Giá thuốc hỗn loạn do mua bán lòng vòng
Hàng loạt dự án dùng vốn ưu đãi trước nguy cơ bị hủy vốn
Nông nghiệp khó đạt mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD
Cứ sau một năm, nợ công VN tăng hơn 8 tỉ USD
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt xe sang lên gấp đôi
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-10-2015
- Cập nhật : 09/10/2015
Sản xuất điện gió và điện mặt trời rẻ hơn than đá
Lần đầu tiên chi phí sản xuất điện gió và điện mặt trời ở Anh và Đức đã rẻ hơn chi phí sản xuất điện từ than đá, ngay cả trong điều kiện không có tài trợ nhà nước.
Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của Bloomberg New Energy Finance (Tài chính năng lượng mới Bloomberg) về tình hình khai thác các nguồn năng lượng mới hiện nay.
Theo Washington Post, cụ thể tại Anh và Mỹ, chi phí sản xuất điện gió hiện rẻ hơn nhiều so với nhiệt điện. Trong khi chi phí sản xuất điện gió lần lượt là 85 USD/MWh và 80 USD/MWh thì chi phí sản xuất nhiệt điện ở cả hai nước đều ở mức trên 100 USD/MWh.
Các kết quả nghiên cứu của Bloomberg New Energy Finance cho thấy chúng ta đang tiến ngày càng gần hơn tới một thế giới mà ở đó, việc khai thác năng lượng điện từ gió và ánh sáng mặt trời sẽ tốn ít chi phí hơn việc khai thác năng lượng từ nhiệt điện.
Theo chuyên gia phân tích phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, Seb Henbest, báo cáo nghiên cứu của Bloomberg New Energy Finance đã khảo sát khoảng 55.000 dự án khai thác năng lượng điện trên toàn thế giới, so sánh sòng phẳng tất cả các yếu tố liên quan trong công nghệ sản xuất điện của các dự án để có cái nhìn toàn diện về vấn đề năng lượng.
Theo đó Bloomberg New Energy Finance nhận thấy, trên toàn cầu, chi phí sản xuất điện gió trên đất liền hiện trung bình là 83 USD/MWh (rẻ hơn 2 USD so với nửa đầu năm nay). Chi phí sản xuất điện mặt trời trung bình là 122 USD/MWh (rẻ hơn 7 USD so với nửa đầu năm nay).
Vinafood 2 bị giám sát tài chính
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến về về việc giám sát tài chính năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 của Tổng công ty Lương thực Miền Nam.Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ngay các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), đặc biệt là giám sát về tiêu thụ sản phẩm tồn đọng, thu hồi công nợ phải thu khó đòi, tái cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh (đặc biệt là ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản); công tác thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác theo tiến độ, đề án đã được duyệt và tăng cường quản lý vốn, tài sản và bảo toàn vốn Nhà nước tại tổng công ty này.
Trong nhiều năm, Vinafood 2 làm ăn thua lỗ, làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng vốn nhà nước nhưng vẫn trả lương cao cho cán bộ quản lý
Trước đó, dư luận đã từng sửng sốt với lương lãnh đạo Tổng công ty lương thực miền Nam. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, năm 2011, thu nhập bình quân của 128 nhân viên thuộc khối văn phòng Vinafood 2 đạt 32,9 triệu đồng/tháng, trong đó riêng lương là 11,7 triệu đồng/tháng. Còn thu nhập bình quân của lãnh đạo Vinafood 2 đạt gần 80 triệu đồng/tháng, riêng lương là gần 29 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, đến năm 2014, lương của lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) chỉ còn ở mức 9,3 triệu đồng/tháng (tiền lương) thay vì thu nhập gần 80 triệu đồng/tháng như trước.
Nhiều năm qua, Vinafood 2 gây bức xúc trong dư luận vì thua lỗ, làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng vốn nhà nước song vẫn trả lương cao cho cán bộ quản lý.
Trước đó, báo cáo kiểm soát viên của Vinafood 2 bị rò rỉ cho thấy, trong tổng số 44 công ty thành viên (14 đơn vị trực và 30 đơn vị liên kết, công ty TNHN) thì có tới 19 đơn vị thua lỗ chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013. Số tiền thua lỗ và nợ khó đòi của các đơn vị lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều đơn vị đứng trước bờ vực phá sản, đồng nghĩa với hàng trăm tỷ đồng vốn Nhà nước có nguy cơ bị “bốc hơi”. Số nợ khó đòi lên tới trên 623 tỷ đồng.
Được biết, riêng năm 2014, số lỗ đã lên đến trên 873 tỷ đồng.
Giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam bớt lệ thuộc vào một thị trường nhất định, cụ thể là Trung Quốc.
Bà Virginia Foote (thành viên đoàn đàm phán TPP của Mỹ, nguyên chủ tịch Hội đồng thương mại Việt - Mỹ) - Ảnh: Nguyễn Khánh
Bà Virginia Foote (thành viên đoàn đàm phán TPP của Mỹ, nguyên chủ tịch Hội đồng thương mại Việt - Mỹ) nói:
Là người trực tiếp tham gia quá trình Việt Nam ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Mỹ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nay là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tôi nghĩ hiệp định này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Thứ nhất, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản sẽ được cắt giảm thuế mạnh. TPP còn giúp gia tăng thương mại và nguồn đầu tư, không chỉ từ nước Mỹ. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ sản phẩm “từ sợi trở đi” trong ngành dệt may sẽ là một thách thức to lớn đối với Việt Nam.
Nếu như thành lập các công ty, cơ sở sản xuất dầu thì không cần nhiều hàm lượng công nghệ, nhưng nếu thành lập các cơ sở chế biến những phụ liệu, phụ kiện dệt may ngay trong nước để đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm thì cần vốn đầu tư rất lớn để mua các thiết bị đắt đỏ, thuê kỹ sư, nhân công giỏi.
Thứ hai, giờ các doanh nghiệp Việt Nam phải hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế cao, qua đó các công ty Việt Nam có thể học hỏi nhiều từ các kênh cung ứng hàng hóa. Chẳng hạn Việt Nam sản xuất rất nhiều loại vải nhưng chất lượng chưa cao. Tham gia TPP, các doanh nghiệp này buộc phải nâng cấp công nghệ.
Ngoài ra, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam bớt lệ thuộc vào một thị trường nhất định, cụ thể là Trung Quốc.
Theo tôi, tốt nhất Việt Nam đừng nên phụ thuộc vào một ai cả trong cuộc chơi hội nhập quốc tế hiện nay.
Doanh nghiệp Nhật muốn mua linh kiện, phụ tùng VN
Hơn 150 doanh nghiệp VN và Nhật Bản thuộc lĩnh vực sản xuất phụ trợ công nghiệp đã có buổi kết nối giao thương với đoàn doanh nghiệp Osaka....
Hơn 150 doanh nghiệp VN và Nhật Bản thuộc lĩnh vực sản xuất phụ trợ công nghiệp cơ khí, gia công linh kiện điện tử, máy hàn, máy cắt, tái chế rác thải... đang hoạt động tại VN đã có buổi kết nối giao thương với đoàn doanh nghiệp Osaka, Nhật Bản chiều 7-10 tại TP.HCM.
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại - đầu tư TP.HCM (ITPC), đây là lần đầu tiên đoàn đến VN với mục đích trao đổi thông tin trực tiếp với doanh nghiệp VN cũng như tìm kiếm nhu cầu đối tác mua hàng, nhà cung cấp có khả năng hợp tác sản xuất, phát triển thị trường.
Ông Hideo Toyoshima - giám đốc điều hành Liên đoàn công nghiệp, thương mại Osaka - cho biết sẽ tiếp tục theo dõi kết quả kết nối trong một năm tới. Nếu khả quan, sẽ tổ chức thêm nhiều đoàn doanh nghiệp lĩnh vực phụ trợ trong tương lai.
Bộ Giao thông Vận tải đang thoái hơn 5.700 tỷ vốn Nhà nước
Từ đầu năm 2015 đến nay Bộ đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa 24/24 công ty con thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và 7/7 công ty con thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC).
Cổ phần hóa vẫn đúng tiến độ, đã hoàn thành thoái phần vốn Nhà nước tại 34 doanh nghiệp… Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết tại báo cáo mới nhất về thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.
Khẳng định đến thời điểm hiện tại, công tác cổ phần hóa của Bộ vẫn đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay Bộ đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa 24/24 công ty con thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và 7/7 công ty con thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC).
Đồng thời đã hoàn thành thẩm định báo cáo quyết toán và bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần đối với 26 doanh nghiệp gồm 8 tổng công ty và 18 công ty con.
Phương án cổ phần hóa đối với 4 tổng công ty: Hàng hải Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam cũng đã được trình lại Thủ tướng, sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, báo cáo nêu rõ.
Với phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương, báo cáo cho biết Bộ đã phê duyệt tiêu chí, trình tự để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phương thức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Danh sách nhà đầu tư chiến lược, giá khởi điểm bán cổ phần lần đầu và bán cho nhà đầu tư chiến lược...cũng đã được phê duyệt.
Các bước để tiến hành thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Nam Thăng Long đang được tiến hành, theo Bộ trưởng Thăng.
Vẫn theo báo cáo, để tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khác tham gia sâu vào hoạt động doanh nghiệp, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các khoản đầu tư, tập trung thoái vốn tại các doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, các doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ.
Cụ thể, đã hoàn thành thoái phần vốn Nhà nước tại 34 doanh nghiệp, tổng số tiền thoái vốn thu về là 2.377 tỷ đồng, bằng 148% giá trị mệnh giá.
Hiện tại, Bộ đang triển khai thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 58 doanh nghiệp, tổng giá trị thoái theo mệnh giá là 5.726 tỷ đồng.
Như, bán đấu giá theo lô cổ phần toàn bộ phần vốn Nhà nước tại 6 tổng công ty: Cienco 5, Cienco 6, Vinamotor, Vận tải thủy, Xây dựng đường thủy, Thăng Long, 3 công ty thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, một công ty thuộc Cienco 6, một công ty thuộc Vinamotor, 2 Công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1, 10. Tổng giá trị theo mệnh giá là 1.951 tỷ đồng.
Thông tin từ báo cáo còn cho biết sẽ bán đấu giá công khai toàn bộ phần vốn Nhà nước tại 2 tổng công ty: Cienco 8, TEDI. Tổng giá trị theo mệnh giá là 273 tỷ đồng.
Đến nay, đã tổ chức đấu giá bán toàn bộ số cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tại Cienco 8, sau thoái vốn Nhà nước còn nắm giữ trên 40% vốn điều lệ tại Cienco 8. Bộ đã có văn bản chỉ đạo TEDI lựa chọn tư vấn, xây dựng phương án thoái toàn bộ vốn Nhà nước theo quy định. dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 4/2015, báo cáo nêu.
Đối với việc thoái vốn tại các công ty con thuộc tổng công ty, Bộ đã có văn bản đôn đốc thường xuyên, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Đồng thời, tiếp tục rà soát các đơn vị còn lại thuộc diện Nhà nước không phải nắm giữ cổ phần chi phối để tiếp tục trình Bộ phê duyệt kế hoạch thoái vốn, hoàn thành trong năm 2015.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp, người đứng đầu ngành giao thông cho biết, ngoài 11 tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa theo đúng đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, đối với 9 tổng công ty còn lại, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị bám sát đề án tái cơ cấu, điều chỉnh, bổ sung kịp thời những nội dung không còn phù hợp.