới các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của UAE đặc biệt đối với vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu. Như vậy đây vừa là thách thức vừa là cơ hội tốt cho sản phẩm rau củ quả của Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình tại thị trường UAE.(Thanhnien)
---------------------------

Không giải cứu các đại dự án thua lỗ

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 vào ngày 5-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu: “Không ít doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng ngàn tỉ đồng “đắp chiếu”, làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…”.

Đánh giá của Tổng Bí thư cũng chính là mối quan tâm của dư luận đối với việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả, thua lỗ. Những dự án này đã ngốn hàng chục ngàn tỉ đồng từ ngân sách nhà nước.

Nợ phải trả trên 55.000 tỉ đồng

Bộ Công Thương vừa chính thức công bố thông tin về 12 dự án chậm tiến độ, thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Trong danh sách này có Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy thép Việt-Trung, Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2…

Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên 43.673 tỉ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610 tỉ đồng, tức tăng 45,65%. Trong đó vốn vay là 47.451 tỉ đồng, chiếm 74,6%.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm cuối năm 2016 lên tới 16.126 tỉ đồng; tổng nợ phải trả là 55.063 tỉ đồng…

du an san xuat nhien lieu sinh hoc phu tho dang bi dung thi cong do chi phi tang cao va thieu von. anh: tp

Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn. Ảnh: TP

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, nhận xét 12 dự án nói trên đều có mục đích ban đầu rất tốt là sản xuất những sản phẩm công nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế quốc gia. Nhưng một khối lượng vốn và tài sản lớn như vậy đã được sử dụng không có hiệu quả, đưa đến tình trạng thua lỗ, tiến thoái lưỡng nan như hiện nay quả là điều đáng tiếc.

TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh: “Khối lượng tài sản thất thoát, lãng phí ở các dự án thua lỗ, kém hiệu quả như vậy là rất lớn. Dù là vốn đi vay thì cuối cùng nhân dân sẽ phải trả. Vì vậy không thể xử lý đơn giản để có thể dẫn đến mất trắng. Ngân sách đang khó khăn thì thua lỗ trong các dự án nói trên là không thể chấp nhận được”.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thì cho rằng vấn đề thua lỗ của các DNNN một phần do chính sách ưu đãi và sự can thiệp của Nhà nước vào kinh doanh. Các DN này vốn dĩ đã nhận được quá nhiều ưu đãi của Nhà nước về vốn, thuế, đất đai (thường có diện tích lớn, ở vị trí đắc địa).

“Nhìn vào danh sách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được bảo lãnh vay vốn với tổng mức vốn vay được bảo lãnh lên tới 21 tỉ USD như Bộ Tài chính vừa có báo cáo cho thấy Nhà nước vẫn chưa dứt khoát với việc ưu đãi cho các DNNN. Đó thực sự là điều rất đáng lo ngại” - TS Cung nói.

Phân loại và cho phá sản

Trước câu hỏi lấy tiền đâu để xử lý, trả khoản nợ hàng chục ngàn tỉ đồng… cho các dự án thua lỗ, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng về bản chất chính là cơ cấu lại tài chính và Nhà nước nên để thị trường xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Theo đó Nhà nước phải thông tin đầy đủ, chính xác để thị trường và các nhà đầu tư sẵn lòng xông vào xử lý những dự án này.

“Có những dự án có thể cho phá sản nhưng nếu nhà đầu tư tiềm năng thấy tốt thì phải để lại. Còn những dự án mà thị trường, nhà đầu tư không thích “chơi” thì phải giải tán, phá sản. Những nhà đầu tư chiến lược mới sẽ cơ cấu lại nợ, tài chính và chính họ quyết định chiến lược nhân sự và kinh doanh tiếp theo của các dự án ấy” - TS Thành gợi ý.

Bên cạnh ủng hộ giữ lại các dự án sau khi chấn chỉnh đang phát huy hiệu quả để sau đó thực hiện thoái vốn, TS Lưu Bích Hồ dứt khoát: “Đối với những dự án không có triển vọng phát triển nữa như ba nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học hay Nhà máy sợi Đình Vũ, cần thực hiện chuyển nhượng vốn, thoái vốn ngay hoặc từng bước. Đối với các dự án không thể cứu vãn được như Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất thì cho phá sản hoặc chuyển đổi sở hữu nếu có thể hoặc bán đấu giá công khai như dự án sản xuất bột giấy Phương Nam”.

Phân tích kỹ hơn, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng các DNNN hiện nay vẫn có lợi thế về vốn, đất đai, tài sản… thì hãy để họ tự cạnh tranh, phát triển. DNNN nào quá yếu kém, Nhà nước đã hỗ trợ cả thuế, giãn nợ mà vẫn không khá lên được thì phải cho phá sản, không cản trở các DN khác phát triển. “Nếu trước đây Nhà nước cho phá sản Vinashine và Vinalines và một số DN khác, tình hình bây giờ có thể đã khác” - TS Cung nêu kinh nghiệm.(PLO)
--------------------------------

Nhiều 'ông lớn' ngoại muốn đầu tư logistics ĐBSCL

Hiện đã có 8 nhà đầu tư quan tâm tới phần đất nối hai cầu cảng tại Cái Cui và sắp tới có 7 doanh nghiệp của Singapore tới tìm hiểu…

Ngày 8-5, Tập đoàn Thoresen làm việc với UBND TP Cần Thơ để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực logistics.  

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho biết, TP đang xúc tiến xây dựng Trung tâm logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – trung tâm duy nhất của vùng theo quy hoạch của Chính phủ.

Theo ông Nam, TP Cần Thơ hiện có hai cảng là Hoàng Diệu và Cái Cui. Trong đó, cảng Cái Cui đã được quy hoạch 242ha làm Trung tâm Logistics của vùng tại Cần Thơ.

“Tại Cái Cui có hai đơn vị khai thác cảng, cầu tàu mà giữa hai đơn vị này còn một khu đất dài khoảng 400m. TP đang đề xuất Chính phủ cho sát nhập cả ba khu vực này thành một cảng lớn nhất tại ĐBSCL với cầu cảng 1200m.

Hai tuần trước, các tàu hàng từ Australia đã về trực tiếp cảng Tân Cảng – Cái Cui. Trong tháng 6 tới tiếp tục mởi các tuyến đường vận tải quốc tế mới, có thể như Hồng Kông, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan. Các phái đoàn của Thái Lan, Ấn Độ đã đi khảo sát rất kỹ các tuyến này. Trong đó, tuyến đường đi cảng Calcutta của Ấn Độ sẽ sớm triển khai hơn” – ông Nam cho hay.

pho chu tich ubnd tp can tho truong quang hoai nam (bia phai) dan dai dien tap doan thoresen khao sat thuc dia tai khu vuc 400m o cang cai cui. anh: n.nam

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam (bìa phải) dẫn đại diện tập đoàn Thoresen khảo sát thực địa tại khu vực 400m ở Cảng Cái Cui. Ảnh: N.NAM

Cũng theo ông Nam, đến nay đã có tám nhà đầu tư quan tâm tới phần đất 400m nối giữa hai cầu cảng tại cảng Cái Cui. Trong tuần tới sẽ có bảy doanh nghiệp của Singapore tới Cần Thơ tìm hiểu về cơ hội đầu tư vào Trung tâm logistics lớn nhất của vùng này.

Được biết, ở Việt Nam, Thoresen là tập đoàn có hoạt động đầu tư chính vào ba lĩnh vực phân bón, vận chuyển-kho bãi và hậu cần-cảng tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.(PLO)
--------------------------------

Mất ngủ vì ‘vàng đen’

Những ngày này nông dân đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu.

Tuy nhiên, bà con đang mất ăn mất ngủ vì sâu bệnh hoành hành, tiêu chết hàng loạt và giá tiêu giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm qua.

Khoảng ba năm trước, giá tiêu luôn ở mức trên dưới 200.000 đồng/kg, có thời điểm cán mốc 250.000 đồng/kg. Do lời đậm nên nông dân tỉnh Gia Lai ào ạt mở rộng diện tích loại nông sản được ví là “vàng đen” này và diện tích quy hoạch hồ tiêu bị phá vỡ nặng nề.

Cụ thể, theo quy hoạch, diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai đến năm 2015 là 6.000 ha, tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định con số này. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, diện tích hồ tiêu của tỉnh này đã lên đến 16.000 ha và nhiều khả năng con số thực tế còn lớn hơn.

anh nong dan dau dau vi tieu chet hang loat. anh: ql

Anh nông dân đau đầu vì tiêu chết hàng loạt. Ảnh: QL

Anh Huỳnh Xuân Vinh ở thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa có hơn 4 ha rẫy chủ yếu trồng cà phê nhưng nay đã thay thế bằng 5.000 trụ tiêu. Anh kể mấy năm trước thấy giá tiêu cao nên dần phá bỏ cà phê chuyển sang trồng tiêu. Đến khi tiêu phủ hết rẫy, anh lại phát rầu vì trong 5.000 trụ tiêu chỉ có 2.000 trụ cho thu hoạch, số còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết nhưng đã có hàng ngàn trụ bị bệnh chết.

“Năm vừa rồi gặp hạn hán, dịch bệnh, tiêu chết, giảm năng suất nên chỉ thu được ba tấn, theo giá thị trường thì được khoảng 300 triệu đồng (98.000 đồng/kg). Nếu không đầu tư mở rộng, với số tiền trên cũng có lãi đôi chút nhưng vì đã trót dồn mọi của cải vào rẫy tiêu nên giờ tôi cảm thấy rất lo lắng” - anh nông dân chia sẻ.

Tại thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, ông Đào Tiến Tình sở hữu 25 ha tiêu. Căn biệt thự to với đầy đủ tiện nghi, ô tô tiền tỉ cũng từ vườn tiêu này mà ra. Tuy nhiên, năm nay hơn 3.000 trụ tiêu nhà ông bị bệnh chết, giá cả giảm mạnh đã khiến ông mất ăn mất ngủ.

Ông Tình nói: “Trong 25 ha thì có đến 15 ha tiêu đang trong giai đoạn kiến thiết. Từ năm ngoái đến nay, do hạn hán dẫn đến mất mùa, mất giá nên số tiêu cho thu hoạch không đáng kể. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết bám trụ với cây tiêu”.

Theo ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, những năm trước giá hồ tiêu liên tục tăng cao, vì vậy nông dân thâm canh quá mức. Đơn cử như sử dụng phân bón, chất kích thích không cân đối… khiến cây mất cân bằng dinh dưỡng, mất khả năng đề kháng tự nhiên dẫn đến dễ bị nấm bệnh tấn công gây hại và chết. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn giống trôi nổi, không được chọn lọc cũng là một tác nhân chính khiến tiêu chết hàng loạt.(PLO)
--------------------------

 

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục