Netflix và Amazon đối mặt với các quy định chặt chẽ hơn từ EU
Smartphone Nokia trở lại, liệu có lợi hại hơn xưa?
Hà Nội: Đưa thương mại điện tử thành hoạt động phổ biến
Bảo hiểm Việt Nam trong TPP còn yếu
Trút bỏ gánh nặng thuế, phí cho DN
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 19-05-2016
- Cập nhật : 19/05/2016
Big C sẽ mở thêm bảy siêu thị trong năm 2016
hông tin này được một đại diện quản lý cấp cao của hệ thống Big C chia sẻ với báo chí bên lề cuộc họp mà Big C tổ chức để triển khai chương trình "Hàng Việt trong tim người Việt" vào ngày hôm nay, 17-5.
Theo nguồn tin này, Big C chủ yếu sẽ mở các siêu thị mới này ở TPHCM và Hà Nội và hiện đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Nếu mục tiêu mở rộng này diễn ra đúng theo kế hoạch thì đây là năm mà Big C mở điểm bán nhiều nhất kể từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 1998.
So với thời gian đầu hoạt động, những năm gần đây Big C được đánh giá là đã mở nhanh điểm bán mới nhưng trung bình mỗi năm tập đoàn Casino cũng chỉ mở được 4-5 điểm.
Hiện nay, hệ thống Big C đã phát triển ra 20 tỉnh thành trên cả nước với 33 siêu thị phân phối gần 45.000 mặt hàng, 11 cửa hàng tiện lợi tại TPHCM và trang thương mại điện tử trực tuyến Cdiscount.vn. So với các hệ thống bán lẻ nước ngoài khác thì Big C là chuỗi bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài có số lượng siêu thị nhiều nhất ở thị trường trong nước hiện nay.
Đề cập đến những lo ngại của doanh nghiệp trong nước khi Central Group là nhà đầu tư mới quản lý chuỗi Big C Việt Nam sẽ đưa hàng Thái Lan vào và đẩy hàng Việt Nam ra, vị đại diện cho biết hiện Central Group và Nguyễn Kim Group đã hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ này và chủ trương của người chủ mới về hàng hóa bán tại siêu thị vẫn không thay đổi so với trước đây. Đó là khoảng 95% hàng hóa bán tại Big C vẫn sẽ do các nhà sản xuất tại Việt Nam cung cấp.
"Đối tượng khách hàng của Big C là người Việt Nam, dứt khoát thị phần hàng Việt Nam phải cao. Bằng chứng là hiện nay hàng hóa bán ở hệ thống siêu thị này không thay đổi", nguồn tin này chia sẻ và cho rằng quan trọng là cả hai bên cùng phối hợp để phát triển. Đó là Big C sẽ là đơn vị làm cầu nối bán hàng, còn nhà cung cấp, doanh nghiệp phải đảm bảo về mặt chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh.
Liên quan đến thông tin Big C đòi tăng chiết khấu cao (thêm 4,25-5,5%, lên mức 17-25%) dẫn đến nhiều doanh nghiệp thủy sản thuộc Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết buộc phải ngưng hợp đồng, ông này cho rằng chiều hôm nay (17-5) đại diện bộ phận thu mua của Big C sẽ làm việc với VASEP và một số doanh nghiệp thủy sản để thảo luận nhằm có tiếng nói chung.
Theo nhà quản lý này, định hướng của Big C là vẫn muốn tiếp tục và đẩy mạnh kinh doanh hàng Việt Nam. Không những vậy, Big C còn có kế hoạch tổ chức tuần lễ hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan vào tháng 7 tới như đã từng làm tại Pháp trong những năm qua để xúc tiến việc giới thiệu sản phẩm và xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường khu vực.
Big C cho biết hiện hãng có hơn 2.500 nhà cung cấp trong nước là các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, các hợp tác xã...
Theo nguồn tin này, hiện nay toàn bộ bộ máy nhân sự của chuỗi Big C Việt Nam với khoảng 9.000 lao động vẫn được giữ nguyên, không có thay đổi nào khi hệ thống phân phối này được chuyển giao cho chủ mới.
Kinh doanh casino: Nhà đầu tư chờ nghị định
Dự ánKhu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An, vốnđầu tư4 tỷ USD, dự án có nội dungcasinoquy mô lớn thứ hai tại Việt Nam, sau Dự án Hồ Tràm Strip (vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chính thức được khởi công xây dựng vào cuối tháng 4/2016. Sau sự kiện này, dư luận lại bắt đầu đặt câu hỏi về việc bao giờ thì nghị định về kinh doanh casino được thông qua?
Thực tế, Dự thảo Nghị định về Kinh doanh casino bắt đầu được khởi thảo từ năm 2009, song cho tới nay vẫn chưa thể thông qua. Trong khi đó, kinh doanh casino là một ngànhkinh doanh có điều kiệnvà theo quy định tại Luật Đầu tư sửa đổi, thì ngày 1/7/2016 là thời điểm phải hoàn tất việc rà soát, công bố các điều kiện kinh doanh.
Khi nghị định về kinh doanh casino chưa thể thông qua, Chính phủ sẽ không xem xét các dự án đầu tư mới.
Thiếu một hành lang pháp lý, không chỉ cơ quan quản lý, mà cả các casino cũng gặp khó trong công tác quản lý, kinh doanh, mà quan trọng hơn, hiện tại, nhiều nhà đầu tư đang “ngóng” những điều khoản được cho là “mang tính đột phá” cho hoạt động kinh doanh casino tại Việt Nam. Đó là, Việt Nam sẽ xem xét thí điểm cho người Việt Nam vào chơi trong các casino, thay vì trước đây, chỉ cho phép người mang hộ chiếu nước ngoài được chơi trong các casino cũng như trong các khu vui chơi có thưởng dành chongười nước ngoàitại Việt Nam.
Thông tin cho biết, nhà đầu tư Dự án Laguna Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), cách đây hơn 2 tháng, lại đề xuất việc đầu tư casino tại khu nghỉ dưỡng này. Theo tính toán được Laguna Lăng Cô đệ trình các cơ quan chức năng vào năm ngoái, casino tại Laguna Lăng Cô vào năm hoạt động thứ 5, khi đã hoạt động ổn định, có thể đóng góp cho ngân sách nhà nước 23 triệu USD/năm.
Nhà đầu tư này trong các cuộc tiếp xúc với các cơ quan chức năng Việt Nam cũng bày tỏ nguyện vọng sớm được Chính phủ chấp thuận đầu tư Dự án và cho biết, các đối tác của họ cũng rất mong chờ nghị định về kinh doanh casino, trong đó có điều khoản về việc cho người Việt Nam vào chơi. “Nếu điều này trở thành hiện thực, chúng tôi và các đối tác của mình sẽ đầu tư mạnh vào lĩnh vực này”, một nguồn tin từ Laguna Lăng Cô cho biết.
Tuy nhiên, chưa nói tới chuyện có cho người Việt Nam vào chơi trong casino hay không, thì chỉ riêng việc nghị định về kinh doanh casino chưa thể thông qua, Chính phủ cũng sẽ không xem xét các dự án đầu tư mới. Điều này càng khiến nhà đầu tư sốt ruột.
Tuy vậy, là nhà đầu tư duy nhất cho tới thời điểm này đã đưa casino quy mô lớn đi vào hoạt động, ông Philip Falcon, Nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Quỹ đầu tư Harbinger Capital - quỹ đầu tư hiện có tham gia đầu tư vào Dự án Hồ Tràm Strip, cho biết, Hồ Tràm Strip đang kiên nhẫn chờ đợi sự ra đời của nghị định này.
“Chính phủ Việt Nam đang có những bước đi cẩn trọng để có thể ban hành một khuôn khổ pháp lý phù hợp cho hoạt động kinh doanh casino. Họ chắc chắn không vội vã ra quyết định và chúng tôi hiểu điều đó, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro”, ông Philip Falcon nói và cho biết, Hồ Tràm Strip thậm chí sẵn sàng trở thành một dự án thí điểm để từ đó, Chính phủ nghiên cứu và xây dựng hành lang pháp lý về quản lý kinh doanh casino.
“Nếu được Chính phủ Việt Nam lựa chọn, chúng tôi sẵn sàng chào đón, hỗ trợ thực hiện một dự án thí điểm và thật lòng mà nói, sẽ không có bất cứ dự án casino nào khác tốt hơn, phù hợp hơn casino của chúng tôi. Chính phủ có thể khai thác dự án của chúng tôi và kết luận, ‘điều này chưa được, hãy thử điều kia’ hoặc ‘điều này phù hợp đấy, chúng ta hãy thử xem chúng ta có thể điều chỉnh một chút cho khác đi được không’. Hy vọng rằng, Chính phủ Việt Nam có thể nhận thấy được Hồ Tràm Strip là một dự án thí điểm phù hợp, làm nền tảng xây dựng các chính sách pháp lý đúng đắn”, ông Philip Falcon đề xuất.
Hẳn nhiên, cũng giống như các nhà đầu tư khác, chủ đầu tư Dự án Hồ Tràm Strip cũng trông chờ vào điều khoản cho người Việt Nam vào chơi trong các casino. “Trước đây khi chưa có nghị định mà chúng tôi đã có thể đầu tư được vào thị trường casino ở Việt Nam con số như thế (hiện đã giải ngân gần 1 tỷ USD - PV), thì khi có nghị định ban hành rồi, chúng tôi có thể đầu tư nhiều hơn thế nữa. Hiện tại, chúng tôi đang có 1.600 nhân lực làm việc tại dự án. Việc người Việt Nam được phép đánh bạc tại Việt Nam sẽ đẩy số lượng lao động làm việc tại resort gia tăng và đó là một điều tuyệt vời. Chúng tôi mong muốn khu nghỉ dưỡng của chúng tôi là một nơi nghỉ mát phức hợp dành cho gia đình đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, để phát triển du lịch, và thu hút ngoại tệ vào đất nước Việt Nam”, ông Philip Falcon nói.
Một điều quan trọng, theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, ngoài đề xuất cho người Việt Nam vào chơi trong các casino, thì có thể sẽ có một điều khoản khác sẽ khiến các nhà đầu tư đồng tình, ủng hộ. Đó là thay vì quy định dự án phải có vốn đầu tư 4 tỷ USD mới được đầu tư casino, thì có thể, sẽ được điều chỉnh xuống còn 2 tỷ USD. Tuy nhiên, điều kiện là, dự án phải giải ngân được ít nhất một nửa số vốn đầu tư (1 tỷ USD) thì mới được kinh doanh trong lĩnh vực này.
Trước đây, khi Chính phủ dự thảo quy định về việc nhà đầu tư phải có vốn 4 tỷ USD, không ít ý kiến phản đối và cho rằng, chưa có căn cứ nào để “quyết” việc phải có số vốn lớn chừng ấy mới được kinh doanh casino.
Thực tế ở Việt Nam, Hồ Tràm Strip khi bắt đầu đi vào hoạt động cũng mới chỉ giải ngân được 500 triệu USD. Dự án Nam Hội An cũng phát triển giai đoạn I với vốn đầu tư chỉ 500 triệu USD.
Đằng sau sự xuống dốc của một cổ phiếu ngân hàng
Lý do là mỗi khi giá cổ phiếu này rớt về quanh 18.000 đồng, nhiều người giải ngân. Họ biết gần như chắc chắn tới giá đó cổ phiếu sẽ bật tăng lại, nên mua là có thể có lời 5-10%.
Sự giao dịch của họ không phải không có cơ sở. Dạo ấy một môi giới của một công ty chứng khoán lớn khẳng định chắc như đinh đóng cột các cổ đông nắm cổ phần chi phối của tổ chức tín dụng nọ thế chấp cổ phiếu vay tiền ngân hàng ở mức giá thấp hơn chừng 10% so với thị giá 18.000 đồng kia, nên cứ về giá đó là có lực đỡ mua vào. Nếu không đỡ giá, thị giá cổ phiếu mất đà, người vay phải bổ sung tài sản đảm bảo hoặc bị giải chấp. Chuyện giải chấp cổ phiếu vốn dĩ nhạy cảm trên thị trường, nên các cổ đông lớn không bao giờ muốn nó xảy ra.
Bẵng đi vài năm, nay thị giá cổ phiếu trên chỉ còn nhỉnh hơn mệnh giá. Việc đỡ giá đã lùi vào dĩ vãng, nhà đầu tư cũng không còn được “ăn theo”. Anh chàng môi giới thâm niên kể trên lôi sổ ghi chép ra và nói vanh vách việc đỡ giá chấm dứt kể từ khi ông chủ to nhất của tổ chức tín dụng ấy giờ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau khi nhận số cổ phần được tự nguyện ủy thác không hủy ngang, vô thời hạn của các cổ đông lớn tại đấy. NHNN nắm giữ trên 51% cổ phần rồi, đâu phải đỡ giá, mà đỡ làm gì? Không ai dại gì cạnh tranh với cổ đông nhà nước cả!
Giá cổ phiếu ngân hàng tưởng chìm vào quên lãng, hóa ra không phải vậy. Các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, tổ chức tín dụng nào cũng phải trình đề án tái cấu trúc lên NHNN phê duyệt. Được chấp thuận rồi, cứ thế thực hiện. Nợ xấu phải xử lý, một phần nhờ trích lập dự phòng rủi ro, phần khác bán cho VAMC. Mỗi năm, thậm chí mỗi quí VAMC lên kế hoạch mua bao nhiêu nợ xấu là tự rà soát, cộng thêm tham khảo số liệu của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và cả báo cáo của chính các tổ chức tín dụng. Thường VAMC mua nợ chủ yếu của các khách hàng doanh nghiệp. Họ cũng mua các khoản nợ mà người vay là cá nhân tuy nhiên ít hơn nhiều. Các ngân hàng thừa nhận các khoản vay của cá nhân thấp hơn doanh nghiệp và họ trả sòng phẳng hơn. Nợ xấu do đó thấp hơn nợ xấu xuất phát từ khách hàng tổ chức. Đấy là lẽ thường. Cá nhân bình thường có mấy ai vay hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ?
Gần đây, theo một viên chức NHNN, VAMC chắc sẽ đau đầu và tá hỏa khi biết tổ chức tín dụng có cổ phiếu nói ở đầu bài, bày tỏ ý định bán cho VAMC tới mấy chục ngàn tỉ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu nợ của các cá nhân. Ông thốt lên riêng số lượng các cá nhân mà nợ vay ngân hàng trên dự kiến bán cho VAMC khoảng 100 người. Người nhiều thì nợ hàng ngàn tỉ đồng, người ít cũng 700-800 triệu đồng. Tổng số nợ xấu của 100 cá nhân đó không thấp hơn 20.000 tỉ đồng. Đây hẳn là kỷ lục của ngân hàng bán nợ của cá nhân cho VAMC!
Điểm lạ là các khoản nợ của những cá nhân đều diễn ra trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây và một số khoản đã được đảo nợ nhiều lần. Vị viên chức NHNN đặt câu hỏi liệu có chuyện cá nhân đứng tên vay tiền ngân hàng cho ai đó, cho doanh nghiệp nào đó không? Những khoản vay trăm tỉ, ngàn tỉ của cá nhân bắt buộc phải có tài sản thế chấp và ngân hàng thẩm định kỹ càng. Một ngân hàng để hàng trăm cá nhân không trả được nợ với số nợ xấu hàng chục ngàn tỉ đồng, rõ ràng khâu thẩm định trước khi cho vay có vấn đề.
Hiện tượng cá nhân đứng tên vay mượn tiền ngân hàng cho công ty hay cho chủ cơ sở đã từng được dư luận biết đến qua nhiều vụ án có liên quan đến một số tổ chức tín dụng được đưa ra xét xử công khai. Một số nhân viên các công ty cũng vì đứng tên cho doanh nghiệp mà chịu hàm oan.
Trở lại với VAMC, việc mua nợ xấu trong tương lai có thể sẽ không còn tấp cập như các năm 2013-2015 do tỷ lệ nợ xấu nói chung của hệ thống đã dưới 3% theo công bố chính thức của NHNN. Trong điều kiện đó, việc mua nợ với số lượng lớn của một tổ chức tín dụng càng cần phải thận trọng. Theo quy định, bán nợ cho VAMC càng nhiều, trích lập dự phòng rủi ro càng nhiều. Tổ chức tín dụng trên dự kiến bán cho VAMC mấy chục ngàn tỉ đồng nợ xấu, theo quy định mỗi năm phải trích dự phòng 20% số nợ đã bán cho VAMC, tức riêng số trích lập đã tới cả mươi ngàn tỉ đồng.
Thử hỏi ngân hàng nào đạt hiệu quả kinh doanh cao ngất ngưởng thế để đủ tiền trích lập dự phòng rủi ro? Nhìn lại báo cáo tài chính năm 2015 của các tổ chức tín dụng cổ phần, ngân hàng trích lập dự phòng nhiều nhất cũng không quá 3.000 tỉ đồng. Có ngân hàng “xin khất” trích lập dự phòng trái phiếu của VAMC hoặc giảm mức trích lập xuống 10-15%, hoặc trích lập cho một nửa số trái phiếu VAMC đang sở hữu.
Sabeco đặt kế hoạch tiêu thụ 1,54 tỷ lít bia 2016, tiếp tục "phớt lờ"chuyện niêm yết
Tổng CTCP Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2016.
Theo báo cáo của HĐQT Sabeco, năm 2015 tổng sản lượng tiêu thụ đạt 1,52 tỷ lít, tăng 9% so với năm 2014 và 7% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt là 33.657 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2014 và tăng 4% so với kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế 3.600 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ và tăng 9% so với kế hoạch năm. Mức cổ tức dự kiến là 30%.
Bước sang năm 2016, HĐQT Sabeco cho rằng, mặc dù Sabeco đang chiếm ưu thế tại thị trường nội địa nhưng việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do đang gây nên những thách thức lớn cho công ty.
Theo đó, Sabeco đặt kế hoạch tiêu thụ 1,54 tỷ lít bia, tăng 20 triệu lít bia so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng tiêu thụ Bia Sài Gòn là 1,49 tỷ lít. Tổng doanh thu bán hàng có thuế TTĐB theo kế hoạch đạt 35.046 tỷ đồng ,tăng 4% so với năm 2015, doanh thu bán hàng không bao gồm thuế TTĐB đạt 28.503 tỷ đồng, tăng 3%so với thực hiện trong năm trước.
Lợi nhuận sau thuế Sabeco dự kiến đạt 3.436 tỷ đồng, giảm 5%so với năm 2015. Trong năm nay, Sabeco dự kiến chia cổ tức 25%, giảm 5% so với năm ngoái.
Theo Sabeco, việc đặt kế hoạch lợi nhuận sụt giảm dù sản lượng tiêu thụ bia tăng do thuế TTĐB được điều chỉnh tăng từ mức 50% lên 55%. Áp lực gia tăng thuế suất TTĐB từ đầu năm 2016 và các năm tiếp theo sẽ khiến cách tính thuế TTĐB theo hướng gia tăng số thuế phải nộp và làm giảm lợi nhuận của Bia Sài Gòn.
4 tháng đầu năm 2016, sản lượng tiêu thụ sản phẩm trong 4 tháng của Bia Sài Gòn ước đạt 517 triệu lít, tăng mạnh 17% so với cùng kỳ 2015; Rượu ước đạt 327 nghìn lít, tương đương cùng kỳ năm trước; Cồn đạt 508 nghìn lít, bằng 67% so với cùng kỳ 2015; Nước giải khát ước đạt 10,5 triệu lít, tăng trưởng 25%.
Tổng doanh thu Sabeco trong 4 tháng (không bao gồm thuế TTĐB) ước đạt 10.494 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của công ty lại giảm mạnh 27% và chỉ đạt 1.215 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tài liệu ĐHCĐ năm nay vẫn không có nội dung nào về việc niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã 2 lần liên tiếp gởi công văn dến Bộ Công Thương để “thúc” doanh nghiệp này mau chóng niêm yết nhằm công khai minh bạch thông tin và tăng giá trị doanh nghiệp.
Sự việc ngày càng căng thẳng hơn khi trong công văn mới đây, đã đưa ra những ý kiến phản bác lại lập luận của đại diện Sabeco là không đủ điều kiện niêm yết với khẳng định“Sabeco & Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết”. Đồng thời, VAFI cho rằng những người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco đã cố tình vi phạm pháp luật về niêm yết chứng khoán khi trì hoản việc niêm yết trên sàn.
VAFI cho rằng nếu như Sabeco & Habeco được niêm yết sớm và nếu như Bộ Công thương lựa chọn được nhân sự giỏi làm người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì giá trị tài sản nhà nước tại 2 doanh nghiệp này phải cộng thêm ít nhất 1 tỷ đô la nữa .
Nỗi đau mang tên Việt Nam của Parkson
Parkson Retail Asia Limited (Parkson), một trong tay chơi nước ngoài đầu tiên gia nhập vào cuộc chơi trung tâm thương mại tại Việt Nam tiếp tục chứng kiến một quý kinh doanh không hiệu quả.
Báo cáo quý 3 (kết thúc vào ngày 31/03/2016) của Parkson cho thấy, bất chấp một số trung tâm thương mại mới đi vào vận hành, nhưng doanh thu của quý sụt giảm mạnh đến 15.6% với 71.5 triệu $, dẫn tới doanh thu lũy kế 9 tháng trong năm tài chính của hãng bán lẻ này chỉ còn 294.6 triệu $, giảm mạnh 14.4% so với cùng kì năm trước.
Sức mua giảm sút khiến cho quý 3 ghi nhận khoản lỗ 7,5 triệu $, trong đó bao gồm cả chi phí dự phòng các khoản cho vay cũng như khoản lỗ ban đầu của một số trung tâm thương mại mới đưa vào khai khác. Năm tài chính của Parkson kết thúc vào tháng 6 hằng năm.
Tính đến cuối năm 2015, Parkson đang hoạt động tại 4 quốc gia là Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Myanmar với tổng diện tích sàn thương mại lên đến 693.000 m2. Tuy vây, trong khi các cửa hàng tại Indonesia đang kinh doanh khá tốt thì 3 quốc gia còn lại tình trạng ế ẩm ngày càng gia tăng, nhất là Việt Nam và Malaysia khi doanh thu sụt giảm lần lượt là – 8,2% và -17,4% trong quý 3 vừa qua.
Nỗi đau mang tên Việt Nam của Parkson có lẽ vẫn chưa thể chấm dứt sớm. Sau khi bất ngờ đóng cửa trung tâm thương mại Parkson tại tòa nhà Landmark Keangam (Hà Nội) vào 2015, Parkson mới đây tiếp tục cho ra đi một trung tâm thương mại nữa: Parkson Paragon tại Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP.HCM) như một nỗ lực tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống của hãng tại Việt Nam.
Số liệu cho thấy trong 9 tháng của năm tài chính 2016, các trung tâm thương mại của Parkson tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế 4,9 triệu đô la Singapore (tương đương khoảng 80 tỉ đồng Việt Nam).
Cuộc chiến trên thị trường bán lẻ cao cấp tại Việt Nam ngày càng khốc liệt và ngày quy tụ nhiều tay chơi tầm cỡ khu vực như AEON, Takashimaya, Lotte, Central Group (Thái Lan) đến các doanh nghiệp trong nước như Vingroup, tập đoàn IPP hay VIPD.
Đầu năm nay, Vingroup tiếp tục khai trương trung tâm thương mại thứ 5 Vincom Plaza rộng hơn 22.400 m2 tại Gò Vấp quy tụ hơn 70 gian hàng của các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Mục tiêu mà Vingroup đặt ra trong năm nay là mở thêm đến 50 trung tâm thương mại trên toàn quốc, tiếp tục gây sức ép cực lớn lên toàn bộ thị trường bán lẻ trong năm nay.
Một câu hỏi khá thú vị đặt ra là ai đang thắng thế tại thị trường Việt Nam hiện nay? Theo Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Vietnam, thị trường bán lẻ vẫn là một phân khúc phát triển chưa đồng đều. Trong đó có một số trung tâm đang hoạt động tốt là Vivo City, Lotte, AEON.
Nhưng có lẽ những kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ này vẫn mới chỉ là bước đầu. Một số chuyên gia trong ngành bán lẻ cho biết, thời gian hoàn vốn của các trung tâm thương mại khá dài, có thể lên đến hàng chục năm. Các nhà kinh doanh vì thế sẽ phải đối mặt với nhiều biến cố không thể lường trước được mà bài học của Parkson là một điển hình.
Xuất hiện tại Việt Nam từ 2005 với chiến lược định vị là “Thương hiệu bán lẻ cao cấp chuyên nghiệp”, Parkson muốn khai khác nhu cầu mua sắm hàng hiệu ngày càng tăng lên ở Việt Nam. Là một trong những người tham gia sớm nhất thị trường cùng việc khai khác các địa điểm kinh doanh tốt lại khu vực trung tâm của thành phố nên trong khoảng 5 năm đầu tiên, Parkson kinh doanh khá tốt, thu hút được nhiều thương hiệu nổi tiếng, nhất là về mỹ phẩm và thời trang.
Nhưng về sau này, khủng hoảng kinh tế 2008- 2009 với những dư âm kéo dài đến 2014 cùng sự xuất hiện của ngày càng nhiều hơn các đối thủ cạnh tranh trong một không gian chật hẹp khiến phần bánh mà Parkon thu được ngày càng nhỏ lại, thậm chí thu không đủ bù chi bởi các mức chiết khấu mà các thương hiệu đòi hỏi ngày càng nhỏ lại.
Mô hình kinh doanh của trung tâm thương mại đòi hỏi sự khác biệt bởi chi phí đầu tư lớn. Đó có thể là nơi mà khách hàng có thể mua được những sản phẩm đặc biệt mà không tìm thấy tại nơi nào khác, nơi mà các nhân viên tư vấn bán hàng nhiệt tình giúp chọn ra các sản phẩm phù hợp và ở đó, khách có thể tận hưởng một không gian café êm dịu trên tầng thượng…
Đứng ở góc độ của một nhà quan sát, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Ðiều hành Công ty Tư vấn Bất động sản Savills Việt Nam, nhận định rằng thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam đang trong giai đoạn trưởng thành và cần có thời gian để ổn định. Các trung tâm thương mại sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều những mô hình bán lẻ khác như siêu thị, nhà hàng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở những thương hiệu của các tập đoàn bán lẻ và cách thức hoạt động, mà còn nằm ở yếu tố loại hàng hóa nào phù hợp với thị trường này.
“Người tiêu dùng Việt Nam rất chú trọng tới vấn đề giá cả. Sẽ rất thú vị để chờ xem mô hình bán lẻ nào sẽ thành công tại đây”, ông Griffiths nói.
Về phần Parkson, cuối năm nay dự kiến sẽ có thêm một trung tâm thương mại mới ra đời nhằm tại khu căn hộ hạng sang Léman Luxury Apartment trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3). Xem ra việc tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam hay thoái vốn, tập trung nhiều nguồn lực hơn vào các thị trường khác là bài toán không dễ cho Parkson.