tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-05-2016

  • Cập nhật : 20/05/2016

Netflix và Amazon đối mặt với các quy định chặt chẽ hơn từ EU


Ít nhất 20% danh mục phim của Netflix và Amazon Instant Video tại châu Âu có thể sẽ phải được dành cho phim điện ảnh và truyền hình sản xuất trong EU.

Theo một dự thảo luật của Ủy ban Châu Âu (EC) sắp được công bố vào tuần tới, các dịch vụ VOD (chiếu phim theo yêu cầu) như Netflix và Amazon Instant Video sẽ phải tuân theo các quy định về ưu tiên thời lượng dành cho phim ảnh sản xuất tại các nước trong Liên minh châu Âu (EU).

Theo đó, ít nhất 20% danh mục phim của các dịch vụ này phải được dành cho phim điện ảnh và truyền hình của châu Âu. Ngoài ra, trên các trang chủ cũng phải dành ra không gian để giới thiệu phim châu Âu chứ không chỉ dành hầu hết cho phim Hollywood như hiện nay.

Hiện tại, nhiều nước EU đã có sẵn luật quy định các kênh truyền hình phải dành ra 20% thời lượng cho nội dung sản xuất tại châu Âu. Tuy nhiên, các dịch vụ VOD chưa phải tuân theo quy định này, và đó là điều mà dự thảo mới của EC muốn thay đổi. Theo đó, các kênh VOD sẽ được xếp vào cùng nhóm với các kênh truyền hình thông thường, và điều này đi kèm với việc phải có đóng góp tài chính vào việc phát triển điện ảnh châu Âu.

Đây là một phần trong kế hoạch của EU nhằm phát triển ngành truyền hình và điện ảnh trong khu vực. Theo khảo sát của EU, các kênh truyền hinh thường xuyên đầu tư rất nhiều vào việc sản xuất nội dung mới (chiếm tới 20% doanh thu) so với các kênh VOD (chỉ vỏn vẹn 1%).

Về phía Netflix, dịch vụ này cũng đã thử sản xuất nội dung dành riêng cho châu Âu, tuy nhiên kết quả chưa được thành công mỹ mãn: series phim truyền hình “Marseille” do Netflix sản xuất với Gerard Depardieu đóng đang bị giới phê bình chỉ trích khá nhiều.

Trước đó, Netflix từng khiếu nại với EU rằng việc áp dụng quota nội dung có thể làm méo mó thị trường và tạo ra “động lực sai trái” khiến cho các nhà cung cấp dịch vụ VOD chạy theo số lượng thay vì chất lượng, cũng như gây khó khăn cho việc “tạo ra mô hình kinh doanh bền vững”.

Cũng theo Netflix, quy định về việc phải dành ưu tiên cho việc hiển thị phim châu Âu cũng sẽ làm ảnh hưởng tới chiến lược cá nhân hóa nội dung cho từng khách hàng, vốn là một phần quan trọng của VOD.

Bên cạnh các quy định về nội dung và hiển thị, dự thảo luật mới của EC cũng đi kèm với việc yêu cầu các dịch vụ video trực tuyến phải có bộ lọc tuổi chặt chẽ hơn, tương tự như các kênh truyền hình. Ngoài ra, EC cũng sẽ đưa ra các quy định mới cấm các dịch vụ video trực tuyến không được kiểm soát khách hàng theo địa chỉ (geoblocking) nhằm ngăn chặn việc có chính sách dịch vụ khác nhau tùy theo từng nước trong EU.

Theo tờ Financial Times, Netflix đã từ chối bình luận về tin tức này, trong khi Amazon thì chưa liên lạc được.


Smartphone Nokia trở lại, liệu có lợi hại hơn xưa?

2 năm sau khi được nhượng quyền cho Microsoft, giờ đây thương hiệu Nokia đã có chủ mới, với hy vọng sẽ làm sống lại cái tên vang bóng một thời này.

Theo thông tin được Nokia công bố vào hôm 18/5, thương hiệu điện thoại Nokia sẽ được nhượng quyền lại cho công ty HMD Global, hiện đang có dự định đầu tư hơn 500 triệu USD để tung các sản phẩm mới mang thương hiệu Nokia ra thị trường. Nokia sẽ không có cổ phần trong HMD, mà thay vào đó chỉ thu tiền từ việc nhượng quyền thương hiệu và một số công nghệ.

Điều này được trang tin tức Bloomberg đánh giá là một cú đặt cược vào việc người tiêu dùng vẫn còn nhớ đến và tin tưởng thương hiệu Nokia, sau một giai đoạn gần như biến mất khỏi thị trường kể từ năm 2014. Từng một thời giữ vị trí số 1 trên thị trường smartphone, nay Nokia đã phải nhường chỗ lại cho Apple và các dòng điện thoại Android.

Cô Annette Zimmermann, nhà phân tích thị trường smartphone tại công ty Gartner, nhận định: “Có một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường đầy cạnh tranh như lúc này là chưa đủ. Việc muốn thay đổi cuộc chơi và đem lại sản phẩm mới có thể làm người tiêu dùng hứng thú thực sự là khá khó khăn”.

thi phan smartphone toan cau trong q1/2015, theo idc - anh: bloomberg

Thị phần smartphone toàn cầu trong Q1/2015, theo IDC - Ảnh: Bloomberg

Đứng sau HMD là ai?

Vốn của HMD chủ yếu một nhóm các nhà đầu tư vốn sở hữu tư nhân (private equity) mang tên Smart Connect LP, cũng như có phần vốn góp của các thành viên ban lãnh đạo công ty. Giám đốc điều hành HMD hiện nay là Arto Nummela, từng làm quản lý tại Nokia và đang giữ chức trưởng bộ phận thiết bị di động của Microsoft tại châu Á, châu Phi và Trung Đông. Chủ tịch của hãng là Florian Seiche, cũng từng làm việc tại Nokia và Microsoft. Hiện tại, những nhân vật này đều đang từ chối phỏng vấn với báo giới.

Theo kế hoạch, HMD sẽ sản xuất các dòng smartphone chạy hệ điều hành Android, cũng như máy tính bảng (tablet) và điện thoại cơ bản (feature phone). Các thiết bị này sẽ được sản xuất với sự giúp sức của FIH Mobile, một công ty con của Foxconn.

Giám đốc bộ phận nhượng quyền sở hữu trí tuệ của Nokia là Ramzi Haidamus cho biết, HMD sẽ quản lý toàn bộ việc thiết kế, sản xuất và bán hàng, trong khi Nokia sẽ tìm cách bảo đảm là các sản phẩm của HMD tuân theo một số quy chuẩn chung. Ông Haidamus cũng từ chối không cho biết HMD sẽ sản xuất các dòng điện thoại như thế nào và bán ở thị trường nào.

Thử thách phía trước

Hiện tại, 3 công ty Samsung, Apple và Huawei đang cùng nhau chiếm phân nửa thị trường smartphone cao cấp toàn cầu, hiện có tổng doanh số là 334 triệu chiếc trong quý I/2016 vừa qua, theo số liệu từ IDC. Theo cô Zimmermann, HMD chỉ cần bán được 10 triệu smartphone trong năm đầu tiên đã có thể được xem là thành công.

Đây không phải là lần đầu tiên có người thử tìm cách vực dậy một thương hiệu điện tử từng có thời vang bóng. Hồi năm 2004, TCL của Trung Quốc đã mua lại bộ phận điện thoại di động của Alcatel (Pháp), và hiện vẫn đang bán các sản phẩm mang thương hiệu Alcatel OneTouch. Philips của Hà Lan thì bán lại bộ phận sản xuất TV cho TPV Technology (Hong Kong), và các sản phẩm của TPV vẫn mang tên Philips.


Hà Nội: Đưa thương mại điện tử thành hoạt động phổ biến

Những năm gần đây, Hà Nội luôn là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Đây là xu thế tất yếu trên thế giới và được các DN và người dân trên cả nước quan tâm. 

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo đó TP. Hà Nội đang xây dựng và phát triển TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, góp phần thúc đẩy các DN hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

Trên thực tế, các DN trên địa bàn Thủ đô nhận thấy vai trò quan trọng của TMĐT trong hoạt động kinh doanh nên đã chủ động đầu tư phát triển và đã đem lại doanh thu nhất định. Theo đó, các DN đã xây dựng đa dạng các hình thức, thiết lập website TMĐT để bán hàng, hoặc để cho các DN tổ chức khác tham gia bán hàng hóa hoặc dịch vụ trên website của mình, phát triển các kênh bán hàng trực tuyến…

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương, trong quá trình hội nhập, TMĐT có vai trò quan trọng, giúp các DN phát triển thương hiệu, thúc đẩy kinh doanh và tiếp cận với các nguồn thông tin, từ đó có thể tiến hành hợp tác với nhiều đối tác trong lĩnh vực của mình, cùng lợi thế là tiết kiệm được tiền bạc, thời gian cho các DN.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, doanh thu TMĐT (bán lẻ trực tuyến) năm 2014 là 19.404 tỷ đồng, chiếm 4,53% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Con số này năm 2015 là 24.708 tỷ đồng, chiếm 5,33% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Với gần 75% dân số sử dụng internet, và đặc biệt trong đó có tới 58% người dùng internet tiến hành mua sắm trực tuyến, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang trở thành khu vực có tiềm năng lớn về TMĐT, thu hút nhiều DN tham gia và đầu tư.

Mới đây UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT năm 2016 trên địa bàn thành phố nhằm đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến. Một trong những mục đích của Kế hoạch này là giúp DN ứng dụng rộng rãi các loại hình TMĐT như DN - DN (B2B); DN - người tiêu dùng (B2C); DN - Chính phủ (B2G) trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Đồng thời, UBND Thành phố ban hành Chương trình phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT, đưa loại hình này trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình CNH-HĐH đất nước. Đặc biệt, chủ đề trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung phát triển thương mại, dịch vụ thương mại hiện đại, TMĐT và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để phát triển TMĐT theo hướng hiện đại, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; tăng trưởng trung bình hàng năm so với năm trước khoảng 1%.

Hà Nội cũng nỗ lực giữ vững thứ hạng trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số TMĐT hàng năm. Phấn đấu tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 70% số người sử dụng internet trên địa bàn thành phố, đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 2%.

Đồng thời, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Hình thành một số DN kinh doanh dịch vụ TMĐT lớn có uy tín trong khu vực; khuyến khích DN, cá nhân khởi nghiệp kinh doanh bằng TMĐT. Hình thành, phát triển các sàn giao dịch TMĐT xuyên biên giới uy tín…

Để thực hiện mục tiêu, Hà Nội yêu cầu Ban chỉ đạo TMĐT thành phố chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp các cấp, các ngành trực thuộc thành phố, các thành viên Ban chỉ đạo trong công tác phát triển TMĐT trên địa bàn TP. Hà Nội.


Bảo hiểm Việt Nam trong TPP còn yếu

Có thể thấy mặc dù đứng thứ 6 nhưng so với các vị trí dẫn đầu, Việt Nam bị bỏ khá xa. Với thị phần nhỏ, cộng với việc cam kết tự do hóa khá mạnh, Việt Nam dự báo sẽ gặp nhiều cạnh tranh từ các DN bảo hiểm ở các thị trường phát triển hơn.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Để chuẩn bị gia nhập TPP, Việt Nam đã có khoảng thời gian đủ lâu để chuẩn bị cho quá trình gia nhập TPP. Trong đó, năng lực tài chính của các DN bảo hiểm được cải thiện đáng kể (tổng tài sản các DN đạt 201.132 tỷ đồng năm 2015, tăng 3,5 lần so với thời điểm gia nhập WTO 2007 và vốn chủ sở hữu ghi nhận 42.388 tỷ đồng cùng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với 2007). Đồng thời, quy định pháp luật dần xóa bỏ rào cản và phân biệt đối xử đối với các DN bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài để tiến gần hơn đến các thông lệ của quốc tế.

Tuy nhiên, so với các nước thành viên TPP, thị trường bảo hiểm Việt Nam nói về cạnh tranh thì gần như không đáng kể. Cụ thể, sản phẩm bảo hiểm, đầu tư còn đơn giản, chưa phong phú, nguồn nhân lực thiếu cả chất lẫn lượng là một trong những lý do giải thích cho khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia trong khối.

Trong khi đó, các DN nước ngoài, kể cả trong lẫn ngoài TPP hiện nay đang rất chú ý đến thị trường bảo hiểm Việt Nam khi liên tục trở thành cổ đông chiến lược của các DN bảo hiểm phi nhân thọ niêm yết.

Theo ghi nhận của chuyên viên phân tích bảo hiểm công ty chứng khoán Rồng Việt, các mức độ cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN khác nhau đáng kể. Singapore đã đạt tới giai đoạn tự do hóa nhất trong số các quốc gia ASEAN, trong khi Myanmar lại có những hạn chế chặt chẽ đối với phương thức 1, 3, 4 mặc dù gần đây quốc gia này đã điều chỉnh luật và mở cửa với các DN bảo hiểm nước ngoài. Về phần mình, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tự do hóa đối với phương thức 1, 2 và 3.

Tạm tính dựa trên số liệu đến năm 2014 (Myanmar, Lào, Campuchia, Brunei chưa có số liệu cụ thể), trong lĩnh vực phi nhân thọ Việt Nam hiện đứng thứ 6 về tiêu chí doanh số (chiếm 3,7% thị phần) và phí bảo hiểm/đầu người. Tương tự mảng bảo hiểm nhân thọ, Việt Nam cũng giữ vị trí thứ 6 về tiêu chí doanh số (chiếm 2,8% thị phần) và phí bảo hiểm/đầu người.

Không những vậy, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam chỉ ở mức 1,31% trong năm 2014 (tuy nhiên theo số liệu cập nhật 2015 thì tỷ lệ này đã cải thiện lên xấp xỉ 2%). Có thể thấy mặc dù đứng thứ 6 nhưng so với các vị trí dẫn đầu, Việt Nam bị bỏ khá xa. Với thị phần nhỏ, cộng với việc cam kết tự do hóa khá mạnh, Việt Nam dự báo sẽ gặp nhiều cạnh tranh từ các DN bảo hiểm ở các thị trường phát triển hơn.

Đặt trong tương quan so sánh như vậy đế thấy AEC và TPP không phải là “miếng bánh ngọt” đối với một ngành được Việt Nam thực hiện tự do hóa sâu rộng như bảo hiểm, mà thay vào đó là nguy cơ Việt Nam trở thành nước nhập khẩu dịch vụ bảo hiểm từ các quốc gia thành viên.

Vậy nên, hoàn thiện khung pháp lý, chuẩn bị nguồn nhân lực, tăng cường giới thiệu, đưa sản phẩm bảo hiểm vào đời sống của người dân… là những vấn đề Việt Nam cần làm để nâng sức cạnh tranh trên bình diện quốc tế.


Trút bỏ gánh nặng thuế, phí cho DN

Tại nhiều hội nghị về nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, khi được hỏi về lý do tại sao “DN Việt mãi không chịu lớn”, phần lớn các DN đều cho biết, ngoài yếu tố về quy mô, năng lực tài chính hạn chế, họ còn khó cạnh tranh với các DN nước ngoài do phải chịu gánh nặng thuế, phí cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, hiện nay các DN Việt Nam phải dành hơn  40% lợi nhuận để nộp thuế, trong khi đó ở một số nước trong khu vực như Indonesia là 29,7%, Thái Lan là 27,5%, Singapore 18,4% (báo cáo Doing Business của WB)...

dn viet phai chiu thue, phi cao hon nhieu so voi cac nuoc trong khu vuc

DN Việt phải chịu thuế, phí cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực

Thực trạng này được cho là nguyên nhân chính “bào mòn” sức khỏe và khả năng cạnh tranh của DN Việt, khó có cơ hội tích lũy để lớn mạnh, trưởng thành. Về vấn đề này, Giám đốc một DN cơ khí quy mô nhỏ tại quận Thủ Đức đã đưa ra minh chứng cụ thể, mặc dù DN có số vốn vài tỷ đồng và lợi nhuận bình quân hàng tháng không cao, nhưng nếu theo quy định về mức thu phí môn bài chuyển đổi mới thì DN sẽ phải nộp tương đương với mức đóng góp của những DN quy mô lớn (vốn 100 tỷ) hiện hành.

Hay như câu chuyện của một DN vận tải tư nhân có hơn chục đầu xe đang phải rất chật vật cầm cự để tồn tại khi mức thu phí đường bộ với các loại xe vận hành lưu thông trên đường vừa được thay đổi, tăng 25 – 50% so với mức thu cũ... Đó mới chỉ là những khoản thu chính thức được Nhà nước quy định, còn rất nhiều loại phí bôi trơn, phí không tên khác cũng đang góp phần khiến gánh nặng trên vai các DN oằn xuống.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, cần phải đưa ra các giải pháp để nhanh chóng giảm các chi phí chính thức và cả không chính thức cho các DN để đảm bảo an toàn và “khoan sức” cho DN.

Trong đó, ông Lộc cho rằng gánh nặng chi phí mà các DN đang phải chịu là do các cơ chế chính sách thủ tục gây khó, cản trở phát triển, quyền tự do kinh doanh của DN, các khoản đóng góp liên quan đến lao động, phí cầu đường, vận chuyển... cao gấp đôi, gấp ba các nước ASEAN. Đặc biệt, về chi phí vốn, hiện các DN Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất bình quân 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 0,6% năm 2015.

Như vậy, lãi suất thực mà DN đang phải chịu là 7 – 8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Philippines là 2,2%/năm, Malaysia là 2,1%/năm...). Vì vậy, việc rà xét, điều chỉnh, giảm nhẹ gánh nặng thuế phí, chi phí đầu vào cũng như các chi phí hành chính rất cần thiết để DN Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh và trụ vững trong bối cảnh khó khăn, cạnh tranh rất gay gắt hiện nay.

Trước thực tế này, mới đây ngày 16/5/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, đề ra những giải pháp tháo gỡ cụ thể, giao các bộ ngành đưa vào chính sách, thực hiện.

Trong đó, Bộ Tài chính rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của DN, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT, đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp DN giảm chi phí, đặc biệt là với DN kinh doanh dịch vụ vận tải...

Đặc biệt, Bộ sẽ xây dựng báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho DN ngay trong năm 2016, xử lý nợ chậm nộp cho DN gặp khó khăn khách quan, đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN cho DNNVV, giảm 50% thuế TNCN đối với lao động trong một số lĩnh vực CNTT thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản…

Đối với vấn đề hỗ trợ vốn và lãi suất giúp DN giảm chi phí vốn, NHNN Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, nhất là DNNVV tiếp cận vốn tín dụng, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN. Triển khai có hiệu quả chương trình kết nối DN - ngân hàng và chương trình bình ổn giá trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN...

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP. HCM cho biết, nhiều cuộc khảo sát về mong muốn của cộng đồng DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng cơ hội phát triển, hội nhập quốc tế cho thấy, các DN đều rất mong muốn được Chính phủ hỗ trợ trong việc giảm gánh nặng thuế phí, sau đó là các vấn đề có liên quan đến hoạt động phát triển kinh doanh.

Với Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, ông Hưng cho rằng, Chính phủ đã nhắm đến và đưa ra những quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay mà cộng đồng DN đang mong mỏi.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-05-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-05-2016

    Du lịch Việt hồi hộp ngóng tin miễn visa
    Quý I, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su chủ yếu
    Hạt điều tăng giá, nông dân lãi khá
    Ẩn số Mỹ là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam?
    GDP quý 2 sẽ vọt qua 6%?

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-05-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-05-2016

    Chìa khóa giúp châu Á đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững
    VietinBank thoái hơn 50% vốn tại SaigonBank
    Lại thêm lô hàng thủy sản xuất khẩu bị EU cảnh báo
    Giá thép Hòa Phát đã tăng 15,7% từ khi thép Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu
    Đường thiếu, liệu giá có tăng?

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 21-05-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 21-05-2016

    Chờ những nốt thăng trong “bản giao hưởng” FDI từ Mỹ
    Nhà máy lọc dầu Peru nhập hơn 1 nghìn tấn thiết bị xử lý hóa chất “Made in Viet Nam”
    CFO MSN: "Theo tin đồn thì Masan có thể mua Sabeco, Habeco, Tân Hiệp Phát, thậm chí là mua cả Vinamilk, Trung Nguyên"
    31 cổ phiếu vào diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM
    Pilosio Asia Pacific xuất khẩu lô hàng đầu tiên từ Việt Nam

  • Tin kinh tế đọc nhanh 21-05-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh 21-05-2016

    Mua bán và sáp nhập: Không dễ "hóa rồng"
    Nga muốn nâng kim ngạch thương mại với Việt Nam lên 10 tỷ USD năm 2020
    Thách thức của ngân hàng từ tấn công mạng ngang với kiểm soát nợ xấu
    MWG 4 tháng doanh thu nửa tỷ USD, mảng điện máy tăng 200% 
    Hơn 23 tỷ đồng tồn kho cá ngừ và một năm “đóng băng” hoạt động của Thủy sản Việt Nhật

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-05-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-05-2016

    Cần có chiến lược phát triển ngành logistics hội nhập
    Tổng kim ngạch XNK của khối doanh nghiệp FDI đạt 67,78 tỷ USD
    Vẫn tiềm ẩn rủi ro thanh khoản ngân hàng
    Vàng trang sức mở đầu ra, tắc đầu vào
    Đến lượt Suzuki dính bê bối, cổ phiếu lao dốc chóng mặt

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-05-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-05-2016

    Xây dựng thương hiệu riêng cho quế hồi Việt Nam
    Để có 1 triệu Doanh nghiệp
    Tăng sức ép với lãi suất tiết kiệm
    Chất lượng nông sản “xuất ngoại”- ưu tiên hàng đầu
    70% trị giá hàng xuất khẩu trong tay doanh nghiệp nước ngoài

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 20-05-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 20-05-2016

    Chỉ số giá nhà TPHCM lên cao nhất gần 4 năm
    Đức hỗ trợ vốn phát triển điện gió tại Việt Nam
    Ngân hàng Shinhan bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới
    Vụ IPO lớn nhất lịch sử Hàn Quốc dự kiến thu về 4,8 tỷ USD
    Tín dụng TPHCM dự báo tăng 18% trong năm nay

  • Tin kinh tế đọc nhanh 20-05-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh 20-05-2016

    Fed: Sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 nếu số liệu kinh tế cải thiện
    Amata sẽ đầu tư 200 triệu USD vào các KCN Biên Hòa và Long Thành
    Giới tài chính Mỹ sẽ đổ tiền vào Việt Nam sau chuyến thăm của ông Obama?
    TPHCM: Cho thuê văn phòng đạt công suất cao nhất 8 năm
    Thị trường dầu mỏ: Còn quá sớm để nói từ biệt tình trạng thừa cung

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-05-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-05-2016

    Cơn khát bất động sản Mỹ của người Trung Quốc
    Nhật Bản thoát suy thoái
    Jollibee mở thêm 20 cửa hàng trong một năm
    Ngỡ ngàng doanh nghiệp phải nộp tới 39,4% lợi nhuận
    Lỗ 2.000 tỷ đồng, Đạm Ninh Bình phải dừng hoạt động

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-05-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-05-2016

    Thép nhập khẩu vẫn tăng kỷ lục
    Nhà máy Microsoft Việt Nam sẽ thuộc về Foxconn
    Lúng túng tiếp cận vốn
    Tập đoàn TH ký thỏa thuận đầu tư 190 triệu USD vào tỉnh Kaluga (Liên bang Nga)
    Japfa Việt Nam đầu tư 135 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Định