Bộ Tài chính cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư Hoa Kỳ
Vì sao dệt may Trung Quốc thành công?
Bãi bỏ 22 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế
Thổ Nhĩ Kỳ thẩm tra tại chỗ vụ việc thuế chống bán phá giá gỗ dán
Cấp chứng thư cho thủy sản XK theo NSW: Nước đến chân vẫn chưa muốn nhảy...
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-09-2017
- Cập nhật : 24/09/2017
Các ngân hàng không công nhận giá trị tiền ảo
Dự thảo Nghị định về tiền ảo do Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng, dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12/2017 và dự thảo Nghị định về tài sản ảo sẽ hoàn tất vào tháng 3/2018.
Trong đó, Chính phủ cho rằng cần phải có những biện pháp quản lý giao dịch tiền ảo để tránh hệ lụy phát sinh. Còn theo Ngân hàng Nhà nước, tiền ảo được xem xét quản lý dưới ba góc độ: tiền tệ, phương tiện thanh toán; tài sản ảo; hàng hóa (khi được đưa vào giao dịch trao đổi, chuyển nhượng, mua, bán...). Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia tại TP Hồ Chí Minh.
Cần phải có những biện pháp quản lý giao dịch tiền ảo để tránh hệ lụy phát sinh.
Chuyên gia Hồ Trọng Lai, Công ty tư vấn và đầu tư Waterstone Capital Partners LLC (USA) cho hay, nên gọi là tiền mã hóa (hay mật mã) đúng hơn là tiền ảo để tránh ngộ nhận. Ngoài ra, giao dịch loại tiền này đúng là ẩn danh hay bút danh (pseudonymous) chứ không phải vô danh (anonymous) do vậy vẫn có dấu vết. Khi giao dịch Bitcoin, bút danh chính là địa chỉ để nhận được Bitcoin và được lưu trữ mãi mãi trong blockchain.
Theo phân tích của chuyên gia Hồ Trọng Lai, không phải các giao dịch tiền mã hóa không có vết, vì thế vẫn có thể quản lý. Blockchain là một dạng sổ cái mở và lưu trữ phân tán, các giao dịch được bảo vệ và không ai có thể tác động. Vấn đề là trình độ, công cụ mà các cơ quan chức năng sẽ dùng như thế nào để có thể quản lý.
Về phía các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank cho rằng, dù hai nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và Trung Quốc không công nhận tiền ảo; tuy nhiên, xu hướng tạo và sử dụng tiền ảo đang phát triển rất nhanh ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã ra thông báo là không công nhận tiền ảo, không chấp nhận tính hợp pháp của tiền ảo và Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về tiền ảo dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12/2017 và dự thảo Nghị định về tài sản ảo sẽ hoàn tất vào tháng 3/2018.
"Thực tế hiện nay, các Chính phủ trên toàn thế giới đang giữ vai trò in tiền, nếu mất đi đặc quyền này, chiến lược phát triển kinh tế quốc gia sẽ bị ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến thị trường tiền tệ. Mặt khác, tiền ảo có thể giao dịch xuyên biên giới không bị ảnh hưởng bởi các cơ chế quản lý giao dịch ngoại tệ của các quốc gia, cũng như thông lệ quốc tế và khuôn khổ pháp lý hiện hành", ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.
Đồng quan điểm, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín - Sacombank cho hay, về phía các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có ý định xem tiền ảo là một giá trị để giao dịch.
Do đó, đối với vấn đề "tiền ảo", Nhà nước và cộng đồng xã hội cần nghiên cứu chú trọng về sự ảnh hưởng, tác động của tiền ảo đối với thị trường tiền tệ, cấp thiết phải có các công cụ để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời, đảm bảo tính an toàn cho thị trường tiền tệ.
Ghi nhận tại thị trường TP Hồ Chí Minh, giới kinh doanh chào bán và tư vấn người dân tham gia mua tiền ảo với nhiều phương thức siêu lợi nhuận và rất nhiều lợi ích để "chiêu dụ".
Chị P.A.V, cư ngụ tại quận 7, cho biết, giới kinh doanh tiền ảo đã chào mời chị là thay vì dùng 1,2 tỷ đồng tiền mặt mua một chiếc ô tô, thì dùng 600 triệu đồng tiền mặt chuyển hóa thành tiền ảo và dùng số lượng tiền ảo này để chuyển khoản trả tiền mua ô tô. Như vậy, sẽ tiết kiệm được 50% số tiền mua ô tô, đồng thời cho thấy giá trị "tiền ảo" hiện nay trên thị trường rất cao và hấp dẫn.
Ngoài ra, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cũng xuất hiện một số địa điểm vui chơi, giải trí và kinh doanh chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo. Tuy nhiên, hầu hết những người sử dụng tiền ảo thường là những đối tượng có kiến thức về công nghệ thông tin hoặc đã tìm hiểu về tiền ảo trong thời gian dài.
Lý giải nguyên nhân, tiền ảo đang dần được một bộ phận rất nhỏ sử dụng, các chuyên gia nhấn mạnh, tiền là công cụ để hỗ trợ lưu thông phân phối, không được công nhận là phương tiện thanh toán thì phạm vi sử dụng sẽ bị hạn chế và chỉ dùng trong những khu vực được chấp nhận hoặc chỉ để đầu tư.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, nếu một khi tiền ảo không được pháp luật thừa nhận thì rủi ro rất cao vì sẽ không có ai phân xử khi có tranh chấp. Ngoài ra, do chỉ là kênh để đầu tư thì sẽ mang nhiều rủi ro như chứng khoán vì phụ thuộc vào cung - cầu thị trường, tin đồn… là những yếu tố rất khó đoán và hay thay đổi bất ngờ.(TTXVN)
---------------------------------
Hà Giang: Công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ
Chiều 22/9, tại trung tâm huyện Quản Bạ, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức lễ công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ (Hà Giang).
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và các đại biểu thăm quan sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ.
Hà Giang không chỉ được biết đến là một tỉnh miền núi với nhiều phong cảnh hùng vĩ, phong tục tập quán, những lễ hội phong phú, những dãy núi đá… mà Hà Giang còn là một mảnh đất với nhiều sản phẩm và sản phẩm đặc sản truyền thống.
Nhiều sản phẩm đặc sản của Hà Giang đã được bảo hộ thương hiệu như: Mật ong Bạc Hà của Cao nguyên đá Đồng Văn, cam sành Hà Giang, chè Hoàng Su Phì…
Các thương hiệu này đã phát huy hiệu quả kinh tế sau khi được bảo hộ, đặc biệt là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc Hà đã đem lại hiệu quả ngoài mong đợi khi giá thành sản phẩm tăng từ 2 - 2,5 lần.
Theo ông Nguyễn Chí Thâm, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: Cây Hồng không hạt đã được bà con dân tộc thiểu số huyện Quản Bạ trồng từ hàng chục năm nay.
Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích cây hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ có gần 100 ha. Trong đó, có gần 60 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 560 tấn quả/năm.
Quả hồng không hạt có hình dạng tròn đều, màu vàng sáng hơi bóng; tai quả to, độ ngọt sau ngâm ngọt dịu, trọng lượng 20 -25 quả/kg; nhiều đường cát, có ít vết đốm…
Với nhiều thành phần tốt cho sức khỏe nên giá thành quả hồng không hạt Quản Bạ tiêu thụ ngoài thị trường tương đối ổn định và đem lại giá trị kinh tế cao cho các hộ dân.
Với những giá trị kinh tế và đặc thù sản phẩm nằm trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, UBND tỉnh Hà Giang đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nhận hỗ trợ xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ vào tháng 7/2017.
Đây là công cụ hữu hiệu bảo vệ người sản xuất, chống các hành vi gian lận thương mại, đảm bảo việc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; đồng thời giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Phát biểu tại buổi lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh: Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ là sự ghi nhận của Nhà nước đối với một đặc sản của tỉnh Hà Giang, một sản phẩm được người dân sản xuất trên khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 3 của Hà Giang sau mật ong Bạc Hà và cam sành Hà Giang, đưa Hà Giang trở thành một trong những địa phương có nhiều chỉ dẫn địa lý nhất của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Khoa học cho rằng đây là hướng đi phù hợp với điều kiện sản xuất cụ thể của tỉnh Hà Giang trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng cũng cho rằng, để phát triển chỉ dẫn địa lý hồng không hạt Quản Bạ, UBND tỉnh Hà Giang cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách, tổ chức bộ máy quản lý nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức và người dân có thể sử dụng chỉ dẫn địa lý một cách hiệu quả.
Hà Giang cần tiếp tục có những hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để doanh nghiệp, người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công đoạn sản xuất và bảo quản.
Các tổ chức, cá nhân được sử dụng chỉ dẫn địa lý cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình nhằm duy trì danh tiếng và vị trí của sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Giang cần phát huy được giá trị sau khi được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, thị trường một cách hiệu quả và bền vững.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Để xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững cây đặc sản hồng không hạt, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo huyện Quản Bạ cần thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng quản lý hồng không hạt Quản Bạ, nhằm giữ vững chất lượng; đảm bảo mối liên kết chặt chẽ giữa người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển bền vững.
Các sở, ban ngành chuyên môn của tỉnh cần giám sát kỹ quy trình kỹ thuật trồng hồng, quản lý chất lượng hồng không hạt. Đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm hồng không hạt.
Đặc biệt, bà con các dân tộc thiểu số huyện Quản Bạ và các huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang thuộc khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng hồng không hạt để nâng cao giá trị, phát triển bền vững hồng không hạt Quản Bạ mang chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị.(TTXVN)
-------------------
Sau 5 tuần, đã có gần 160.870 HĐ phái sinh được giao dịch, giá trị đạt 12.342 tỷ đồng
Trong 5 tuần giao dịch vừa qua, nhà đầu tư (NĐT) đã thực hiện giao dịch 160.867 hợp đồng, giá trị giao dịch tương ứng (theo quy mô hợp đồng) đạt 12.342 tỷ đồng. Tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/9, khối lượng hợp đồng mở ở mức 15.443 HĐ.
Trong tuần giao dịch thứ 5, từ 18-22/9/2017, hoạt động giao dịch trên thị trường CKPS tăng trưởng mạnh cả về khối lượng và giá trị giao dịch. Chỉ tính riêng trong tuần đã có 35.408 hợp đồng được giao dịch với giá trị tương ứng (theo quy mô hợp đồng) đạt hơn 2.796 tỷ đồng.
Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 7.081 hợp đồng/ngày và giá trị giao dịch đạt 559,3 tỷ đồng/phiên, tăng 17,8 lần về khối lượng và 3,96 lần về giá trị so với tuần đầu tiên khi khai trương thị trường.
Ngày 21/9/2017 là ngày đáo hạn của mã hợp đồng VN30F1709, đây là mã hợp đồng phái sinh thứ 2 đáo hạn kể từ khi TTCKPS đi vào hoạt động đến nay.
Ngày 22/9/ 2017, HNX niêm yết mã hợp đồng tương lai VN30F1711. Đây là mã hợp đồng thứ 2 được HNX niêm yết mới thay thế cho mã hợp đồng VN30F1709 đáo hạn ngày 21/9/2017.
Theo thống kế của HNX, các mã hợp đồng phái sinh kỳ hạn gần nhất thường nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 22/9 mã hợp đồng VN30F1710 có khối lượng giao dịch là 6.515 hợp đồng, trong khi đó, các hợp đồng còn lại có khối lượng giao dịch là 128 hợp đồng.(NDH)
-------------------------
Giá cát tăng cao kỷ lục và khan hiếm: Cần sớm có vật liệu thay thế?
Trong vòng vài tháng nay, giá cát tăng quá cao khiến cho nhiều nhà thầu xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh lâm vào cảnh thi công cầm chừng vì chí phí bị đội lên. Sau khi các địa phương siết chặt quản lý việc khai thác cát, nguồn cung vật liệu này trở nên khan hiếm. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải tìm nguồn vật liệu thay thế.
Hiện nay, giá cát tại TP.Hồ Chí Minh đang ở mức cao kỷ lục, tăng đột biến từ 50-200% so với thời điểm đầu năm. Giá cát xây dựng đang ở mức trên 600 ngàn đồng/m3, gây không ít khó khăn cho người dân và nhà thầu xây dựng.
Theo số liệu điều tra của Bộ Xây dựng, nhu cầu về cát từ năm 2016 đến năm 2020 cần xấp xỉ 2,3 tỉ m3. Trong khi trữ lượng hiện nay chỉ còn hơn 2 tỉ m3. Dự báo đến năm 2020, với mức độ sử dụng cát sẽ đạt khoảng 130 triệu m3/năm thì sẽ không còn cát phục vụ cho xây dựng.
Để đáp ứng nhu cầu cao về xây dựng tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia đưa một số giải pháp sử dụng vật liệu nhân tạo khác thay thế cát. Ông Nguyễn Tiến Đỉnh, Giám đốc Trung tâm dự báo và quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, nguồn đầu tiên có thể nghĩ đến là sử dụng chính các phế thải của ngành công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tiến Đỉnh, hiện nay, có thể sử dụng tro xỉ nhiệt điện để trộn vào xi măng hoặc cho vào bê tông đầm lăn đã áp dụng trong các công trình thuỷ điện. TP.Hồ Chí Minh cần yêu cầu ngay từ nhà máy sản xuất nhiệt điện, khi phun tro nhiệt điện ra thì phải làm thêm dây chuyền tạo viên, để tạo cát ngay tại chỗ. Như vậy, việc vận chuyển trở nên đơn giản, không bụi bặm và sử dụng được ngay tại địa phương.
Một giải pháp khác được Tiến sĩ Phạm Trung Kiên, Khoa Công nghệ vật liệu, Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh đưa ra là trong ngắn hạn, thành phố có thể nghiền phế thải xây dựng như xà bần ra đến cỡ hạt tương đương với cát để sử dụng. Chú ý là phương án này chỉ có thể đối phó tức thời trước tình trạng khan hiếm cát như hiện nay.
Về lâu dài, ông Phạm Trung Kiên cho rằng, Bộ Xây dựng phải ban hành tiêu chuẩn và phối hợp với các cơ sở nghiên cứu đề xuất quy chuẩn cát hỗn hợp. Tuy nhiên, vướng mắc về mặt kỹ thuật là hiện nay chưa có quy chuẩn sử dụng về cát hỗn hợp trộn từ xà bần nghiền nhỏ với cát tự nhiên.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Miền, Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, hiện nay nếu sử dụng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên thì có thể nghiền từ loại đá cát kết. Loại cát được nghiền từ đá tự nhiên có cỡ hạt gần tương tự với cát tự nhiên, đảm bảo các yêu cầu về tính chất cơ lý, hóa và có thể trộn lẫn theo tỷ lệ phù hợp với cát tự nhiên trong bê tông và vữa xây dựng.
Tuy nhiên ông Miền cho biết hiện nay chưa có đánh giá đầy đủ về nguồn cát nghiền từ đá tự nhiện do loại cát này vẫn được cho là để san lấp chứ không phải dùng trong xây dựng công trình. Thêm nữa, nếu sử dụng vật liệu từ đá nghiền thì vẫn không giải quyết triệt để việc tiết kiệm nguồn cát tự nhiên.
Trước tình hình khan hiếm cát, UBND TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Khoa học và công nghệ thành phố đặt hàng đề tài nghiên cứu về “Ứng dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên để làm cốt liệu cho bê tông xi măng và vữa xây tô”.
Nhiều chuyên gia nhận định, về mặt chính sách và quy hoạch thì các cơ quan quản lý nhà nước phải có tầm nhìn dài hạn. Để có sự thống nhất thì phải điều tra, đánh giá tổng thể về nhu cầu của địa phương để có phương án tính toán. Như vậy thì cát nhân tạo mới có thể phát triển và thay đổi thói quen sử dụng cát tự nhiên trong các công trình xây dựng.(VOV)