Sức ép phá giá tiền Đồng còn lớn
NHNN khẳng định sẽ không điều chỉnh tiếp tỷ giá
Euro, yên đồng loạt lên cao nhất 7 tháng
Vingroup mua lại Công ty Blue Star sở hữu dự án StarCity Centre
Giá cà phê trong nước giảm 300 nghìn đồng/tấn
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-08-2015
- Cập nhật : 22/08/2015
Việt Nam mất hơn 2 tỷ đô vì giá dầu thô giảm
Theo Tổng cục Hải Quan, 7 tháng đầu năm 2015 do giá dầu giảm bình quân hơn 47% nên giá trị xuất khẩu dầu thô của nước chỉ đạt 2,46 tỷ USD, giảm hơn 47% so với cùng kỳ, tương đương hơn 2,1 tỷ USD về giá trị tuyệt đối.
Cụ thể, tháng 7/2015 xuất khẩu dầu thô của Việt Nam ước đạt 815.000 tấn, giảm nhẹ 4,8% so với tháng 6/2015.
Tuy nhiên, do giá dầu thế giới giảm ngưỡng khoảng 55 USD/thùng nên giá trị kim ngạch chỉ đạt hơn 340 triệu USD, giảm 16% so với tháng trước.
Lũy kế hết tháng 7/2015, dầu thô xuất khẩu của Việt nam đạt 5,4 triệu tấn, tăng 1,5% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do mức giá dầu thô thế giới giảm bình quân 47% nên giá trị xuất khẩu dầu thô của nước chỉ đạt 2,46 tỷ USD, giảm hơn 47% so với cùng kỳ.
Trong khi xuất khẩu dầu thô giảm về giá trị thì nhập khẩu xăng dầu trong nước lại tăng về lượng, 7 tháng đầu năm 2015, cả nước nhập khẩu 5,93 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,42 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và giảm 34% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ nhập khẩu xăng dầu giảm chậm 34%, trong khi tốc độ xuất khẩu dầu thô giảm nhanh 47% cho thấy Việt Nam đang chịu thiệt hại đáng kể từ cân bằng thu và chi trong hoạt động xuất nhập xăng đầu cho nền kinh tế.
Việc dầu thô giảm giá mạnh xuống ngưỡng dưới 50 USD/thùng đang là áp lực lớn đối với thu chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015, đặc biệt là hụt thu đang là thực tế khiến bội chi NSNN có thể gia tăng khi mới đây, Bộ Tài Chính cho biết, bội chi ngân sách 7 tháng đầu năm đã lên con số 100.000 tỷ đồng, xấp xỉ 44,5% dự toán.
Ông Đặng Thành Tâm lên tiếng trước tin đồn
Ông Đặng Thành Tâm đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu KBC trong 30 ngày, sắp tới Kinh Bắc sẽ ký các hợp đồng thuê đất ước tính 20ha trị giá khoảng 300 tỷ…
Đó là những thông tin mới nhất về tình hình Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (mã chứng khoán KBC) vừa công bố.
Mấy ngày gần đây thị trường chứng khoán liên tục chao đảo với nhiều thông tin bi quan, dẫn đến áp lực “bán tháo” diễn ra ở nhiều cổ phiếu, đặc biệt là một số cổ phiếu ngân hàng. Sáng 21/8, thị trường tài chính tiếp tục xôn xao về thông tin liên quan đến KBC –một doanh nghiệp địa ốc do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT. Nhiều thông tin đồn đoán xấu cũng đã xuất hiện trên thị trường, khi mà cổ phiếu KBC có mức dư bán sàn lên tới 6 triệu cổ phiếu.
Sáng 21/8, ông Đặng Thành Tâm đã ký và cho ban hành bản công bố thông tin gửi UBCK Nhà nước về tình hình công ty.
Trong đó, ông Tâm cho biết “do gần đây có những thông tin có khả năng gây thiệt hại cho cổ đông, nên KBC công bố thông tin mới nhất về tình hình công ty để cổ đông nắm được. Cụ thể:
Chủ tịch HĐQT Ông Đặng Thành Tâm đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu KBC trong thời gian 30 ngày.
Công ty Cổ phần KCN Sài gòn – Hải Phòng trực thuộc KBC vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu do có thành tích xuất xắc thu hút đầu tư nước ngoài.
KBC chuẩn bị ký các hợp đồng thuê đất ước tính khoảng 20ha, tương đương hơn 300 tỷ đồng. Khách hàng của KBC chủ yếu là các doanh nghiệp đầu tư nước nước ngoài, nên KBC hưởng lợi từ USD tăng giá. KBC cũng đã cơ cấu toàn bộ các khoản nợ trước đây trong thời gian khó khăn, được gia hạn từ 3-5 năm.
Hiện có hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong hệ thống các KCN của KBC.
Dự án 50 triệu đô "đắp chiếu" ở Cửa Lò khởi động trở lại
Sau hơn 10 năm xây dựng và bị bỏ hoang, dự án Khu liên hợp khách sạn, thể thao, trung tâm thương mại, chung cư và biệt thự cho thuê (bãi biển Cửa Lò, Nghệ An) đã được tái khởi động.
Ông Phan Công Đối - trưởng Phòng quản lý đô thị UBND thị xã Cửa Lò, cho biết sau khi hồ sơ đầu tư mới của Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bảo Khánh Hamico (Nghệ An) trình cho Sở Kế hoạch và đầu tư xem xét, thẩm định thì chủ đầu tư đã bắt đầu triển khai xây dựng tiếp những hạng mục đang dang dở.
Theo đó, công ty này sẽ xây dựng một khu liên hợp với các khách sạn cao tầng hiện đại, kết hợp với các công trình thương mại, siêu thị, dịch vụ, công trình công cộng và khu nhà ở biệt thự vườn, nhà ở liền kề...
Tổng diện tích đất dự án được quy hoạch là 159.185m2, quy mô dân số dự kiến 2.000 người. Tiến độ thực hiện sẽ chia thành hai giai đoạn: giai đoạn một từ quý 4-2014 đến quý 4-2018 sẽ trùng tu các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, xây thêm một số biệt thự mới; giai đoạn hai từ quý 1-2019 đến quý 4-2023 sẽ hoàn thiện các hạng mục còn lại.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 21-8, Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bảo Khánh Hamico đang huy động công nhân hoàn thiện một số căn biệt thự vốn bị hỏ hoang từ lâu. Mặt bằng khu đất xây dựng nhà ở và biệt thự đã được san ủi và “khoanh vùng” bằng cột bêtông và dây thép gai. Một vài căn nhà đã được lợp thêm ngói mới, thay đổi một số chi tiết so với thiết kế ban đầu.
Như Tuổi Trẻ phản ánh trong bài viết Dự án 50 triệu USD bao giờ hết đắp chiếu ngày 7-4-2015, sau hơn 10 năm triển khai và nhiều lần đổi chủ dự án “Khu liên hợp khách sạn, thể thao, trung tâm thương mại, chung cư và biệt thự cho thuê” (bãi biển Cửa Lò, Nghệ An) với tổng vốn đầu tư lên tới 50 triệu USD vẫn là một công trình dang dở.
Hơn 100 căn biệt thự xây thô của dự án bị bỏ hoang không ai quản lý, xuống cấp trước tác động của thời tiết, trở thành chỗ... chăn thả trâu bò.
Cuối tháng 10-2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này cho Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bảo Khánh Hamico với số vốn dự kiến hơn 1.050 tỉ đồng.
Trung Quốc bơm tiền kỷ lục vào thị trường
Cụ thể, PBOC đã rót 120 tỷ NDT vào các ngân hàng thương mại và công ty môi giới lớn thông qua hợp đồng repo (mua lại đảo ngược) hôm nay, tương tự quy mô bơm vốn hôm thứ Ba. Theo cơ chế này, PBOC sẽ mua chứng khoán từ các tổ chức trên, với cam kết bán chúng trong tương lai. Đây là công cụ hữu hiệu để giải quyết tình trạng thiếu hụt cung tiền trong ngắn hạn.
Nếu tính cả các hợp đồng repo đã đáo hạn, tuần này, họ đã bơm ròng 150 tỷ NDT vào hệ thống tài chính, gấp nhiều lần so với 5 tỷ NDT tuần trước. Đây cũng là đợt bơm tiền lớn nhất từ tháng 2 - thời điểm nhu cầu tiền mặt lên cao do dịp Tết Nguyên đán.
Đến ngày 25/8, PBOC sẽ thay mặt Bộ Tài chính đấu giá thêm 60 tỷ NDT tín phiếu kỳ hạn 3 tháng. Cơ quan này cũng đã cung cấp 110 tỷ NDT các khoản vay kỳ hạn 6 tháng cho 14 tổ chức tài chính hôm qua, thông qua Công cụ Cho vay Trung hạn, với lãi suất 3,35%.
Động thái này diễn ra sau đợt phá giá bất ngờ đồng NDT tuần trước và chuyển sang cơ chế điều hành tỷ giá bám sát thị trường hơn. Sự can thiệp của PBOC để đẩy giá NDT đã khiến nguồn cung tiền mặt bị thắt chặt. Lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm tại Thượng Hải (Shibor) đã lên 1,83% hôm nay, tăng so với 1,4% cuối tháng 7. Đây là số liệu cao nhất từ ngày 23/4, cho thấy nhu cầu tiền mặt đang tăng mạnh.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc cần có các biện pháp và chính sách mạnh tay hơn để giải quyết tình trạng này. Nếu thiếu hụt thanh khoản kéo dài, PBOC sẽ phải giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các nhà băng, để ngăn ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng lên nền kinh tế, công ty chứng khoán Shenwan Hongyuan nhận định. Zhu Haibin - kinh tế trưởng tại JP Morgan China cũng cho biết trong quý III, Trung Quốc có khả năng giảm dự trữ bắt buộc hơn là hạ lãi suất.
Uber triển khai dịch vụ thu tiền mặt tại Việt Nam
Uber, ứng dụng gọi xe trực tuyến, vừa đưa ra thông báo thử nghiệm hình thức thanh toán bằng tiền mặt tại TP.HCM và Hà Nội. Như vậy, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á mà Uber thử nghiệm phương thức thanh toán bằng tiền mặt này.