Gần 2 tỉ USD đầu tư vào Chân Mây-Lăng Cô
Ngân hàng Đầu tư quốc tế hỗ trợ VN phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ
GDP Trung Quốc tổn thương vì chiến dịch chống tham nhũng
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Slovakia đến đầu tư
Đòi nợ thuế, khó trăm bề
Tin kinh tế đọc nhanh tối 23-09-2017
- Cập nhật : 23/09/2017
Vốn vay nước ngoài chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển
Vốn vay nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Vốn ODA ưu tiên cho các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách của địa phương.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 37 về yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương vừa được ký ban hành.
Theo đó, để quản lý nợ công, nợ Chính phủ bền vững trong tình hình hiện nay, Thủ tướng yêu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quản lý vay, trả nợ vay chính quyền địa phương chặt chẽ, đảm bảo không vượt quá mức dư nợ tối đa của từng tỉnh, thành phố theo quy định của Luật Ngân sách.
Đồng thời, việc vay, trả nợ phải đảm bảo tuân thủ kế hoạch vay, trả nợ hàng năm của chính quyền địa phương được Quốc hội phê duyệt.
Mặt khác, Trong bối cảnh nợ công, nợ Chính phủ tăng cao, các khoản vay ODA giảm dần, Việt Nam phải thực hiện các khoản vay hỗn hợp bao gồm cả vốn ODA và vốn vay ưu đãi với điều kiện vay gần sát với thị trường.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương khi đề xuất đầu tư cần ưu tiên sử dụng vốn vay ODA với điều kiện ưu đãi cao cho các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách của địa phương và vốn vay nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
Khi thực hiện kế hoạch vay, trả nợ nước ngoài, các địa phương ưu tiên giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài vay về cho vay lại đã cam kết với nhà tài trợ.
Trường hợp sử dụng khoản vay về cho vay lại làm cho dư nợ thực tế vượt quá mức dư nợ tối đa cho phép hoặc vượt quá dự toán vay trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương phải bố trí giảm kế hoạch vay các khoản khác hoặc thực hiện trả nợ để đảm bảo các giới hạn nợ theo quy định.
Trường hợp cần điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ, các địa phương có báo cáo gửi Bộ Tài chính để thẩm định, trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Khi đề xuất dự án phải tính toán, các địa phương phải đảm bảo khả năng vay, trả nợ, khả năng giải ngân trong dự toán và trong phạm vi mức bội chi được duyệt hàng năm.
Khi thực hiện kế hoạch vay, trả nợ nước ngoài, các địa phương ưu tiên giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài vay về cho vay lại đã cam kết với nhà tài trợ.(Tuoitre)
---------------------
Mời chào nhà đầu tư vào 13 dự án tại Côn Đảo
Ngày 22-9, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Côn Đảo. 13 dự án cùng những chính sách ưu đãi được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra giới thiệu nhằm kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Côn Đảo.
Theo đó, huyện Côn Đảo với 200km bờ biển bao quanh, khí hậu ôn hòa, thích hợp với các loại hình du lịch như: Du lịch tắm biển nghỉ dưỡng, tham gian di tích lịch sử, du lịch sinh thái lặn biển…
Hệ động thực vật dưới biển và trong rừng đa dạng, phong phú, nhiều loại quý hiếm như: rùa biển, ugong (bò biển), san hô, yến đảo…Năm 1993, thủ tướng Chính phủ đã thành lập VQG Côn Đảo để bảo tồn và bảo vệ môi trường sinh thái của hệ động thực vật trong rừng và dưới biển. Tổng diện tích rừng VQG Côn Đảo gần 6.000 ha trên đất liền và 14.000 ha mặt biển.
Du khách đi cano thăm quan du lịch tại Côn Đảo
Quy hoạch không gian của huyện Côn Đảo được chia thành ba khu vực chính: Khu vực trung tâm Côn Sơn (tổng diện tích hơn 1.400ha) được định hướng thu hút đầu tư KDL sinh thái dưới tán rừng tại khu An Hải, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo; Khu vực Bến Đầm được định hướng đầu tư phát triển dự án khu đô thị, dhu dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, cảng và dịch vụ đi kèm; Khu vực Cỏ Ống- vịnh Đầm Tre( định hướng thu hút phát triển dự án du lịch dưới tán rừng, bến du thuyền…)
Để phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến với Côn Đảo, thời gian qua tỉnh và Trung ương đã đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng, giao thông, cơ sở vật chất, điện, nước cho địa phương này.
Tại hội nghị, UBND tỉnh công bố 13 danh mục kêu gọi đầu tư trên địa bàn ngoài VQG Côn Đảo, theo quy hoạch phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bao gồm: Khu Trung tâm thương mại; KDL Lò Vôi; KDL Đầm Trầu; KDL Bến Đầm, KDL Suối Ớt- Bãi Vông; KDL nghỉ dưỡng An Hải; KDL khách sạn trung tâm Côn Sơn; Khu khách sạn trung tâm Côn Sơn; khu khách sạn đường Nguyễn Văn Linh- Huỳnh Thúc Kháng; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo; Đường thủy nội địa; Nhà máy xử lý rác thải.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: ”Tỉnh sẽ lựa chọn dự án đầu tư chất lượng cao và nhà đầu tư có năng lực, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế gắn với giữ gìn môi trường, cảnh quan và phát triển bền vững của Côn Đảo. Tỉnh luôn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút ngày càng nhiều dự án có quy mô lớn.(PLO)
------------------------------
Đế chế L'Oréal của nữ tỷ phú giàu nhất thế giới hoành tráng cỡ nào?
L'Oréal là 1 trong 7 tập đoàn chi phối gần như toàn bộ ngành công nghiệp làm đẹp trên thế giới.
Doanh nhân Pháp Liliane Bettencourt, người được tạp chí Forbes đánh giá là nữ tỷ phú giàu có nhất thế giới vừa qua đời ngày 21/9 ở tuổi 94. Bà Bettencourt là người thừa kế công ty mỹ phẩm L'Oréal do cha bà - ông Eugene Schueller sáng lập.
Bà Bettencourt và các con đang sở hữu 33% cổ phần của công ty này. Theo bảng thống kê thời gian thực của Forbes, tài sản của bà Bettencourt hiện có giá trị khoảng 44,7 tỷ USD.
Bà Liliane Bettencourt
Thương hiệu L'Oréal từ lâu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trên toàn thế giới. Nhưng không nhiều người biết nó "hoành tráng" đến mức nào.
Lịch sử hình thành công ty bắt đầu với việc ông Eugene Schueller phát minh ra thuốc nhuộm tóc nhân tạo đầu tiên vào năm 1907. Một năm sau ông bắt đầu việc kinh doanh khi thành lập công ty Thuốc nhuộm tóc Pháp và sau đó được đổi tên đổi thành L'Oréal. Lúc đó, công ty chỉ có một người duy nhất chính là ông Eugene Schueller.
Dần dần L'Oréal phát triển và cho ra đời thêm nhiều dòng sản phẩm mới. Năm 1960, công ty đã mua lại hãng Lancome & Garnier, rồi tung ra thị trường loại nước hoa Guy Laroche. Hiện nay, cùng với Unilever, Coty, Procter & Gamble, Shiseido, Johnson & Johnson và Estée Lauder, L'Oreal được đánh giá là 1 trong 7 tập đoàn lớn nhất chi phối gần như toàn bộ ngành công nghiệp làm đẹp thế giới.
Các sản phẩm của L'Oréal bao gồm thuốc nhuộm tóc, dưỡng da, chống nắng, trang điểm, nước hoa, chăm sóc tóc. Trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như Lancome, Maybelline, Urban Decay, Giorgio Armani...
34 thương hiệu trong gia đình L'Oréal (tính đến cuối năm 2016). Nguồn: L'Oréal
Theo báo cáo tài chính năm 2016 của L'Oréal, tập đoàn này có khoảng 89.300 nhân viên, sở hữu 34 thương hiệu, cùng sản phẩm có mặt tại khoảng 140 quốc gia trên thế giới tính đến cuối năm ngoái. Doanh thu năm 2016 của L'Oréal là 25,84 tỷ euro, lợi nhuận đạt 4,54 tỷ euro. L'Oréal hiện là công ty niêm yết lớn thứ 4 của Pháp.
Đáng chú ý, công ty thực phẩm Thụy Sĩ Nestlé đã trở thành nhà đầu tư lớn của L'Oréal kể từ năm 1974. Tại thời điểm đó, bà Bettencourt ủy thác cho Nestlé gần một nửa số cổ phần của chính mình trong công ty để đổi lấy 3% cổ phần trong Nestlé. Nguyên nhân của hành động này là do bà sợ rằng L'Oréal có thể bị quốc hữu hóa. Hiện Nestlé sở hữu trên 23% cổ phần của L'Oréal.
Trang CNBC cho biết sự ra đi của bà Bettencourt có thể sẽ làm thay đổi mối quan hệ giữa 2 công ty. Bởi trước đó, công ty thực phẩm Thụy Sĩ đã có thỏa thuận với gia đình sáng lập L'Oréal rằng, hai bên không thể tăng cổ phần của mình trong nhóm mỹ phẩm khi bà Liliane Bettencourt còn sống và ít nhất sau 6 tháng sau khi bà qua đời.(NDH)
----------------------------
Ký kết hợp tác chế tạo và xuất khẩu tàu thuyền bằng vật liệu PPC sang Châu Âu
Chiều 22/9, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần công nghệ James Boat (Việt Nam) và Công ty cổ phần Vari (CH Séc) đã ký kết hợp tác chế tạo và xuất khẩu tàu thuyền bằng vật liệu PPC (Rochling) sang EU. Tham dự lễ ký kết có đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bên liên quan.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ James Boatvà ông Jiri Belinger, Chủ tịch HĐQT Công ty Vari ký kết văn bản hợp tác.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ James Boat, vật liệu PPC là phát minh mới của các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật của hai quốc gia CH Séc và CHLB Đức dùng để chế tạo ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi ứng dụng công nghệ cao (công nghệ hàn nhiệt). Vật liệu PPC có ưu điểm khối lượng riêng nhỏ hơn nước (0,92kg/dm3). Tàu thuyền không thể bị lật hoặc chìm, độ ổn định cao do thân và đáy tàu được thiết kế bởi hai lớp nên rất an toàn cho người và hàng hóa.
Ông David Jarkulisch, Trưởng Phòng Kinh tế, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam (ngoài cùng bên trái) tham quan cơ sở đóng tàu của Công ty cổ phần công nghệ James Boat.
Tổng trọng lượng thân tàu nhẹ nên giảm công suất động cơ; độ bền cao, dai nên chịu va đập và chống xuyên thủng tốt, hệ số ma sát nhỏ, giảm sức cản thủy lực, ít tạo sóng, tiết kiệm nhiên liệu từ 20 - 40%. Không tốn kém chi phí bảo trì, bảo dưỡng do đặc tính vật liệu tổng hợp PPC chống thủy sinh và hà bám, rửa sạch bằng nước áp lực cao. (Baotintuc)