Cần có chiến lược phát triển ngành logistics hội nhập
Tổng kim ngạch XNK của khối doanh nghiệp FDI đạt 67,78 tỷ USD
Vẫn tiềm ẩn rủi ro thanh khoản ngân hàng
Vàng trang sức mở đầu ra, tắc đầu vào
Đến lượt Suzuki dính bê bối, cổ phiếu lao dốc chóng mặt
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-05-2016
- Cập nhật : 19/05/2016
Thép nhập khẩu vẫn tăng kỷ lục
Trong cơ cấu các loại thép nhập khẩu, thì phôi thép không hợp kim và thép thành phẩm (trong đó thép xây dựng chiếm tỷ trọng lớn) chiếm đến hơn 90% về lượng nhập khẩu cũng như trị giá nhập khẩu. Thực tế đó cho thấy, bất chấp mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và thép dài (thép cuộn và thép thanh) là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung áp dụng từ ngày 22/3/2016 lượng phôi thép và thép thành phẩm vẫn tiếp tục được nhập vào thị trường trong nước với khối lượng lớn.
Đây là lý do tại cuộc tham vấn về áp thuế tự vệ đối với mặt hàng thép xây dựng và phôi thép do Bộ Công thương tổ chức đầu tháng 5, đại diện Công ty Luật IDVN đề nghị cần đánh thuế chính thức với hai loại hàng hóa này, thậm chí nên đánh thuế cao hơn mức thuế tạm thời hiện nay.
.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép, trong tháng 4, giá thép đã bình ổn trở lại sau khi các nhà sản xuất cam kết cung cấp đủ hàng cho thị trường. Tâm lý đầu cơ này được dự báo trước để có giải pháp phù hợp và kịp thời từ phía cơ quan quản lý cũng như nhà sản xuất để thị trường thép xây dựng sớm ổn định trở lại.
Trong tháng 4, bán hàng trong nước sản phẩm thép các loại đạt 1,123 triệu tấn, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thép xây dựng của cácdoanh nghiệp trong Hiệp hội Thép tăng so với cùng kỳ, bán hàng thép xây dựng đạt 700.000 tấn (tăng 19,5%). Theo Hiệp hội Thép, điều này cho thấy, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước cả phôi lẫn cán thép đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, cả về số lượng và chất lượng.
Trở lại với tình hình sản xuất của doanh nghiệp thép, trong tháng 4 sản xuất thép xây dựng tăng so với cùng kỳ, nhưng giảm 4% so với tháng 3. Bán hàng đạt 737.519 tấn, giảm 18% so với tháng trước. Dự báo theo tính mùa vụ hàng năm, tiêu thụ thép xây dựng sẽ giảm trong các tháng 5,6,7 khi vào mùa mưa.
Khi nhu cầu trong nước giảm, lượng thép nhập khẩu tăng lên với tốc độ như thời gian qua, với các nhà sản xuất trong nước, áp lực sẽ rõ ràng hơn. Vì vậy, nhìn trong dài hạn, kiến nghị của các nguyên đơn trọng việc đề nghị áp thuế tự vệ đối với thép xây dựng và phôi thép nhập khẩu vẫn còn nguyên tính thời sự.
Nhà máy Microsoft Việt Nam sẽ thuộc về Foxconn
Tập đoàn Microsoft vừa chính thức công bố việc đã đạt được thỏa thuận giao dịch bán mảng điện thoại truyền thống cho FIH Mobile Ltd., thuộc Tập đoàn Công nghệ Hon Hai/ Foxconn, và HMD Global, Oy. Giá trị của thương vụ là 350 triệu USD.
Là một phần của giao dịch, FIH Mobile Ltd. sẽ nhận về Microsoft Mobile Việt Nam, nhà máy sản xuất của công ty tại Bắc Ninh, Việt Nam.
Cho tới khi hoàn tất giao dịch này, khoảng 4.500 nhân sự sẽ được chuyển giao hoặc có cơ hội gia nhập FIH Mobile Ltd. hay HMD Global, Oy, theo luật địa phương.
Microsoft sẽ tiếp tục phát triển Windows 10 Mobile và hỗ trợ cho các loại điện thoại Lumia như Lumia 650, Lumia 950, Lumia 950 XL, cũng như các dòng thiết bị từ đối tác OEM như Acer, Alcatel, HP, Trinity và VAIO.
Là một phần thuộc thỏa thuận, Microsoft sẽ chuyển nhượng toàn bộ các hạng mục sở hữu trọng yếu về điện thoại truyền thống, bao gồm thương hiệu, phần mềm và dịch vụ, mảng chăm sóc khách hàng và các tài sản khác, hợp đồng với khách hàng và các thỏa thuận cung ứng quan trọng, tuân thủ theo luật địa phương. Giao dịch dự kiến được hoàn tất vào nửa sau của năm 2016, tùy thuộc vào các phê duyệt nguyên tắc và các điều kiện hoàn tất phát sinh khác.
Nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam có vốn đầu tư 302 triệu USD, trước đây thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Nokia. Sau thương vụ Microsoft - Nokia, nhà máy này chuyển quyền sở hữu sang Microsoft và đổi tên thành Microsoft Mobile Việt Nam.
Lúng túng tiếp cận vốn
Tiếp xúc với các ngân hàng và các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp thuộc Hội doanh nghiệp Trẻ Việt Nam đã cho hay, ngân hàng chưa phải là kênh dễ tiếp cận vốn khi cần. Nguyên nhân chính là lãi suất vẫn đang quá cao. “Nếu không tiếp tục giảm lãi suất, khu vực kinh tế tư nhân sẽ rất khó tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng vì làm ra bao nhiêu cũng chỉ đủ trả lãi vay”, một doanh nghiệp cho biết.
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư được xem là cứu cánh của doanh nghiệp. Công ty cổ phần Đầu tư FIT là ví dụ điển hình. Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch Hội đồng quản trị FIT cho biết, sau nhiều lần gõ cửa tìm vốn từ ngân hàng cho các dự án của mình không thành công, FIT đã tìm nguồn vốn bằng việc lên sàn chứng khoán.
Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ không cho thấy đường hướng phát triển của công ty trong tương lai 5, 10 năm tới
Từ một Công ty số vốn điều lệ 35 tỷ đồng thời điểm năm 2007, FIT dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên hơn 500 tỷ đồng trong năm nay. Sau 8 năm, giá trị vốn hóa thị trường của FIT là hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Sang, việc FIT lên sàn thành công một phần nhờ thời điểm 2013 kinh tế vĩ mô có dấu hiệu phục hồi, các nhà đầu tư cá nhân quay trở lại thị trường chứng khoán, giúp công ty huy động vốn rất thành công.
Quan trọng hơn, FIT đã mời các công ty kiểm toán độc lập tham gia để minh bạch hóa Công ty và liên tục mở các buổi giới thiệu với các nhà đầu tư. Tuy nhiên trường hợp thành công như FIT không nhiều.
“Nút thắt ở đây là có bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chấp nhận minh bạch hóa hệ thống kế toán của mình? Bao nhiêu trong số đó có khả năng trình bày tiềm năng dự án kinh doanh của mình với các nhà đầu tư?”, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) phân tích.
Theo ông Đặng Xuân Huy, Phó chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam, một thống kê chưa chính thức chỉ ra rằng, hiện mới có 30% trong tổng số 10.000 hội viên tiếp cận các quy chuẩn kế toán hiện đại.
Đây là trở ngại lớn cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư.
Đã vậy, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ không cho thấy đường hướng phát triển của công ty trong tương lai 5, 10 năm tới. Việc định giá các doanh nghiệp này cũng không rõ ràng vì các chính sách kế toán kèm theo độ minh bạch thông tin gần như là không có.
Bởi vậy để tiếp cận nguồn vốn, khu vực kinh tế tư nhân phải chuẩn bị nhiều việc, mà quan trọng là minh bạch tài chính và khả năng thuyết phục các nhà đầu tư, dù thời gian không còn nhiều.
Tập đoàn TH ký thỏa thuận đầu tư 190 triệu USD vào tỉnh Kaluga (Liên bang Nga)
Ngày 16/5, tại Moscow (Liên bang Nga), dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH - sở hữu thương hiệu sữa TH true MILK và ông Anatoly Mmitriyevich Artamonov, Thống đốc tỉnh Kaluga (Liên bang Nga) đã ký kết Thoả thuận hợp tác về thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ứng dụng công nghệ cao và tổ hợp nhà kính sản xuất rau, quả sạch tại tỉnh này.
Theo văn bản thỏa thuận, Tập đoàn TH dự kiến sẽ đầu tư 190 triệu USD để triển khai xây dựng 3 cụm trang trại bò sữa tại hai huyện Ulianov và Mosacalsky (thuộc Kaluga).
Dự án này là một phần của đại dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Liên bang Nga, với tổng số vốn đầu tư là 500 triệu USD cho giai đoạn 1. Đại dự án này nằm trên hai tỉnh là Moscow và Kaluga.
Đây là dự án đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa tại Liên bang Nga - quốc gia có truyền thống lâu đời về sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa, và cũng là dự án có vốn đầu tư lớn nhất của Việt Nam hiện nay tại Liên bang Nga.
Mô hình trang trại của tập đoàn TH xây dựng tại Kaluga sẽ có mô hình tương tự như mô hình mà TH đang vận hành tại dự án 1,2 tỷ USD tại huyện Nam Đàn (Nghệ An). Trang trại tại Kaluga sẽ sử dụng các hệ thống chăn nuôi hiện đại nhất thế giới được nhập từ các nhà công nghệ công nghiệp chăn nuôi phát triển như Afimilk (Israel), GEA (Đức), Delaval (Thụy Điển) và BouMatic (Hoa Kỳ). Những tập đoàn này sẽ cung cấp toàn bộ các giải pháp công nghệ, thiết bị chăn nuôi, vắt sữa và quản lý. Các công nghệ này hiện cũng đang được áp dụng tại hầu hết các trang trại chăn nuôi bò sữa hiện đại và có quy mô lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại dự án này, một số công nghệ của Liên bang Nga cũng sẽ được sử dụng.
Dự kiến vào giữa năm 2017, sản phẩm sữa TH đầu tiên sẽ ra mắt tại Liên bang Nga.
Theo kế hoạch dự kiến, Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa sẽ có tổng mức đầu tư là 2,7 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn.
Khi hoàn thành Dự án ở giai đoạn 3, tổng số đàn bò dự kiến là: 350.000 con, tổng công suất chế biến sữa là 5.900 tấn/ngày, tương đương gần 1.800.000 tấn/năm, tổng diện tích vùng nguyên liệu tập trung là 140.000 ha. Tập đoàn cũng dự kiến thành lập chuỗi phân phối với 300 cửa hàng True Mart trên toàn nước Nga.
Dự án này sẽ sản xuất các sản phẩm sữa tươi sạch, chất lượng cao, cung cấp cho người tiêu dùng địa phương nói riêng và toàn Liên bang Nga nói chung, theo chuỗi sản phẩm khép kín từ đồng cỏ đến bàn ăn (chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tươi và phân phối đến người tiêu dùng). Dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu về sữa của người dân Nga, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn sữa bên ngoài, cũng như tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ từ việc nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa hàng năm.
Với trái tim nhân hậu và lòng yêu mến và ngưỡng mộ nước Nga, Bà Thái Hương bày tỏ: “Dự án này là sự tri ân với những hỗ trợ to lớn mà nhân dân Nga đã dành cho nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh. Đồng thời chúng tôi nhìn thấy dư địa kinh doanh trong thời kỳ nước Nga bị cấm vận.”
Cũng theo bà Thái Hương, nước Nga có đất đai rộng lớn, màu mỡ, điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển nông nghiệp. Chính phủ Liên bang Nga và tỉnh Kaluga đã ban hành những chính sách hấp dẫn để phát triển ngành nông nghiệp đầy tiềm năng, nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực vốn đã bị lãng quên trong một thời gian dài, đồng thời kích cầu và sản xuất trong nước, tạo lợi thế cạnh tranh nhằm thay thế nhập khẩu.
“Đây cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn TH”, bà Thái Hương nhấn mạnh và nói thêm, “Đất nước của các bạn cũng đang bước vào cuộc cách mạng nông nghiệp. Các bạn đã có những chính sách rất tốt để kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân. Và thực tế chúng tôi đã đến đây. Chúng tôi mong rằng, những chính sách ấy sẽ luôn được phát triển và giữ vững, và đồng hành trong suốt quá trình chúng tôi triển khai dự án. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn rằng, người tiêu dùng tại Nga sẽ đón nhận thương hiệu TH true MILK như chính là một thương hiệu quốc gia của mình”.
Japfa Việt Nam đầu tư 135 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Định
Theo đó, Japfa Việt Nam sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trên diện tích hơn 69.000 m2 tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn.
Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm này có công suất 15.000 tấn/tháng. Dự kiến, đến quý III/2017, nhà máy sẽ được xây lắp hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Được biết, Japfa Việt Nam hiện được xếp vào nhóm các công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm, chăn nuôi tại Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện có 5 nhà máy thức ăn chăn nuôi, cùng hàng chục trang trại nuôi lợn, gà và hoạt động theo mô hình sản xuất, kinh doanh khép kín.
Từ năm 1996, Tập đoàn Japfa Hà Lan đầu tư đã đầu tư vào Việt Nam; ban đầu liên doanh với Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam và trở thành công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài với tên gọi Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, có trụ sở chính tại tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2005, Japfa Việt Nam tiếp tục mở rộng, đầu tư các hoạt động kinh doanh và thành lập thêm nhiều nhà máy, trang trại chăn nuôi khép kín tại các tỉnh Thái Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.