Người giàu thế giới mất 35 tỷ USD vì ông Trump; Không thanh tra doanh nghiệp quá một lần mỗi năm; Nga gấp rút mua “nợ” của Mỹ; Cử tri Bình Thuận không muốn vay Trung Quốc làm đường sắt Hà Nội - Lào Cai
Tin kinh tế đọc nhanh 05-07-2017
- Cập nhật : 05/07/2017
Xuất khẩu lâm sản dự kiến đạt trên 7,5 tỷ USD
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, ngành lâm nghiệp cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ, các chỉ tiêu của ngành tăng trưởng ổn định. Những kết quả này sẽ góp phần tăng độ che phủ rừng năm nay ước đạt 41,45%.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, ngành vẫn còn những tồn tại chưa thể giải quyết dứt điểm như tình trạng phá rừng dù đã giảm nhưng vẫn thiệt hại trên 1.000 ha. Nhiệm vụ trồng rừng thay thế còn rất chậm, mới đạt 60%, trong khi phải hoàn thành năm 2016.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu các đơn vị phải chủ động tập trung cao độ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất lâm nghiệp, để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản của cả năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,6%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản phải đạt 7,5 tỷ USD trở lên.
Đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 bảo vệ, phát triển rừng bền vững theo Quyết định 886/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành tốt dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cùng với đó là các nghị định.
Việc trồng rừng thay thế phải có ngay phương án cụ thể, nhất là 72% diện tích rừng trồng thay thế thuộc dự án chuyển sang mục đích xây dựng công trình công cộng sử dụng vốn ngân sách nhưng nay không có.
Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng 5,29%. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 3,772 tỷ USD, tăng 425 triệu USD so với cùng kỳ năm 2016 (tương ứng 12,7%).
Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt 8,9 triệu m3. Sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào các thị trường nước ngoài. Đến nay, đồ gỗ Việt Nam đã xuất sang trên 100 nước và vùng lãnh thổ.
Triển khai Đề án Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp, đến nay, đã có 4 mô hình hợp tác, liên kết giữa công ty chế biến, sản xuất sản phẩm đồ gỗ với người trồng rừng gỗ lớn, có chứng nhận quản lý rừng bền vững tại các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Trị.
Đặc biệt, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát văn kiện trình trưởng đoàn ký kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã trồng 40.612 ha rừng thay thế, đạt 60 % tổng diện tích phải trồng; trong đó các dự án chuyển sang xây dựng các công trình thủy điện đạt 92%; dự án chuyển sang mục đích kinh doanh, đạt 65%, dự án chuyển sang mục đích xây dựng công trình công cộng đạt 28%. (TTXVN)
---------------------
Dự trữ ngoại hối Việt Nam đạt kỷ lục mới
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, trong bối cảnh nhập siêu trở lại nhưng tỷ giá ổn định.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục có kỷ lục mới, theo thông tin đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 giữa Chính phủ và các địa phương đầu tuần này (3/7).
Cụ thể, tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục gia tăng, đạt mức xấp xỉ 42 tỷ USD.
Đây tiếp tục là mức cao nhất từ trước tới nay, sau khi quy mô dự trữ ngoại hối đã đạt được khoảng 41 tỷ USD vào cuối 2016.
Trong lịch sử, quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia được công bố tại một số thời điểm. Như vào tháng 6/2008 ở mức 20,7 tỷ USD. Đến tháng 1/2011, theo số liệu của một số tổ chức nghiên cứu tổng hợp lại, quy mô này giảm mạnh và chỉ còn khoảng 12,58 tỷ USD. Đến cuối 2012 gia tăng trở lại, đạt khoảng 22-23 tỷ USD.
Với số liệu trên, trong nửa đầu năm nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm khoảng 1 tỷ USD. Kết quả này đặt trong điều kiện nhập siêu đã quay trở lại, nhưng tỷ giá được giữ khá ổn định. Cũng trong 6 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận ba lần Ngân hàng Nhà nước nâng giá mua vào USD, trong tháng 1, tháng 4 và tháng 6.
Cũng tại cuộc họp trên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, thanh khoản ngoại tệ của thị trường tốt, đáp ứng các cung cầu ngoại tệ.
Thị trường ngoại hối và tỷ giá USD/VND khá ổn định trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là trước tác động từ các quyết định tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Trong năm 2017, Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định, có khả năng FED sẽ có đợt tăng lãi suất nữa. Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động theo dõi diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, chủ động có biện pháp điều hành tỷ giá, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của nền kinh tế, tránh đầu cơ.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ có đủ biện pháp để kiểm soát, ổn định tỷ giá theo chỉ đạo của Chính phủ”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.(Vneconomy)
-----------------------------
Một quỹ đầu tư bị phạt hơn 300 triệu đồng
Ủy ban Chứng khoán vừa phạt Công ty quản lý Quỹ VinaWealth tổng mức phạt là 315 triệu đồng.
Ủy ban Chứng khoán vừa phạt Công ty quản lý Quỹ VinaWealth 70 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, phạt 70 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn, đồng thời phạt thêm 175 triệu đồng vì sử dụng vốn của khách hàng ủy thác để đầu tư trái quy định. Tổng mức phạt là 315 triệu đồng.
Theo thông tin từ VinaWealth, công ty nhận lỗi công bố thông tin không đúng thời hạn vì những sơ sót làm chậm tiến độ báo cáo. Đơn vị này cũng cho rằng do hiểu biết chưa đúng về các văn bản pháp luật liên quan đến việc giải ngân vốn ủy thác cá nhân vào chứng chỉ tiền gửi được các công ty tài chính tiêu dùng phát hành.
Tại thời điểm cuối tháng 6, có 47 tài khoản bị ảnh hưởng với giá trị tài sản quản lý là 62,7 tỉ đồng. Sau khi được Ủy ban Chứng khoán nhắc nhở, VinaWealth đã dừng nghiệp vụ này lại, và đang tiến hành thương lượng với đối tác tổ chức mua lại các chứng chỉ tiền gửi mà nhà đầu tư cá nhân còn nắm giữ trong vòng 6 tháng tới.
Qua đó, VinaWealth sẽ hoàn trả vốn gốc cộng thêm khoản lãi tích lũy cho mỗi tài khoản. Nhóm tài khoản này không liên quan đến các tài khoản ủy thác khác, và tách bạch với hơn 4.700 tài khoản quỹ mở với tổng giá trị tài sản quản lý hơn 740 tỉ đồng của 2 quỹ VFF và VEOF.(Thanhnien)
-------------------
Iran ký thỏa thuận trị giá 4,8 tỉ USD với công ty dầu khí của Pháp
Iran đã phá vỡ lịch sử khi lần đầu tiên ký kết một thỏa thuận hợp tác lớn với một đối tác nước ngoài ở châu Âu, kể từ sau khi lệnh trừng phạt kinh tế được áp đặt lên nước này cách đây hơn một thập niên.
Theo CNBC, Iran đã ký một thỏa thuận trị giá 4,8 tỉ USD với một liên doanh do tập đoàn dầu khí đa quốc gia Total của Pháp đứng đầu hôm 3.7, nhằm mục đích phát triển mỏ khí đốt South Pars khổng lồ, mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới. Cụ thể trong thỏa thuận, Total nắm giữ 50,1% vốn đầu tư, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc chiếm 30% và 19,9% thuộc về Petropars của Iran.
Bộ Năng lượng Iran cho biết dự án South Pars trước mắt sẽ chỉ sản xuất khí đốt cho thị trường Iran bắt đầu từ năm 2021, đồng thời tạo ra khoảng 54 tỉ USD từ các sản phẩm khí đốt dựa trên mức giá hiện tại.
Được biết, thỏa thuận trên là sự hợp tác đầu tiên của Iran với một công ty dầu mỏ ở châu Âu trong hơn một thập niên qua. Mặc dù các bước để đi đến ký kết kéo dài đến 18 tháng, Iran vẫn hi vọng rằng đây sẽ là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự trở lại trong quan hệ đối tác thương mại quốc tế cũng như củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với quốc gia Hồi giáo kể từ khi nước này bị tẩy chay vào năm 2006, giữa những lo ngại Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
“Quyết định ký kết hợp đồng dự án South Pars là một dấu hiệu tích cực cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Iran”, Richard Mallinson, nhà phân tích địa chính trị của Energy Aspects, trả lời phỏng vấn của CNBC.
Bloomberg trích dẫn lời của Narendra Kumar Verma, giám đốc điều hành đơn vị đầu tư nước ngoài của hãng thăm dò mỏ lớn nhất Ấn Độ Oil & Natural Gas cho biết hiện tại không chỉ Pháp mà Ấn Độ cũng đã sẵn sàng rót vốn vào Iran khi thông báo rằng có một liên doanh các doanh nghiệp trong nước tuyên bố sẽ cung cấp tới 11 tỉ USD để phát triển một mỏ khí đốt tự nhiên khác tại quốc gia Trung Đông, mỏ Farzad-B, và xây dựng cơ sở hạ tầng để xuất khẩu nhiên liệu.
Iran là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai cho thị trường đông dân thứ hai thế giới, trong khi đó Ấn Độ cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và ổn định nhất trong ngành công nghiệp dầu khí của Iran. Tuy nhiên, mối quan hệ ngoại giao không mấy suôn sẻ giữa Tehran và các nước khác trên thế giới đã làm cho sự giao thương giữa hai bên trở nên khó khăn hơn. Cụ thể, theo lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran được củng cố hồi tháng trước đã khiến Ấn Độ không thể giao dịch thương mại với Iran bằng đồng USD, do đó buộc New Delhi phải hoãn hoặc thanh toán trực tiếp bằng đồng rupi.
Theo đánh giá từ Financial Times, trong khi các ông lớn trong ngành dầu khí như Royal Dutch Shell của Hà Lan và Eni của Ý đã ký kết các thỏa thuận tạm thời với Tehran, con đường phía trước để khôi phục lại ngành năng lượng của Iran vẫn không mấy trơn tru. Ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt kinh tế đã làm cho Iran thiếu đi các hợp đồng mới để giữ cho mức tăng trưởng được ổn định.
“Các sự phát triển khác của Iran dường như diễn ra không thực sự tích cực. Dự án khai thác mỏ dầu Azadegan đã phải hứng chịu sự chậm trễ tới ba, bốn tháng để cho các công ty nước ngoài có thêm thời gian phân tích trong bối cảnh tương lai không chắc chắn. Điều này cho thấy các công ty lớn mà Iran thực sự muốn thu hút không hoàn toàn sẵn sàng cam kết giao dịch”, ông Mallinson cho hay.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Iran hiện có trữ lượng khí tự nhiên lớn thứ hai thế giới và trữ lượng dầu mỏ đứng thứ tư toàn cầu, nắm giữ 10% dự trữ dầu thô của thế giới và 13% của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).(Thanhnien)