Ngân hàng cam kết cho vay 3.150 tỷ đồng theo Nghị định 67
VPBank: LNTT năm 2015 đạt 3.096 tỷ đồng, tăng trưởng cho vay 49%
Google trốn 2,4 tỷ USD tiền thuế như thế nào?
Ukraine đòi phạt Gazprom gần 3,3 tỷ USD vì 'độc quyền'
Lạm phát đang tăng nhanh tạo sức ép tăng lãi suất ở Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-02-2016
- Cập nhật : 20/02/2016
BĐS Hà Nội: Phân khúc cao cấp bắt đầu “nguội lạnh” từ 2017 – 2018
Trong một báo cáo mới nhất, CBRE dự đoán tốc độ tăng giá nhà ở trên thị trường BĐS Hà Nội có thể mạnh mẽ nhất trong năm 2016 và có khả năng chậm lại trong năm 2017-2018.
Là các phân khúc mang tính cơ hội, chỉ tăng trưởng mạnh khi thị trường đang lên, bất động sản cao cấp và hạng sang chủ yếu thu hút nhà đầu tư mua-để-cho-thuê, vì các căn hộ ở vị trí đắc địa và có thể được cho thuê với giá tốt cho những người nước ngoài...
Giá nhà khó tăng trong năm 2016
Theo nhận định của CBRE, năm 2015 là một năm tích cực đối với toàn thị trường nhà ở Hà Nội. Ước tính khoảng 28.283 căn thuộc các phân khúc đã được mở bán ra thị trường, cao hơn 70% so với năm 2014. Các chủ đầu tư đã tự tin hơn vào thị trường và nhanh chóng hơn trong việc giới thiệu thêm căn hộ từ các dự án đã mở bán trước đây hoặc dự án mới, hoặc tái khởi động các dự án trước đây đã ngưng trệ khi thị trường đi xuống.
Năm 2015 đánh dấu sự quay trở lại của phân khúc cao cấp và hạng sang, với các dự án cao cấp quy mô lớn ở khu vựa rìa trung tâm và phía Tây thành phố. Bên cạnh đó, phân khúc bình dân vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 30% lượng hàng bán ra.
Mặc dù có thấp hơn so với năm 2014, nhưng tỷ lệ giao dịch các phân khúc trung cấp và bình dân vẫn chiếm phần lớn trong tổng số căn bán cả năm, do giá trị vừa phải phù hợp với phần lớn đối tượng người mua để ở.
Giá bình quân sơ cấp và trung cấp đều cải thiện qua các quý, với tốc độ vừa phải, tính theo USD. Theo đó, giá cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đã có xu hướng tăng từ năm 2014. Dữ liệu nghiên cứu của CBRE cho thấy sau khi giảm khoảng 22% trong năm 2013 (so với mức cao nhất trong năm 2010), giá đã tăng dần qua các quý kể từ năm 2014 cho đến bây giờ. Mức giá chung cư cao cấp hiện đang trong khoảng 1.600 – 3.500 USD/m², tùy thuộc vào địa điểm.
Nhìn vào tương lai đến năm 2016 và xa hơn nữa, Bộ phận nghiên cứu CBRE dự đoán rằng giá sẽ ổn định và tăng trưởng ở mức khiêm tốn. Vì lý do người mua hiện tại có nhận thức rõ ràng hơn và nguồn cung cũng dồi dào hơn, các nhà đầu tư cũng đang thận trọng trong việc tăng giá bán để đảm bảo tiến độ bán hàng theo kế hoạch.
Nhà ở giá phải chăng lên ngôi
Theo CBRE, chung cư cao cấp bắt đầu khởi sắc vào cuối năm 2014, khi các chủ đầu tư nhanh chóng đánh giá cơ hội, và đã khẩn trương chuẩn bị quỹ đất sẵn sàng cho việc mở bán và triển khai dự án. Căn hộ cao cấp ở vị trí tốt gần trung tâm vốn được người mua ưa chuộng bởi lợi tức cho thuê cao.
“Là các phân khúc mang tính cơ hội, chỉ tăng trưởng mạnh khi thị trường đang lên, bất động sản cao cấp và hạng sang chủ yếu thu hút nhà đầu tư mua-để-cho-thuê, vì các căn hộ ở vị trí đắc địa và có thể được cho thuê với giá tốt cho những người nước ngoài đang làm việc trong thành phố” báo cáo thị trường 2016 của CBRE nhận xét.
Bộ phận nghiên cứu CBRE ước tính khoảng hơn 6.000 căn hộ cao cấp sẽ được tung ra thị trường trong năm 2016, tương đương 2015. Tốc độ của nguồn cung mới cho phân khúc căn hộ cao cấp và hạng sang được bổ sung vào thị trường có thể chậm lại trong năm 2017 và 2018 khi tâm lý thị trường giảm nhiệt.
Xét về nhu cầu, độ hút khách trong năm 2016 dự kiến sẽ ở mức tương tự hoặc cao hơn năm 2015 một chút, và có thể chậm lại trong năm 2017 và 2018 khi một chu kỳ thị trường mới sẽ bắt đầu. Trong đó, nguồn cung nhà ở cao cấp giảm chủ yếu là do thiếu đất và thị trường đi xuống. Nguồn cung bất động sản cao cấp thường tăng vọt khi thị trường khởi sắc. Khi thị trường chậm lại, các nhà đầu tư có xu hướng mở bán các căn hộ có giá cả phải chăng hơn.
42 dự án “đổ bộ” vào quận Hoàn Kiếm năm 2016
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 672/QĐ-UBND, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 quận Hoàn Kiếm.
Theo quyết định, kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của quận Hoàn Kiếm được phân bổ: Đất nông nghiệp 15,76ha, đất phi nông nghiệp 512,99ha. Danh mục các công trình, dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 có 42 dự án.
Bao gồm 16 dự án liên quan đến cắm mốc giới giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định giao đất, 19 dự án chưa thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2015, chuyển sang thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 và 7 dự án mới thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016.
UBND thành phố chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm rà soát, đánh giá, khả năng thực hiện các dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016, trường hợp cần điều chỉnh hoặc phát sinh thì tổng hợp, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình UBND thành phố trước 31/5/2016.
Đồng thời, tổ chức công bố, công khai kế hoạch sử dụng đất; thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đât theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; kiên quyết không quyết định chấp thuận đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với những dự án, công trình không nằm trong danh mục kế hoạch sử dụng đất.
Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất của quận Hoàn Kiếm, bên cạnh đó, tổng hợp báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố đến ngày 31/10/2016.
5 năm qua, chi phí của PV Gas như thế nào?
Trong suốt 5 năm trở lại đây, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính ròng (doanh thu tài chính-chi phí tài chính) của PV Gas chưa từng vượt quá 4.000 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2015-năm giá dầu thế giới đã ở mức rất thấp-của PV Gas (mã chứng khoán GAS) vừa được công bố với khoản doanh thu 64.290 tỷ đồng và lợi nhuận ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là 8.500 tỷ đồng. Dù sụt giảm mạnh so với 2014 nhưng “ông vua” ngành khí vẫn đạt EPS 4.370 đồng-cao hơn mặt bằng chung của doanh nghiệp niêm yết.
Còn điều gì nhà đầu tư lo ngại?
Có lẽ nhà đầu tư lo ngại nhất là “ông vua” ngành khí phải trang trải hàng loạt chi phí khác từ khấu hao nhà máy, lãi suất, “nuôi ăn” hơn 3.500 lao động…thì chi phí phải khủng khiếp lắm. Đó là dự đoán thế. Bài viết này chúng tôi xin thống kê chi phí bán hàng, chi phí hoạt động kinh doanh, chi phí tài chính ròng trong 5 năm gần đây của PV Gas.
Theo thống kê của chúng tôi, trong 5 năm gần đây, chỉ có năm 2011, PV Gas bị lỗ từ hoạt động tài chính (doanh thu tài chính-chi phí tài chính), còn lại đều đạt trên 450 tỷ đồng/năm. Về chi phí bán hàng, chi phí quản lý duy trì dưới 1.500 tỷ đồng đến năm 2014. Sang năm 2015, PV Gas phải chi nhiều hơn cho hoạt động quảng cáo nên chi phí đội lên hơn 1.700 tỷ.
Như vậy, trong suốt 5 năm trở lại đây, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính ròng (doanh thu tài chính-chi phí tài chính) của PV Gas chưa từng vượt quá 4.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận ngân hàng không dễ khởi sắc
Mặc dù nhiều ngân hàng (NH) đã khoe lãi cao trong năm 2015, nhưng nếu nhìn vào báo cáo tài chính (BCTC), có thể thấy trích lập dự phòng rủi ro đã ăn mòn lợi nhuận nhiều NH. Bức tranh lợi nhuận của các NH vẫn chưa thể có những gam màu sáng, thậm chí còn được dự báo là sẽ khó khăn trong năm 2016.
Trích lập dự phòng - cơn đau đầu không hề nhẹ
Eximbank vừa công bố BCTC quý IV/2015 lỗ hợp nhất hơn 463 tỉ đồng. Thu nhập lãi thuần trong quý IV/2015 của Eximbank đạt hơn 952 tỉ đồng, cao gần gấp đôi quý IV/2014. Hoạt động khác cũng có lãi hơn 27 tỉ đồng, trong khi quý IV/2014 ngân hàng báo lỗ hơn 280 tỉ đồng. Chi phí hoạt động trong kỳ của Eximbank tăng 7%, ở mức 696 tỉ đồng. NH đạt lãi thuần 345 tỉ đồng trong khi quý IV/2014 lỗ gần 333 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank cao đột biến, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước với hơn 935 tỉ đồng khiến NH lỗ sau thuế hơn 463 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2015, Eximbank đạt lợi nhuận sau thuế (LNST) 62 tỉ đồng, tăng 11% so với năm trước.
Mặc dù có lãi nghìn tỉ đồng, với lũy kế cả năm 2015 đạt 1.314 tỉ đồng LNTT và 1.028 tỉ đồng LNTT, nhưng trong quý IV, NHTMCP Á Châu lại lỗ thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư hơn 993 tỉ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 65 tỉ đồng), tính chung cả năm hoạt động này đã khiến ACB thua lỗ 762 tỉ đồng. Theo thuyết minh báo cáo, ACB thua lỗ nặng trong mua bán chứng khoán đầu tư là do phải trích lập dự phòng rủi ro lên đến 1.363 tỉ đồng trong năm 2015 (rơi chủ yếu vào quý IV), trong khi cùng kỳ phần dự phòng chỉ là 40 tỉ. Hay như Sacombank bất ngờ thông báo lỗ 583 tỉ đồng trong quý IV/2015 do chi phí trích lập dự phòng rủi ro bất ngờ tăng vọt lên 1.125 tỉ đồng.
Không chỉ có những NHTMCP đang phải lo lắng với các khoản trích lập dự phòng, mà ngay cả các ông lớn cũng vậy. Đơn cử như Vietcombank cũng là một NH bị ăn mòn lợi nhuận vì trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2015, Vietcombank đã phải trích lập dự phòng rủi ro cho vay lên 8.609 tỉ đồng, tăng 21,5% so với năm 2014.
CTCK Bảo Việt (BVSC) dự báo: Chi phí trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và trái phiếu VAMC sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận chung toàn ngành năm 2016. “Do nắm giữ lượng trái phiếu VAMC lớn, nhóm các NH chưa niêm yết sẽ còn chịu nhiều áp lực đối với lợi nhuận trong những năm tới. Áp lực này thấp hơn ở nhóm các NH niêm yết” - BVSC nhận định.
BVSC tính toán trích lập dự phòng năm 2016 được dự báo tăng mạnh lên khoảng 91.374 tỉ đồng, cao hơn hẳn mức 74.828 tỉ đồng năm 2015 và 59.287 tỉ đồng năm 2014. Trong đó, dự phòng nợ xấu trong năm 2016 là 53.098 tỉ đồng, trái phiếu VAMC khoảng 38.276 tỉ đồng. Nguyên nhân việc trích lập dự phòng rủi ro của các NH tăng lên là do từ khi tiến hành đề án tái cấu trúc hệ thống TCTD, tỉ lệ nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu, theo báo cáo, không thay đổi nhiều.
Ngoài ra, việc chính thức áp dụng Basel II từ tháng 2.2016 sẽ khiến 10 NH gặp khó trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, điều này sẽ tác động tới lợi nhuận NH. Ngoài ra, những tiêu chuẩn khắt khe hơn sẽ khiến các NH cẩn trọng hơn trong việc cho vay. Basel II cũng khiến nhiều NH buộc phải đẩy mạnh tăng vốn cấp 1 và cấp 2, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của NH trong hoạt động kinh doanh.
Nợ xấu vẫn cao - tốc độ xử lý nợ xấu vẫn thấp
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng, huy động và các dịch vụ NH tương đối tốt trong thời gian qua, thì có thể nói, ngành NH có lý do để lạc quan. Tuy nhiên, dù nhận định lạc quan như vậy thì thách thức vẫn hiện diện.
Theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính thì tổng quan nợ xấu các NH phải gánh để xử lý và trích lập dự phòng vẫn ở mức cao. Trong khi đó, tốc độ xử lý nợ xấu thực tế lại thấp. Mặc dù báo cáo của các NH cho thấy trong giai đoạn 2012-2015 đã xử lý 424.000 tỉ đồng nợ xấu, tương đương hơn 90% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9.2012 nhưng có đến 45% nợ xấu được xử lý thông qua VAMC, 28% xử lý bằng nguồn khoản dự phòng rủi ro. Tức có đến 73% nợ xấu được xử lý bằng nguồn lực của chính các NH hoặc bằng biện pháp kỹ thuật (qua VAMC). Điều này cho thấy chỉ có 27% nợ xấu thực tế được xử lý bằng nguồn lực của khách hàng hoặc thị trường như khách tự trả, bán tài sản thế chấp...
Như vậy, trung bình mỗi năm các NH thực tế chỉ xử lý được chưa đến 7% còn lại các NH phải dùng dự phòng của mình để xử lý. Tỉ lệ nợ xấu cao, tốc độ xử lý nợ xấu thấp vẫn tiếp tục thách thức hoạt động kinh doanh của các NH trong thời gian đến.
Bên cạnh đó, một rủi ro khác theo đánh giá của các chuyên gia đó là là tình trạng các NH phụ thuộc quá nhiều vào lợi nhuận từ hoạt động tín dụng, tỉ lệ lợi nhuận phi tín dụng rất thấp. Thực tế này làm cho hệ thống NH trở nên rủi ro hơn. Bởi lẽ, lợi nhuận hoạt động tín dụng cao thường đi kèm với rủi ro lớn, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế bước vào chu kỳ suy giảm.
OECD: Tăng trưởng toàn cầu năm 2016 sẽ chậm nhất trong 5 năm
Ngày 18/2, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gồm 34 thành viên có trụ sở tại Paris (Pháp) công bố dự báo không khả quan về tình hình kinh tế năm 2016, trong đó giảm mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hầu hết các nền kinh tế lớn, cũng như cảnh báo các nhà lãnh đạo toàn cầu phải đối phó với tình trạng giảm cầu.
OECD hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 từ 3,3% đưa ra hồi tháng 11/2015 xuống 3%. Như vậy, kinh tế năm 2016 sẽ không tiến bước nào so với năm 2015, đạt tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ 5 năm qua.
Thương mại, đầu tư và mức lương giữ ở mức yếu, đặt ra yêu cầu phải có chính sách phù hợp khẩn cấp để kích thích tăng trưởng, trong đó không chỉ chính sách tiền tệ, mà cần phải có một chính sách phối hợp tập thể để tăng cầu.
Mỹ và Đức là hai nền kinh tế lớn nhất cùng bị hạ mức dự báo tăng trưởng, lần lượt còn 2,0% và 1,3% trong năm 2016, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dụ báo cuối năm 2015. Khu vực sử dụng đồng euro(Eurozone) cũng giảm tốc, còn 1,4% trong năm 2016.
Hiệu quả tích cực từ giá dầu thấp không lớn như kỳ vọng, thêm vào đó lãi suất rất thấp và đồng euro yếu đã không đảm bảo duy trì được dòng đầu tư mạnh hơn. Tuy nhiên, đến năm 2017, kinh tế Mỹ và Eurozone sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,2% và 1,7% tương ứng.
Đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc, OECD không thay đổi dự báo cho hai năm tới, song để ngỏ khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này giảm tốc, với mức tăng trưởng còn 6,5% trong năm 2016 và 6,2% trong năm kế tiếp.
Trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới khác, Brazil được xem là "nạn nhân chính" của giá hàng hóa giảm, suy giảm sẽ ở mức sâu hơn dự báo, với mức tăng trưởng là âm 4%, thay vì âm 2,8% như công bố hồi tháng 11/2015.
Một trong những điểm sáng hiếm hoi trong báo cáo của OECD là Ấn Độ. Nền kinh tế nước này được dự báo sẽ tăng trưởng tới 7,4% trong năm nay, tăng 0,1 điểm phần trăm so với mức năm ngoái