tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 08-02-2016

  • Cập nhật : 08/02/2016

Kim ngạch xuất khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,1 tỷ USD

che bien gao xuat khau. (anh: dinh hue/ttxvn)

Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)


Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong tháng 1/2016, các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xuất khẩu đạt 1,09 tỷ USD, bằng 7,6% kế hoạch.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của vùng là thủy sản, gạo, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ... Năm 2016, toàn vùng có kế hoạch xuất khẩu đạt 14,34 tỷ USD, tăng 1,14 tỷ USD so với năm 2015.

Để đạt được kế hoạch xuất khẩu nói trên, ngay từ đầu năm, các tỉnh trong vùng đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao sản lượng và giá trị các mặt hàng xuất khẩu. Các địa phương đã giao cho ngành công thương tăng cường lập kế hoạch cụ thể từng danh mục sản phẩm xuất khẩu theo từng tháng, từng quý, rà soát nhu cầu thị trường, tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới.

Đặc biệt, các tỉnh rất quan tâm trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh như: tăng cường cải cách thủ tục hành chính, quan tâm đầu tư cho vay vốn để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tập trung đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh...

Hàng tháng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh đều tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp từ 1-2 lần để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của vùng là gạo và thủy sản nhưng thời gian qua, cả 2 mặt hàng nói trên đều có xu hướng xuất khẩu sụt giảm cả về giá trị và sản lượng do phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước trong khu vực đồng thời bị ảnh hưởng của việc áp thuế chống phá giá, các rào cản kỹ thuật, nhất là đối với các mặt hàng thủy sản chế biến...

Để tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản chế biến trong thời gian tới, các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân cũng như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần tuân thủ nghiêm các biện pháp kỹ thuật, các quy định về việc sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa gạo và trong nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu, kiên quyết không để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn còn tồn đọng trong sản phẩm.

Năm 2015, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã xuất khẩu được 13,2 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm trước./.


Chính phủ chỉ đạo chủ động dự báo diễn biến giá dầu

chinh phu chi dao chu dong du bao dien bien gia dau

Chính phủ chỉ đạo chủ động dự báo diễn biến giá dầu


Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016. Theo đó, Chính phủ nhất trí đánh giá, trong tháng 1/2016, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, sản xuất công nghiệp tăng.

Tổng cầu và sức mua được cải thiện, khách quốc tế đến Việt Nam tăng tăng so với cùng kỳ. Thu hút và giải ngân vốn FDI, ODA và vốn vay ưu đãi đạt khá, hoạt động phát triển doanh nghiệp chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, kinh tế thế giới phục hồi chậm,giá dầu thế giới giảm mạnh ảnh hưởng đến kinh tế nước ta, nhất là thu ngân sách Nhà nước.

Trên cơ sở đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì chủ động dự báo về biến động giá dầu thô thế giới, phân tích đánh giá tác động, xây dựng báo cáo các phương án và giải pháp cân đối thu chi ngân sách nhà nước.

Đồng thời, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa, dịch vụ, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá theo quy định. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ Công thương tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán 2016.


Indonesia rà soát cuối kỳ về thuế chống bán phá giá thép cán nguội Việt Nam

thep can nguoi nhap khau tu viet nam bi indonesia ap thue chong ban pha gia tu 12,3% - 27,8% tu nam 2013 den nay

Thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam bị Indonesia áp thuế chống bán phá giá từ 12,3% - 27,8% từ năm 2013 đến nay


Uỷ ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) vừa thông báo tổ chức phiên điều trần liên quan vụ việc rà soát cuối kỳ về chống bán phá giá thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo thông tin từ Phòng xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài – Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Cục này đã nhận được thông báo từ Uỷ ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) gửi Bản thông tin về các dữ liệu quan trọng (Essenstial Facts) và thông báo tổ chức phiên điều trần liên quan đến vụ việc rà soát cuối kỳ về chống bán phá giá thép cuộn cán nguội (CRC/S) nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Phiên điều trần dự kiến sẽ diễn ra thứ 2, ngày 15.2.2016 tại Jakarta (Indonesia) sẽ là cơ hội để các bên liên quan trực tiếp nêu lên các quan điểm, lập luận liên quan về vụ việc này.

Bản đệ trình được cho biết thực hiện dưới dạng mật và không bảo mật liên quan đến Bản thông tin về các dữ liệu quan trọng (Essential Facts) phải được gửi đến KADI trước ngày 11.2.2016.

Trước đó, các sản phẩm thép cán nguội (CRC/S) của Việt Nam và 4 quốc gia và vùng lãnh thổ nêu trên thuộc các mã HS: 7209.16 .00.10, 7209.17.00.10, 7209.18.99.00, 7209.26.00.10, 7209.27.00.10, 7209.28.90.00, 7209.90.90.00, 7211.23.90.90, 7211.29.90.00, và 7211.90.10.00 bị nguyên đơn là Công ty PT Krakatau Steel kiện ra KADI, và các sản phẩm này đã bị KADI khởi xướng điều tra vụ việc ban đầu vào năm 2011, ra quyết định áp thuế vào năm 2013 với mức thuế dành cho doanh nghiệp Việt Nam là từ 12,3% - 27,8%.

Lần gần đây nhất, KADI khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ với các sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam và 4 nước và vùng lãnh thổ là ngày 4.9.2015.


Morgan Stanley: Đừng mong giá dầu lên 70 USD trước năm 2018

morgan stanley: dung mong gia dau len 70 usd truoc nam 2018

Morgan Stanley: Đừng mong giá dầu lên 70 USD trước năm 2018


Morgan Stanley đã hạ triển vọng giá dầu, dự báo rằng giá dầu sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian dài nữa bởi sự mất cân đối giữa cung và cầu nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong ít nhất 2 năm tới.

Ngân hàng này đã hạ mức dự báo trung bình của dầu Brent trong năm 2016 từ 49 USD/thùng xuống 30 USD/thùng. Morgan Stanley cũng dự báo rằng vào năm 2017, khi cung vẫn vượt cầu, giá dầu sẽ khởi đầu ở mức 40 USD/thùng trước khi kết thúc năm với mức 50 USD/thùng. Đến năm 2018, giá dầu được dự báo sẽ đạt mức 70 USD/thùng.

Nhà phân tích Andrew Sheets của Morgan Stanley cho rằng để cân bằng lại thị trường dầu mỏ, nguồn cầu cần được tăng lên bởi sản lượng của các nhà sản xuất không có dấu hiệu giảm đi. Thách thức nằm ở việc nhu cầu đang tăng trưởng chậm. Khi kết hợp các số liệu độ trễ và thời vụ, Morgan Stanley cho rằng thị trường có thể sẽ chỉ cân bằng trở lại sớm nhất là vào giữa năm 2017.

Ông Sheets cho biết bất kỳ sự hồi phục nào cũng đều cần quá trình 3 bước: giảm cung – tăng cầu, giảm lượng hàng tồn kho và cho phép các nhà sản xuất phòng ngừa rủi ro một cách tự nhiên.

Trong phiên giao dịch ngày 4/2, giá dầu đã hồi phục lên mức 35 USD/thùng, sau khi đã tăng 7% trong các phiên trước đó. Sự hồi phục này là nhờ việc đồng USD yếu đi đã bù đắp những lo ngại về dư cung và lượng hàng tồn kho kỷ lục của Mỹ.

Sau khi một quan chức Iran gợi ý một cuộc họp giữa các nhà xuất khẩu dầu mỏ, thị trường đã phục hồi trở lại sau khi giảm hồi đầu năm. Mặc dù còn nhiều hoài nghi về độ khả thi của cuộc họp nhưng các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã có những hành động để trợ giá mặt hàng này.

Ngày 4/2, giá dầu Brent tăng 62 cent lên mức 35,68 USD/thùng. Giá tăng 30% sau khi giảm xuống 27,10 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 11/2003. Dầu WTI cũng tăng 1,11 USD lên mức 33,41 USD/thùng.

Nói đến tác động của giá dầu thấp tới các tài sản khác, Morgan Stanley dự báo rằng đồng tiện tại các quốc gia sản xuất dầu mỏ sẽ yếu đi, đặc biệt là đồng Đô la Canada và đồng Krone Na uy. Các nước xuất khẩu các mặt hàng khác như Australia và New Zealand cũng sẽ dần bị ảnh hưởng.


Việt Nam ký kết TPP mở ra cơ hội cho ngành nuôi cá tra

che bien ca tra xuat khau. (anh: an hieu/ttxvn)

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)


Hiện nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã vươn tới thị trường của hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng sau thời gian tăng trưởng mạnh không ít người nuôi cá tra buộc phải “treo ao” vì nhiều lý do. Tuy nhiên, việc Việt Nam ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng này.

An Giang là một trong những địa phương có diện tích nuôi cá tra hàng đầu cả nước với sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt hơn 240.000 tấn.

Trước những yêu cầu mới từ các thị trường khắt khe ở nước ngoài đang trở thành động lực để các doanh nghiệp nuôi thả cá tra thay đổi phương thức nuôi và chế biến thích ứng với yêu cầu của khách hàng. Chính vì vậy, ngành nuôi thả và chế biến cá tra ở An Giang đang tập trung nâng cao vị thế ở thị trường nuôi trồng thủy hải sản trong nước và thế giới.

Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, Ủy viên thường trực Hiệp Hội cá tra Việt Nam, hiện nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã vươn tới thị trường của hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng thị trường châu Âu và Hoa Kỳ chiếm khoảng 50%. Hoa Kỳ là thị trường thủy sản lớn nhất của Việt Nam , chiếm khoảng 22% thị phần trong năm 2014. Có thể nói, đầu ra chính của cá tra là xuất khẩu.

Chỉ tính riêng tỉnh An Giang, diện tích nuôi cá tra năm 2015 là 1.223 ha, tăng 16 ha so với cùng kỳ; trong đó, diện tích vùng nuôi của doanh nghiệp 641 ha, chiếm 52%, tăng 16,59% so với cùng kỳ. Trong khi đó, diện tích ao nuôi của người dân đang giảm dần, nhiều hộ treo ao hoặc chuyển sang nuôi các giống khác do đầu ra cho cá tra hiện đang gặp khó. Ở thời điểm này giá cá tra nguyên liệu dao động ở mức 17.200 đồng đến 18.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ nặng.

Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe và những trói buộc về quy trình sản xuất, vận chuyển và hàng rào thuế của thị trường Hoa Kỳ đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở An Giang. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội hiếm có để các doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng của sản phẩm xuất khẩu.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao khi tới đây Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ áp quy chuẩn mới về cá tra xuất khẩu vào thị trường này, theo ông Lê Chí Bình, Nhà nước cần quy hoạch lại vùng nuôi và mạnh dạn trao quyền cho Hiệp hội Cá tra Việt Nam trong vấn đề quy hoạch vùng nuôi cũng như các đầu mối xuất khẩu cá tra; tạo nên sự thống nhất từ chất lượng, sản lượng, đến xuất khẩu... tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Có như vậy, ngành cá tra Việt Nam mới cạnh tranh được với các nước khác và phát triển bền vững được.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần quản lý tốt hơn từ vùng nuôi đến chất lượng con giống; xây dựng cá tra trở thành thương hiệu uy tín. Một lưu ý nữa là người nuôi phải thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhà chế biến và người tiêu dùng, thực hiện tốt Nghị định 36 và các tiêu chuẩn quốc tế khác.

Ông Nguyễn Văn Trường, ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, hiện giá bán cá tra tại ao là 17.200 đồng/kg, người nông dân đang lỗ ít nhất 5.000 đồng/kg. Trong khi đó người dân hoàn toàn tự “bơi” trong tìm đầu ra cho con cá tra do doanh nghiệp chế biến quyết định, trong khi chưa có hợp đồng mang tính chất ràng buộc giữa người nuôi cá và doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc hình thành các chuỗi liên kết đối với ngành chăn nuôi cá tra là một tín hiệu vui nhưng hiện tại người nông dân vẫn khó tham gia vào các chuỗi liên kết này. Sau hai năm, tỉnh An Giang mới triển khai được một mô hình chuỗi liên kết nhưng số nông dân được hưởng lợi cũng rất ít; phần lớn người nuôi cá tra không được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi về vốn vay của nhà nước. Doanh nghiệp không mấy “mặn mà” mở rộng quy mô chuỗi liên kết cho người nông dân tham gia…

Thống kê từ Tổng cục Thủy sản cho thấy, sản lượng thu hoạch cá tra của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2015 khoảng 1 triệu tấn, giảm 5%, xuất khẩu đến tháng 10/2015 đạt 1,306 triệu USD, giảm 10% so với năm 2014.

Theo ông Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, ngành cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bộc lộ nhiều yếu kém ở nhiều khâu, như giống chất lượng thấp, tỷ lệ sống thấp; vùng nuôi quy hoạch chưa ổn định, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh, cũng như tác động môi trường; khâu chế biến, xuất khẩu yếu trong chiến lược cạnh tranh, tranh giành nội bộ trong nước gay gắt, cạnh tranh trên thị trường quốc tế kém và đang gặp vấn đề về quản trị chất lượng.

Kênh phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn yếu kém, thiếu hiểu biết về khách hàng, phụ thuộc vào nhà phân phối trung gian. Điều này gây bất lợi cho người nuôi cá tra cũng như làm cho con cá tra của Việt Nam khó xâm nhập thị trường thế giới trong bối cảnh gia nhập TPP sắp tới.

Để phát triển bền vững, ngành các tra Việt Nam cần cơ cấu lại thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một, hai thị trường; các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến cá tra cần tập trung, tránh sự phân tán, dàn trải; cần có sự phân khúc thị trường với các sản phẩm cho từng thị trường cụ thể; thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Cùng với đó là sự đa dang hóa cơ cấu sản phẩm, phát triển thị trường, thúc đẩy gia tăng nhu cầu ở thị trường trong và ngoài nước thông qua các hoạt động quảng bá. Đồng thời nâng cấp hệ thống sản xuất, quản trị từ khu vực nuôi, chế biến và phân phối thông qua đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư và tái đầu tư. Mặt khác, thúc đẩy hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp; tiến hành nghiên cứu thị trường, định vị sản phẩm và xây dựng thương hiệu, hợp tác xây dựng các khu vực quảng bá, trưng bày, khu vực chế biến trình diện sản phẩm mới.

Ông Trần Anh Thư, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhận định, trong bối cảnh Việt Nam vừa chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định TPP vừa được ký kết, một số mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam nói chung; trong đó có An Giang sẽ gặp khó khăn, nhưng vẫn có nhiều mặt hàng có lợi thế. Nhất là với cá da trơn Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế so sánh rất lớn vì các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi để nuôi cá da trơn với chi phí thấp, người nông dân có nhiều kinh nghiệm, các hạ tầng phục vụ cho nuôi cá da trơn cũng tương đối ổn định.

Tuy nhiên, cái bất lợi là doanh nghiệp Việt Nam lâu nay chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng thương hiệu Quốc gia cũng như chất lượng sản phẩm, dẫn đến giá bán trên thị trường quốc tế giảm. Vấn đề đặt ra với con cá da trơn đối với tỉnh An Giang cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là cần xây phải dựng một quy trình bài bản từ con giống đến vùng nuôi; xây dựng thương hiệu gắn với xuất khẩu…

Năm 2016, trước cánh cửa hội nhập quốc tế sâu rộng, Hiệp định TPP được ký kết sẽ đem lại những lợi ích, cơ hội lớn cho xuất khẩu ngành thủy sản nói chung và ngành cá tra nói riêng. Nhưng c ơ hội bao giờ cũng đi cùng với thách thức. Nếu người nuôi cá tra và các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam không đổi mới cách nghĩ, cách làm có thể thua trên "sân nhà". Để bước vào một sân chơi lớn, các doanh nghiệp cần phải thay đổi định hướng kinh doanh, sản xuất cái mà thị trường cần chứ không phải sản xuất cái chúng ta có.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, thông thoáng mang tính ràng buộc cao giữa nông dân - người nuôi cá với doanh nghiệp nhằm khuyến khích nông dân tham gia vào các chuỗi liên kết hoặc tổ hợp tác để liên kết với doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ đầu tư thức ăn, vốn, còn nông dân sẽ giao cá nguyên liệu đạt chất lượng xuất khẩu.

Hiện nay, sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị vùng Đồng bằng sông Cửu Long là mô hình mới, mang lại lợi ích cho những hộ nuôi nhỏ lẻ cũng như doanh nghiệp. Theo đó, cả hai bên đều an tâm trong quá trình nuôi, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho mình. Tuy nhiên, để chuỗi giá trị này đạt được lợi ích cao nhất đòi hỏi đôi bên phải tuân thủ nghiêm túc hợp đồng ký kết, có như vậy mới đảm bảo được tính bền vững.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 10-02-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 10-02-2016

    Phong thủy kinh tế năm Khỉ
    Xuất khẩu cá cảnh của TP HCM đạt 11 triệu USD
    Chuyện lạ của cà phê hòa tan
    Khi 3.000 tỷ USD là chưa đủ
    “Địa chấn” ở Nhật Bản: Nikkei mất 900 điểm, lợi suất trái phiếu bằng 0

  • Tin kinh tế đọc nhanh 10-02-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh 10-02-2016

    Trung Quốc sắp mất vị trí nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới về tay Việt Nam
    Xuất khẩu chè giảm do thiếu quy hoạch
    Không bao giờ dầu trở lại 100 USD/thùng?
    Iran không nhận tiền bán dầu bằng USD
    Nga cố gắng huy động vốn trên thị trường quốc tế

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-02-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-02-2016

    Ngành Hải quan phấn đấu thu vượt 2,2% dự toán NSNN
    2016 và những thách thức ngổn ngang cho ngành dệt may
    Việt Nam cần thận trọng với "bẫy" lao động gia công, lắp ráp
    Vì sao xuất khẩu gạo tăng đột biến?
    Xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ nhiều khởi sắc

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-02-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-02-2016

    Nhu cầu vốn đầu tư công trong trung hạn cần hơn 10.975 tỷ đồng
    Động lực mới từ Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ
    TPP là cơ hội để Việt Nam "lớn lên"
    Phút lặng của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
    Cải thiện môi trường kinh doanh: Không dừng lại!

  • Tin kinh tế đọc nhanh 09-02-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh 09-02-2016

    Big C Thái Lan được bán với giá 3,5 tỷ USD
    Trung Quốc: Cảnh báo tình trạng "bong bóng" bất động sản
    "Ăn chắc, mặc bền" từ phân khúc nhà ở giá rẻ
    Ông Trần Ngọc Quang: BĐS Phú Quốc sẽ gặp nhiều thách thức
    Việt Nam xếp thứ 32 trong danh sách “những quốc gia tốt nhất”

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-02-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-02-2016

    2016-2020 chỉ tập trung đầu tư cho 9 KKT cửa khẩu trọng điểm
    Minh bạch hóa trong việc thu hút, quản lý và sử dụng ODA
    Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm gần 100 tỷ USD
    Ngành thép EU Kêu cứu vì “người khổng lồ” Trung Quốc
    Apple đóng phạt 347 triệu USD tiền trốn thuế tại Ý

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối  07-02-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-02-2016

    Những trăn trở của vị "tư lệnh" ngành thanh tra
    AEC là một cơ hội
    Bộ Công Thương: Không “bỏ ngỏ” bất kỳ thị trường nào
    BVSC: Việt Nam tiếp tục hút vốn ngoại nhờ AEC và TPP
    Ấn Độ thẩm tra tại chỗ vụ chống bán phá giá gỗ tấm Việt Nam

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-02-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-02-2016

    Sập mỏ vàng ở Nam Phi, hơn 100 người bị chôn vùi
    Ngân hàng Quân đội mở room cho khối ngoại lên 20%
    Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt các ngân hàng nhà nước Zimbabwe
    Ngân hàng AIIB chính thức bổ nhiệm nhóm lãnh đạo cấp cao
    Sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, công nghiệp sao đạt tăng trưởng 10%?

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-02-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-02-2016

    Tân Hiệp Phát bị đe dọa tung 1.000 chai nước có ruồi ra thị trường
    Tăng cường quản lý mặt hàng vôi, đá vôi xuất khẩu
    Đầu năm 2016, UBCKNN phạt kỷ lục 2 tỷ đồng vi phạm trên thị trường chứng khoán
    Nhà nước nắm 51% vốn điều lệ TCty Lâm nghiệp Việt Nam - CTy cổ phần
    NHNN mua USD trở lại cho dự trữ ngoại hối

  • Tin kinh tế đọc nhanh 07-02-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh 07-02-2016

    Tỉ phú Warren Buffett tăng đầu tư ngành dầu khí giữa lúc dầu giá rẻ
    Ấn Độ thẩm tra tại chỗ doanh nghiệp sản xuất gỗ MDF của VN
    Chỉ 0,1% sản lượng dầu toàn cầu giảm khi giá thấp
    Những nhà đầu tư số 0
    275 mã tăng điểm trong phiên giao dịch cuối cùng năm Ất Mùi