Tồn kho bất động sản Bình Dương cao
Tồn kho bất động sản Bình Dương cao
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Bình Dương, tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh còn tồn kho 860 căn hộ và 66.497 m2 diện tích đất nền.
Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư tại dự án nhà ở đã xây xong phần thô hoặc hoàn thiện là 5 dự án, với 335 căn; tồn kho nhà ở thấp tầng đã xây dựng xong phần thô là 17 dự án, với 525 căn. Tuy nhiên thực tế cho thấy số lượng căn hộ chung cư, nhà phố đã xây dựng xong, nền đất “tồn kho” tại Bình Dương cao hơn rất nhiều.
Dạo một vòng quanh các khu đô thị Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và khu thành phố mới Bình Dương... sẽ thấy tình trạng vắng lặng ở các khu đô thị này. Đa số nhà xây dựng lên không người ở, nền đất bỏ hoang cho cây cỏ mọc um tùm. Nhiều nơi người dân tận dụng làm nơi chăn thả trâu, bò, dê.
Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, nguyên nhân tồn kho là các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển một cách tự phát, dẫn đến cung vượt xa cầu. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, sản phẩm bất động sản cao cấp và trung bình thừa nguồn cung, còn bất động sản bình dân đáp ứng nhu cầu của người dân lại thiếu. Vốn đầu tư cho bất động sản chủ yếu dựa vào vốn vay và vốn góp của người mua, phần lớn chủ đầu tư có vốn chủ sở hữu thấp, khi tín dụng bất động sản thắt chặt, lãi suất cao, chủ đầu tư không đủ tài chính để thực hiện dự án. Tuy nhiên, có một nguyên nhân khiến tồn kho bất động sản Bình Dương vẫn còn cao "ngút trời" mà không thể nào “tháo” được là do tình trạng đầu cơ bất động sản ở thị trường này quá lớn.
Theo lãnh đạo một công ty bất động sản từng nhiều năm kinh doanh tại Bình Dương, phải đến 90% khách hàng mua nhà đất tại Bình Dương là đầu cơ, mà chủ yếu là khách hàng Hà Nội và TP.HCM. Khách hàng mua với mong muốn sang tay kiếm lời chứ không có nhu cầu ở. Chính vì vậy, tại hầu hết các khu đô thị tại Bình Dương hiện nay các căn nhà xây dựng xong bỏ hoang không có người ở. Ngay tại trung tâm thành phố mới Bình Dương mặc dù hạ tầng, dịch vụ được đầu tư bài bản nhưng nhà xây xong đóng cửa không ai ở, trong khi hầu hết những căn nhà này đã có chủ. Trong khi đó các nền đất cũng bỏ hoang nhiều năm cho cỏ mọc mà không ai xây dựng nhà cửa.
Một trong những giải pháp để tỉnh Bình Dương tháo hàng tồn kho, hạn chế tình trạng “đất không, nhà trống” là Sở Xây dựng Bình Dương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, chỉ đạo các sở, ngành có chức năng phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Những địa phương có nhiều dự án đang triển khai nhưng tiêu thụ chậm, cầm chừng, tồn kho bất động sản nhiều sẽ có biện pháp hạn chế việc đầu tư mới.
Ả Rập Xê Út 'không sẵn sàng' cắt giảm sản lượng dầu
Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út Adel al-Jubeir - Ảnh: AFP
Ả Rập Xê Út “không sẵn sàng” cắt giảm sản lượng dầu, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út Adel al-Jubeir tuyên bố sau khi nước này đồng ý với Nga trong thỏa thuận đóng băng hạn ngạch.
“Các nhà sản xuất khác muốn hạn chế hoặc đồng ý đóng băng sản lượng dầu bơm ra thêm để tác động đến thị trường nhưng Ả Rập Xê Út không sẵn sàng cắt giảm sản lượng. Vấn đề dầu thô được xác định bởi nguồn cung, lượng cầu và các yếu tố thị trường. Ả Rập Xê Út sẽ bảo vệ thị phần của mình và chúng tôi buộc phải nói như vậy”, ông Adel al-Jubeir nói với hãng tin AFP.
Ả Rập Xê Út và các nhà sản xuất khác thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã từ chối hạ hạn ngạch để gây sức ép với các bên sản xuất dầu ít có sức cạnh tranh hơn, đặc biệt là các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ.
Song sau khi nỗ lực của OPEC khiến giá dầu rơi 70% từ giữa năm 2014, mới đây Ả Rập Xê Út và Nga cho hay rằng họ sẽ đóng băng sản lượng nếu các nước khác làm điều tương tự.
Venezuela, Qatar và Kuwait là những nước cũng đồng ý với chuyện đóng băng hạn ngạch sau buổi đàm phán diễn ra ở thành phố Doha (Qatar). Đối thủ của Ả Rập Xê Út là Iran cũng gây bất ngờ khi tuyên bố nước này cũng ủng hộ động thái trên. Thông tin khiến giá cả dầu thô tăng vọt.
Dù Tehran không cam kết bất cứ khoản giảm hạn ngạch nào nhưng ý kiến của quốc gia Trung Đông vẫn được xem là quan trọng vì Iran mới chỉ quay về thị trường quốc tế ít lâu sau khi được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Dừng cấp phép buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã với Lào
Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản thông báo về việc tạm dừng tất cả hoạt động cấp giấy phép buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đối với Lào.
Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, quyết định này được triển khai do trước đó (ngày 11.2), Ban Thư ký Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã có thông báo về việc yêu cầu các nước thành viên trong CITES ngừng ngay các hoạt động buôn bán với Lào do nước này không tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định của CITES.
Theo đó, cơ quan quản lý CITES VN quyết định tạm thời dừng cấp phép tất cả hoạt động xuất khẩu, tái xuất khẩu và nhập khẩu các loại mẫu vật của các loài động vật và thực vật thuộc CITES với mục đích thương mại đến từ nước Lào, bắt đầu từ ngày 11.2 cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trong thời gian này, nếu các tổ chức, cá nhân cần thêm thông tin, có thể gọi trực tiếp đến số điện thoại 04.37335676 để nhận được các thông tin giải đáp cụ thể.
Đề xuất chuyển nhà xã hội thành nhà ở thương mại
Sun Group vừa có văn bản đề nghị UBND TP.Đà Nẵng cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại đối với dự án Sun Home tại P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà).
Dự án Sun Home được UBND TP.Đà Nẵng giao Sun Group làm chủ đầu tư theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, với tổng diện tích 7.956 m2. Quy mô dự án gồm 3 khối nhà với 407 căn hộ (trong đó có 62 căn hộ thương mại và 345 căn hộ nhà ở xã hội) cho thuê, bán.
Với 62 căn hộ nhà ở thương mại chủ đầu tư đã bán được 51 căn trong thời gian ngắn nhưng ngược lại số căn hộ nhà ở xã hội rất chậm và đang được định giá ở mức 8,8 triệu đồng/m2, quá cao so với giá đất nền được chào bán trên thị trường Đà Nẵng.
UBND TP.Đà Nẵng cũng đã gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến về chủ trương cho phép Sun Group được chuyển đổi dự án nhà ở xã hội Sun Home sang nhà ở thương mại. Nếu được Bộ Xây dựng chấp thuận đưa dự án ra khỏi danh mục dự án nhà ở xã hội, UBND TP.Đà Nẵng sẽ yêu cầu Sun Group thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trước khi chuyển đổi. Dự án Sun Home đến nay đã hoàn thành 269 căn hộ, dự kiến trong quý 1/2016 sẽ bàn giao 138 căn còn lại.
Thuế nhập khẩu nhựa về 1%, hàng chục doanh nghiệp niêm yết sẽ hưởng lợi
Theo VCSC, Nhựa An Phát (AAA) sẽ gián tiếp hưởng lợi khi thuế suất nhập khẩu hạt PP về 1%.
Mới đây, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 16/2016/TT-BTC điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 27.07, 29.02, 39.02 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, các sản phẩm Benzen, Xylen trong nhóm dầu và các sản phẩm khác từ chưng cất hắc ín than đá ở nhiệt độ cao, các sản phẩm tương tự có khối lượng cấu tử thơm lớn hơn cấu tử không thơm (mã 27.07); với benzen, xylen, p-xylen trong nhóm hydrocacbon mạch vòng (mã 29.02) sẽ được điều chỉnh thuế suất về 1%.
Đáng chú ý, sản phẩm polypropylen (hạt nhựa PP) cũng được Bộ tài chính điều chỉnh thuế suất về 1%.
Mức thuế suất mới được áp dụng sẽ chính thức có hiệu lực từ 6/3/2015.
Trước đó, thông tư số 107/2013/TT-BTC đã quy định mức thuế suất nhập khẩu đối với một số mặt hàng như benzen, xylen, p-xylen và hạt nhựa PP tăng theo lộ trình từ 0% lên 3% nhằm bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất hạt nhựa trong nước.
Tuy vậy, việc tăng thuế này cũng gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp sản xuất, sử dụng hạt nhựa. Do đó, việc Thông tư số 16/2016/TT-BTC được ban hành mới đây được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng nguyên liệu đầu vào nhập khẩu.
Doanh nghiệp nào được hưởng lợi?
Trên 2 sàn niêm yết và upcom, hiện có không ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhựa. Có thể kể tới như Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), Nhựa Đông Á (DAG), Nhựa An Phát (AAA), Bao bì nhựa Sài Gòn (SPP), Nhựa bao bì Vinh (VBC) hay các doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện như Cadivi (CAV), Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC)….
Việc giảm thuế suất nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ắt hẳn mang lại niềm vui cho nhiều doanh nghiệp. Tuy vậy, không hẳn doanh nghiệp nào cũng sẽ được hưởng lợi.
Theo CTCK Bản Việt (VCSC), chính sách mới được áp dụng sẽ giúp mặt bằng giá hạt nhựa PP nhập khẩu giảm. Như vậy, các doanh nghiệp sử dụng hạt nhựa PP làm nguyên liệu sản xuất sẽ được hưởng lợi trực tiếp như Bao bì Nhựa Sài Gòn, Bao bì PP, Nhựa Tân Đại Hưng, Bao bì PP Bình Dương, Nhựa Bao bì Vinh….
Trong khi đó, những “ông lớn” như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Cadivi, Nhựa Đông Á, Cáp nhựa Vĩnh Khánh….sẽ không được hưởng lợi từ việc giảm thuế do nguyên liệu đầu vào của chủ yếu là hạt PVC.
Trong khi đó, Nhựa An Phát dù cũng sản xuất túi, bảo bì nhưng nguyên liệu đầu vào là hạt PE. Do đó Nhựa An Phát cũng không được hưởng lợi trực tiếp từ thông tư này.
Tuy vậy, Nhựa An Phát hiện đang nắm giữ 32% cổ phần tại Nhựa Bao bì Vinh, đơn vị sử dụng nguyên liệu đầu vào là hạt PP. Do đó, Nhựa An Phát cũng sẽ gián tiếp hưởng lợi từ đợt giảm thuế này.
Nhóm doanh nghiệp bao bì chủ yếu sử dụng PP làm nguyên liệu đầu vào
Trong báo cáo triển vọng 2016, CTCK BSC cho rằng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu túi nilon trong năm 2016 có thể giảm do nhiều nước EU đã thông qua quy định về hạn chế sử dụng túi nhựa và xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm bao bì tự phân hủy. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ tiếp tục kéo dài áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm túi nhựa Việt Nam.
Với ưu đãi giảm thuế nhập khẩu PP về mức 1% tới đây, có lẽ các doanh nghiệp sản xuất bao bì nilon có phần “dễ thở” hơn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
(
Tinkinhte
tổng hợp)