Trung Quốc tiếp tục bơm thêm 25 tỷ USD vào hệ thống tài chính
Apple đã rơi vào cái bẫy quá hoàn hảo của chính phủ Mỹ
Bà Lagarde được bầu lại làm Tổng Giám đốc điều hành IMF
“Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ cho ngành hàng tiêu dùng”
Doanh nghiệp ít đầu từ vào nông nghiệp vì “kẹt” ở chính sách
Tin kinh tế đọc nhanh 20-02-2016
- Cập nhật : 20/02/2016
Doanh nghiệp Việt vào top 100 dịch vụ outsourcing toàn cầu
Theo công bố mới nhất của Hiệp hội dịch vụ thuê ngoài chuyên nghiệp quốc tế (IAOP), Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) của Việt Nam thuộc 100 nhà cung cấp dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) toàn cầu.
Đây là lần thứ 3 liên tiếp FPT Sofware được IAOP vinh danh trong danh sách này.
The Global Outsourcing 100 bao gồm những công ty hoạt động xuất sắc trên phạm vi toàn cầu, cung cấp dịch vụ thuê ngoài trong mọi lĩnh vực, từ lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ tiện ích (facility services), bất động sản, quản lý vốn, sản xuất và kho bãi (logistic).
IAOP xếp hạng dựa trên các tiêu chí về quy mô và tốc độ tăng trưởng, chất lượng dịch vụ, các chương trình đổi mới và hoạt động trách nhiệm xã hội.
Đây là năm thứ 11 IAOP công bố danh sách này và FPT Software là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng trong 3 năm qua, bên cạnh các công ty lớn khác trên thế giới trong cùng lĩnh vực như Accenture (doanh thu 31 tỉ USD, 373.000 nhân viên trên toàn cầu); HCL Technologies Limited (doanh thu 6 tỉ USD, trên 100.000 nhân viên trên toàn cầu); Tata Communications (doanh thu 3,2 tỉ USD, 8.000 nhân viên trên toàn cầu)….
Ông Hoàng Việt Anh, tổng giám đốc FPT Software cho biết, song song với các dịch vụ phần mềm truyền thống hiện công ty tập trung vào các xu hướng công nghệ mới nhất như S.M.A.C (Social, Mobility, Analytics, Cloud), IoT (Internet of Things).
Đây là các lĩnh vực mới trên thế giới và xuất phát điểm của các công ty cũng không chênh lệch quá nhiều.
Điều này tạo cơ hội để FPT Software có thể cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các công ty trong cùng lĩnh vực đến từ Ấn Độ, Trung Quốc bằng cách xây dựng các giải pháp và năng lực của riêng mình”.
5.000 người châu Âu biểu tình phản đối thép giá rẻ của Trung Quốc
Các tập đoàn sản xuất thép châu Âu đồng thời cáo buộc Trung Quốc trợ giá xuất khẩu trái phép và bán phá giá, dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành sản xuất thép của EU.
Theo tin của Reuters, hôm 15/2/2016, hàng ngàn người làm việc trong ngành Thép châu Âu đã xuống đường biểu tình tại Brussels – Bỉ - trụ sở Liên minh châu Âu – đề nghị ngăn chặn việc nhập khẩu tràn ngập hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.
5.000 người biểu tình cho rằng cần hoãn việc công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường. Các tập đoàn sản xuất thép châu Âu đồng thời cáo buộc Trung Quốc trợ giá xuất khẩu trái phép và bán phá giá, dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành sản xuất thép của EU.
Trung Quốc đã gia nhập WTO được 15 năm (từ năm 2001). Theo lộ trình, năm 2016, quốc gia này sẽ chính thức được công nhận nền kinh tế thị trường – với những thuận lợi đáng kể trong việc xuất khẩu hàng hóa ra các nước khác.
Việc nhập khẩu thép Trung Quốc có thể khiến 3,5 triệu việc làm ở Châu Âu bị đe dọa.
Ngoài ra, các nhà sản xuất thép châu Âu cũng cho rằng việc Trung Quốc dùng công nghệ điện đốt than cũng đi ngược lại với nỗ lực cắt giảm khí thải Carbon của EU.
Karl Koehler – Giám đốc điều hành của Tata Steel Châu Âu – Nhà sản xuất thép lớn nhất nước Anh ví von việc cho phép nhập khẩu thép từ Trung Quốc là đang “xuất khẩu” việc làm để “nhập khẩu” khí CO2. Ước tính cứ 7 triệu tấn thép nhập khẩu từ Trung Quốc sang EU, sẽ thúc đẩy việc sản xuất thêm 2 triệu xe ô tô, tăng đáng kể lượng khí thải ra môi trường.
Tuần qua, Ủy ban Châu Âu cũng đã tiến hành 3 cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép Trung Quốc và dự kiến sẽ đánh thêm một số loại thuế mới lên các sản phẩm Thép đến từ Trung Quốc.
Cũng ông Karl Koehler cho biết sản phẩm của họ không thể cạnh tranh nổi với thép Trung Quốc khi chính phủ nước này đã can thiệp và làm chỗ dựa cho các nhà máy làm ăn thua lỗ.
Cũng liên quan đến việc đối phó với sản phẩm thép giá rẻ của Trung Quốc, ngành thép Việt Nam cũng đang kiến nghị Bộ Công thương tiến hành áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại, ngăn chặn sự xâm nhập ồ ạt phôi thép và thép dài vào nước ta. Theo thống kê, phôi thép nhập về Việt Nam năm 2015 đã lên đến gấn 1,9 triệu tấn, tăng 300% - trong đó 2/3 là thép Trung Quốc.
Do gần về khoảng cách địa lý, có thể thấy rõ ngành thép Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề hơn Liên minh Châu Âu bởi sự nhập khẩu ồ ạt của thép Trung Quốc.
Chi 9 tỉ USD nhập khẩu thép
Hiệp hội thép VN (VSA) vừa công bố chính thức ngành thép đã nhập siêu 6,54 tỉ USD trong năm 2015, trong đó Trung Quốc chiếm 52% trong tổng lượng thép đã nhập khẩu.
Theo VSA, trong năm 2015, Việt Nam đã nhập đến 19,83 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, tương ứng 9 tỉ USD, tăng 27,24% so với năm trước, với 52% lượng nhập chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Dù ngành thép xuất khẩu được 2,46 tỉ USD trong năm 2015, nhưng vẫn giảm 14% so với năm 2014, và thị trường xuất khẩu vẫn chưa vươn ra xa ngoài khu vực ASEAN khi khu vực này hiện chiếm đến 75% tổng lượng sắt thép xuất khẩu hiện nay.
VSA nhận định trong năm 2016, các doanh nghiệp xuất khẩu thép sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Campuchia, Lào…trước sắt thép giá rẻ từ Trung Quốc đang dồn vào đây.
Riêng tại thị trường Indonesia, Malaysia, ngành xuất khẩu thép VN tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao, hoặc trong giai đoạn rà soát với nguy cơ tái áp thuế gần như là chắc chắn.
Tại thị trường nội địa, VSA cũng cho biết lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 1-2016 của các thành viên VSA đã đạt xấp xỉ 551.000 tấn, dù giảm khoảng 6% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng đến 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc các doanh nghiệp vẫn tiêu thụ được một lượng thép “khủng”, dù là thời điểm cận tết, không nằm ngoài lý do các đại lý/nhà phân phối muốn trữ hàng để bán sau tết, tránh nhập hàng mới trong thời điểm tết vẫn còn tính theo…”mùng”.
Tuy bán được hàng nhưng các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn “không vui” khi giá nguyên liệu thép phế, phôi thép có dấu hiệu tăng giá trở lại sau một thời gian dài rớt giá. So với tháng 12-2015, hiện giá thép phế liệu tăng khoảng 10-15 USD/tấn (tương ứng 15%), phôi thép tăng 10 USD/tấn (10%).
Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp sản xuất vừa đồng loạt tăng giá bán tại đầu nguồn từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn (tùy doanh nghiệp) sau nhiều tháng giảm giá từ trong năm 2015.
Ngân hàng phải tăng tốc cho vay từ đầu năm
Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng tăng cường huy động vốn, mở rộng tín dụng có hiệu quả ngay từ đầu năm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn
Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng tăng cường huy động vốn, mở rộng tín dụng có hiệu quả ngay từ đầu năm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn, đồng thời khẩn trương giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác huy động và cho vay.
Yêu cầu này được đưa ra trong văn bản được Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Ngoài ra, các ngân hàng phải chủ động xây dựng phương án, kế hoạch kinh doanh năm 2016 đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Đặc biệt không được tổ chức đoàn đi lễ hội, du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội.
VietJet ký kết nhiều hợp tác giá trị hơn 3 tỉ USD
Hãng hàng không VietJet và Công ty Pratt & Whitney thuộc Tập đoàn United Technologies Corp (Mỹ) đã ký kết hợp đồng đặt mua động cơ PurePower Geared Turbofan để trang bị cho 63 máy bay mới...
Tại triển lãm Hàng không quốc tế Singapore Airshow 2016 vừa diễn ra ở Singapore, Hãng hàng không VietJet và Công ty Pratt & Whitney thuộc Tập đoàn United Technologies Corp (Mỹ) đã ký kết hợp đồng đặt mua động cơ PurePower Geared Turbofan để trang bị cho 63 máy bay mới đặt hàng của VietJet, tổng giá trị 3,04 tỉ USD.
Cũng tại triển lãm, VietJet ký kết hợp đồng trị giá 60 triệu USD với Tập đoàn SR Technics (Thụy Sĩ) về chiến lược cung cấp các dịch vụ phụ tùng và sửa chữa bảo dưỡng dòng máy bay A320/A321.
Ngoài ra, VietJet và Airbus cũng ký kết thỏa thuận thành lập trung tâm huấn luyện Airbus tại TP.HCM, tập trung cho đào tạo phi công, kỹ sư, thợ máy, điều phối bay và giáo viên.
Theo đó, VietJet trở thành hãng hàng không đầu tiên tại VN phối hợp với Airbus tổ chức các hoạt động huấn luyện bay cho phi hành đoàn và đào tạo bảo trì đối với dòng máy bay A320, như một chi nhánh đào tạo của Airbus tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.