Trung Quốc và Nga là hai thị trường du lịch phát triển nhanh nhất của Việt Nam; Trump siết chặt visa dành cho lao động nước ngoài ở Mỹ; Nga giữ dầu của Venezuela làm ‘con tin’; Đầu tư gần 4.000 tỷ đồng xây nhà máy chế biến sữa công nghệ cao tại Bình Thuận
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 12-07-2017
- Cập nhật : 12/07/2017
“Cuộc chiến ngầm” bán hàng giữa những dự án nhà giá rẻ
Nhu cầu thị trường lớn, nguồn cung không nhiều, nhưng trong bối cảnh thanh khoản phân khúc căn hộ đang chững lại, nhiều dự án nhà giá rẻ trên địa bàn Hà Nội hiện cũng đang phải cạnh tranh nhau khá gay gắt.
Là dự án nhà chung cư thuộc phân khúc nhà giá rẻ, có giá bán dưới 20 triệu, nhưng chủ đầu tư dự án Tứ Hiệp Plaza lại quảng cáo hàng loạt các tiện ích cao cấp. Mặc dù vậy, tại đợt mở bán trước đó, để thu hút khách mua căn hộ, chủ đầu tư dự án Tứ Hiệp Plaza vẫn phải đưa ra nhiều chương trình quà tặng để thu hút khách mua nhà.
Tại Hà Nội, Tứ Hiệp Plaza không phải là dự án nhà giá rẻ duy nhấp áp dụng những chương trình quà tặng, thậm chí bổ sung những tiện ích cao cấp cho dự án để thu hút khách mua nhà.
Cụ thể, tại dự án Gemek Premium, một dự án nhà giá rẻ của Geleximco đang trong giai đoạn hoàn thiện, chủ đầu tư áp dụng chương trình hỗ trợ khách mua nhà vay vốn lãi suất 0%.
Tương tự tại dự án Gelexia Riverside, dự án nhà bình dân có giá từ 19 - 20 triệu đồng/m2, do một đơn vị thành viên của Geleximco làm chủ đầu tư, tại các đợt mở bán mới đây, doanh nghiệp còn tặng chuyến du lịch nước ngoài cho khách mua nhà, rồi sau đó là chương trình tặng ô tô. Hoặc nếu có nhu cầu vay vốn, khách được hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% cho đến khi nhận bàn giao nhà.
Ngoài các dự án kể trên, dự án Thanh Hà (quận Hà Đông), dự án Lộc Ninh (huyện Chương Mỹ), cũng gặp nhiều khó khăn trong mở bán căn hộ, dù đây là những dự án căn hộ có giá bán rẻ nhất thị trường…
Theo một số chuyên gia, thị trường căn hộ Hà Nội những tháng cuối năm sẽ sôi động hơn, nhất là phân khúc nhà giá rẻ.
Thế nhưng, những diễn biến trên thị trường hiện nay lại không giống với những dự đoán trước đó, khi các doanh nghiệp làm nhà giá rẻ vẫn phải cạnh tranh với nhau gay gắt từ giá bán, các chương trình ưu đãi, đến những tiện ích phục vụ cư dân, bất chấp nguồn cung nhà giá rẻ hiện nay rất hạn chế.
Trao đổi với BizLIVE, một đại diện doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội còn thận trọng hơn khi đưa ra dự báo với phân khúc nhà giá rẻ trong những tháng cuối năm, khi cho rằng: Việc Vingroup không làm nhà giá rẻ, mà hướng đến đối tượng có thu nhập trung bình cao, có thể khiến nhà giá rẻ gặp khó khăn hơn về thanh khoản.
Cụ thể, theo đại diện này, Vingroup có thể xây dựng căn hộ tầm trung với diện tích nhỏ hơn, với tổng giá trị căn hộ chỉ khoảng 1 tỷ đồng chào bán ra thị trường trong thời gian tới.
“Nếu điều này là sự thực, thì các dự án nhà giá rẻ hiện nay muốn bán được hàng, sẽ tiếp tục phải đưa ra những chương trình ưu đãi mới, mới có thể thu hút được sự quan tâm của người có nhu cầu”, đại điện này nhấn mạnh.(Bizlive)
--------------------
TP.HCM: 6 tháng đầu năm, thu thuế ước đạt hơn 120.000 tỷ đồng
Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2017 của ngành thuế Thành phố ước đạt 120.169 tỷ đồng, đạt 50,30% dự toán năm, tăng 23,30% so cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý số thu từ khu vực kinh tế nhà nước giảm 9,69%, thu được 10.497 tỷ đồng - Ảnh: Huyền Trâm.
Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Lê Duy Minh thông tin con số trên tại hội nghị đánh giá công tác thuế 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2017 của ngành thuế Thành phố ước đạt 120.169 tỷ đồng, đạt 50,30% dự toán năm, tăng 23,30% so cùng kỳ năm 2016.
Được biết, trong tổng số tiền thuế thu được thì khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được 29.177 tỷ đồng, tăng 21,24%, thu từ khu vực doanh nghiệp công thương nghiệp ngoài quốc doanh được 24.831 tỷ đồng, tăng 11,25%.
Đáng chú ý số thu từ khu vực kinh tế nhà nước giảm 9,69%, thu được 10.497 tỷ đồng. Trong đó, thu từ các doanh nghiệp nhà nước Trung ương giảm 7,37%, thu được 7.221 tỷ đồng; thu từ các doanh nghiệp nhà nước địa phương giảm 14,4%, thu được 3.277 tỷ đồng.
Lãnh đạo ngành thuế TP.HCM đánh giá, số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng là do kinh tế Thành phố trong 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển, môi trường đầu tư được cải thiện, lãnh đạo Thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
Thành phố cũng đã tập trung hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Kế hoạch năm nay, Cục Thuế TP.HCM được giao dự toán thu ngân sách nhà nước 238.882 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 226.482 tỷ đồng và thu từ dầu thô 12.400 tỷ đồng.(Bizlive)
---------------------
Lọc dầu Dung Quất tính vay 1,26 tỷ USD mở rộng nhà máy
Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ có tổng vốn đầu tư 1,806 tỷ USD, trong đó vốn chủ sở hữu/vốn vay tối thiểu là 30%/70%, tương ứng phải vay thêm khoảng 1,26 tỷ USD.
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các Bộ ngành liên quan, tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN để xin ý kiến tham vấn thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng công trình dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Đây là dự án Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) vận hành. Công ty này đã có báo cáo Bộ Công Thương về thiết kế tổng thể và dự toán dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Công văn của Bộ Công Thương nhận định dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất là dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí. Việc nâng cấp, mở rộng nhà máy là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hiện nay nhằm đảm bảo cho nhà máy vận hành linh hoạt, ổn định, hiệu quả, có thể chế biến được các loaiị dầu thô khác nhau, đa dạng hoá sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và môi trường hiện tại và tương lai.
Theo tờ trình của Lọc hoá dầu Bình Sơn gửi lên Bộ Công Thương, dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ có tổng vốn đầu tư 1,806 tỷ USD, trong đó vốn chủ sở hữu/vốn vay tối thiểu là 30%/70%, tương ứng phải vay thêm khoảng 1,26 tỷ USD.
Trong đó, vốn chủ sở hữu do PVN cấp, vốn vay từ các nguồn tín dụng xuất khẩu, vay thương mại từ các ngân hàng trong và ngoài nước.
Nhà thầu thiết kế và dự toán xây dựng là Công ty Amec Foster Weecler (AFW) đến từ Vương quốc Anh. Đây là nhà thầu đã tư vấn thiết kế tổng thể cho giai đoạn 1 của Lọc dầu Dung Quất.
Bộ Công Thương cho biết đã thành lập Hội đồng thẩm định thiết kế tổng thể và dự toán xây dựng của Dự án này.
Cũng theo Bộ Công Thương, Lọc hoá dầu Bình Sơn vẫn chưa có đơn vị thẩm tra thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng của AFW. Bộ yêu cầu Lọc hoá dầu Bình Sơn tiếp tục bổ sung để xét duyệt.
Trước đó, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng cho biết việc mở rộng sẽ giúp nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động hiệu quả hơn, giúp sản lượng tổng thể tăng khoảng 30%, cũng như cắt giảm chi phí sản xuất.
"Khi hoàn thành vào năm 2021, nhà máy lọc dầu Dung Quất mở rộng có thể đáp ứng một nửa nhu cầu nhiên liệu của Việt Nam. Hiện công suất hiện tại của nhà máy là 148.000 thùng/ngày, đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu trong nước", ông Giang nói.
Năm 2017, doanh thu được Lọc hoá dầu Bình Sơn đặt chỉ tiêu là 62.400 tỷ đồng, giảm gần 13.000 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế 1.682 tỷ đồng cũng là con số rất khiêm tốn so với năm 2015, giảm gần 3 lần.
Tương tự, nộp ngân sách năm 2017 cũng giảm mạnh còn 7.193 tỷ đồng, trong khi con số này năm 2016 vừa qua là hơn 12.410 tỷ đồng.
Trong khi kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 28 triệu USD, năm 2017 BSR dự kiến không xuất khẩu. Bên cạnh đó, năm 2017, BSR dự kiến sẽ đầu tư thêm khoảng gần 2.000 tỷ đồng.(Bizlive)
------------------------
Doanh nghiệp bảo hiểm đua nhau nới room ngoại
Nới room ngoại đang dần là xu hướng của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) khi hàng loạt các DN như BMI, PVI, PJICO... đề xuất nới room 100% vốn ngoại với kỳ vọng sẽ nâng hạng tín nhiệm và mở rộng thị trường.
Thị trường bảo hiểm đang được xem là có nhiều cơ hội phát triển đặc biệt trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Việc nới room ngoại lên 100% của các DNBH trong nước đang được nghiên cứu triển khai nhưng bước đầu đã thấy những dấu hiểu khởi sắc.
Xu hướng nới room 100%
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2017 của Tổng CTCP Bảo Minh (BMI), một cổ đông đã đề nghị BMI nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư lên 100%. Tuy nhiên, ông Lê Song Lai - Thành viên HĐQT BMI cho biết việc nới room ngoại cần được nghiên cứu kỹ và được Chính phủ phê duyệt.
Mặt khác, hiện nay 2 cổ đông ngoại là Tập đoàn AXA và First Land Company Limited vẫn chưa có kế hoạch nâng sở hữu tại BMI. “First Land lạc quan về thị trường bảo hiểm Việt Nam và sẽ nâng tỷ lệ sở hữu nếu có cơ hội” - ông Kwok Wing Tam, đại diện First Land nói. Hiện tại, AXA và First Land là cổ đông nước ngoài lớn nhất tại BMI, với tỷ lệ sở hữu tương ứng là 16,65% và 5,65%.
Còn với CTCP PVI (PVI Holdings) cổ đông đã thông qua phương án nâng room ngoại lên mức tối đa 100% trong kỳ ĐHCĐ. Để kế hoạch nới room đi vào thực tế, một trong những điều kiện cần là kế hoạch thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại PVI phải được thông qua. Kế hoạch này, theo Tổng giám đốc PVI Bùi Vạn Thuận là đang chờ Chính phủ phê duyệt.
Ghi nhận từ một số doanh nghiệp bảo hiểm đã có cổ đông chiến lược ngoại cho thấy, việc nới room ngoại giúp doanh nghiệp cải thiện thứ hạng xếp loại tín nhiệm quốc tế (rating), yếu tố khá quan trọng đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính-bảo hiểm, đồng thời giúp các hãng bảo hiểm trong nước mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Tại PVI, room ngoại hiện đang ở mức 49% và HDI Global SE là cổ đông ngoại lớn nhất, nắm giữ 37,63% cổ phần có quyền biểu quyết. Trong lần trao đổi với báo chí mới đây, ông Ulrich Heinz Wollschlager - Giám đốc tài chính HDI Global chia sẻ, PVI hoàn toàn có thể trở thành một thành viên quan trọng trong mạng lưới toàn cầu của HDI Global (thuộc Tập đoàn Bảo hiểm Talanx – Đức). Muốn vậy, Talanx phải trở thành cổ đông chi phối của PVI.
Còn tại PJICO, cổ đông chiến lược nước ngoài Samsung Fire & Marine Insurance Co., Ltd (công ty bảo hiểm phi nhân thọ của Hàn Quốc) chưa vội đề cập đến việc nới room, song việc bán cổ phần lần đầu cho đối tác ngoại cũng mang nhiều ý nghĩa với PJICO. Cuổi tuần qua, PJICO đã ký hợp đồng bán 20% vốn điều lệ cho đối tác này.
Theo ông Đinh Thái Hương, Chủ tịch PJICO, một trong những lý do bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là để đạt rating cao. Hiện PJICO đang chuẩn bị các bước cần thiết cho việc nâng hạng rating.
Cơ hội để nâng hạng rating
Thực tế cho thấy, những đóng góp của cổ đông ngoại trong sự phát triển của doanh nghiệp bảo hiểm là rõ ràng, cho dù đi cùng đó là nỗi lo bị thôn tính.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo giới trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch PVI cho hay: “PVI rất muốn có cổ đông ngoại. Sau 5 năm tái cấu trúc (2011-2016), PVI đã chuyển mình từ một công ty bảo hiểm thuần túy thành công ty hoạt động rộng trong lĩnh vực tài chính như ngày nay, trong đó có đóng góp quan trọng của HDI Global. Vì vậy, chúng tôi không ngại bị thâu tóm, mà coi việc có đối tác ngoại lớn tại doanh nghiệp là bình thường, tất cả vì sự phát triển của PVI…”.
Ghi nhận từ một số doanh nghiệp bảo hiểm đã có cổ đông chiến lược ngoại cho thấy, việc nới room ngoại giúp doanh nghiệp cải thiện thứ hạng xếp loại tín nhiệm quốc tế (rating), yếu tố khá quan trọng đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính-bảo hiểm, đồng thời giúp các hãng bảo hiểm trong nước mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Báo cáo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN) cho thấy, quý I/2017, thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng về doanh thu, số lượng hợp đồng khai thác mới, số lượng đại lý tuyển dụng mới…, điều này cho thấy nhu cầu tham gia bảo hiểm của người dân ngày càng cao.
Cụ thể, quý I/2017, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ đạt 12.340 tỷ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ, trong đó, sản phẩm BH cá nhân đạt 12.213 tỷ đồng (tăng 30,24%), sản phẩm bảo hiểm nhóm đạt 127 tỷ đồng (tăng 20%).
Cũng theo HHBHVN, quý I/2017, tổng số tiền bảo hiểm các DNBH đã chi trả bảo hiểm đạt 3.222 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, trong đó, tổng số trả tiền bảo hiểm gốc là 2.225 tỷ đồng, tăng 18,9%, tổng số trả giá trị hoàn lại là 558 tỷ đồng, tăng 16.2%...
Theo số liệu thống kê của HHBHVN, trong 5 năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của ngành bảo hiểm nhân thọ đạt 26% (năm 2015, 2016 đạt mức tăng trưởng trên 30%). Tính đến hết quý I/2017, tổng số lượng hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực cuối kỳ đạt trên 6,5 triệu hợp đồng, tăng 15% so với cùng kỳ (trong đó số lượng hợp đồng khai thác mới tăng đến 30%).
Thị trường bảo hiểm trong tương lai được CTCP chứng khoán SSI đánh giá còn rất nhiều tiềm năng và sẽ vừa là cơ hội và thách thức cho cả doanh nghiệp bảo hiểm trong và ngoài nước.(DDDN)