Trung Quốc muốn sửa luật chứng khoán
Sửa Thông tư 36 sẽ gây bất lợi cho thị trường bất động sản
Gởi 30 email đến thương vụ mà không thấy hồi âm
Nhật “bật đèn xanh” mở thêm cửa cho nông sản Việt
Bất động sản hạng sang TP HCM so găng quyết liệt
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-02-2016
- Cập nhật : 21/02/2016
Trung Quốc tiếp tục bơm thêm 25 tỷ USD vào hệ thống tài chính
Trong tháng Một vừa qua, PBoC đã bơm hơn 1.500 tỷ nhân dân tệ vào thị trường.
Theo Tân Hoa xã, ngày 19/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - tức ngân hàng trung ương) đã bơm 163 tỷ nhân dân tệ (tương đương 25 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các hoạt động thị trường mở.
PBOC cho biết đã bơm số tiền trên vào 20 thể chế tài chính thông qua cơ chế cho vay trung hạn (MLF), trong đó, 47,5 tỷ nhân dân tệ có kỳ hạn 3 tháng, 62 tỷ nhân dân tệ kỳ hạn 6 tháng và 53,5 tỷ nhân dân tệ kỳ hạn 1 năm với lãi suất lần lượt là 2,75%, 2,85% và 3%.
PBoC đã hạ mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 3% xuống 2,85% và lãi suất kỳ hạn 1 năm từ 3,25% xuống 3%, trong khi lãi suất kỳ hạn 3 tháng giữ nguyên.
Trong tháng Một vừa qua, PBoC đã bơm hơn 1.500 tỷ nhân dân tệ vào thị trường thông qua các công cụ tài chính MLF, cơ chế cho vay tiêu chuẩn (SLF) và cho vay cam kết phụ (PSL)./.
Apple đã rơi vào cái bẫy quá hoàn hảo của chính phủ Mỹ
Tim Cook đã rơi vào bẫy của FBI khi tự biến vụ việc San Bernardino thành một vũ khí để chính phủ Mỹ đánh bại mã hóa.
Apple đã quá quen với việc phải đấu tranh trên mặt trận công chúng. Nhưng, quyết định từ chối giúp đỡ Cơ quan Điều tra Liên bang FBI có thể truy cập vào chiếc iPhone 5c thuộc về 1 trong 2 tên khủng bố trong vụ thảm sát San Bernardino năm ngoái có lẽ sẽ khiến người dân Mỹchống lại Apple.
Một tuyên bố được đưa ra bởi nghị sĩ Tom Cotton, bang Arkansas sẽ chứng minh điều này. Trong tuyên bố về vụ việc Apple vs FBI, Cotton mô tả Apple là một công ty sẵn sàng giúp đỡ khủng bố và các loại tội phạm khác. Nghị sĩ Đảng Cộng Hòa vốn rất giỏi bóp méo sự thật này cho rằng Apple hiện đang muốn "bảo vệ quyền riêng tư của một kẻ khủng bố đã chết hơn là an ninh của người dân nước Mỹ".
Dĩ nhiên, những người có hiểu biết về công nghệ cũng sẽ hiểu được mức độ sai lệch của luận điểm này: Apple chống lại FBI vì công ty này hiểu rằng một công cụ có thể vượt qua các biện pháp bảo vệ của iPhone rất có thể sẽ rơi vào tay của các tổ chức tình báo và đáng lo ngại hơn là vào tay các tổ chức khủng bố và các loại tội phạm số khác. Hãy nhớ rằng, mới chỉ vào đầu tháng 2 FBI đã để lộ tên tuổi, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ của hàng nghìn nhân viên trực thuộc cơ quan này: điều gì đảm bảo rằng FBI có thể giữ an toàn cho công cụ mở khóa iPhone trong tay họ không rơi vào tay những kẻ khủng bố?
Thế nhưng, vấn đề là phần đông dân số Mỹ lại không thực sự hiểu được điều này, và bởi vậy sự ủng hộ của công chúng dành cho Apple có lẽ sẽ là rất thấp. Đáng tiếc hơn, trong bức thư được công bố rộng rãi trên trang chủ của Apple vào đầu tuần qua, CEO Tim Cook đã đánh đồng những gì mà FBI yêu cầu Apple thực hiện với một hành động đáng lo ngại khác: tạo ra cửa hậu (backdoor) trên tất cả các dữ liệu mã hóa.
Giáo sư Anna Lysyanskaya, bộ môn Mã hóa, Đại học Brown cho biết bà rất lo rằng những người dân thường sẽ không cảm thông cho quan điểm của Apple về việc hủy bỏ tính năng vượt passcode trên chiếc iPhone 5c của kẻ khủng bố, và điều này có thể gây hại tới cuộc chiến lâu dài, quan trọng hơn: ngăn cản chính phủ Mỹ không được ép buộc các công ty công nghệ đặt cửa hậu lên mã hóa.
"Thật nguy hiểm rằng Apple lại đánh đồng cửa hậu cho mã hóa với việc vượt mặt cơ chế bảo vệ phần mềm, bởi công chúng có thể không nhận ra sự khác biệt, và điều này có thể cho FBI cơ sở để chiến thắng trong cuộc tranh luận về mã hóa và cửa hậu".
Điều này có nghĩa rằng, nếu như công chúng Hoa Kỳ cũng mang quan điểm rằng Apple đang cố hết sức để bảo vệ quyền riêng tư của tên khủng bố San Bernardino – như lời lẽ của nghị sĩ Tom Cotton thì họ cũng sẽ không phản đối việc cung cấp cửa hậu mã hóa cho chính phủ Mỹ. Kịch bản này sẽ là đáng lo sợ nhiều hơn so với những gì FBI đang yêu cầu Apple phải làm vào lúc này.
Không mấy ngạc nhiên, tuyên bố của nghị sĩ Cotton đã mở rộng từ việc phản đối Apple từ chối giúp đỡ FBI mở khóa một chiếc iPhone 5c sang chủ đề mã hóa nói chung:
"Vấn đề của mã hóa end-to-end không chỉ là một vấn đề về khủng bố. Nó còn bao gồm cả các vấn đề buôn ma túy, bắt cóc và khiêu dâm trẻ em có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ các bang của nước Mỹ. Thật không may rằng một công ty lớn như Apple lại chính là công ty được lũ khủng bố, buôn ma túy và xâm hại trẻ em lựa chọn".
Kết luận của Tom Cotton là chính phủ Mỹ phải cân nhắc các biện pháp pháp lý về mã hóa vì "Tim Cook và Apple đã cho thấy họ sẽ không nhân nhượng".
Một yêu cầu tưởng như không quá phức tạp của FBI đã biến thành cái bẫy để ép buộc các công ty công nghệ đặt cửa hậu lên mã hóa.
Quá khứ đã cho thấy nỗi sợ hãi và sự thiếu hiểu biết đã gây hại như thế nào. Apple đang phải "gánh" sức nặng bảo vệ mã hóa cho toàn bộ ngành IT trên toàn cầu, và nếu như Tim Cook muốn đánh bại FBI trong cuộc chiến lâu dài này, ông cần phải hiểu cái bẫy của chính phủ Mỹ là gì.
Bà Lagarde được bầu lại làm Tổng Giám đốc điều hành IMF
Ngày 19/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết ban lãnh đạo IMF đã bầu lại bà Christine Lagarde làm Tổng Giám đốc điều hành định chế tài chính này thêm một nhiệm kỳ 5 năm, bắt đầu từ ngày 5/7.
Trong một tuyên bố, IMF nêu rõ bà Lagarde, 60 tuổi, nguyên Bộ trưởng Tài chính Pháp, ứng cử viên duy nhất được đề cử vào chức vụ trên, đã được bầu với sự đồng thuận nhất trí cao.
Phát biểu sau khi được bầu lại vào chức vụ trên, bà Lagarde tuyên bố Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng tới nên đặt trọng tâm vào những tác động ngược từ những quyết sách của mình.
Bà Lagarde, người đã đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc điều hành IMF từ năm 2011, được coi là người có công trong việc làm giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và đã tiến hành những thay đổi để gia tăng ảnh hưởng của các thị trường mới nổi lên như Trung Quốc và Brazil tại IMF./.
“Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ cho ngành hàng tiêu dùng”
Triển vọng sau khi Việt Nam gia nhập hàng loạt FTA là sẽ có rất nhiều ngành nghề mới ra đời và phát triển để phục vụ người tiêu dùng.
Đó là khẳng định của TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong dòng chảy hội nhập thế hệ mới (TPP-FTA) – những tác động đối với doanh nghiệp” tổ chức sáng 19/2.
Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA khác nhau song ông Thành đánh giá, thời điểm Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP chính là thời điểm mang tính chất bước ngoặt.
Triển vọng cho thấy sẽ có rất nhiều ngành nghề mới ra đời và phát triển để phục vụ người tiêu dùng. Ông cũng đưa ra dự báo, bên cạnh các hiệp định thương mại tự do, các lĩnh vực du lịch, giải trí cũng sẽ bùng nổ và là chiều hướng mới của thị trường.
Ông Thành dẫn chứng, trong tháng 1.2016, dòng vốn FDI vào bất động sản giảm sâu, nhưng bật tăng vào giải trí. Với 1 dự án lớn tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí hiện đang đứng thứ hai, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp Việt Nam muốn chiếm lĩnh được thị trường trong dòng chảy hội nhập cần phải hiểu và thỏa mãn các quy tắc xuất xứ, mảng phân phối, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. “Đơn cử như nguyên tắc xuất xứ “chặt” như TPP cũng có nhiều linh hoạt như nguyên tắc 1 đổi 1, may áo có quy tắc “từ sợi trở đi” nhưng may túi xách chỉ cần sợi chỉ trong nội khối TPP còn vải có thể nhập ở đâu cũng được. Tuy nhiên, với năng lực hiện có, hàng dệt may trong dài hạn phải cố gắng tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm để thu lợi khi xuất khẩu” – ông Thành đưa ra ví dụ.
Nhìn chung, ông Thành cho biết, câu chuyện mở rộng ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ hàng hóa đều hướng đến một mục đích duy nhất là đem đến sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, hàng hóa này còn mở rộng cho cả những người đã sản xuất, phục vụ chính doanh nghiệp. Bằng cách này, hàng tiêu dùng sẽ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn mới rất cao: thứ nhất là sạch, thứ hai là xanh, thứ ba là thông minh và bốn là mang tính biểu tượng hơn.
Bên lề hội thảo, TS Võ Trí Thành thông tin thêm, sang tuần sau, Việt Nam sẽ công bố báo cáo chiến lược kinh tế năm 2035 dày 400 trang. Trong đó đưa ra dự báo lạc quan rằng, vào năm 2035 Việt Nam sẽ từ nước thu nhập trung bình thấp trở thành nước thu nhập trung bình cao và bắt đầu được xếp vào hàng ngũ các nước trung lưu.
Doanh nghiệp ít đầu từ vào nông nghiệp vì “kẹt” ở chính sách
Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà trong đầu tư vào nông nghiệp là vướng mắc về cơ chế chính sách trong nông nghiệp, nông thôn.
“Tháo gỡ vướng mắc về đất đai, tín dụng bảo hiểm trong nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết…” là những nội dung được đề cập trong hội nghị của nhóm công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là trách nhiệm của Bộ và các cơ quan trực thuộc.
Mặc dù nông nghiệp là ngành có lợi thế trong hội nhập, với nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu đem lại kim ngạch xuất khẩu cao như: gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, gỗ và các sản phẩm lâm sản… thế nhưng số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn rất hạn chế, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp ước tính hiện chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế.
Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà trong đầu tư là vướng mắc về cơ chế chính sách trong nông nghiệp, nông thôn, trong đó, vướng mắc lớn nhất là vấn đề đất đai, tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đến lúc cần phải thay đổi cách nhìn về vai trò của doanh nghiệp trong nông nghiệp. Doanh nghiệp phải là yếu tố then chốt, là người dẫn dắt nông nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các cơ chế chính sách trong nông nghiệp phải thông thoáng và tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư. Muốn phát triển kinh tế trên cơ sở nông nghiệp thì phải đầu tư cho nông nghiệp, thương mại hóa và hiện đại hóa nông nghiệp. Ở đây là xuất phát từ thương mại, từ thị trường để hoạch định sản phẩm. Có những mặt hàng chúng ta phải giảm đi, làm ít hơn, nhưng quy mô đất đai bớt đi số hộ để tích tụ đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, giảm sự tham gia của Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp từ đó phát huy tính chủ động của doanh nghiệp và nông dân khi đầu tư nông nghiệp, nông thôn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trực tiếp giải đáp những khó khăn mà các doanh nghiệp và chuyên gia đưa ra. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp thu các ý kiến, khẩn trương rà soát, báo cáo những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nông nghiệp phải tái cơ cấu, thay đổi cách thức và đổi mới, hướng đến nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế. Nông nghiệp vừa phải đảm bảo an ninh lương thực, vừa là ngành hàng để nâng cao thu nhập của đa số người dân Việt Nam là nông dân. Để làm được điều này không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển chính là hỗ trợ cho nông dân.
Bộ trưởng khẳng định, “phát triển doanh nghiệp là then chốt, là nòng cốt trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp. Phải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, những gì thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp sẽ chỉ đạo xử lý ngay, những gì vướng mắc của các Bộ, ngành khác chúng tôi sẽ có ý kiến và liên hệ phối hợp để giải quyết. Trong quá trình giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quan điểm của Bộ coi đây là trách nhiệm và bổn phận mà Bộ, và các đơn vị trực thuộc Bộ phải thực hiện”