Goldman Sachs: Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm nay
Xuất khẩu cá tra sang Anh tăng gần 14%
Dùng 13 tài khoản thao túng giá cổ phiếu NHP từ khi chào sàn, ông Trịnh Công Sơn bị phạt 550 triệu đồng
Tháng Một: Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước thu về 1.517 tỷ đồng
Mua sắm Chính phủ: Hết thời của riêng doanh nghiệp Việt
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-02-2016
- Cập nhật : 04/02/2016
Thống đốc NHNN quyết định các loại giấy tờ có giá giao dịch trên thị trường mở
Thống đốc cũng là người quyết định tỷ lệ chênh lệch giữa giá trị giấy tờ có giá tại thời điểm định giá với giá thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 42/2015/TT-NHNN quy định về nghiệp vụ thị trường mở (OMO), có hiệu lực kể từ ngày 30/4/2016.
Theo đó, Ban điều hành nghiệp vụ thị trường mở thay mặt Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều hành nghiệp vụ thị trường mở theo quy định và có nhiệm vụ, quyền hạn sau: điều hành nghiệp vụ thị trường mở; quyết định định hướng điều hành nghiệp vụ thị trường mở trong từng thời kỳ; xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình điều hành.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân) được công nhận là thành viên nghiệp vụ thị trường mở khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Có tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước; được Ngân hàng Nhà nước cấp mã ngân hàng.
Điều kiện để giấy tờ có giá được chấp nhận giao dịch trên OMO
Các loại giấy tờ có giá được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận giao dịch nghiệp vụ thị trường mở phải có đủ các điều kiện sau:
Một là: Có thể chuyển nhượng và nằm trong danh mục các loại giấy tờ có giá được giao dịch qua nghiệp vụ thị trường mở;
Hai là: Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của thành viên;
Ba là: Được phát hành bằng đồng Việt Nam;
Bốn là: Lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước hoặc lưu ký tại tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam trước khi đăng ký bán giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước;
Năm là: Thời hạn còn lại của giấy tờ có giá trong giao dịch mua, bán có kỳ hạn phải lớn hơn thời hạn giao dịch mua, bán có kỳ hạn theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước; Giấy tờ có giá chỉ được đăng ký bán trước ngày đăng ký cuối cùng thanh toán lãi và gốc giấy tờ có giá đáo hạn.
Thống đốc quyết định loại giấy tờ có giá giao dịch trên OMO
Danh mục các loại giấy tờ có giá được giao dịch nghiệp vụ thị trường mở, tỷ lệ chênh lệch giữa giá trị giấy tờ có giá tại thời điểm định giá với giá thanh toán do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Có 4 phương thức mua hoặc bán giấy tờ có giá gồm mua có kỳ hạn, bán có kỳ hạn, mua hẳn, bán hẳn.
Các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở được thực hiện vào ngày làm việc. Trường hợp ngày mua lại hoặc ngày đến hạn thanh toán của giấy tờ có giá không trùng với ngày làm việc thì việc thanh toán và chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá được thực hiện vào ngày làm việc liền kề tiếp theo và chỉ tính lãi theo thời hạn mua, bán.
Nghiệp vụ thị trường mở là hoạt động NHNN mua vào hoặc bán ra những giấy tờ có giá của chính phủ trên thị trường.
Thông qua hoạt động mua bán giấy tờ có giá, NHNN tác động trực tiếp đến nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, từ đó điều tiết lượng cung ứng tiền tệ và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường.
Hồng Kông tiếp tục là nền kinh tế “tự do nhất thế giới”
Vùng lãnh thổ Hồng Kông giữ vững vị trí nền kinh tế tự do nhất thế giới năm thứ 22 liên tiếp - theo xếp hạng Chỉ số Tự do kinh tế (Index of Economic Freedom). Việt Nam đứng thứ 131 trong xếp hạng này.
Tin từ CNBC cho hay, Chỉ số Tự do kinh tế là một báo cáo thường niên do tờ Wall Street Journal phối hợp với Quỹ Di sản (Heritage Foundation) thực hiện. Chỉ số này đánh giá mức độ tự do kinh tế dựa trên 4 trụ cột chính, gồm quy định luật pháp, chi tiêu chính phủ và tự do tài khóa, hiệu quả của các cơ chế giám sát, và thị trường mở.
Được công bố ngày 2/2, báo cáo Chỉ số Tự do kinh tế cho biết người dân sống ở những nền kinh tế tự do kiếm được thu nhập cao gấp hơn hai lần so với ở các nền kinh tế khác và cũng có tuổi thọ dài hơn.
“Người Hồng Kông có thể tiếp cận dễ dàng hơn với mức lương cao hơn, có tuổi thọ dài hơn, và được sống trong môi trường tốt hơn. Tất cả những điều này đến cùng với tự do kinh tế”, ông Ed Feulner, nhà sáng lập Heritage Foundation, phát biểu.
Xếp hạng chia 178 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào 5 nhóm dựa trên điểm số: nhóm các nền kinh tế tự do (free) gồm các nền kinh tế được điểm từ 80-100; nhóm gần như tự do (mostly free) có điểm từ 70-79,9; nhóm tự do vừa phải (moderately free) có điểm từ 60-69,9; nhóm gần như không tự do (mostly unfree) có điểm từ 50-59,9 điểm; và nhóm không tự do (repressed) có điểm từ 40-49,9.
Trong đó, nhóm thứ nhất có 5 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Hồng Kông (88,6 điểm), Singapore (87,8), New Zealand (81,6), Thụy Sỹ (81), và Australia (80,3).
Nhóm thứ 2 có 33 nền kinh tế, nhóm thứ 3 có 54 nền kinh tế, nhóm thứ 4 có 62 nền kinh tế, và nhóm thứ 5 có 24 nền kinh tế.
Với điểm số 54 điểm, tăng 2,3 điểm so với năm ngoái, Việt Nam đứng ở vị trí 131, thuộc nhóm thứ 4. Có hai nước trong khu vực Đông Nam Á cùng nhóm với Việt Nam gồm Indonesia (vị trí 99) và Campuchia (112).
Các nước Đông Nam Á còn lại gồm Thái Lan (67), Lào (155), Singapore (2), Philippines (70), Brunei (51), Myanmar (158), và Malaysia (29).
Đáng chú ý, 4 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới là Trung Quốc (144), Ấn Độ (123), Nga (153), và Brazil (122) đều cùng nằm trong nhóm 4 với Việt Nam.
Mỹ xếp thứ 11, còn Nhật Bản đứng ở vị trí 22 trong xếp hạng này, cùng thuộc nhóm thứ 2.
Theo báo cáo, điểm tự do kinh tế toàn cầu năm nay là 60,7 điểm, cao nhất trong 22 năm lịch sử của xếp hạng. Năm nay có thêm nhiều quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Myanmar và Philippines thăng hạng so với năm ngoái.
Trong khi đó, có 19 nền kinh tế phát triển bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Thụy Điển chứng kiến điểm số tự do kinh tế suy giảm.
“Với điểm về tự do lao động, tự do kinh doanh và tự do tài khóa giảm đáng kể, điểm số tự do kinh tế của Mỹ giảm 0,8 điểm, còn 75,4 điểm, thấp nhất từ trước đến nay”, Heritage Foundation cho hay.
Hồng Kông từ lâu vốn nổi tiếng về luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh, cánh cửa rộng mở đối với các dòng chảy thương mại và tài chính. Tuy nhiên, gần đây, vùng lãnh thổ này cũng phải đối mặt với một số vấn đề như chưa thiết lập được chế độ chuẩn về số giờ làm việc và một chương trình lương hưu cho toàn thể người dân.
Đối với Việt Nam, báo cáo ghi nhận sự cải thiện trong năm qua ở các yếu tố tự do tiền tệ, tự do đầu tư, tự do tài chính, tự do thương mại và tự do tài khóa.
Cơ hội thương mại và đầu tư cho Việt Nam-Australia trong TPP
Ngày 1/2, tại thành phố Sydney đã diễn ra Diễn đàn Hợp tác công thương giữa Việt Nam-Australia với chủ đề “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)-các cơ hội xúc tiến thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam và Australia."
Diễn đàn do Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển thương mại và đầu tư Australia (AUSTRADE) trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Australia và New Zealand của Đoàn xúc tiến thương mại do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu từ ngày 31/1 tới 5/2, trong đó có việc chính thức ký kết TTP tại New Zealand ngày 4/2.
Tham dự diễn đàn có Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ-Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Australia Trịnh Thị Tâm, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sydney Hoàng Minh Sơn, Trưởng Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Giám đốc điều hành AUSTRADE Bruce Gospe, quyền Thứ trưởng Bộ Thương mại và Ngoại giao Australia Justin Brown, cùng đại diện nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Australia.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng TPP đóng vai trò hết sức quan trọng trong khuôn khổ quan hệ thương mại giữa Australia và Việt Nam vì TPP sẽ bổ sung cho Hiệp định Tự do thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) đang thực thi, giúp cho mức độ mở cửa thị trường của của hai nước này đối với hàng hóa Việt Nam sẽ cao hơn.
Trong khuôn khổ TPP, Australia đã cam kết dành cho Việt Nam 94% dòng thuế được hưởng mức ưu đãi với thuế suất bằng 0%, tương đương 95% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia năm 2014. Ngược lại, cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam cho hàng hóa Australia cũng cao hơn so với các cam kết trong khuôn khổ AANZFTA.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ hy vọng rằng khi TPP sắp được ký kết và có hiệu lực, các cơ hội đầu tư và kinh doanh ở mỗi nước được nâng cao, đặc biệt trong những lĩnh vực mà 2 nước có thế mạnh như ở Australia là công nghiệp khai khoáng, dầu khí, cung ứng than, khí hóa lỏng, các loại hình dịch vụ...
Theo Bộ trưởng, Việt Nam cũng sẽ có thêm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có tiềm năng như dệt may, giầy dép, một mặt hàng nông sản và thủy sản. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía Chính phủ và doanh nghiệp Australia trong các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu lớn như cung cấp dài hạn than nhiệt, khí hóa lỏng.
Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chức năng Australia tạo điều kiện thuận lợi để tăng lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Australia, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.
Theo Giám đốc điều hành AUSTRADE Bruce Gospe, Việt Nam và Australia đã có những hợp tác kinh tế chặt chẽ và TPP sẽ tạo thêm cơ hội giúp hai nước tăng cường quan hệ song phương thông qua thực hiện các cam kết trong hiệp định thương mại này. Hai nước sẽ có cơ hội tốt để trao đổi hàng hóa và dịch vụ, cũng như hỗ trợ các nước thành viên khác trong TPP, qua đó giúp nền kinh tế các nước mạnh lên và hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu.
Ông Gospe cho rằng điều quan trọng nhất là Australia và Việt Nam phải tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Việc thường xuyên trao đổi các phái đoàn cũng như Việt Nam hiện có trên 28.000 sinh viên đang theo học ở Australia là những cầu nối quan trọng giúp hai nước hiểu rõ hơn về những mong muốn của nhau.
Giám đốc điều hành AUSTRADE đánh giá những thách thức đặt ra trong TPP không chỉ với các doanh nghiệp Việt Nam mà còn cả cho doanh nghiệp Australia bởi việc tận dụng được lợi thế trong TPP cũng là một thách thức rất lớn, tuy nhiên cũng có những cơ hội rất lớn bởi vì các nước tham gia hiệp định này cam kết mở rộng thị trường hơn nữa. Ông cho biết Australia sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội trong TPP.
Tại diễn đàn, doanh nghiệp hai nước đã thảo luận sôi nổi về nhiều vấn đề cùng quan tâm như môi trường đầu tư nước ngoài và kinh doanh ở Việt Nam; các kinh nghiệm, cơ hội đầu tư và làm ăn tại Việt Nam và Australia.
Ngoài ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng giải đáp thỏa đáng nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp Australia đang kinh doanh hoặc có ý định đầu tư ở Việt Nam về các chính sách đầu tư, tham gia đấu thầu xây dựng cảng trung chuyển than, nhà máy điện, các vấn đề về kiểm dịch hàng nhập khẩu tươi sống từ Australia... Đa số các doanh nghiệp Australia đều bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam có những chính sách ổn định lâu dài giúp các nhà đầu tư yên tâm làm ăn.
Trong khuôn khổ sự kiện, VIETRADE đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội đồng doanh nghiệp Australia-Việt Nam và Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia.
Trước đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp Australia như Tập đoàn dầu khí Woodside, Công ty khai thác mỏ và năng lượng Rio Tinto.
Ngày 2/2, đoàn lên đường sang New Zealand.
Việt Nam cần tránh bẫy 'đòn bẩy cơ sở hạ tầng'
Khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, nhiều cảng biển của Việt Nam có thể bị tác động tiêu cực.
Trước việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng phi pháp trên biển Đông, gia tăng “quyến rũ” một số nước ASEAN, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, các chuyên gia đã có những phân tích sâu về vấn đề này.
Dưới đây là ý kiến của TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) và TS Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM)
Từ năm 1992, khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiến hành nhiều chương trình phát triển khu vực tiểu vùng sông Mekong (GMS), Trung Quốc đã rất nỗ lực kết nối Vân Nam và sau này cả Quảng Tây vào với các quốc gia khu vực GMS. Xuất phát từ nhu cầu về vốn cơ sở hạ tầng (CSHT) và việc triển khai tiếp các dự án (vốn được thúc đẩy bởi ADB trong hơn 10 năm qua), Trung Quốc đã nêu lên sáng kiến về Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Chúng tôi cho rằng, AIIB có vai trò tích cực trong việc giải quyết “cơn khát CSHT” của khu vực khi ADB và Ngân hàng Thế giới đều chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu khổng lồ này.
Địa kinh tế hướng tâm
Tuy nhiên, khi tham gia vào các dự án CSHT khu vực do Trung Quốc dẫn dắt hoặc cấp vốn, Việt Nam cần tính tới các hệ quả đa chiều.
Thứ nhất, AIIB là công cụ đầu tiên để Trung Quốc hiện thực hóa chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Việt Nam sẽ cân bằng thế nào giữa lợi ích của mình với mục đích của Trung Quốc?
Thứ hai, sự hình thành của các đòn bẩy CSHT có tác động tiêu cực Việt Nam nếu Việt Nam không có các kết nối khu vực hợp lý. Việc hình thành mạng lưới CSHT Đông Nam Á kết nối với Nam Á và với Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) có thể thúc đẩy sự phát triển của Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia nhưng làm suy giảm lợi thế của Việt Nam.
Khi đòn bẩy CSHT hình thành, liệu phân bố địa lý của mạng sản xuất Đông Nam Á có dịch chuyển theo hướng bất lợi cho Việt Nam hay không? Ở một mức độ nhất định, khi CSHT cứng định hình và Việt Nam không kết nối được với hệ thống CSHT của khu vực (tức là các kết nối theo hướng Đông - Tây), lợi thế của toàn bộ mạng lưới CSHT cứng trong nước của Việt Nam sẽ suy giảm.
Các trục CHST đang được đầu tư với số vốn lớn, như cao tốc Bắc - Nam, hệ thống cảng biển nằm dọc hầu như tất cả các tỉnh sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa. Các cảng biển Việt Nam có ưu thế lớn, trong đó có cảng Sài Gòn nằm trong hải trình quốc tế, nhưng hiệu quả quản lý kém, chi phí đắt đỏ, hệ thống logistic thiếu hụt khiến các cảng này không thu hút được hàng hóa từ vùng “hậu cần” là Đông Nam Á lục địa rộng lớn. Hàng hóa từ Lào, Campuchia đang xuất khẩu thông qua các cảng của Thái Lan.
Trong tương lai, khi các cảng khác của Thái Lan được quy hoạch và hoàn thành, khi hệ thống CSHT cứng nối liền từ Côn Minh chạy xuyên qua Lào đến Bangkok, khi thị trường Đông Nam Á nối liền với Nam Á qua trung tâm Myanmar thì các cảng của Thái Lan sẽ có ưu thế rất lớn. Điều này đặt Việt Nam vào một tình thế phải quyết đoán hơn trong việc lựa chọn các điểm tiếp nối CSHT khu vực sao cho không bị đầu tư dàn trải, lãng phí. Tức là tránh hiệu ứng “lock-in” (khóa, ngừng) của CSHT.
Cần nhận thức rằng, tầm quan trọng của CSHT không phải là để có một con đường chạy qua hay có nhiều hơn các nhà máy điện; tầm quan trọng của các dự án CSHT là phải tạo ra tác động lan tỏa về kinh tế và phúc lợi cho các khu vực nằm dọc theo các dự án CSHT ấy. Vì vậy, song song với việc quy hoạch CSHT, việc quy hoạch chính sách ngành cũng rất cần thiết. Một hệ thống CSHT hiệu quả cuối cùng phải thực sự là hệ thống lan tỏa về công nghệ và tri thức.
Địa chiến lược ly tâm
Các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực tạo ra một xu thế địa kinh tế hướng tâm vào Trung Quốc, đồng thời tạo ra sự ly tâm về địa chiến lược trong lòng ASEAN. Điều này là một áp lực rất lớn đối với Việt Nam. Nằm ở khu vực trung tâm của 3 cuộc cạnh tranh chiến lược lớn của thế kỷ 21: chiến lược tái cân bằng của Mỹ, chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, “Một vành đai - Một con đường” của Trung Quốc, ASEAN đang đứng trước tình thế lựa chọn phức tạp nhất từ sau Chiến tranh Lạnh.
Đối với Trung Quốc, cạnh tranh chiến lược tại ASEAN trở thành một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong nhiệm kỳ lãnh đạo mới. Với việc kinh tế Trung Quốc và ASEAN đã có sự gắn kết và gia tăng mạnh từ khi ACFTA (Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc) được ký kết, Trung Quốc chỉ cần gia tăng được ảnh hưởng chính trị tại khu vực để cạnh tranh với Nhật Bản và Mỹ.
Trung Quốc đang thi hành chính sách “nước đôi” với ASEAN. Một mặt, quốc gia này mở đợt “tấn công quyến rũ” mới sau khi vốn liếng của đợt “tấn công” đầu (giai đoạn 1997-2008) suy giảm mạnh sau các hành động gây hấn của nước này tại biển Đông. Để thực hiện điều này, Trung Quốc tăng cường các cơ chế hợp tác đa phương với ASEAN, như cơ chế ASEAN+1, ASEAN+3, các diễn đàn ARF, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, ký hiệp định thương mại tự do với cả khối, giải quyết các vấn đề GMS, đề xuất “Một vành đai - Một con đường”, thúc đẩy đàm phán và ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực…
Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục sử dụng chính cơ chế đồng thuận của ASEAN để ngăn cản các nước ASEAN này trở thành một tiếng nói chung chống lại các lợi ích của Trung Quốc. Một xu thế đáng chú ý là Trung Quốc đang xây dựng các cơ chế hợp tác của riêng mình để cạnh tranh với ASEAN, như diễn đàn quân sự Hương Sơn để cạnh tranh với diễn đàn Shangri-La…
Bộ Tài chính: Thu ngân sách từ dầu thô giảm gần 66% trong tháng 1/2016
Tổng thu ngân sách Nhà nước trong tháng 1/2016 bằng khoảng 95% so với cùng kỳ năm 2015 trong đó riêng nguồn thu từ dầu thô đã giảm gần 66% so với cuối tháng 1/2015.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, trong tháng Một, số thu ngân sách ước đạt 102.600 tỷ đồng, bằng 10,1% dự toán và tương đương 95% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số này, thu nội địa ước đạt 93.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối tháng 1/2015. Theo đánh giá của đại diện ngành tài chính, các khoản thu quan trọng đều đạt khá và cao hơn cùng kỳ năm 2015, như: thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 14,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,7%; thuế thu nhập cá nhân tăng 20%...
Tuy nhiên, riêng với số thu từ dầu thô, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, con số này mới đạt 3.200 tỷ đồng, bằng 5,9% dự toán và giảm 65,7% so với cùng kỳ năm trước.
"Nguyên nhân do giá dầu thô trên thị trường giảm, xoay quanh mức 30 USD/thùng. Do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu của Việt Nam bình quân trong tháng 1/2016 ước khoảng 38 USD/thùng, giảm 22 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán," báo cáo của ngành tài chính chỉ ra.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng Một cũng giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước khi chỉ đạt khoảng 17.800 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân tình trạng này theo lãnh đạo Bộ Tài chính do kim ngạch của một số mặt hàng nhập khẩu có đóng góp số thu lớn giảm như: ôtô nguyên chiếc giảm 55,9% về trị giá; sắt thép các loại giảm 20,9% về trị giá; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 4,8% về trị giá,....
Về chi ngân sách, đại diện Bộ Tài chính thống kê, con số này ước đạt 107.860 tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán. Bội chi ngân sách Nhà nước trong tháng Một qua đó được tính toán khoảng 5.260 tỷ đồng.