Việt Nam sẽ nhập khẩu than từ Indonesia?; Jack Ma: Alibaba sẽ lớn hơn kinh tế Anh, Pháp trong 20 năm; Gia tăng số thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD; Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố suy thoái kinh tế Nga kết thúc
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-06-2017
- Cập nhật : 16/06/2017
Tổng thống Putin: Kinh tế Nga thoát hiểm ngoạn mục, sẵn sàng tăng trưởng lại
Theo hãng tin Sputnik, trên chương trình Đối thoại Trực tiếp được tổ chức thường niên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tình trạng suy thoái của Nga đã kết thúc và đất nước đang bắt đầu tăng trưởng trở lại.
Tổng thống Putin nói: “Khủng hoảng kinh tế tại Nga đã kết thúc hay chưa? Tôi rất muốn trả lời câu hỏi này một cách tích cực nhất. Tôi thực sự muốn gửi đi một thông điệp lạc quan cho toàn quốc, nhưng cùng lúc đó, các bạn sẽ lo rằng nếu có vấn đề gì đó bất ngờ xảy ra có thể tác động đến nền kinh tế”.
“Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét tình hình dựa trên những dữ liệu khách quan. Và dữ liệu khách quan cho thấy tình trạng suy thoái của nền kinh tế Nga đã chấm dứt và chúng ta đang bước vào thời kỳ tăng trưởng”, Tổng thống Nga nói thêm.
Mặc dù vậy, ông Putin cũng thừa nhận rằng cơ cấu kinh tế cũng như tình trạng năng suất thấp vẫn là những vấn đề chưa được giải quyết của Nga.
“Chúng ta vẫn thấy có những vấn đề tồn đọng trong kinh tế nước Nga, và nó ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân. Chúng bao gồm cơ cấu kinh tế không giúp thỏa mãn nhu cầu của chúng ta, cũng như năng suất thấp trên nhiều ngành. Nếu không thúc đẩy tăng trưởng, việc làm mới sẽ không có và lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ không tăng lên”, Tổng thống Nga cho biết.
Nga đã trải qua một thời kỳ suy thoái kinh tế bắt đầu từ năm 2015 sau khi giá dầu thô giảm cũng như lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga được áp dụng. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Nga, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã giảm 3,7% trong năm 2015 so với năm trước đó.
Vào ngày 18/4, báo cáo Tình hình Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ tăng lên trong năm 2017 và 2018 và sẽ đạt mức 1,4% trong cả hai năm này.
Tổng thống Putin cũng đề cập đến một vấn đề khác của Nga: “Thu nhập của người dân đã giảm mạnh trong những năm trở lại đây. Điều đáng báo động hơn cả đó là số người ở dưới ngưỡng nghèo, những người có thu nhập thấp hơn mức lương trung bình tối thiểu của quốc gia, đã tăng lên”.
Tổng thống Nga cũng nói rằng tình trạng này gần giống với thời thập niên 1990, khi gần 1/3 dân số Nga, tức khoảng 40 triệu người, nằm ở dưới ngưỡng nghèo. Năm 2012 là năm Nga có tỉ lệ dân số nằm ở dưới ngưỡng nghèo là 10,7%, thấp nhất từ trước tới nay.(Infonet)
----------------------------
Cho vay mua nhà, tiêu dùng tăng mạnh
Các khoản vay mua nhà và sửa nhà, vay tiêu dùng tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm. Tín dụng cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so với đầu năm, chiếm 52,8% tổng tín dụng quý 1.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 5 tháng đầu năm 2017, tín dụng tăng trưởng 6,8% so với cuối năm 2016 và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, theo số liệu công bố của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/05 đã đạt mức 6,53%, tăng 0,77% so với cuối tháng 4 và cũng cao hơn mức 5,22% của cùng kỳ năm 2016.
UBGSTCQG cho biết, trong quý 1 tín dụng cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so với đầu năm, chiếm 52,8% tổng tín dụng so với tỷ trọng 49,5% vào cuối năm 2016. Trong khi đó, cho vay tiêu dùng cũng tăng 29,7% trong cùng kỳ.
Cho vay tiêu dùng và cho vay mua nhà để ở tăng mạnh trong những năm gần đây và đang đóng góp quan trọng trong tổng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Một số doanh nghiệp phát triển BĐS cho biết các hợp đồng mua nhà có vay thế chấp hiện chiếm tới 80% hợp đồng bán nhà của một số dự án mới. Đây là mức thông thường theo tiêu chuẩn khu vực nhưng là mức cao đối với Việt Nam. Trước đó, cơ quan quản lý đã thắt chặt những quy định về cho vay đối với người nước ngoài. Lĩnh vực này trước đó vẫn chưa được quy định rõ ràng nhưng hiện chịu kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Và đây cũng có thể là tín hiệu đầu tiên cho thấy sự giám sát tích cực hơn đối với chính sách cho vay mua nhà ở Việt Nam.
Nhìn tổng thể, diễn biến kinh tế vĩ mô đang có những điều kiện thuận lợi để NHNN tiếp tục nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, đặc biệt rủi ro lạm phát đã giảm đi đáng kể sau khi chỉ số CPI lao dốc trong tháng 5 vừa qua. Bên cạnh đó, diễn biến tỷ giá USD/VND cũng khá bình ổn bất chấp các thông tin liên quan đến nhập siêu.(Infonet)
-----------------------
AMD: Tạo hướng đi mới cho ngành đá Việt Nam
Với lợi thế quỹ mỏ trữ lượng lớn, chất lượng đá đẹp, thuận lợi giao thông, ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và khoáng sản AMD Group cho biết, công ty đang lựa chọn hướng đi riêng để đá không chỉ là sỏi đá. Đó là vàng trắng.
Thưa ông, đang hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo, vì sao AMD Group lại lựa chọn sang lĩnh vực khai thác đá?
Trước khi chọn đầu tư sang lĩnh vực này, bản thân tôi và các cộng sự cũng suy nghĩ rất nhiều. Nếu làm trong lĩnh vực truyền thống cũ, AMD sẽ rất khó có được tốc độ tăng trưởng mạnh, nên mở rộng lĩnh vực hoạt động là điều cần thiết. Nhưng mở rộng lĩnh vực nào lại là câu hỏi.
Trong quá trình làm việc với các bên và trải nghiệm thực tế, tôi thấy là, nhu cầu sử dụng đá ốp lát ngày một một lớn, nhất là các dự án cao cấp. Ở Việt Nam gần như phải nhập khẩu 100% loại đá này, với chi phí khá cao, nhưng nếu xét về chất đá, thì không bằng so với một số mỏ đá của Việt Nam đang có.
Trong khi đó, các mỏ đá của Việt Nam hiện nay chất đá tốt, thậm chí tốt vượt trội ở độ chịu lực, độ bền màu, chống thấm nước, và có những gam màu rất đẹp… nhưng công nghệ khai thác thô sơ, lạc hậu, nên đá khai thác được chủ yếu làm đá xây dựng, bán với giá rất thấp.
Tôi cho rằng, tài nguyên quốc gia thì có giới hạn, và thế giới làm được thì mình cũng làm được. Và AMD mất gần 2 năm để nghiên cứu, học hỏi và lựa chọn công nghệ… Giai đoạn rất vất vả, nhưng đến bây giờ thì mọi thứ, từ vận hành sản xuất đến khách hàng đã vào guồng rồi.
Vậy bí quyết tạo ra sự khác biệt trong khai thác mỏ của AMD chính là công nghệ?
Đúng rồi, đó là sự khác biệt của AMD, nhưng chưa đủ. Hiện tại, AMD có 2 nhà máy sản xuất đá và 3 mỏ đá, cùng một số mỏ đá khác đang trong giai đoạn xin cấp phép. Lợi thế đầu tiên của chúng tôi chính là việc lựa chọn và sở hữu thành công các mỏ đá trữ lượng lớn, với chất đá đẹp (gồm cả tiêu chuẩn chất lượng và màu sắc) và vị trí đẹp. Trong mấy năm qua, mọi người cũng nghe đến việc nhiều mỏ đá có chất đá rất đẹp nhưng không thể khai thác được vì vị trí quá cách trở, không có đường. Còn chất lượng đá của AMD thì rất đẹp.
Thêm vào đó, chúng tôi đầu tư công nghệ nên có thể tạo ra sản phẩm đá ốp lát chất lượng vượt trội so với các doanh nghiệp trong nước. Ngay như một mỏ chúng tôi đang khai thác, trước khi AMD vào, mọi người đều cho rằng mỏ này chỉ phù hợp để nổ mìn và làm đá xây dựng thông thường.
Thế nhưng, sau khi đưa công nghệ khai thác hiện đại, dùng máy cắt dây kim cương, chúng tôi cho ra những khối đá có khổ lớn. Sau chế tác, các sản phẩm có màu sắc rất đẹp, mịn và độ bóng cao, khiến ai trông thấy cũng phải ngạc nhiên. Và đặc biệt là độ thấm nước gần như bằng không rất phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam. Công nghệ chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt trong tình huống này.
Nếu khai thác đá theo cách thông thường, đá sẽ chỉ làm đá xây dựng, có tỷ lệ thu hồi đá khối thấp. Khi áp dụng công nghệ hiện đại, các sản phẩm có chất lượng cao, vượt trội về nhiều mặt so với hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, lợi thế của AMD là không phải vận chuyển xa (vì ở ngay Việt Nam), cũng giúp giá cạnh tranh hơn nữa. Thêm vào đó, mọi sản phẩm của quá trình này đều được tận dụng: như đá vụn được bán cho đá xây dựng, bột đá dùng làm gạch không nung và các sản phẩm khác… giúp AMD tối đa được hiệu quả khai thác mỏ.
Hiện nay, giá bán của AMD chỉ bằng 1/2 đến 2/3 giá hàng nhập khẩu, nhưng chất lượng đá thì hơn hẳn.
Vậy xin ông cho biết, thị trường chủ yếu của AMD hiện nay? Đầu tư quy mô lớn có khiến Công ty bị áp lực khấu hao?
Chúng tôi đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho nhà máy sản xuất đá, nên công suất sản xuất là rất lớn. Điều này không tránh khỏi áp lực bán hàng lên hệ thống, nhưng đến thời điểm này, AMD đã ghi nhận được những kết quả rất tốt.
Với thị trường trong nước, AMD hiện đang cung cấp cho các dự án của Tập đoàn FLC, bao gồm FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn; T&T, Ecopark… Hiện tại, một số nhà thầu lớn tại Việt Nam đã bắt đầu sử dụng sản phẩm của chúng tôi thay thế hàng nhập khẩu. Với yếu tố cạnh tranh tuyệt đối về giá và chất lượng, vấn đề duy nhất mà AMD gặp phải là thông tin về việc Việt Nam có loại đá chất lượng tốt như vậy vẫn khá hạn chế, nên chúng tôi phải mất thời gian đi tiếp cận trực tiếp.
Ngoài bán trong nước, AMD cũng đã bán được ra thị trường nước ngoài, trong đó có xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore và Bangladesh. Nếu không có gì thay đổi, trong thời gian tới đây, doanh số từ xuất khẩu của AMD sẽ tăng rất mạnh.(Infonet)
-------------------------
Ba Phó Tổng LienVietPostBank muốn thoái sạch vốn
Mới đây Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) thông báo hàng loạt giao dịch cổ phiếu của nhân sự cấp cao.
Ngày 12/6, Bà Nguyễn Thu Hoa – Phó Tổng Giám đốc đăng ký bán gần 168 nghìn cổ phiếu nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.
Ông Nguyễn Quốc Trung, chồng của bà Nguyễn Thị Gấm – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng cũng đăng ký bán hơn 59 nghìn cổ phiếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân.Hai giao dịch được dự kiến thực hiện từ ngày 16/6 đến 20/6 bằng phương thức thoả thuận.
Ngày 13/6, Ông Kim Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc LienVietPostbank cũng đăng ký bán 138 nghìn cổ phiếu, tương đương 0,02% vốn cổ phần nhằm mục đích giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch được dự kiến thực hiện bằng phương thức thoả thuận từ 19/6 đến 15/7.
Như vậy, tổng số lượng cổ phiếu của các Phó Tổng Giám đốc và người có liên quan đăng ký bán khoảng 365 nghìn cổ phiếu, tương đương gần 0,06% vốn cổ phần của ngân hàng.
Trong một diễn biến khác, ngày 9/6, ông Phạm Doãn Sơn – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã mua thành công 5,18 triệu cổ phiếu theo phương thức mua bán trực tiếp. Qua đó, nâng sở hữu lên hơn 5,32 triệu cổ phiếu; tương đương 0,824% vốn điều lệ LienVietPostBank.
Động thái bán ra cổ phiếu của hàng loạt các nhân sự cấp cao tại LienVietPostBank đang đặt ra câu hỏi về đối tượng đang mua gom cổ phiếu của ngân hàng. LienVietPostBank là một cái tên được giới đầu tư nhắc đến nhiều trong thời gian qua sau việc từ nhiệm của chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT)- ông Dương Công Minh - nhân vật dự kiến sẽ là người ngồi vị trí ghế nóng của Sacombank trong thời gian tới.
Trong lần trao đổi gần đây với báo chí, ông Nguyễn Đức Hưởng - tân chủ tịch HĐQT của LienVietPostBank đã khẳng định không có việc sáp nhập giữa LienVietPostBank và Sacombank như lời đồn đại.(NDH)