Trên 600 lô hàng nhập khẩu tồn đọng tại sân bay Tân Sơn Nhất
Sản phẩm nông nghiệp VN chịu nhiều áp lực phải giảm giá
Giá thép bán lẻ giảm, Thái Lan tiếp tục kiện thép Việt
Xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm một nửa
Nữ giám đốc và cú lừa 200 tỷ đồng ở phố núi Pleiku
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-06-2016
- Cập nhật : 22/06/2016
EU gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngành năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga nay sẽ được kéo dài đến cuối tháng 1/2017.
Các Đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/6 đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng nữa do không có bất kỳ tiến bộ nào trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo các nguồn tin châu Âu, các Đại sứ của 28 quốc gia thành viên EU đã thông qua quyết định này về mặt nguyên tắc, bởi quyết định sẽ cần phải được các Bộ trưởng chính thức thông qua, có thể vào ngày 24/6 tới.
Như vậy, các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngành năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga nay sẽ được kéo dài đến cuối tháng 1/2017 sau khi hết hạn vào cuối tháng 7/2016.
Tuần trước, EU cũng gia hạn thêm một năm những biện pháp trừng phạt khác, vốn được áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014.
Đức điều tra cựu giám đốc điều hành Volkswagen
Các nhà điều tra Đức đang điều tra cựu giám đốc điều hành Tập đoàn Volkswagen Martin Winterkorn với cáo buộc ông này che giấu thông tin với các nhà đầu tư.
BBC ngày 21-6 cho biết công tố viên Đức đã cáo buộc ông Winterkorn và một cựu thành viên trong hội đồng quản trị của công ty về tội che giấu thông tin với các nhà đầu tư.
Năm ngoái, các nhà chức trách Mỹ đã phát hiện ôtô của VW được cài phần mềm gian lận khí thải để vượt qua các cuộc kiểm tra của nước này.
Sau đó, tháng 9-2015, ông Winterkorn từ chức. Khi từ chức, ông nói "không làm gì sai" nhưng vẫn ra đi vì lợi ích chung của công ty.
Văn phòng công tố Đức tại Braunschweig cho biết cuộc điều tra tập trung vào "những dấu hiệu thiết thực" về việc VW đã không cảnh báo các nhà đầu tư ngay khi họ biết được tiềm năng tổn thất tài chính từ việc thao túng thông tin khí thải.
Hãng VW đã chính thức lưu ý các nhà đầu tư vào ngày 22-9-2015.
BBC cho biết các công tố viên không nêu tên cựu thành viên trong hội đồng VW cũng đang bị điều tra liên quan đến bê bối khí thải.
Tập đoàn VW ước tính khoảng 11 triệu ôtô trên toàn thế giới của hãng được cài phần mềm gian lận khí thải này.
Tàu bay, du thuyền, xe mô tô phân phối lớn… có thể bị hạn chế nhập khẩu
Sáng 21/6, Bộ Tài chính đã báo cáo, xin ý kiến Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập. Cơ quan này đề xuất 11 nhóm hàng cần tăng cường kiểm soát, hạn chế nhập khẩu để hỗ trợ cho sản xuất trong nước quy định phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu.
Cụ thể 11 nhóm hàng được đề xuất gồm: Thuốc lá điếu, xì gà, chế phẩm khác từ cây thuốc lá; rượu; bia; ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi; xe mô tô hai bánh, ba bánh có dung tích xi lanh trên 125 cm3; tàu bay, du thuyền thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; xăng các loại (riêng xăng được đưa từ kho ngoại quan đến các địa điểm làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho); điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã, hàng mã; hàng hóa nhập khẩu có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, bao gồm cả thuế suất ưu đãi đặc biệt từ 10% trở lên.
Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc Thủ tướng ban hành quyết định này là cần thiết nhằm kiểm soát hải quan đối với những mặt hàng hạn chế tiêu thụ trong nước, có nguy cơ cao liên quan tới gian lận thương mại.
Ở góc độ cơ quan hải quan, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết thêm, thông lệ thế giới thông quan hàng hóa ở điểm nhập khẩu đầu tiên để thực hiện hiệu quả việc kiểm soát về thuế, sở hữu trí tuệ. Những mặt hàng quy định tại danh mục này là hàng nhập khẩu tiêu dùng, chiếm tỷ trọng ít (8,7%) so với tổng lượng hàng hóa thông quan, nên mức độ tác động tới hoạt động doanh nghiệp là rất ít.
“Việc ban hành danh mục này để xây dựng hàng rào kỹ thuật, chủ yếu liên quan tới hàng tiêu dùng nhập khẩu và các cửa khẩu nhập có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng bến bãi và lực lượng kiểm tra chuyên ngành”, Phó tổng cục trưởng Hải quan cho hay.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ rà soát lại các quy định hiện hành để bảo đảm việc ban hành danh mục tuân thủ Luật Hải quan (sửa đổi).
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phải đánh giá rõ ràng hơn về sự cần thiết việc ban hành quyết định và dự báo tác động của quyết định tới việc thực hiện các thủ tục hải quan, tình trạng ùn tắc cửa khẩu, tác động tới bao nhiêu dòng thuế và mức độ tăng thêm chi phí của doanh nghiệp trong bối cảnh Nghị quyết 35 quy định triệt để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.
“Nguyên tắc quản lý hải quan là quản lý rủi ro trên cơ sở phân tích đánh giá số liệu khách quan. Quy định này ra đời sẽ tác động tới thu ngân sách đã giao cho các địa phương và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, cần căn cứ cả vào danh sách các doanh nghiệp có lịch sử gian lận thương mại để tập trung kiểm tra ở bất kỳ cảng nhập khẩu hay nội địa, đồng thời phải tính toán tới việc bảo đảm tăng thu khi thực hiện”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. Trên cơ sở đó xác định rõ hơn danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục ở cửa khẩu.
Vinamilk giành vị trí 20 trong 300 DN dẫn đầu Châu Á năm 2016
Theo Nikkei Châu Á, năm tài chính 2015 đã cho thấy tổng lợi nhuận ròng của các công ty trong danh sách Asia 300 có sự tăng trưởng đáng khích lệ lần đầu tiên kể từ khi cuộc hủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Theo các chuyên gia của Nikkei những DN dẫn đầu này không chỉ đạt được mục tiêu bán hàng và lợi nhuận mà còn thúc đẩy tính hiệu quả bền vững trong kinh doanh.
Vinamilk được đánh giá cao với vốn chủ sở hữu chiếm đến 75% giá trị tổng tài sản cùng tỷ suất ROE cao, đạt 35% ( tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu phản ánh năng lực sử dụng vốn của DN để sinh lợi như thế nào).
Để vào danh sách khảo sát bình chọn DN đạt ba tiêu chí: DN đang niêm yết trên thị trường chứng khoán và có giá trị vốn hóa từ 500 đồng tỷ đồng trở lên. Doanh thu ba năm liên tiếp từ 20 tỷ đồng trở lên. Lợi nhuận sau thuế ba liên tiếp từ 20 tỷ đồng...
PVOil sẽ mua 96 triệu tấn dầu từ Tập đoàn Rosneft
Theo Tập đoàn Dầu khí VN, đây được xem là một trong những hợp đồng lớn nhất từ trước tới nay, nằm trong chiến lược mở rộng các đối tác tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương của Liên bang Nga.
Theo Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), công ty con của PVN là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã chính thức ký với tập đoàn hàng đầu của Nga là Rosneft để mua dầu khí tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Petersburg lần thứ 20 vừa được tổ chức tại Nga.
Cụ thể, PVN nêu theo hợp đồng, từ nay tới năm 2040, Rosneft sẽ cung cấp cho VN lượng dầu lên tới 96 triệu tấn. “Đây được xem là một trong những hợp đồng lớn nhất từ trước tới nay, nằm trong chiến lược mở rộng các đối tác tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương của Liên bang Nga” - PVN nêu.
Phát biểu tại lễ ký kết, PVN cho biết giám đốc điều hành Rosneft - ông Igor Sechin - khẳng định thông qua hợp đồng có giá trị này, Rosneft đã chiếm vị trí dẫn đầu trong việc cung cấp năng lượng cho một trong những quốc gia phát triển năng động ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, với hợp đồng có tính dài hạn, phía Rosneft tin tưởng hợp đồng này không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn là một trong những yếu tố góp phần ổn định thị trường nhiên liệu thế giới.
Như vậy, thay vì nhập xăng dầu chủ yếu tại ASEAN, Hàn Quốc để tận dụng ưu đãi, PVOil sắp nhập xăng dầu từ Nga.
Theo Bộ Công thương, VN và Nga đã có hiệp định thương mại tự do thông qua Liên minh kinh tế Á Âu, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Nga sẽ được giảm thuế mạnh theo lộ trình.
Diễn đàn kinh tế Saint-Petersburg lần này được xem là cơ hội thiết thực để Nga tìm kiếm, kêu gọi đầu tư trong bối cảnh các quốc gia phương Tây đang xem xét tiếp tục kéo dài trừng phạt Nga.