Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam; Bất chấp Brexit, giới siêu giàu Anh giàu thêm; Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra hàng loạt dự án bất động sản; Nho Ninh Thuận tăng giá gấp đôi
Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-05-2017
- Cập nhật : 08/05/2017
Gần 7.000 loại thực phẩm chức năng đang lưu hành, dân không biết thật giả
"Cần có Nghị định để quản lý tốt hơn về thực phẩm chức năng, không chỉ dừng ở Thông tư như hiện nay" đây là ý kiến đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Đề xuất góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý thực phẩm chức năng tại Việt Nam”, diễn ra chiều 5/5 tại Hà Nội.
Thị trường thực phẩm chức năng ở nước ta đang có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2000, chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành.
Nhiều đại biểu cho rằng rất cần thiết phải có quy định, chế tài cụ thể trong quản lý sản xuất, phân phối sản phẩm chức năng.
Tuy nhiên, do chưa có những quy định, chế tài cụ thể, trong khi công tác quản lý còn nhiều hạn chế nên việc sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng phát triển một cách tự phát, tràn lan và thiếu minh bạch.
Lợi dụng kẽ hở trong pháp luật, nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thực phẩm chức năng đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với thực tế, tác dụng hỗ trợ sức khỏe không đúng so với quảng cáo khiến người tiêu dùng khó phân biệt, mất phương hướng, dẫn đến thiếu niềm tin. Xa hơn nữa là cảnh giác và tẩy chay các sản phẩm thực phẩm chức năng.
Do đó, theo GS. Trịnh Quân Huấn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cần phải có một Nghị định về quản lý thực phẩm chức năng để góp phần khắc phục tình trạng này.
“Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm ra đời từ năm 2011 đáng lẽ phải có thêm nhiều văn bản, nghị định để quản lý thực phẩm chức năng, quản lý thực phẩm biến đổi gen và quản lý phụ gia thực phẩm… Hiện mới chỉ có Thông tư 43 về quản lý thực phẩm nói chung đã dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, bảo quản thực phẩm chức năng chưa được chặt chẽ”, GS. Trịnh Quân Huấn nêu rõ (VOV)
-----------------------
Facebook sắp tấn công mạnh vào truyền hình
Theo kế hoạch, Facebook sẽ có khoảng 20 chương trình truyền hình được phát trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh vào trung tuần tháng sau.
Có hai loại chương trình chính: một là sản phẩm dài, đầu tư lớn mà người ta vẫn thường thấy trên truyền hình, và hai là những chương trình ngắn, chi phí rẻ với thời lượng khoảng 5 - 10 phút.
Cùng với sáng kiến mới, Facebook cũng sẽ đóng vai trò kiểm soát nội dung hiển thị trên mạng xã hội với gần 2 tỷ thành viên.
Với video chất lượng cao, Facebook kỳ vọng sẽ giữ chân người dùng, đặc biệt là những người trẻ đang ngày càng đổ xô tới các ứng dụng của Snapchat. Đây cũng sẽ là phương tiện để Facebook giành thêm các thị phần quảng cáo vốn thuộc về truyền hình truyền thống.
Nỗ lực sản xuất các chương trình độc quyền hấp dẫn của Facebook đang được dẫn dắt bởi Ricky Van Veen, người phụ trách chiến lược sáng tạo toàn cầu của Facebook.
Ngoài ra, mạng xã hội còn phát triển chương trình hẹn hò thực tế ảo, cho phép người sử dụng đi vào thế giới của nhau trước khi gặp gỡ ngoài đời thực. Tuy nhiên, những thông tin chi tiết về chương trình này chưa được công bố.
Trước đó, Facebook đã tung video quảng cáo về tính năng mới, trong đó cho phép người dùng tương tác trực tiếp với nhau thông qua công nghệ thực tế ảo.
Facebook cũng đã mời những ngôi sao hạng A tham gia vào một số chương trình để thu hút người sử dụng. Một số ngôi sao Hollywood cũng chấp nhận lời mời tham gia các chương trình của Facebook.(VOV)
--------------------------------
Doanh nghiệp kêu phải chờ 'dài cổ' điều kiện kinh doanh ô tô
Mặc dù từ tháng 11/2016, ngành kinh doanh ô tô được xếp vào các ngành kinh doanh có điều kiện nhưng cho đến nay các bộ, ngành có trách nhiệm vẫn chưa đưa ra điều kiện, tiêu chí để hướng dẫn cụ thể, khiến doanh nghiệp (DN) hết sức lo lắng.
Vì vậy, trước thềm gặp gỡ Thủ tướng với các lãnh đạo DN sắp tới, Nhóm công tác công nghiệp ô tô và xe máy thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VBF) đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đề nghị khẩn trương thiết lập các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề ô tô theo đúng quy định.
Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành khẩn trương ban hành điều kiện kinh doanh ô tô để cá nhân, doanh nghiệp chủ động kế hoạch kinh doanh (ảnh minh hoạ)
Theo VBF, theo quy định bắt đầu từ tháng 7/2017 ô tô là ngành kinh doanh có điều kiện. Tức là ngoài các quy định về kiểm đăng kiểm, hồ sơ, giấy phép kinh doanh, các cá nhân, DN phải "kèm" theo những điều kiện mà cơ quan chức năng đưa ra mới được mở kênh phân phối, nhập khẩu, làm đại lý, mở showroom riêng...
Tuy nhiên, đến nay chỉ còn hơn 2 tháng nữa đến thời hạn thực thi Luật, các Bộ ngành và cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra điều kiện, tiêu chí để hướng dẫn DN, điều này khiến DN không thể chủ động mở rộng đầu tư, thiết lập kênh, mạng lưới kinh doanh.
VBF đề nghị, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải nên phối hợp với các Bộ, DN có liên quan để thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết, khả thi và minh bạch cho sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu động cơ xe càng sớm, càng tốt.
Trước đó, ngày 22/11/2016, với hơn 83% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 của Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó đưa ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Dự thảo sửa đổi Phụ lục 4 trước đó do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, Bộ Công Thương và Bộ GTVT tham gia ý kiến và có nhiều thông tin đa chiều từ dư luận và giới chuyên gia.
Sau khi Dự thảo được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Riêng quy định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô thì có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Luật giao Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại khoản này.
Sau khi sửa đổi, bổ sung, danh mục ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư được rút ngắn còn 243 ngành, nghề so với hơn 267 ngành nghề trước đó.(Dantri)
------------------------
Trung Quốc đầu tư điện than lớn nhất tại VN
Trung Quốc đang giảm công suất điện than ở trong nước đồng thời tìm cách chuyển vốn và công nghệ sang các nước khác, trong đó có VN.
Chỉ tính riêng trong tháng 1.2017, Trung Quốc đã hủy 85 nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng và quy hoạch ở 13 tỉnh. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất cho năng lượng tái tạo với tổng công suất đạt 480.000 MW, chiếm 25% tổng công suất phát điện cả nước.
Trung Quốc đầu tư 8 tỉ USD vào điện than ở VN
Từ tháng 3.2016, Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh GreenID đã xây dựng cơ sở dữ liệu tài chính về điện than ở VN theo từng dự án ở tất cả các giai đoạn. Bà Nguyễn Thị Hằng, chuyên gia phân tích cơ sở dữ liệu của GreenID, cho biết đến thời điểm hiện nay tổng vốn đầu tư vào nhiệt điện than gần 39,8 tỉ USD. Trong đó có 17% đến từ các ngân hàng trong nước; 31% không xác định được nguồn và 52% đến từ nước ngoài. Trong tỷ lệ vốn từ nước ngoài đầu tư vào nhiệt điện than tại VN có đến 50% đến từ Trung Quốc, tương đương 8 tỉ USD; tiếp theo là Nhật Bản 23% và Hàn Quốc 18%.
Bình luận về những con số trên, bà Hằng cho rằng Trung Quốc có vai trò rất lớn trong các dự án nhiệt điện than ở VN. Đặc biệt phần lớn nguồn vốn đi theo con đường của các tổ chức tín dụng xuất khẩu. Cơ quan tín dụng xuất khẩu là tổ chức tài chính quốc gia có nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư và thương mại của quốc gia này ở nước ngoài bằng việc cung cấp tín dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài khi mua hàng hóa của nhà xuất khẩu tại quốc gia đó.
"Tại sao lại là Trung Quốc?" - bà Hằng đặt câu hỏi và trả lời, công suất lắp đặt trong nước đã dư thừa và đang chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Chính vì vậy muốn tiếp tục phát triển, Trung Quốc phải chuyển công nghệ điện than sang các nước khác. Làm như vậy, họ vừa xuất khẩu được công nghệ lại vừa giải ngân được vốn; mặt khác đó lại là cách mở đường cho các dự án cơ sở hạ tầng đi kèm và nhập khẩu ngược các nguồn tài nguyên khác về nước.
Ví dụ điển hình như ở Myanmar họ xuất khẩu công nghệ, vốn cho điện than rồi nhập khẩu lại nguyên liệu đồng. Một điểm mấu chốt nữa là nâng cao sức mạnh kinh tế - chính trị trong khu vực và thế giới. “Các doanh nghiệp Trung Quốc thường rất dễ thắng thầu vì họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế từ chính phủ, vốn vay lãi suất thấp. VN chúng ta sản xuất được nhiều điện hơn nhưng phải đối mặt với những rủi ro về môi trường, sức khỏe người dân. Khi môi trường ô nhiễm, du lịch và nông nghiệp cũng bị tác động dẫn đến kinh tế cũng bị ảnh hưởng”, bà Hằng tóm tắc về những dự án đã qua.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Tổ chức Change tại VN, cho biết: Chiến dịch thoái vốn toàn cầu năm nay diễn ra từ ngày 5 - 13.5. Tại VN chúng tôi sẽ tổ chức lớp học 2030 cho các bạn sinh viên. Lớp học này sẽ phác họa viễn cảnh VN vào năm 2030 khi mà cả 40 nhà máy nhiệt điện than được xây dựng; bên cạnh đó sẽ cung cấp các thông tin về biến đổi khí hậu và năng lượng. Chương trình dự kiến sẽ tổ chức tại Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM).
Bà Hằng lo lắng, VN cần nguồn vốn khoảng 46 tỉ USD để phát triển các dự án sắp tới. 60% trong số này cũng là vốn đầu tư theo hình thức BOT. Việc này sẽ giảm áp lực cho VN về vấn đề vay nợ, tuy nhiên gia tăng thách thức trong quản lý. Các dự án giao thông theo hình thức BOT gần đây đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng là một ví dụ rất rõ ràng.
Vì vậy, VN cần xem xét lại Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), giảm tối đa các dự án nhiệt điện than mới, thay thế bằng năng lượng tái tạo vì lợi ích môi trường xã hội và nắm bắt cơ hội đầu tư. Đối với những dự án bắt buộc phát triển, cần cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà cung cấp tài chính để tránh những rủi ro về môi trường xã hội và chính trị do nguồn tài chính dễ tiếp cận mang lại. Rà soát các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và thắt chặt quản lý là vô cùng cần thiết để tránh những thảm họa môi trường như gần đây.
Thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch
Lời kêu gọi này đã trở thành phong trào khắp thế giới. Các nhà môi trường lập luận: Việc tàn phá khí hậu cũng như thu lợi từ việc tàn phá này là sai. Chúng ta cần phải giữ 80% nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất để làm chậm lại tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra.
Theo bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Tổ chức Change tại VN: Cho đến nay, đã có 705 tổ chức đã thoái vốn tương đương số tiền lên đến 5,4 nghìn tỉ USD. Cụ thể, quốc hội Na Uy tuyên bố thoái 6 tỉ USD khỏi than đá. Đây là khoản thoái vốn lớn nhất thế giới được ghi nhận đến thời điểm này. Oslo thủ đô của Na Uy cũng là thành phố đầu tiên trên thế giới cam kết thoái vốn khỏi than đá. Hiện nay có nhiều tổ chức, thành phố cam kết thoái vốn khỏi năng lượng hóa thạch.
Phong trào này cũng kêu gọi các tổ chức tôn giáo, nghệ thuật không hợp tác hoặc nhận tài trợ từ các doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính có dính dáng đến lĩnh vực năng lượng hóa thạch. Ngoài ra, phong trào còn nhắm đến các đối tượng cá nhân; họ kêu gọi các cá nhân rút đầu tư, đóng tài khoản trong các ngân hàng đang đầu tư vào năng lượng hóa thạch. Theo thống kê của phong trào thoái vốn toàn cầu, có 58.000 cá nhân thoái vốn 5,2 tỉ USD khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Một chuyên gia nhận xét, việc VN vẫn phát triển điện than là đi ngược với xu hướng chung của thế giới. Đặc biệt, nguy cơ ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi, nhất là khi phần lớn điện than ở VN đến từ nhà đầu tư Trung Quốc.(Thanhnien)