Trung Quốc sắp mất vị trí nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới về tay Việt Nam
Xuất khẩu chè giảm do thiếu quy hoạch
Không bao giờ dầu trở lại 100 USD/thùng?
Iran không nhận tiền bán dầu bằng USD
Nga cố gắng huy động vốn trên thị trường quốc tế
Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-02-2016
- Cập nhật : 07/02/2016
Những trăn trở của vị "tư lệnh" ngành thanh tra
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, chất lượng một số kết luận thanh tra còn chưa cao, hiệu quả thanh tra trách nhiệm còn thấp, số vụ việc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển cơ quan điều tra còn ít… là những bất cập, hạn chế mà ngành thanh tra cần khắc phục trong thời gian tới.
Phát hiện tham nhũng còn yếu, tỉ lệ thu hồi chưa cao!
Theo ông, bên cạnh những thành tích đã đạt được, ngành thanh tra còn có những bất cập, hạn chế gì cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới để đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho?
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Bên cạnh những kết quả và thành tích đạt được thì trong tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra cũng còn một số bất cập, hạn chế mà ngành thanh tra còn phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Đó là, chất lượng một số kết luận thanh tra còn chưa cao; không ít cuộc thanh tra còn kéo dài thời gian kết luận; hiệu quả thanh tra trách nhiệm còn thấp; số vụ việc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển cơ quan điều tra còn ít; kết quả xử lý sau thanh tra mặc dù được nâng lên nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu phấn đấu.
Công tác quản lý Nhà nước về khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; một số thủ trưởng cơ quan Nhà nước chưa trực tiếp tiếp công dân theo quy định; hiện tượng chồng chéo, sai sót trong công tác xử lý đơn thư vẫn còn; một số vụ việc giải quyết còn chậm, chưa bảo đảm thời gian quy định; công tác phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao; việc phát hiện hành vi tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa cao; pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn bất cập; tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, các quy định về tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra chưa đủ mạnh và đầy đủ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của thanh tra. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức trong thanh tra mặc dù có cố gắng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ còn mức độ.
Tổ chức, bộ máy nhiều cơ quan thanh tra chậm được kiện toàn, có những nơi còn thiếu cán bộ thanh tra, thanh tra viên; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ trong toàn ngành.
Một trong những khâu quan trọng đối với công tác thanh tra là phát hiện những sơ hở của cơ chế, chính sách để kiến nghị các cấp hoàn thiện thể chế pháp luật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra và phòng chống tham nhũng. Nội dung này được thực hiện như thế nào thời gian qua, thưa Tổng Thanh tra?
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Đúng như vậy, ngành thanh tra qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra và phòng chống tham nhũng của ngành không chỉ phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, mà còn phát hiện những sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét hoàn thiện.
Nhiệm vụ của ngành thanh tra trong thời gian tới rất nặng nề, vậy các mục tiêu chiến lược mà ngành đang ra sức phấn đấu hoàn thành trong thời gian tới là gì?
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Ngày 8/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2213/QĐ-TTg về việc ban hành Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Chiến lược đặt ra những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ với những vấn đề cần tập trung sau: Xác lập địa vị pháp lý của các cơ quan thanh tra phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tăng cường tính tập trung, thống nhất, chủ động và tự chịu trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra.
Xây dựng ngành thanh tra, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế; kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan thanh tra.
Giai đoạn từ nay đến năm 2020, tiếp tục kiện toàn về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về tiếp công dân, xử lý sau thanh tra ở các cơ quan thanh tra bộ, ngành, địa phương theo Luật Thanh tra và pháp luật khác có liên quan nhằm thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung quản lý nhà nước về tiếp công dân và về thanh tra. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, xây dựng các cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất theo cấp hành chính gồm 2 cấp, cấp Trung ương và cấp tỉnh.
Kiện toàn tổ chức, bộ máy của cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan thanh tra Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện việc quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập; xác minh nguồn gốc tài sản có dấu hiệu bất minh và xem xét, làm rõ các hành vi tham nhũng.
Kiện toàn tổ chức thanh tra bộ, ngành theo quy định của pháp luật về thanh tra và các pháp luật chuyên ngành, khắc phục những hạn chế về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ đắc lực công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập; các cơ quan thanh tra Nhà nước chú trọng việc phát hiện các sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật và nâng cao chất lượng các kiến nghị qua hoạt động thanh tra.
Đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra. Giai đoạn từ nay đến năm 2020, tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thanh tra trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhằm đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thẩm định kết luận thanh tra, công khai kết quả, quyết định xử lý về thanh tra; tập trung xem xét tính hợp pháp, chính xác của các kết luận thanh tra nhằm phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiến hành thanh tra lại hoặc kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định.
Thanh tra các cấp chủ động thực hiện thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hoàn thiện và đẩy mạnh việc triển khai các quy định về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra theo hướng tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và các biện pháp xử lý trách nhiệm.
Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực của mọi tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, bảo đảm trật tự, kỷ cương pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó là nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập Học viện Thanh tra; đổi mới chương trình, nội dung và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của ngành.
Thưa Tổng Thanh tra, nhìn lại giai đoạn 2011-2015, đâu là những trăn trở mà ông và cán bộ ngành cần thực hiện?
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Trăn trở lớn nhất đối với người đứng đầu ngành thanh tra là thực trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng chưa được đẩy lùi, vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, và đang là vấn đề bức xúc của dư luận.
Tình hình khiếu nại, tố cáo mặc dù có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ việc phát sinh vẫn còn cao.
Tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra còn hạn chế, chưa tạo sự kết nối hệ thống thông suốt, đồng bộ trong toàn ngành. Chất lượng, năng lực của không ít cán bộ thanh tra còn hạn chế, có trường hợp còn yếu kém, vi phạm.
Mong muốn của tôi là trong thời gian tới ngành thanh tra phải có quyết tâm cao, đoàn kết, thống nhất, nêu cao trách nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
AEC là một cơ hội
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Quốc tế Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn nhận định như vậy khi nói về sân chơi mới của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Ông có thể phân tích rõ hơn về cơ hội này?
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một cơ hội bởi, thứ nhất, hầu hết sắc thuế đều về 0. Thứ hai, chính sách thống nhất một thị trường sẽ tạo mặt bằng chung và sự dễ dàng trong thông thương hàng hóa.
Thứ ba, ASEAN là thị trường đông dân với 600 triệu người tiêu dùng, hơn nữa mặt bằng tiêu dùng không đòi hỏi cao, nằm trong khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Một thuận lợi nữa là, thời điểm AEC chính thức triển khai cũng là lúc nền kinh tế Việt Nam có thể nói là đã bước ra khỏi khó khăn, doanh nghiệp không còn phải phân tâm chống chọi với bão khủng hoảng. Đó là tổng thể thuận lợi mà tôi cho rằng AEC hoàn toàn nằm trong khả năng cạnh tranh cũng như khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp Việt Nam.
Sơn Hà là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm inox phục vụ dân dụng và công nghiệp, hiện đã cung cấp sản phẩm tới một số nước lân cận như Lào, Campuchia. Khi chúng ta thống nhất thị trường, chỉ có khái niệm lãnh thổ nên chúng ta có thể đưa hàng hóa sang các nước bên cạnh một cách thuận lợi hơn rất nhiều. Trước đây, doanh nghiệp Việt chưa thực sự coi trọng thị trường ASEAN. Đến nay việc đánh giá và nhìn nhận về thị trường đã thay đổi. ASEAN chính là thị trường Việt Nam mở rộng.
Có thể thấy hàng hóa của doanh nghiệp Việt ít có sự khác biệt, hầu hết đều cạnh tranh những mặt hàng cùng công năng. Điều này có gây khó khăn gì không, thưa ông?
Đó chính là khó khăn khi doanh nghiệp vẫn còn tư duy khá cục bộ và chưa hiểu được tập quán tiêu dùng quốc tế và các nước xung quanh. Các nước xung quanh có trình độ phát triển và điều kiện tiêu dùng cao hơn, đòi hỏi tiêu chuẩn hàng hóa phải cao hơn. Tư duy quốc tế của họ tốt hơn nên khả năng hội nhập của họ nhanh hơn. Đây có thể nói là những khó khăn lớn, thậm chí trong một đến hai năm đầu chưa chắc doanh nghiệp Việt đã có thể hội nhập được. Thách thức này tôi nghĩ cần phải có thời gian.
Thành thực mà nói, trên thị trường nội địa, hiện chúng ta đã bớt “sợ” hàng Trung Quốc nhưng hàng Thái Lan lại đang là đối thủ. Ông nghĩ sao về điều này?
Hiện sản phẩm Thái Lan đang khá được ưa dùng vì tính phù hợp của hàng Thái đối với người tiêu dùng Việt. Chúng ta đang gặp khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta cũng đang giải quyết vấn đề bằng cách nỗ lực tạo ra những sản phẩm tiêu dùng làm sao phù hợp với người Việt và có khả năng cạnh tranh về giá thành, chất lượng với hàng Thái. Điều này chúng ta hoàn toàn làm được. Chúng ta cần một chút thời gian và sự tập trung. Tôi nghĩ không quá lo hàng Thái có thể "đè bẹp" được hàng Việt. Chúng ta nêu ra nhưng cũng nên có niềm tin với doanh nhân Việt.
Bộ Công Thương: Không “bỏ ngỏ” bất kỳ thị trường nào
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, không có sự bỏ ngỏ thị trường nào, mà sẽ có những thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao hơn hẳn những thị trường khác bởi những đặc trưng riêng. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ hướng đến việc phát triển đồng đều các thị trường, không riêng gì các thị trường trong khối ASEAN.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về việc có hay không doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang bỏ ngỏ các thị trường “hàng xóm” trong khối ASEAN mà chỉ tập trung vào các thị trường xa như Mỹ, Nhật Bản, EU…
Bức tranh tổng quan của việc phát triển các thị trường xuất khẩu trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2010-2015) như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Giai đoạn 2011-2015, thị trường xuất khẩu được mở rộng cả về quy mô và cơ cấu thị trường, phát triển theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam đã có quan hệ với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ.
Bằng chứng là năm 2010, chúng ta mới chỉ có 18 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD nhưng đến năm 2015 đã tăng lên 28 thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các thị trường trên 1 tỉ USD chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Thành tựu nổi bật trong công tác đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong thời gian qua là tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã có tác động tích cực và dài hạn, góp phần tăng trưởng xuất khẩu vào các nước đối tác có Hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc Hiệp định song phương như ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Xuất khẩu sang các thị trường và khu vực trọng điểm trong giai đoạn này đều đạt tăng trưởng dương, đồng thời hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đã bắt đầu vươn ra các thị trường tiềm năng, thị trường mới. Cụ thể, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng trưởng bình quân 18%/năm, xuất khẩu sang EU tăng bình quân 22%, sang Nhật Bản bình quân 13%, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng bình quân 18%, sang thị trường ASEAN tăng bình quân 12%.
Chúng ta đang hy vọng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ giúp “thổi” luồng sinh khí mới vào hoạt động thương mại của các nước thành viên vốn đang trên đà đi xuống trong thời gian gần đây. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng, chúng ta đang bỏ ngỏ các thị trường trong khối ASEAN mà chỉ chú tâm vào việc “đánh bắt xa bờ” tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Nga. Có đúng như vậy không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Châu Á đạt 79,8 tỉ USD, tăng 7,2% trong đó xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 18,3 tỉ USD.
Chúng ta hay nghe nói tới việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật, Nga... bởi các thị trường này có kim ngạch xuất khẩu tương đối cao như xuất khẩu sang Mỹ năm 2015 đạt 32,8 tỉ USD, EU đạt 30,9 tỉ USD. Các thị trường mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu một phần là do tính tương hỗ, bổ trợ của các thị trường đối với Việt Nam là rất cao, trong khi đối với các nước ASEAN, nhiều mặt hàng xuất khẩu của chúng ta có tính tương đồng cao.
Tôi khẳng định rằng không có sự bỏ ngỏ thị trường nào, mà sẽ có những thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao hơn hẳn những thị trường khác bởi những đặc trưng riêng của thị trường.
Theo ông, các thị trường trong khối ASEAN có gì khác so với các thị trường truyền thống của chúng ta như Mỹ và EU hay Nhật Bản?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Về bản chất, không có thị trường nào giống với các thị trường còn lại. Do đặc tính của thị trường được quy định bởi quy mô dân số, văn hóa, tôn giáo, thói quen tiêu dùng, đặc điểm khí hậu và nhiều yếu tố khác. Các thị trường trong khối ASEAN chắc chắn có sự khác biệt đối với thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Sự khác biệt ở đây có thể thấy rõ ở quy mô thị trường, đặc tính tiêu dùng và văn hóa.
Vậy DN Việt Nam sẽ phải “làm dâu trăm họ” để đáp ứng từng thị trường?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Đúng vậy, để có thể thành công trên từng thị trường, các DN phải tìm hiểu kỹ từng đặc tính riêng của các thị trường đó để có hoạt động thâm nhập phù hợp.
Nhưng trên hết, chúng ta vẫn phải nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu để đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu, đặc biệt là hàng nông thủy sản, những mặt hàng chúng ta đang tương đồng với các nước trong khối ASEAN.
Liệu trong thời gian tới ta có tập trung nhiều hơn cho việc phát triển các thị trường trong khối ASEAN không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Trong thời gian tới, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được triển khai đồng bộ, tập trung đồng đều tại các thị trường, nhưng vẫn dành ưu tiên hơn đối với các thị trường mà ta đang, đã và sẽ ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Với thị trường ASEAN, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ không chỉ tập trung vào các nước này mà sẽ dàn đều ra các thị trường khác.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn hướng đến việc đẩy mạnh phê duyệt các đề án xúc tiến thương mại quốc gia tại các thị trường thuộc ASEAN như Lào, Myanmar để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giữ vững thị phần và tăng cường xuất khẩu sang các thị trường này.
BVSC: Việt Nam tiếp tục hút vốn ngoại nhờ AEC và TPP
BVSC nhận định, thu hút vốn FDI của Việt Nam trong năm nay tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ hiệu ứng hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và TPP.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo chiến lược tháng 2/2016. Theo đó, báo cáo nhận định, thu hút vốn FDI của Việt Nam trong năm nay tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ hiệu ứng hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và TPP.
Theo BVSC, trong tháng 1, khu vực sản xuất có diễn biến trái chiều giữa chỉ số sản xuất công nghiệp và chỉ số PMI. Trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp có sự suy giảm thì chỉ số PMI lại tăng nhẹ lên mức 51,5 điểm. Số đơn đặt hàng tăng trở lại tháng thứ hai liên tiếp là tín hiệu tích cực nổi bật.
“Dù điều kiện thị trường bên ngoài khó khăn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thu hút được các đơn hàng mới, phần nào phản ánh năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam” – báo cáo cho biết.
Về tiêu dùng trong nước, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 1/2016 tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý mức tăng theo tháng trong hai tháng gần đây đều duy trì trên 3%- mức cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng dịp sát Tết của người dân tăng cao, phần nào phản ánh sự phục hồi tương đối tốt của cầu tiêu dùng.
Về vốn FDI, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2016 đạt khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 101% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng vốn giải ngân trong tháng đầu năm đạt 800 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ.
BVSC kỳ vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong năm nay tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ hiệu ứng hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và TPP. Dự báo thu hút vốn FDI cho cả năm 2016 sẽ tăng trưởng khoảng 10-12%, đạt 25-27 tỷ USD.
Ấn Độ thẩm tra tại chỗ vụ chống bán phá giá gỗ tấm Việt Nam
Đây là cơ hội để doanh nghiệp thông tin về việc điều tra chống bán phá giá đối với gỗ tấm của mình.
Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), Bộ Công thương, hôm 5/2 cho biết đã nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ về việc Tổng vụ Chống bán phá giá và chống trợ cấp (DGAD) sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm gỗ tấm MDF nhập khẩu từ Việt Nam.
Việc thẩm tra dự kiến từ ngày 25/2. Thời gian cụ thể DGAD sẽ thông báo trực tiếp cho phía doanh nghiệp hoặc thông qua luật sư đại diện của doanh nghiệp trong vụ việc này.
Cục QLCT cho biết, theo quy trình thủ tục điều tra chống bán phá giá, cơ quan điều tra sẽ tiến hành thẩm tra các tài liệu, nội dung, số liệu mà doanh nghiệp đã cung cấp cho DGAD thông qua các bản trả lời câu hỏi trước đây nhằm xác nhận tính chính xác của dữ liệu này.
Theo cơ quan của Bộ Công thương, đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể cung cấp thêm những thông tin nhằm giải trình, làm rõ hơn cho phía cơ quan điều tra để bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp và điều chỉnh những lỗi sai của mình trong các bản trả lời.
Bởi theo Cục QLCT, trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá mà Cục đã xử lý trước đây, kết quả cuối cùng của vụ việc phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của đợt thẩm tra tại chỗ vì sau giai đoạn này các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khó có thêm cơ hội để giải trình về hoạt động của công ty hay đưa ra các điều chỉnh về số liệu của mình.
Do đó, để đạt được kết quả tốt và có lợi nhất, Cục cho rằng các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu MDF của Việt Nam tham gia trong đợt thẩm tra tại chỗ này cần phối hợp đầy đủ và chặt chẽ với cơ quan điều tra của Ấn Độ, thực hiện tốt công tác chuẩn bị và cung cấp đầy đủ các tài liệu mà phía DGAD yêu cầu trong suốt quá trình điều tra.
Nếu không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ, DGAD có thể kết luận các doanh nghiệp không hợp tác với cơ quan điều tra dẫn đến khả năng sử dụng những dữ liệu sẵn có không có lợi khi đưa ra báo cáo kết quả vụ việc.
Được biết, theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2014 đạt khoảng 28.800 tấn (trị giá khoảng 13 triệu USD) – xếp thứ 2 trong các quốc gia xuất khẩu sang Ấn Độ.