tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-02-2016

  • Cập nhật : 21/02/2016

Chi phí trung gian làm đội giá vận chuyển

chi phi trung gian lam doi gia van chuyen

Chi phí trung gian làm đội giá vận chuyển


Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may cho rằng các hãng tàu thu một cách tự phát và không đồng nhất làm gia tăng chi phí cho DN.

Ngày 19-2, tại cuộc đối thoại với các hãng tàu về phí mất cân bằng vỏ (phí CIC hoặc CIS) - chi phí cho chặng tàu chở container rỗng - do Cục Hàng hải (Bộ GTVT) tổ chức ở TP.HCM, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may cho rằng các hãng tàu thu một cách tự phát và không đồng nhất làm gia tăng chi phí cho DN.

Ông Đặng Công Hoàn, Công ty CP Dệt công nghiệp Hà Nội, cho biết toàn bộ hàng nhập khẩu của công ty này qua các hãng tàu đều phải nộp tiền phí CIC 3,2 - 3,7 triệu đồng/container 40 feet, một mức phí quá cao dù không phải hãng tàu nào cũng mất cân bằng vỏ.

“Chúng tôi đề nghị bãi bỏ loại phí này” - ông Hoàn nói.

Trong khi đó, các hãng tàu cho rằng đây là phí bắt buộc phải thu để bù cho chi phí kinh doanh. Theo ông Đồng Tiến Dũng - đại diện Hãng tàu SICT tại TP.HCM, mức phí thông thường các hãng tàu đang đưa ra là 30 USD/container kể cả loại 20 và 40 feet. Tuy nhiên, do các DN làm việc thông qua trung gian nên bị đội giá lên cao.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Hoàng Việt - phó cục trưởng Cục Hàng hải - ghi nhận phản ảnh và cho biết sẽ tham mưu cho Bộ GTVT để đưa ra phương án giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên theo ông Việt, các DN cũng cần xem xét lại kỹ năng đàm phán hợp đồng, tìm hiểu giá gốc tại các hãng tàu để tránh trung gian đội giá cao.

Cũng theo ông Việt, trong thời gian tới ngành hàng hải sẽ có quy định buộc các chủ tàu phải đưa ra mức giá niêm yết cụ thể trên website.


Vận hội từ các FTA thế hệ mới: Việt Nam sẽ thoát bẫy thành công?

Trong dòng chảy hội nhập với các FTA thế hệ mới, các chuyên gia nhận định nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước vận hội mới để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa tránh hai nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình thấp” và “dân số chưa giàu đã già”. Để tránh hai nguy cơ này, kinh tế Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong ít nhất vài thập niên tới.

Việt Nam đang hội nhập “máu lửa” nhất

Đó là khẳng định của TS.Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong dòng chảy hội nhập thế hệ mới (TPP-FTA) - những tác động đối với doanh nghiệp” tổ chức sáng 19.2.

Ông Thành đánh giá, thời điểm mang tính chất bước ngoặt này sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều ngành nghề mới ra đời và phát triển phục vụ người tiêu dùng. Trong đó, xu hướng nổi lên là các lĩnh vực du lịch, giải trí và tiêu dùng. Dẫn chứng cho thấy, trong tháng 1.2016, dòng vốn FDI vào bất động sản giảm sâu, nhưng bật tăng vào giải trí. Với một dự án lớn tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí hiện đang đứng thứ hai, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

 

“So với tất cả các nước ASEAN trừ Singapore, Việt Nam hội nhập máu lửa nhất. Trong 5 năm tới Việt Nam sẽ đi trước về thị trường đầu tư, quan hệ đối tác và chuyển sang quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh. Ông Thành thông tin thêm, trong tuần tới, Việt Nam sẽ chính thức công bố báo cáo chiến lược kinh tế năm 2035 dày 400 trang. Trong đó, các chuyên gia nhận định, “hậu” các FTA, vào năm 2035 Việt Nam sẽ vươn mình thành nước thu nhập trung bình cao và bắt đầu được xếp vào hàng ngũ các nước trung lưu trên thế giới.

Cũng theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp Việt Nam muốn chiếm lĩnh được thị trường trong dòng chảy hội nhập thế hệ mới cần phải hiểu và thỏa mãn các quy tắc xuất xứ, mảng phân phối, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. “Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ cho các ngành hàng, chỉ khi doanh nghiệp Việt nhiều khát vọng và tự tin, kinh tế Việt Nam giai đoạn mới sẽ khởi sắc” - ông nhấn mạnh.

Đến thời của DN dám sáng tạo

Theo TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là làm sao tận dụng được các cơ hội đang mở ra. “Tham gia WTO, FTA, AEC, TPP… nói chung là đưa nền kinh tế phát triển theo hướng tự do hóa thương mại và tính chất thị trường nhiều hơn nhưng vai trò Nhà nước không giảm mà sẽ nặng nề hơn. Bản thân việc tận dụng cơ hội cũng chính là thách thức” - ông Lịch cho biết.

Ngoài ra, ông Lịch đánh giá, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam còn ít hiểu biết về các quy định liên quan đến hội nhập. Hiểu và xử lý tốt các khía cạnh pháp lý là một điểm yếu lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. “Trong hội nhập, thiếu hiểu biết về luật lệ sẽ là một bất lợi lớn, thua thiệt trong các tranh chấp pháp lý là điều khó tránh khỏi” - ông Lịch lo ngại.

Cũng theo chuyên gia này, khi tham gia vào sân chơi toàn cầu, cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải biết lựa chọn những lợi thế và loại bỏ những bất lợi để giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh rất gay gắt trên 3 giác độ: cạnh tranh quốc gia; cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh sản phẩm hàng hóa dịch vụ. “Chúng ta đang ở trong thời đại mà sự thắng thua trên thương trường không tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp mà phụ thuộc vào tư duy đổi mới sáng tạo, điều doanh nghiệp Việt cần là môi trường tốt để nuôi dưỡng sáng tạo và Nhà nước ngày càng phát huy vai trò “bà đỡ” cho thị trường”, TS Trần Du Lịch khẳng định.

Theo đó, trong thời gian tới, ông Lịch cho rằng vấn đề nợ xấu, nợ công, cải cách thể chế hành chính và đẩy mạnh thị trường nội địa cần được giải quyết triệt để. “Nợ xấu như là chiếc xe máy bị chết giữa đường. Sau khi dọn sang lề đường để xe khác lưu thông cần phải tìm cách sửa chữa khôi phục để nó có thể sử dụng lại được. Nếu xe nào cũng thành nợ xấu, đều bị dẹp sang lề đường thì còn lấy gì mà đi, đừng bao giờ để tài sản bị đóng băng” - ông ví von.


Thu hút đầu tư nông nghiệp: Bao giờ ra khỏi vòng luẩn quẩn?

Muốn xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa có sự cạnh tranh quốc tế trong quá trình hội nhập và áp dụng sản xuất sử dụng công nghệ cao, không thể thiếu vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp thế nhưng số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn rất hạn chế.

Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà trong đầu tư là vướng mắc về cơ chế chính sách trong nông nghiệp, nông thôn. Trong số đó, vướng mắc lớn nhất là các rào cản thủ tục quy định, vấn đề đất đai, tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này.

Đó là những nội dung được đề cập trong cuộc họp nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hôm nay(19/2) tại Hà Nội.

Phát biểu tại cuộc họp, Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho biết, thủ tục và các quy định đặt ra cho doanh nghiệp nông lâm thủy sản đang là một trong những hạn chế đáng quan ngại.

Khảo sát của IPSARD năm 2014 cho thấy gần 80% doanh nghiệp nông lâm thủy sản được điều tra mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp phát triển.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, các thủ tục và quy định cho phép doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về thuế, phí cũng còn nhiều bất cập.

“Ví dụ như các doanh nghiệp xuất khẩu càphê được miễn thuế VATxuất khẩu nhưng thủ tục kiểm tra, quyết toán hoàn thuế rất chậm làm ảnh hưởng đến dòng vốn của doanh nghiệp. Việc hoàn trả thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không được hoàn trả ngay bằng tiền mặt mà chỉ được khấu trừ dần. Các doanh nghiệp cung cấp nông sản (ví dụ gạo) có thương hiệu, chất lượng trên thị trường nội địa phải nộp thuế VAT 5%, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không phải chịu thuế hoặc thương lái gạo thông thường không phải nộp thuế này,” Tiến sỹ Anh Tuấn chỉ rõ.

boc xep gao xuat khau tai canh nha be. (anh: dinh hue/ttxvn)

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảnh Nhà Bè. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các cơ chế chính sách trong nông nghiệp phải thông thoáng và tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư.

Theo bà Chi Lan, đến nay vẫn chưa có chính sách tạo quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho cho các công đoạn sau thu hoạch như phơi sấy, chế biến, kho chứa. Doanh nghiệp muốn thuê đất sản xuất phải chịu chi phí trung gian và chi phí quản lý lớn do ký hợp đồng với nhiều hộ nhỏ lẻ. Thủ tục phức tạp và chi phí phải trả để có mặt bằng kinh doanh ở nông thôn: cụ thể doanh nghiệp phải trả tiền mua hoặc thuê của dân sau đó nộp lại cho cơ quan địa phương để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rồi địa phương sẽ cấp giấy xác nhận cho doanh nghiệp thuê lại (trả tiền thuê đất lần thứ 2 cho cùng một diện tích).

Đồng quan điểm, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng mẫu lớn, đã được thực hiện nhưng hầu như chỉ ở quy mô mô hình điểm do chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp cũng như người dân thực hiện.

"Chính sách quy định khi quy hoạch hạ tầng cơ sở cho dự án đầu tư nông nghiệp và dự án ứng dụng công nghệ cao, Nhà nước sẽ đầu tư đầy đủ điện, đường tại chân công trình xây dựng Dự án. Nhưng trên thực tế, hầu hết các địa phương không có ngân sách để đầu tư các công trình này nên các doanh nghiệp phải tự thực hiện, gây rất nhiều khó khăn khi đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư," phó giáo sư Trần Đình Thiên phân tích.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trực tiếp trả lời giải đáp những khó khăn mà các doanh nghiệp và chuyên gia đưa ra. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp thu các ý kiến, khẩn trương rà soát, báo cáo những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ, trong bối cảnh hội nhập hiện nayngành nông nghiệp phải thay đổi cách thức sản xuất và doanh nghiệp là yếu tố then chốt trong tái cơ cấu nông nghiệp. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển chính là hỗ trợ cho nông dân, không có doanh nghiệp thì nông dân không thể tự làm được.

“Quan điểm của Bộ Nông nghiệp là luôn tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là khâu mấu chốt để phát triển nông nghiệp."

"Việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, những gì thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp sẽ chỉ đạo xử lý ngay, những gì vướng mắc của các Bộ, ngành khác chúng tôi sẽ có ý kiến và liên hệ phối hợp để giải quyết. Trong quá trình giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Bộ coi đây là trách nhiệm và bổn phận mà Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ phải thực hiện,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.


Triển vọng tốt từ xuất khẩu gạo

nhung tin vui tu thi truong hua hen mot nam boi thu ve xuat khau lua gao.

Những tin vui từ thị trường hứa hẹn một năm bội thu về xuất khẩu lúa gạo.


Sau ba năm liên tiếp gặp nhiều khó khăn do áp lực cạnh tranh gay gắt, bước qua những tháng đầu tiên của năm 2016, xuất khẩu (XK) lúa gạo của Việt Nam có nhiều tin vui, mở ra triển vọng cho nhà nông một năm bớt nhọc nhằn.

Nhu cầu thu mua tăng

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hoạt động XK gạo đầu năm 2016 thuận lợi hơn nhiều so với cùng thời điểm năm 2015. Hiện hợp đồng thương mại và hợp đồng tập trung từ năm 2015 chuyển qua vào khoảng hơn 1,3 triệu tấn, cộng với quí 1/2016, các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng thương mại thêm 200.000 tấn. Ngay quí 1, các doanh nghiệp phải giao cho các đơn hàng khoảng 1,2 triệu tấn đã góp phần làm gia tăng nhu cầu thu mua lúa gạo phục vụ cho hoạt động XK.

"Khác với những năm trước, năm nay lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp không còn nhiều và doanh nghiệp sẽ phải tăng cường thu mua khi thu hoạch vụ đông xuân. Với hai yếu tố thuận lợi về lượng tồn kho thấp và hợp đồng thương mại còn nhiều ngành lúa gạo có một khởi điểm rất lạc quan. Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khách quan tác động giúp giá gạo thị trường thế giới năm 2016 sẽ phục hồi như tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino khiến sản xuất lương thực giảm, lượng tồn kho toàn cầu suy giảm... nên vụ đông xuân năm nay nhà nông sẽ bớt lo về giá cả, ngành chức năng cũng sẽ “nhẹ gánh” về giải pháp làm sao giúp nhà nông giải quyết bài toán đầu ra...", ông Năng phân tích.

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, kết thúc tháng 1/2016, XK gạo đã có sự bứt phá mạnh cả về lượng lẫn giá trị khi ước đạt 495.000 tấn, tăng 57% về khối lượng và 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân XK gạo tăng trưởng mạnh là do thị trường Philippines, Indonesia tăng cường thu mua gạo. Dự báo của các chuyên gia trong ngành, XK gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 sẽ khá tốt và các quốc gia có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia Malaysia... sẽ sớm ký hợp đồng. Năm 2016, thị trường XK gạo của Việt Nam sẽ vẫn tập trung ở châu Á, trong đó Trung Quốc do có nhu cầu cao, vận chuyển dễ dàng và yêu cầu thấp về chất lượng sẽ là thị trường tiêu thụ gạo lớn đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước.

"Philippines đã có kế hoạch mua thêm gạo để đảm bảo nguồn cung lương thực và trong các thời điểm bị thiên tai sẽ mua ít nhất 50.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan. Còn chính phủ Indonesia cũng thông qua dự định mua 350.000 tấn gạo ngay trong quý 1/2016 để tăng lượng dự trữ và hạn chế tăng giá. Ngoài ra, do ảnh hưởng hiện tượng El Nino, nhiều khả năng Malaysia cũng sẽ gia tăng lượng nhập khẩu gạo trong năm 2016... ", ông Năng nói thêm.

Nâng cao tính cạnh tranh

Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Angimex (An Giang) cho rằng, giá gạo nội địa vẫn cao hơn giá gạo trung bình của thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến XK lúa gạo của Việt Nam. Cụ thể đối với gạo 5% cùng loại, có lúc gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan và Ấn Độ 10 - 20 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan khoảng 60 USD/tấn. Hiện giá gạo trong nước đã xuống 5 - 10 USD/tấn, nhưng vẫn còn cao và nếu tình hình kéo dài sẽ rất khó khăn trong việc ký kết những hợp đồng thương mại tiếp theo.

"Năm 2016, Việt Nam tham gia sâu các cộng đồng, hiệp định kinh tế và ngành lúa gạo phải nhanh chóng đổi mới để có sức cạnh tranh tốt hơn. Khảo sát của doanh nghiệp chúng tôi cho thấy, hầu hết các thị trường đều yêu cầu gạo chất lượng cao và quy định tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ, môi trường cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó lại đang có bất đồng giữa những nhà XK lúa gạo muốn tự do hóa để thúc đẩy hoạt động XK với nước nhập khẩu muốn duy trì thuế quan để bảo hộ sản xuất trong nước", ông Tiến lo ngại.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, cùng với các ngành chức năng, hiện Bộ đang tăng cường các giải pháp giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường XK. Bộ đã làm việc với các cơ quan chức năng nhằm có những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp XK gạo sang thị trường châu Phi. "Châu Phi hơn một tỉ dân và có nhu cầu nhập khẩu gạo 25% tấm, mà đây lại là loại gạo Việt Nam có thể cung cấp với mức giá cạnh tranh. Song song đó, ngay trong năm nay Bộ cũng sẽ ban hành bộ quy chuẩn về chất lượng gạo và đây sẽ là cơ sở pháp lý xử lý các doanh nghiệp tự hạ chất lượng gạo để cạnh tranh về giá góp phần ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu gạo...", ông Nam nhấn mạnh.


Vì sao xuất khẩu gạo sang Chi Lê giảm?

xuat khau gao bi canh tranh boi cac thi truong. anh internet.

Xuất khẩu gạo bị cạnh tranh bởi các thị trường. Ảnh internet.


Theo Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Chi Lê giảm đáng kể khi bị cạnh tranh từ các thị trường Paraguay, Argentina, Uruguay.

Trong các nước Mỹ La tinh, Chi Lê là nước đầu tiên Việt Nam có hiệp định thương mại tự do song phương. Đây là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ La tinh, tạo “đòn bẩy” để xuất khẩu sang Mexico, Peru... tăng trưởng.

Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang Chi Lê, đạt 1,4 triệu USD, theo thống kê của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo lại suy giảm nghiêm trọng trong năm 2015.

Nguyên nhân được ông Trần Đình Văn, Tham tán thương mại Chi Lê chỉ ra là do gạo Việt Nam bị cạnh tranh bởi gạo của Paraguay, Argentina, Uruguay.

“Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp hỏi tôi rằng tại sao xuất khẩu gạo sang Chi Lê bị sụt giảm, có phải do họ không tin tưởng chất lượng gạo của Việt Nam? Tuy nhiên, sự cạnh tranh này không phải xuất phát từ việc gạo Việt Nam không đạt chất lượng mà là do điều kiện vận chuyển của các nước này nhanh hơn, chỉ sáng đi tối về”, ông Văn giải thích.

Nếu cứ giữ mức giá như cũ thì Việt Nam khó có thể bán gạo sang thị trường Chi Lê cũng như các nước trong khu vực Mỹ La tinh. Do vậy, ông Văn cho rằng, để giữ được thị trường, ngoài vấn đề đảm bảo chất lượng doanh nghiệp cần phải tính đến vấn đề giá cả.

Trong khi xuất khẩu gạo giảm thì mặt hàng vôi và xi măng lại là lợi thế của Việt Nam bởi mặt hàng này hầu như không bị cạnh tranh nhiều, đồng thời thuế xuất khẩu sang Chi Lê thấp khoảng 5%, tiến tới sẽ về 0%.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê đạt trên 250 triệu USD, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2013 và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Chi Lê đạt 203 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vươn lên vị trí xuất siêu, chấm dứt một giai đoàn dài nhập siêu từ Chi Lê.

Như vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Chi Lê (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) đã tạo ra bước đột phá cho hàng hoá của Việt Nam thâm nhập không chỉ thị trường Chi Lê mà còn lan toả ra cả khu vực Mỹ Latinh cũng như hàng hoá Chi Lê thâm nhập thị trường Việt Nam và ASEAN.

"Với FTA Việt Nam- Chi Lê, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn bởi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ Chi Lê như đồng nguyên liệu, phân bón...”, ông Văn cho hay.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-02-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-02-2016

    Trung Quốc phong tỏa tài khoản ngân hàng của người Triều Tiên
    Lọc dầu Dung Quất có nguy cơ ngừng sản xuất
    Forbes: Quảng cáo video trên di động lên ngôi tại Việt Nam
    Đề xuất đáng chú ý với nhà ở hình thành trong tương lai
    Giám đốc IMF cảnh báo giá dầu thấp lâu dài

  • Tin kinh tế đọc nhanh 23-02-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh 23-02-2016

    Trung Quốc muốn sửa luật chứng khoán
    Sửa Thông tư 36 sẽ gây bất lợi cho thị trường bất động sản
    Gởi 30 email đến thương vụ mà không thấy hồi âm
    Nhật “bật đèn xanh” mở thêm cửa cho nông sản Việt
    Bất động sản hạng sang TP HCM so găng quyết liệt

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-02-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-02-2016

    Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu bán trái phiếu Chính phủ Mỹ
    Huawei tuyên bố sẽ vượt Apple trong 3 năm
    TP.HCM cho thuê quảng cáo trên “lô cốt”
    Gặp gỡ tham tán: doanh nghiệp than xuất hàng quá khó
    Kết nối, hỗ trợ nông dân Củ Chi bán sữa

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-02-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-02-2016

    Xăng dầu Dung Quất lại ùn ứ vì chênh lệch thuế với xăng dầu nhập khẩu
    Tái cơ cấu là con đường để đạt mục tiêu
    "Việt Nam hội nhập máu lửa nhất ASEAN"
    "Đóng băng" sản lượng làm giảm 50% mức dư cung dầu toàn cầu
    Cây xăng giữ nguyên giá không giảm vì phải... bù lỗ?

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-02-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-02-2016

    Ngân hàng cam kết cho vay 3.150 tỷ đồng theo Nghị định 67
    VPBank: LNTT năm 2015 đạt 3.096 tỷ đồng, tăng trưởng cho vay 49%
    Google trốn 2,4 tỷ USD tiền thuế như thế nào?
    Ukraine đòi phạt Gazprom gần 3,3 tỷ USD vì 'độc quyền'
    Lạm phát đang tăng nhanh tạo sức ép tăng lãi suất ở Mỹ

  • Tin kinh tế đọc nhanh 22-02-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh 22-02-2016

    Cước thấp kỷ lục, doanh nghiệp vận tải biển gặp khó
    Sau Tết, doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm người lao động
    14 tỉnh, thành vùng Bắc-Nam Trung Bộ hợp tác phát triển du lịch
    Twitter đẩy mạnh dịch vụ khách hàng
    Hàng loạt nhãn hàng bị cộng đồng mạng tẩy chay chỉ vì Đại sứ thương hiệu - Hồ Ngọc Hà

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-02-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-02-2016

    Trung Quốc tiếp tục bơm thêm 25 tỷ USD vào hệ thống tài chính
    Apple đã rơi vào cái bẫy quá hoàn hảo của chính phủ Mỹ
    Bà Lagarde được bầu lại làm Tổng Giám đốc điều hành IMF
    “Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ cho ngành hàng tiêu dùng”
    Doanh nghiệp ít đầu từ vào nông nghiệp vì “kẹt” ở chính sách

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-02-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-02-2016

    TPHCM: Giá thuê văn phòng sẽ tăng nhanh trong năm 2016
    Tỉ phú sân bay của Nga bị bắt
    Bất động sản lo ngân hàng siết tín dụng
    Đến cuối năm 2015, tổng tài sản của hệ thống TCTD đạt trên 7,3 triệu tỷ đồng
    Ngay ngáy lo lãi suất cho vay tăng

  • Tin kinh tế đọc nhanh 21-02-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh 21-02-2016

    Smartphone sẽ vượt tablet trong thương mại di động
    Nga sẽ cần tới khoảng 11,7 tỷ USD để chấn hưng nền kinh tế
    Mỹ lo lắng trước làn sóng mua công ty của Trung Quốc
    Trung Quốc sa thải quan chức chứng khoán
    TS Võ Trí Thành: 'Phải bỏ tính đố kỵ với người dẫn dắt'

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-02-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-02-2016

    BĐS Hà Nội: Phân khúc cao cấp bắt đầu “nguội lạnh” từ 2017 – 2018
    42 dự án “đổ bộ” vào quận Hoàn Kiếm năm 2016
    5 năm qua, chi phí của PV Gas như thế nào?
    Lợi nhuận ngân hàng không dễ khởi sắc
    OECD: Tăng trưởng toàn cầu năm 2016 sẽ chậm nhất trong 5 năm