Tháng 12/2015, trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh
Dell chi 67 tỷ USD làm M&A lớn nhất lịch sử ngành công nghệ
Đã thu được 12,39 nghìn tỷ đồng từ thoái vốn DNNN
Cần rà soát toàn diện thị trường phân bón
Khó giữ bội chi ngân sách ở 5% GDP
Tin kinh tế đọc nhanh 11-10-2015
- Cập nhật : 11/10/2015
17.000 tỷ đồng vốn Nhà nước khó thoái khỏi ngân hàng, địa ốc
Cập nhật tình hình cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước với báo chí cuối tuần này, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết từ đầu năm đến nay, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được gần 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 18.000 tỷ đồng vốn Nhà nước chưa thoái được, trong đó lĩnh vực ngân hàng là 11.000 tỷ đồng, bất động sản gần 6.000 tỷ đồng.
Khoản đầu tư của Petro Vietnam vào OceanBank được xem như không còn giá trị sau khi ngân hàng này bị mua lại với giá 0 đồng để xử lý.
Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đánh giá, một số trường hợp cần thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng đã được giải quyết, như khoản đầu tư của Petrolimex cơ bản được xử lý sau khi PGBank sáp nhập vào VietinBank. Còn khoản đầu tư của PetroVietnam tại PVcomBank cũng đang được thoái.
Về kết quả cổ phần hóa, ông Tiến cho biết đến tháng 9, có gần 100 doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, kết quả này mới hoàn thành khoảng một phần ba mục tiêu cổ phần hóa 289 doanh nghiệp của cả năm 2015. Lý giải về sự chậm trễ này, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp cho rằng, cơ chế chính sách cho quá trình cổ phần hóa đã tháo gỡ nhưng vẫn còn sự e ngại từ phía nhà đầu tư. Ông cho biết, nhà đầu tư nước ngoài có vào nhưng đặt bút mua thì chưa nhiều vì còn e ngại về sự công khai, minh bạch thông tin.
Bên cạnh đó, theo ông Tiến, khó khăn trong cổ phần hóa còn đến từ chính lãnh đạo các doanh nghiệp. Nhiều lãnh đạo e ngại mất vị trí, quyền hành. "Lo nhất là với các doanh nghiệp nhiều tồn tại, khi sắp xếp lại sẽ lộ ra những vấn đề gắn với trách nhiệm người đứng đầu", ông Tiến phân tích và đánh giá việc thực hiện cổ phần hóa vẫn còn sự "du di" và "không quyết liệt".
"Cốt lõi là thay đổi tư duy lãnh đạo sau cổ phần hóa, có thể phải thay đổi nhân sự, chấp nhận nguyên tắc thị trường, phải đăng ký trên thị trường chứng khoán để thị trường 'soi'," ông Đặng Quyết Tiến nói.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 87 với những nội dung được kỳ vọng tăng tính minh bạch trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp Nhà nước. Nghị định 87 cho biết, doanh nghiệp Nhà nước có thể bị giám sát tài chính đặc biệt khi có dấu hiệu mất an toàn. Trong đó, "mất an toàn tài chính" được xác định khi doanh nghiệp trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hết giai đoạn lỗ kế hoạch, nếu doanh nghiệp vẫn lỗ từ 30% vốn đầu tư trở lên hoặc lỗ lũy kế hơn 50% vốn đầu tư sẽ bị giám sát đặc biệt.
Đường Hoàng Anh Gia Lai làm tại Lào có thể hưởng thuế 0% khi về nước
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng đưa mặt hàng gạo, đường mía và nguyên liệu lá thuốc lá vào danh mục hàng không phải chịu thuế nhập khẩu theo Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam–Lào.
Theo cơ quan này, đến năm 2018, việc đánh thuế nhập khẩu các mặt hàng nêu trên sẽ được xóa bỏ theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Như vậy, thời gian để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định Thương mại biên giới Việt–Lào không còn nhiều. Trong khi việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với các loại mặt hàng này với Lào là ưu đãi đặc biệt, dựa trên cơ sở truyền thống giữa hai nước.
Đối với mặt hàng đường, theo hiệp định song phương ký với Lào tháng 3/2015, đây là mặt hàng đang được hưởng tưu đãi bằng một nửa thuế nhập khẩu ATIGA (tức khoảng 2,5%) nhưng phía Lào yêu cầu hạ xuống 0%.
Qua tính toán ảnh hưởng của việc hạ thuế xuống 0% đến sản xuất mía đường trong nước, Bộ Công Thương đề xuất chỉ sản phẩm đường được sản xuất theo dự án của nhà đầu tư Việt Nam tại các tỉnh biên giới của Lào được hưởng ưu đãi. Việc này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc nhập khẩu mặt hàng đường có xuất xứ từ Lào nói chung về Việt Nam, đảm bảo lợi ích cho hai nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết đang xây dựng danh mục hàng hóa hưởng ưu đãi thuế suất 0% theo Hiệp định thương mại biên giới Việt-Lào.
"Tuyến biên giới chủ yếu là cư dân địa phương từ Việt Nam sang Lào sản xuất, nuôi trồng. Vì vậy, việc ưu đãi này về hình thức dành cho phía Lào nhưng chủ yếu hưởng lợi là các cư dân biên giới và doanh nghiệp của Việt Nam mang sản phẩm, hàng hóa sản xuất, nuôi trồng về nước", Bộ Công Thương nhận định.
Như vậy, nếu đề xuất này của Bộ Công Thương được thông qua, đường sản xuất của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào sẽ được nhập khẩu về Việt Nam với thuế suất chỉ 0%.
Trước đó, trong nhiều văn bản gửi Bộ Công Thương, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng đường của Hoàng Anh Gia Lai nhập vào Việt Nam với số lượng 50.000 tấn được hưởng thuế suất 2,5% là một ưu đãi đặc biệt, ảnh hưởng đến sản xuất mía đường trong nước. Do đó, VSSA kiến nghị Bộ Công Thương phải siết chặt nhập khẩu, kiểm tra chủng loại để tránh gian lận thương mại.
TPP: Nhiều thông tin DNNN không nhất thiết phải công bố
Minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố sẽ là những nội dung mà doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ phải công bố khi vào TPP.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra những yêu cầu các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường.
Các DNNN cũng không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Đồng thời, Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.
TPP cũng yêu cầu các DNNN phải minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố. Điều đó đồng nghĩa, DNNN không có trách nhiệm phải công bố mọi thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, bí mật kinh doanh của mình.
“Có thông tin cho rằng TPP yêu cầu các DN nhà nước công khai tài chính là không đúng. Không ai bắt DNNN phải công khai, chỉ trừ phi có biểu hiện Nhà nước đang hỗ trợ DNNN quá mức, gây tác động tiêu cực đến thương mại giữa các bên mới phải công khai. Trong đó, thông tin đưa ra là báo cáo tài chính đã được công bố, còn các giao dịch khác, thì chỉ trong trường hợp đặc biệt”, Thứ trưởng Khánh nói.
Theo Thứ trưởng, các nghĩa vụ trên của Hiệp định được áp dụng đối với các DNNN mà ở đó, Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chỉ khi các DNNN này có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều chỉnh của Hiệp định.
Trưởng đoàn đàm phán TPP cũng thông tin thêm, Việt Nam sẽ bảo lưu, loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng - an ninh.
Với các DNNN khác, Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Nhà nước sẽ vẫn hỗ trợ các DNNN nhưng mức hỗ trợ sẽ không gây bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa các nước TPP.
Đồng thời, Việt Nam cũng đồng ý minh bạch thông tin về DNNN khi có yêu cầu, trừ các thông tin ảnh hưởng tới quốc phòng - an ninh hoặc thuộc phạm vi bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp 'được mùa'
Vietnam Airlines lãi hơn 1.300 tỷ đồng trong 9 tháng
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hôm nay công bố kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng, trong đó doanh thu tăng 1.080 tỷ đồng so với kế hoạch. Tổng doanh thu hợp nhất của tổng công ty đạt gần 52.500 tỷ đồng. Lãi trước thuế khả quan hơn dự kiến, với trên 1.300 tỷ đồng.
Đại diện Vietnam Airlines đánh giá, kết quả này có được nhờ các chính sách thúc đẩy du lịch. Trong đó, việc miễn thị thực cho khách du lịch từ 5 quốc gia châu Âu có hiệu lực từ ngày 1/7 giúp tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tác động tích cực tới thị trường vận tải hàng không.Tuy nhiên, hãng vẫn gặp phải một số khó khăn, doanh thu quy đổi ra USD tại một số thị trường trọng điểm suy giảm do sự mất giá của đồng bản tệ (euro, yen Nhật, won Hàn Quốc hay đôla Australia…). Các chính sách liên quan đến thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường; cơ sở hạ tầng sân bay làm hạn chế năng lực khai thác, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ… khiến hãng phát sinh thêm nhiều chi phí.
Trong 9 tháng, Vietnam Airlines thực hiện gần 100.000 chuyến bay, tăng 5% so với cùng kỳ; vận chuyển trên 12 triệu lượt khách - hoàn thành hơn 70% kế hoạch đề ra.
Các đường bay quốc tế và nội địa tăng trưởng tốt, nhất là các đường bay đến khu vực Đông Bắc Á, những tuyến du lịch trọng điểm trong nước. Hãng cũng đã đưa vào vận hành đội tàu bay mới Airbus A350-900 và Boeing 787-9.
Đại diện Vietnam Airlines đánh giá, năng suất lao động sau 3 quý tăng 5,2% so với cùng kỳ. Đây là kết quả của việc hợp lý hóa quy trình sản xuất và linh hoạt sử dụng nguồn lực. Nhờ đó, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân qua các năm luôn xấp xỉ 6% một năm. Với phương án tái cấu trúc nhân sự đang triển khai, dự kiến đến đầu năm 2016, số lao động làm việc cho hãng hàng không này sẽ giảm xuống còn 6.500 người.
Trong quý IV, hãng chú trọng nâng cao chỉ số an toàn, chất lượng dịch vụ để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015. Đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực sẽ được ưu tiên để tiếp nhận và khai thác các tàu bay mới Airbus A350-900 và Boeing 787-9 nhận thêm từ tháng 11. Đại diện hãng cho biết sẽ sớm hoàn thành dự án nâng cấp chất lượng dịch vụ 4 sao trong thời gian tới.