Hyundai trúng gói thầu 320 triệu USD tại dự án Nhà máy hóa dầu Long Sơn; Bắt giữ hơn 100 container “mất tích bí ẩn”; Máy giặt Samsung, LG bị điều tra tại Mỹ: Lo ngại lan truyền sang ngành hàng khác; Mượn tay ngân hàng soi pháp lý dự án
Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-08-2017
- Cập nhật : 07/08/2017
Cục Hàng hải đề xuất cho tàu nước ngoài được vận tải nội địa
Tàu Alpha Gas quốc tịch Panama được xem xét gia hạn vận chuyển nội địa trong 6 tháng.
Cục Hàng hải vừa kiến nghị Bộ Giao thông xem xét gia hạn giấy phép vận tải nội địa cho tàu Alpha Gas quốc tịch Panama từ 1/9/2017 đến hết 28/2/2018 trên tuyến Quảng Ngãi – Hải Phòng – Thanh Hoá – Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Nam – Đà Nẵng – Phú Yên – Cam Ranh – Đồng Nai – TP HCM – Vũng Tàu – Long An – Cần Thơ.
Trước đó, tàu Alpha Gas đã được cấp giấy phép vận tải nội địa, có hiệu lực đến 31/8.Lãnh đạo Cục Hàng hải cho biết, hiện đội tàu Việt Nam vận tải khí hoá lỏng có 13 tàu với tổng trọng tải 34.000 DWT. Trong đó 3 tàu khai thác tuyến quốc tế, 10 tàu tham gia vận tải nội địa. Ngoài ra, trên thị trường vận tải nội địa còn có sự tham gia của 4 tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài.
Hiện nay tổng nhu cầu tiêu thụ LPG trong nước khoảng 1,5 – 1,7 triệu tấn một năm, trong đó khoảng một triệu tấn nhập khẩu về từ Trung Đông, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Trung Quốc. Cuối năm 2017, Nhà máy xử lý khí Cà Mau hoạt động sẽ cho ra sản lượng ban đầu khoảng 100.000 tấn sau đó tăng lên 200.000 tấn mỗi năm. Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang trong quá trình mở rộng công suất đến đến năm 2020, dự kiến sản lượng LPG tăng thêm khoảng 20%.
Do sản lượng sản xuất và tiêu thụ khí không ngừng tăng lên, đội tàu Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải cho kho chứa của các nhà máy. Để đảm bảo kế hoạch vận chuyển khí hoá lỏng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, Cục Hàng hải đã kiến nghị Bộ Giao thông gia hạn Giấy phép vận tải nội địa cho tàu Alpha Gas trong 6 tháng.(Vnexpress)
-------------------------
Chính thức vận hành tuyến vận tải đường bộ nối Trùng Khánh và Bangkok
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, tuyến đường vận tải trên bộ kết nối Trùng Khánh, thành phố trung tâm khu vực Tây Nam của nước này, với thủ đô Bangkok của Thái Lan, đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 5/8.
Tuyến đường có chiều dài 2.700 km, đi qua tỉnh Vân Nam, sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ 30 ngày bằng tàu biển trước đây xuống còn 96 giờ với phương tiện xe tải.
Với tuyến đường mới, linh kiện ô tô được sản xuất tại Trùng Khánh và các địa phương lân cận của Trung Quốc sẽ tới Đông Nam Á nhanh hơn. Ngược lại, các sản phẩm như hoa quả, gạo và gỗ từ các nước trong khu vực sẽ được vận chuyển tới Trùng Khánh một cách hiệu quả hơn, đồng thời gặp được nhiều thuận lợi hơn trong quá trình thâm nhập và mở rộng hoạt động phân phối tại khu vực miền Trung và Tây của nước này.
Trùng Khánh - Bangkok là tuyến trung tâm của hành hành lang đường bộ quốc tế kết nối Trùng Khánh với các nước thuộc ASEAN. Tuyến đường phía Đông đi qua tỉnh Quảng Tây kết nối với Hà Nội đã được khai trương vào tháng Tư vừa qua. Tuyến đường phía Đông, dài khoảng 2.800 km, đi qua tỉnh Vân Nam để tới điểm cuối là cố đô Yangon của Myanmar đang trong quá trình xây dựng.(TTXVN)
---------------------------
Dự án kênh đào Panama gặp trắc trở
Trong một cuộc họp báo, Giám đốc của Tổ chức Ân xá quốc tế phụ trách châu Mỹ Erika Guevar-Rosas tỏ ý lấy làm tiếc về việc chính phủ của Tổng thống cánh tả Daniel Ortega đã không trả lời đề nghị của tổ chức này về một buổi trình bày báo cáo nghiên cứu những tác động của dự án kênh đào nối liền hai đại dương tại Nicaragua đối với kinh tế, xã hội, môi trường Nicaragua.
Người dân Panama chào đón tàu chở hàng Cosco di chuyển qua kênh đào Panama mở rộng ngày 26/6/2016. Ảnh: EPA/TTXVN
Theo tin tức từ Nam Mỹ, Tổ chức Ân xá quốc tế vừa tuyên bố tại Managua rằng sẽ tiến hành một chiến dịch chống lại dự án kênh đào kể trên, với mục đích yêu cầu hủy bỏ luật nhượng lại quyền khai thác 100 năm công trình này cho HKND Group (Trung Quốc). Chiến dịch này trước mắt đã nhận được sự ủng hộ của một số tổ chức nông dân và nhân quyền Nicaragua.
Trước đó, Chính phủ Nicaragua, với sự phê chuẩn của Quốc hội do phe cầm quyền nắm đa số, đã đồng ý cho HKND Group - chủ đầu tư và nhà thầu chính của dự án kênh đào Nicaragua - quyền được khai thác 50 năm và lựa chọn ký tiếp 50 năm nữa.
Theo thiết kế gần nhất, dự án được mệnh danh là công trình hạ tầng cơ sở lớn nhất thế giới, với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 50 tỷ USD và sau đó có thể lên 100 tỷ USD bao gồm một kênh đào dài 276 km, rộng từ 230-280 m, hai hải cảng, một sân bay, hai hồ nhân tạo, hai âu ngăn nước nâng hạ tầu, một khu thương mại tự do và một số tổ hợp du lịch, cùng những công trình phụ trợ khác.
Theo tính toán của HKND, kênh đào có thể đi vào hoạt động sau 5 năm khởi công các công trình quan trọng nhất, gồm có việc đào kênh và xây dựng các âu ngăn thay đổi độ cao mực nước - dự kiến diễn ra vào năm nay sau vài lần trí hoãn. Chính phủ Nicaragua từng bày tỏ hi vọng công trình này sẽ tạo ra 50.000 việc làm. (TTXVN)
-------------------
Nâng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 tăng gấp 3 lần năm 2010
Đó là mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra tại Quyết định số 1137/QD-TTg ngày 3/8/2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Thủ tướng phê duyệt Đề án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới giai đoạn 2016-2020 và 2021-2030, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại thời kỳ 2021 - 2030.
Các mặt hàng ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh gồm nhóm hàng nông, thủy sản, trong đó các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu: Gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hạt tiêu... Nhóm hàng công nghiệp chế biến có các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu: Dệt may; giày dép; đồ gỗ; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...; các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu: Nguyên phụ liệu dệt may, da giày; nhựa và sản phẩm nhựa; phân bón; hóa chất.
Thủ tướng định hướng các nhóm giải pháp thực hiện đề á. Trong đó, tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu; Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu; Phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành có lợi thế xuất khẩu.
Đồng thời, tăng cường vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu Việt Nam; Củng cố và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; Tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm xuất khẩu và thương hiệu doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nâng cao năng lực của các hiệp hội ngành hàng.
Đề án được phân thành 2 giai đoạn thực hiện, cụ thể:
Giai đoạn đến 2020:
Đối với các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để khai thác lợi thế hiện có, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đối với các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu: Tập trung vào các giải pháp tạo ra lợi thế mới nhằm nâng cao khả năng cung nội địa, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường, từng bước đẩy mạnh xuất khẩu.
Giai đoạn 2021-2030:
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu và các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu. (Tapchitaichinh)