Lỗ của Uber giảm một nửa nhờ vụ bán mình cho Grab ở Đông Nam Á; HSBC: Doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro vì thiếu thông tin về chính sách thương mại toàn cầu; Chính phủ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%; Mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh có đạt được trong năm 2018?
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 24-05-2018
- Cập nhật : 24/05/2018
Huy động thêm hơn 1.600 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ
Ngày 23/5, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 6.000 tỷ đồng.
Theo đó, tại kỳ hạn 5 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm gọi thầu 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm gọi thầu 2.000 tỷ đồng và kỳ hạn 20 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng.
Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được tổng cộng 1.615 tỷ đồng. Cụ thể, trái phiếu kỳ hạn 5 năm có 12 thành viên dự thầu, huy động được 215 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 3%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 16/5/2018).
Trái phiếu kỳ hạn 10 năm có 8 thành viên dự thầu, huy động được 700 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,26%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 16/5/2018).
Trái phiếu kỳ hạn 15 năm có 7 thành viên dự thầu, huy động được 700 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,6%/năm, tăng 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 16/5/2018).
Trái phiếu kỳ hạn 20 năm không có lãi suất trúng thầu.
Kể từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước huy động được 57.641 tỷ đồng thông qua đấu thầu tại HNX.(TTXVN)
---------------------
Du lịch TP HCM muốn thu hút du khách đến chữa bệnh
Trung bình mỗi năm có 80.000 lượt khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh với doanh thu khoảng 2 tỉ USD.
Ngày 23-5, Sở Du lịch TP HCM và Sở Y tế TP HCM đã công bố Cẩm nang Du lịch Y tế TP HCM, được xem là bước đầu tiên trong các chuỗi hoạt động nhằm phát triển loại hình sản phẩm du lịch y tế, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Khoảng 10.000 cuốn Cẩm nang du lịch y tế TP HCM dưới dạng song ngữ Anh - Việt được giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước, thông tin cơ bản về hệ thống du lịch y tến tại TP. Du khách sẽ có thông tin về phương pháp điều trị, thời gian làm việc, hình ảnh, địa chỉ và bản đồ thu nhỏ các đơn vị có chức năng khám, điều trị trong khám sức khỏe, y học cổ truyền, nha khoa thẩm mỹ và tầm soát bệnh lý chuyên sâu (tim mạch, ung thư, thụ tinh trong ống nghiệm)…
Các thông tin, hình ảnh, địa chỉ của một số điểm tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn TP; một số cơ sở lưu trú, điểm mua sắm và điểm ăn uống; bản đồ du lịch và y tế… cũng được giới thiệu giúp cung cấp thông tin cho du khách.
Cẩm nang du lịch y tế sẽ là bước đầu tiên để giới thiệu tới du khách loại hình du lịch này
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết thời gian qua để phát triển loại hình sản phẩm du lịch y tế, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Y tế triển khai một số chương trình để phát huy hiệu quả mô hình du lịch y tế, trong đó có việc xây dựng và xuất bản cẩm nang du lịch y tế để quảng bá cho du khách trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm, mô hình kết hợp giữa du lịch và y tế ra đời được kỳ vọng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến TP góp phần phục vụ và phát triển ngành du lịch TP.
"Số lượng khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh trong năm qua khoảng 80.000 lượt với doanh thu khoảng 2 tỉ USD. Riêng TP đón khoảng 30.000 - 40.000 lượt khách tới khám chữa bệnh với doanh thu khoảng 1 tỉ USD. Dù con số con khiêm tốn nhưng đây là phân khúc rất tiềm năng nên ngành du lịch và y tế sẽ kết hợp để xúc tiến, quảng bá tới du khách. Các thị trường du khách gần như Campuchia, Lào, nhất là khách Việt kiều sẽ được giới thiệu sản phẩm mới của TP" - bà Hoa thông tin.
Cẩm nang được xây dựng gồm cả tiếng Anh và tiếng Việt phục vụ du khách
Theo Sở Y tế TP, ngành y tế trên địa bàn có hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu rộng khắp, đồng thời ngành cũng xây dựng kế hoạch phát triển trung tâm y tế chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và dịch vụ du lịch y tế. Ngành y tế TP cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến bộ ngành trên địa bàn để không ngừng nâng cao mạng lưới chăm sóc sức khỏe người dân TP và phục vụ cho du khách trong và ngoài nước.
Trong thời gian đầu, sẽ có 14 cơ sở y tế của TP tham gia vào phục vụ sản phẩm du lịch y tế như Viện Tim TP, Bệnh viện Da Liễu TP, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Vinmec Central Park…(NLĐ)
------------------
Bộ Xây dựng: Khó xác định 'bong bóng' bất động sản
Việc buôn bán đất nền hiện diễn ra phức tạp tại ven các khu đô thị và đặc khu kinh tế nhưng rất khó xác định có xảy ra 'bong bóng' hay không.
Đó là nhận định của lãnh đạo Cục Quản lý nhà ở và Thị trường bất động sản tại cuộc họp thường kỳ Qúy 1 năm 2018 của Bộ Xây dựng vào chiều 23/5.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua thị trường bất động sản tuy không có biến động nhiều, nhưng tại các khu vực ven đô thị lớn, đặc biệt tại một số đặc khu kinh tế việc buôn bán, chuyển nhượng đất nền diễn ra phức tạp.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và Thị trường bất động sản cho rằng thị trường bất đông sản tuy diễn biến phức tạp nhưng chưa xác định được 'bong bóng' xảy ra hay không
Về vấn đề này Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương nắm bắt tình hình và kịp thời báo cáo. Thủ tướng chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo và giao cho 3 địa phương là Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang có giải pháp kiên quyết ngăn chặn tình trạng mua bán đất, xây dựng trái phép diễn ra tại những khu vực này, không để những đối tượng xấu lợi dụng tình hình làm ảnh hưởng tới trật tự, an toàn của thị trường bất động sản, ông Ninh cho hay.
Nhận định về thị trường bất động sản liệu có xảy ra "bong bóng" trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng rất khó kết luận ở thời điểm này ở vì phải tiến hành rà soát, xem xét ở nhiều khía canh khác nhau từ số lượng giao dịch, biến động giá cả từng phân khúc, mức đầu tư... Hiện Chính phủ cũng đang giao Bộ xây dựng nghiên cứu vấn đề này và sẽ báo cáo trong Quý 2 năm 2018 nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời, không để tình trạng bong bóng xảy ra.
Nhà ở xã hội gặp khó
Trong khi đó, đề cập tới vấn đề nhà ở xã hội, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, từ khi Luật Nhà ở năm 2014 được ban hành, cơ chế chính sách để phát triển nhà ở tương đối đồng bộ. Như nhà ở xã hội đối với người có công với cách mạng, hiện nay đã được giải quyết được toàn bộ số vốn hơn 8.000 tỷ đồng cho hơn 300 nghìn hộ và phấn đấu trong năm 2018 sẽ hoàn thành theo đúng Nghị quyết 63 của Chính phủ.
Tuy nhiên, một số chương trình như chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, nhà ở xã hội tại khu vực đô thị hay công nhân ở khu công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi Nhà nước chuyển sang Nghị quyết 33 chỉ còn cho vay, chứ không được hỗ trợ nên số lượng hộ nghèo được hưởng chính sách này đã giảm đi rất nhiều.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng, nguồn vốn cho nhà ở xã hội đang rất khó khăn
Đặc biệt, sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, chưa có khoản ngân sách hỗ trợ nào cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại cũng như ngân hàng xã hội để triển khai cho vay. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã cấp 1.200 tỷ so với nhu cầu là 9.000 tỷ đồng, chỉ mới đạt 13 %. Chỉ mới cho người mua nhà vay, chưa cho chủ dự án vay. Vì vậy, số lượng người bị tác động đến không nhỏ.
Về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ Xây dụng cho biết, trong năm 2018, được giao quản lý 291 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đến nay mức độ giải ngân đang ở mức thấp.
Theo kế hoạch đầu tư trung hạn, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư và cơ quan có thẩm quyền bố trí khoảng 19.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại để cấp bù lãi suất và cho vay ưu đãi. Trong thời gian tới, Bô Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nguồn vốn (TIenPhong)
-----------------------------
Vốn tối thiểu 45.000 tỷ mới được mở casino tại đặc khu
Dự thảo luật mới nhất về ba đặc khu đã điều chỉnh quy mô vốn tối thiểu đối với dự án dịch vụ có casino và đầu tư kinh doanh cảng hàng không quốc tế.
Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Đây là dự án luật gây rất nhiều tranh cãi từ kỳ họp thứ tư của Quốc hội cho đến các diễn đàn khác nhau từ đó đến nay.
Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh, thảo luận tại kỳ họp thứ tư, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc quy định về quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án khu phức hợp có casino bảo đảm tương đương 2 tỷ USD như quy định của pháp luật hiện hành về casino, dự án cảng hàng không quốc tế 5.000 tỷ đồng, cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế 3.000 tỷ đồng vì cho rằng quy mô vốn đầu tư như vậy là thấp.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã đề nghị cơ quan soạn thảo cung cấp thông tin, làm rõ quy mô vốn của các dự án cùng loại đã đầu tư ở Việt Nam.
Theo đó, đến thời điểm hiện nay, ngoài các dự án cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Long Thành thì các dự án cảng hàng không quốc tế khác đều có quy mô tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng. Như, Cát Bi 5.100 tỷ đồng, Phú Quốc 5.007 tỷ đồng, Cam Ranh 5.635 tỷ đồng.
Cảng container quốc tế Cái Lân là cảng có mức nước sâu -13m và hệ thống trang thiết bị hiện đại đủ khả năng tiếp nhận tàu container sức chở trên 5.000 TEUs, tổng mức đầu tư năm 2012 là 155,3 triệu USD.
Trên cơ sở đó, dự thảo luật đã điều chỉnh quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino lên 45.000 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng hàng không quốc tế lên 6.000 tỷ đồng cho phù hợp với thực tiễn.
Đối với quy mô vốn đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế, sau khi cân nhắc, tham khảo số liệu về suất đầu tư và quy mô vốn thực tế của các dự án cùng loại, đồng thời, xem xét điều kiện cụ thể của các đặc khu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định về nhà đầu tư chiến lược cũng đã được chỉnh lý chặt chẽ hơn.
Dự thảo luật đã bổ sung các tiêu chí về năng lực tài chính, quản trị, có cam kết ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch hoặc công nghệ cao; cam kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, gắn bó lợi ích lâu dài với đặc khu.
Một trong các tiêu chí đáng chú ý là phải dự án đầu tư tại đặc khu thuộc một trong 4 trường hợp được quy định tại điều 3 dự thảo luật.
Trường hợp đầu tiên là có dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 45.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ cam kết, nhưng không quá 8 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Hai, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch đặc khu, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân trong thời hạn không quá 05 năm kể từ khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ba, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của đặc khu, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân trong thời hạn không quá 3 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bốn, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp quy định tại trường họp thứ ba nêu trên phù hợp với quy hoạch đặc khu, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội hoặc tạo ra giá trị gia tăng đột biến tại đặc khu, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân trong thời hạn không quá 3 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nội dung khác cũng được cơ quan tiếp thu dự án luật giải trình là cơ chế chính sách đặc biệt liên quan đến đất đai.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đánh giá, phân tích nhiều khía cạnh của chính sách và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng: thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư.
Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng quyết định, theo đó, đối với từng trường hợp cụ thể (nếu có), Thủ tướng sẽ cân nhắc thận trọng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quyết định.(Vneconomy)