Doanh nghiệp 'ra đi' lấn át số thành lập mới
Lợi nhuận Samsung giảm gần 40%
Trung Quốc hạn chế cho vay NDT tại nước ngoài
Giày dép, túi xách xuất phần lớn qua Mỹ
Giảm tỉ lệ kiểm tra hàng hóa
Tin kinh tế đọc nhanh 28-01-2016
- Cập nhật : 28/01/2016
Standard Chartered: Việt Nam tăng trưởng nhanh thứ 2 châu Á năm 2016
Số liệu nêu trên được Standard Chartered đưa ra tại buổi thuyết trình về kinh tế toàn cầu, tổ chức hôm nay (27/1) tại TP HCM. Dự báo này cũng cao hơn mức 6,6% do chính ngân hàng này đưa ra trước đó. Lý do dẫn đến thay đổi là 2 khu vực đang tăng trưởng tốt của Việt Nam là sản xuất và xây dựng, trong bối cảnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục khả quan.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam ngày càng tốt hơn, dù tăng trưởng toàn cầu có thể vẫn ở mức thấp 2,9% năm 2016.
Ông Marios Maratheftis - Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered - cho rằng dù mức tăng trưởng toàn cầu thấp nhưng lòng tin và yếu tố tâm lý - hai nguyên nhân chính khiến các thị trường mới nổi phát triển chậm lại trong năm 2015, sẽ được cải thiện.
Các nhà kinh tế cũng hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đón dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, sau khi tăng trưởng 6,7% năm 2015. "Đây là tốc độ cao nhất từ khi Việt Nam áp dụng cách tính GDP mới vào năm 2013", vị chuyên giá nhận xét.
Báo cáo cũng cho rằng, lĩnh vực tiêu dùng có thể sẽ tiếp tục đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay. Ngoài ra, mảng đầu tư cũng được dự báo sẽ đóp góp tỷ lệ cao hơn vào tăng trưởng so với năm 2015 nhờ lượng vốn FDI được giải ngân cho các dự án tiếp tục tăng.
Ông Nirukt Sapru - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định nền kinh tế đang là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn và vẫn sẽ thu hút nhiều vốn FDI trong năm 2016.
Theo ông, Việt Nam là một trong số vài nước có nhiều cơ hội đầu tư tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa. "Chúng tôi đánh giá quyết định gần đây của Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam mỗi ngày sẽ tạo điều kiện linh hoạt hơn trong việc phản ứng với tình hình thị trường ngày càng biến động", ông nói.
Báo cáo của Standard Chartered xem quyết định này của Ngân hàng Nhà nước là một chính sách tỷ giá mới cho năm 2016, vì thiết lập tham chiếu hằng ngày sẽ giúp tiền đồng phản ứng nhanh hơn với tình hình thị trường và giảm bớt áp lực.
Phá 2 đường dây bán 2.345 tỷ đồng tiền hóa đơn
Công an TP Hải Phòng cho biết, vừa khởi tố bị can 6 đối tượng trong 2 đường dây mua bán trái phép hoá đơn GTGT với số tiền 2.345 tỷ đồng.
Đường dây thứ nhất do Bùi Thị Bích Liên, (42 tuổi), trú tại xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng, cầm đầu, đã thành lập 12 công ty “ma” để tổ chức mua bán trái phép hoá đơn GTGT.
Trợ thủ đắc lực của Liên còn có Nguyễn Thị Len, (66 tuổi), cùng trú tại xã Tân Tiến, huyện An Dương và Nguyễn Thị Lan, (24 tuổi), trú tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Theo tài liệu điều tra, từ năm 2007 đến nay, Liên và đồng bọn đã bán khoảng 1.810 tờ hoá đơn GTGT, tương ứng số tiền hàng hoá dịch vụ khống gần 1.000 tỷ đồng.
Đường dây thứ hai do Nguyễn Thị Huyền, (34 tuổi), trú tại quận Hải An, Hải Phòng cầm đầu. Đối tượng chủ chốt trong đường dây còn có 2 kế toán là Trần Thị Lan, (26 tuổi), trú tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền và Phạm Thị Quỳnh Anh, (26 tuổi), trú tại phường Lam Sơn, quận Lê Chân, Hải Phòng.
Nguyễn Thị Huyền đã thành lập 16 công ty “ma”, làm vỏ bọc cho hoạt động mua bán trái phép hoá đơn GTGT. Từ năm 2009 đến nay, Huyền cùng đồng bọn đã bán 4.897 tờ hoá đơn GTGT, tương ứng với số tiền hàng hoá dịch vụ khống trên hoá đơn là 1.345 tỷ VNĐ.
Tổng số hoá đơn hai đường dây bán ra là 6.707 số, tương đương 2.345 tỷ đồng, chiếm đoạt và gây thất thoát tiền thuế của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Khám xét nơi ở và làm việc của các đối tượng, Cơ quan ANĐT thu hàng chục con dấu công ty “ma” và chức danh giám đốc “dởm”, hàng chục tập hoá đơn GTGT, nhiều chứng từ ngân hàng và các công cụ, phương tiện phạm tội khác.
Hiện Cơ quan ANĐT Công an TP Hải Phòng đã khởi tố bị can đối với cả 6 đối tượng trên, trong đó tạm giam Bùi Thị Bích Liên và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với 5 bị can còn lại.
Trung Quốc 'cảnh cáo' tỷ phú Soros
Trong một buổi phỏng vấn với Bloomberg bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) tuần trước, George Soros đã nhận xét: "Hạ cánh cứng là điều không thể tránh khỏi. Tôi không dự báo điều này, mà đang quan sát nó". Hạ cánh cứng là tình trạng nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp rất nhanh, và sau đó là suy thoái.Phản ứng lại câu nói này, giới truyền thông Trung Quốc sau đó trích lời một một quan chức Chính phủ cho biết: "Việc Soros muốn đầu cơ vào đồng NDT và đôla Hong Kong sẽ không thành công đâu. Điều này là chắc chắn".
Tờ People’s Daily thì đăng tải một bài báo có tiêu đề "Tuyên chiến với nội tệ Trung Quốc sao? Thật buồn cười". Bài báo gọi Soros là "cá sấu ngành tài chính", và "vì ảnh hưởng của ông ta, biến động trên các thị trường tài chính thế giới ngày một mạnh. Các đồng tiền châu Á rõ ràng đang chịu sức ép lớn từ hoạt động đầu cơ".
Trước đó, Xinhua cũng cảnh báo "các hoạt động đầu cơ và bán khống nhằm mục đích gây hại sẽ khiến chi phí giao dịch tăng cao, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng về pháp lý".
George Soros sinh năm 1930, là nhà đầu cơ nổi tiếng người Mỹ gốc Hungary. Ông trở nên giàu có sau thương vụ bán khống đồng bảng Anh năm 1992 và kiếm được hơn 1 tỷ USD chỉ trong một ngày. Ông cũng kiếm lời khá khi đặt cược vào đồng bạt Thái, ngay trước khi khủng hoảng châu Á 1997 diễn ra. George Soros được đặt biệt danh "kền kền" do chuyên kiếm lời từ các doanh nghiệp, thậm chí là các nền kinh tế, đang lao đao.
Động thái của Bắc Kinh với Soros phản ánh nỗ lực của Chính phủ nước này, nhằm ngăn chặn những quan điểm được cho là gây đảo lộn thị trường. Dù câu nói của Soros không trực tiếp nhắc tới đồng NDT của Trung Quốc, danh tiếng của ông trong các thương vụ trước cũng đủ khiến Bắc Kinh phải dè chừng. Thời gian gần đây, tỷ phú luôn bày tỏ sự lo ngại thế giới có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng như năm 2008, khi Trung Quốc chật vật tìm mô hình tăng trưởng mới.
Bầu Thụy chính thức làm chủ Khách sạn Kim Liên
Thương vụ trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng của ông Nguyễn Đức Thụy vừa chính thức được xác nhận sau khi vị này được bầu làm Chủ tịch Công ty Du lịch Kim Liên. Trước đó, Tập đoàn Thaigroup của ông Thụy đã sở hữu 52,4% cổ phần tại khách sạn nổi tiếng này của Hà Nội trong đợt chào bán cổ phần gần đây.Theo ông Nguyễn Đức Thụy, việc đầu tư vào Khách sạn Kim Liên nằm trong chiến lược dài hạn của Tập đoàn Thaigroup. Sau khi nhậm chức, ông sẽ tiếp tục củng cố về mặt nhân sự, cử thêm 2 thành viên tham gia vào Hội đồng quản trị Khách sạn Kim Liên, thay thế cho các thành viên do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cử trước đây.
"Định hướng trong thời gian tới Khách sạn Kim Liên sẽ được phát triển thành một điểm nhấn của Hà Nội với tổ hợp khách sạn 4 và 5 sao thương hiệu quốc tế", Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy cho hay.
Cuối tháng 12/2015, thương vụ đấu giá gần 3,6 triệu cổ phần của SCIC tại Công ty Du lịch Kim Liên đã gây chú ý trong giới tài chính khi bán được với giá 274.200 đồng một cổ phần, tổng giá trị hơn 1.000 tỷ. Khi đó, chi tiết bên mua không được phía Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố.
Thaigroup tiền thân là Xuân Thành Group, được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng. Hiện công ty đang đầu tư dài hạn vào ngành sản xuất xi măng, phân bón, thủy điện. Ngoài ra, doanh nghiệp còn mở rộng đầu tư sang giáo dục, du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Khách sạn Kim Liên có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, vị trí rất đắc địa khi toạ lạc trên khu đất 3,5ha trên phố Đào Duy Anh (Đống Đa). Khách sạn hiện có 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng. Năm 2014, doanh thu của khách sạn đạt 127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,5 tỷ đồng.
Tuy vậy, lô đất nơi khách sạn tọa lạc không thuộc sở hữu của họ mà là đất thuê dài hạn. Tháng 9/2014 UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho Công ty du lịch Kim Liên thuê 3,5ha đất với hạn thuê đất 50 năm kể từ năm 1993. Như vậy, thời hạn thuê đất còn tới năm 2043.
KAfe Group làm M&A sau khi nhận đầu tư 5,5 triệu USD
Sau khi nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu USD từ quỹ ngoại có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc), KAfe Group vừa tiến hành thương vụ mở rộng đầu tiên thông qua mua lại thương hiệu Mint Cupcake Creations trong những ngày đầu năm 2016.
Mint Cupcake Creations ra mắt vào tháng 12/2013 bởi Đặng Anh Thơ (sinh năm 1993). Đây là start-up kinh doanh theo mô hình cửa hàng bánh ngọt cupcake, tương tự như Georgetown Cupcakes ở Mỹ hay Hummingbird Bakery ở Anh.Theo KAfe Group, việc sáp nhập sẽ mở ra hành trình mới cho cả hai bên. Mint mang đến cho KAfe Group những hương vị bánh ngọt mới mẻ, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bánh ngọt nói chung trong KAfe Group. Cùng lúc đó, KAfe Group mở ra cho Mint cơ hội phát triển mạnh hơn hiện tại, với sự hỗ trợ từ việc sản xuất hình ảnh, nguyên liệu đến địa điểm kinh doanh và nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Đào Chi Anh - chủ của KAfe Group (trái) và Đặng Anh Thơ, Mint Cupcake Creations cùng những chiếc bánh đầu tiên được ra mắt sau khi sát nhập.
Trước đó, Đào Chi Anh - chủ của KAfe Group từng chia sẻ mục tiêu trở thành chuỗi quán cà phê - nhà hàng dẫn đầu Việt Nam trong 5 năm. Để hiện thực hóa, tập đoàn sẽ sáng tạo ra những thương hiệu mới hay mua lại các cửa hàng trên thị trường, nhất là sau khi có thêm vốn đầu tư từ quỹ ngoại.
“Các thương hiệu được đầu tư sẽ là những thương hiệu cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới mẻ và có bản sắc riêng. KAfe Group sẽ hỗ trợ các bạn start-up về ẩm thực vượt qua mọi khó khăn về chiến lược kinh doanh, vận hành, marketing,... giúp thương hiệu phát triển được hết tiềm lực của mình”, Chi Anh cho biết.
Mint Cupcake Creations hiện có 3 cửa hàng tại Hà Nội, trong khi KAfe đặt mục tiêu nâng lên 26 cửa hàng vào cuối năm ngoái.