Amazon vào 'câu lạc bộ' nhà bán lẻ có doanh thu khủng
Siết chặt quản lý sữa nhập lậu
Trung Quốc phá vụ lừa đảo trực tuyến gần 7,6 tỉ USD
Ông Nguyễn Duy Hưng: "Nên bỏ tiêu chuẩn cổ đông chiến lược"
Tháng đầu tiên năm 2016: Khối ngoại bán ròng hơn 1.256 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-01-2016
- Cập nhật : 31/01/2016
CIEM: “Kinh tế Việt Nam vẫn thiếu một động lực tăng trưởng đủ mạnh”
Tăng trưởng GDP đạt 6,82%, lạm phát ở mức 4,37%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 10,4% là dự báo của CIEM về một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2016.
Ngoài việc đánh giá các chỉ tiêu kinh tế đã đạt được trong năm 2015, tại báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV/2015, nhóm tác giả Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cũng đưa ra dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2016.
Trong điều kiện "bình thường", phù hợp với kỳ vọng chung về sự phục hồi kinh tế thế giới và tình hình phát triển kinh tế trong nước, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 ước đạt 6,82%.
Báo cáo cũng dẫn số liệu tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,68%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra (6,2%) và cho biết, kết quả này cao hơn so với trung bình giai đoạn 2011-2015 (5,91%/năm) và giai đoạn 2007-2015 (6,05%/năm). Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế năm 2015 còn thấp hơn so với mức trung bình giai đoạn 1990-2006 (7,6%/năm).
“Dù tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, GDP của Việt Nam vẫn mới chỉ đạt mức tương đương với xu thế dài hạn. GDP chưa tăng vượt đáng kể so với mức xu thế dài hạn trong suốt giai đoạn 2013-2015.
Diễn biến chu kỳ trong giai đoạn 2011-2015 cho thấy ngay cả khi GDP vượt xu thế dài hạn, kết quả này cũng chưa thật sự bền vững. Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn thiếu một động lực tăng trưởng đủ mạnh”, báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh dự báo tăng trưởng GDP, báo cáo của CIEM cũng cho biết, chỉ tiêu lạm phát năm 2016 dự báo ở mức 4,37%, tăng trưởng xuất khẩu 10,4%, cao hơn so với năm 2015. Thâm hụt thương mại ở mức 4,1 tỷ USD chủ yếu do giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu thô. Mức tăng tiêu dùng khoảng 4,37%.
Điều kiện "bình thường" được báo cáo làm rõ là GDP của các nước đối tác tăng 3,4%; mức giá của Hoa Kỳ tăng 1%; giá hàng nông sản xuất khẩu giảm 2%; giá dầu thô thế giới giảm 17,6% so với mức giá xuất khẩu trung bình năm 2015.
Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD danh nghĩa được điều chỉnh tăng 4%, tín dụng tăng 16%, giá nhập khẩu giảm 2%, lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết giữ nguyên như năm 2015, vốn thực hiện của khu vực FDI tăng 10% so với năm 2015, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được bổ sung lần lượt 254.950 tỷ đồng và 100.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, báo cáo của CIEM cũng đề cập một số rủi ro, bất định của kinh tế thế giới năm 2016 như đà phục hồi chậm, xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, riêng rút vốn khỏi Trung Quốc từ 6/2014 đến tháng 11/2015 là 1.000 tỷ USD; giá nhiều hàng hóa trên thị trường thế giới giảm kể cả với các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.
Trong nước, các rủi ro liên quan đến cải cách thể chế, áp lực tỷ giá và lãi suất, áp lực từ phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất và tín dụng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó còn rủi ro lạm phát do thâm hụt ngân sách kéo dài, tăng giá các mặt hàng, dịch vụ nhà nước kiểm soát giá, tăng lương, chi phí cho doanh nghiệp...
Theo đó, nhóm tác giả của CIEM kiến nghị cần giảm tính chi phối của chính sách tài khóa, hướng tới giảm thâm hụt ngân sách còn 4% GDP trước khi Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực. Bảo đảm kỷ luật chi, kỷ luật phát hành trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt nhấn mạnh, không coi việc thu ngân sách từ doanh nghiệp là thành tích.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị cho việc thực hiện các Hiệp định thương mại (FTA) đã và sắp ký kết như AEC, Liên minh Kinh tế Á - Âu, FTA với Hàn Quốc, TPP....
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu CIEM đánh giá, việc nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp, giảm chèn lấn của khu vực công đối với khu vực tư nhân.
Kinh tế chuyển động tích cực ngay từ tháng đầu năm
Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết như vậy tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2016 diễn ra hôm nay (29/1/2016) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa diễn ra thành công tốt đẹp; chúc mừng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng được tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị và đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Đặc biệt, Thủ tướng chúc mừng 2 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang được bầu lại là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chúc mừng các đồng chí được bầu lại và bầu mới làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII.
Cụ thể, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2016 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại phiên họp cho biết, trong tháng 1/2016, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung giao kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư và dự toán ngân sách Nhà nước; đề ra chương trình hành động triển khai thực hiện kế hoạch; đồng thời tăng cường các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm.
Sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; khu vực dịch vụ phát triển ổn định; tổng cầu và sức mua tiếp tục được cải thiện; các ngành và địa phương đang tăng cường chỉ đạo bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán; khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm mạnh; thu hút và giải ngân vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khá. Hoạt động phát triển DN cũng tiếp tục chuyển biến tích cực, số DN đăng ký mới và quy mô DN tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý mặc dù là tháng cận Tết nguyên đán, song chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2016 không thay đổi so với tháng trước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nhấn mạnh, sự phục hồi chậm và thiếu vững chắc của kinh tế thế giới, giá dầu thế giới giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi dự báo sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, nhất là thu Ngân sách Nhà nước.
Đợt rét đậm, rét hại và băng tuyết vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại đối với cây trồng và chăn nuôi gia súc ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cần tập trung chỉ đạo có biện pháp khắc phục, nhất là bảo vệ và phòng chống dịch bệnh cho trâu bò.
Đời sống của người dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn...
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 8,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 3,5% so với tháng trước và tăng tăng 11,7% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá tăng 11%). Vốn FDI cả đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 1,334 tỷ USD, tăng 101,2% so với cùng kỳ; vốn FDI giải ngân đạt 800 triệu USD, tăng 23,1%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ; Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 14,0 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ.
Hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng nhà máy điện Mặt Trời ở Hậu Giang
Ngày 29/1, ông Lê Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết tỉnh đã đồng ý chủ trương xây dựng nhà máy điện Mặt Trời và giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng phối hợp với nhà đầu tư xúc tiến những thủ tục cần thiết để dự án nhanh chóng đi vào thực hiện.
Tỉnh Hậu Giang sẽ thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư như giải phóng mặt bằng, thuế, đào tạo nhân lực.
Dự án nhà máy điện do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Hồng (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, công suất 36MW, được xây dựng tại ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cách Quốc lộ 61 khoảng 1km, trên diện tích đất khoảng 55ha đất nông nghiệp.
Dự kiến, nhà máy sẽ vận hành phát điện vào quý 2/2017.
Dự án này phù hợp với chủ trương và chính sách của Nhà nước về chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với quy hoạch của địa phương và khai thác hiệu quả tiềm năng bức xạ Mặt Trời.
Đây sẽ là nguồn bổ sung tại chỗ cho phụ tải của thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy và thị xã Long Mỹ, giúp giảm tổn thất truyền tải và phân phối cho hệ thống điện.
Nhà máy này góp phần giảm tổn thất năng lượng chung cho hệ thống do giảm được truyền tải công suất từ các nhà máy điện ở xa cấp về cho phụ tải khu vực huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và các khu vực lân cận; đồng thời, tạo mô hình điểm để triển khai những dự án tương tự trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng như cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.
Dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm” của TPP
Đối với Hoa Kỳ, dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm” (ngành may khá nhỏ, ngành dệt khá phát triển và có ưu thế chính trị lớn), Việt Nam lại là nước xuất khẩu lớn thứ 2 vào nước này, sau Trung Quốc.
Thông tin này được bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO đưa ra tại hội thảo “Hiệp định TPP – Những điều doanh nghiệp cần biết” do Trung tâm WTO tổ chức sáng nay (29/1) tại Hà Nội.
TPP dành một chương riêng về Dệt may
Theo bà Trang, dệt may là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, và thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ.
Trong khi đó, đối với Hoa Kỳ, dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm” (ngành may khá nhỏ, ngành dệt khá phát triển và có ưu thế chính trị lớn), Việt Nam lại là nước xuất khẩu lớn thứ 2 vào nước này, sau Trung Quốc.
Do đó, cũng như trong nhiều FTA khác của Hoa Kỳ, theo yêu cầu của một nhóm các nghị sĩ Hoa Kỳ cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp dệt may trong nước, Hoa Kỳ đã yêu cầu đàm phán một chương riêng về dệt may trong TPP, tách ra khỏi đàm phán chương 3 về mở cửa thị trường đối với hàng hóa nói chung.
Trong đàm phán này, hai đối tác đàm phán chủ yếu là Hoa Kỳ (phía mở cửa thị trường) và Việt Nam (phía tiếp cận thị trường), ngoài ra còn có một số đối tác khác quan tâm như Mexico, Australia…
Do được đàm phán riêng nên các vấn đề của dệt may (trừ thuế quan được quy định chung trong biểu thuế quan cho tất cả các hàng hóa) được quy định riêng, khác biệt so với các hàng hóa khác.
Quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”
Bà Trang cho biết, một điểm quan trọng về dệt may trong TPP là quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Quy tắc này được hiểu chung nhất là tất cả các công đoạn sản xuất hàng dệt may từ sợi trở đi, bao gồm kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối TPP.
Đây là quy tắc xuất xứ chặt chẽ nhất về dệt may mà Việt Nam từng cam kết trong một FTA. Các FTA trước đây của Việt Nam, quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may chủ yếu là quy tắc đơn giản “cắt và may”, trừ FTA ASEAN – Nhật Bản và FTA Việt Nam – Nhật Bản là áp dụng quy tắc “từ vải trở đi”.
Theo đó, TPP chỉ chấp nhận 3 mặt hàng được áp dụng quy tắc “cắt và may” là vali, túi xách, áo ngực phụ nữ và quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp.
Ngoài ra, chương Dệt may trong TPP cũng quy định một số ngoại lệ và linh hoạt đối với quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” như nguyên tắc tỷ lệ tối thiểu, các mã nguyên liệu thuộc danh mục nguồn cung thiếu hụt…
Về biện pháp phòng vệ đối với sản phẩm dệt may, bà Trang cho biết, nếu một sản phẩm dệt may của một nước TPP được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định và xuất khẩu sang một nước TPP khác với một khối lượng gia tăng và gây ra thiệt hại nghiêm trọng, hoặc là đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước đó, thì nước nhập khẩu có quyền áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với sản phẩm dệt may đó.
“Trước khi áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt, nếu được yêu cầu bởi nước xuất khẩu, nước nhập khẩu phải tiến hành tham vấn của nước nhập khẩu. Nếu nước nhập khẩu vẫn quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt, nước nhập khẩu phải đền bù thiệt hại kinh tế do biện pháp này gây ra cho nước xuất khẩu, nếu không nước xuất khẩu có thể tiến hành biện pháp trả đũa về thuế tương đương” – bà Trang nói.
Doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế
Hãng tin AP vừa đăng tải bài viết với tiêu đề “Doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng về vai trò lớn hơn trong nền kinh tế Việt Nam”.
Theo nhận định của AP, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang kỳ vọng thế hệ lãnh đạo Việt Nam sau Đại hội Đảng sẽ giúp Việt Nam tăng tốc, hiện đại hóa nền kinh tế cũng như mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp.
Kỳ vọng lớn
Việt Nam từng được coi là ngôi sao sáng trong nhóm nước đang phát triển tại khu vực châu Á. Giờ đây, nhiều nhà đầu tư ngoại còn coi Việt Nam là đối thủ của Trung Quốc trong vai trò công xưởng thế giới. Tuy vậy, cũng có người nhận xét hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn đang có vấn đề.
Những rủi ro như lạm phát cao của giai đoạn trước và tình trạng nợ xấu cao tại các ngân hàng quốc doanh đã khiến nhiều doanh nghiệp e ngại.
Nhưng bên cạnh đó, lực lượng lao động trẻ với giá nhân công thấp cũng hấp dẫn nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư dài hạn, trong đó có những tập đoàn điện tử lớn như Intel, Samsung…
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết cũng phát đi tín hiệu tích cực với nhà đầu tư.
AP đánh giá, Đại hội Đảng XII đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương mới, được kỳ vọng sẽ tăng tốc hiện đại hóa nền kinh tế. Hãng tin này dẫn lời ông chủ một xưởng gốm sứ ở Bát Tràng (Hà Nội), bày tỏ sự tin tưởng vào thế hệ lãnh đạo Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ chẳng làm được gì nếu không có sự ổn định. Khi nền kinh tế được cải tổ, đất nước sẽ phát triển, và việc làm ăn của chúng tôi cũng có lợi theo,” vị lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.
Theo AP, khi nền kinh tế còn nằm trong tay nhiều công ty quốc doanh cũng sẽ tạo ra những thách thức lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang có nhiều tiến bộ khi tăng cường mở rộng thị trường và gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Cơ hội mới
Việt Nam đã gia nhập Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm 12 quốc gia, với các điều khoản yêu cầu chính phủ giảm can thiệp vào nền kinh tế. Việt Nam cũng ký nhiều hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và các nước láng giềng tại Đông Nam Á.
Các công ty nước ngoài đang dần nhận ra họ sẽ hưởng lợi khi đặt nhà máy tại một quốc gia châu Á có thuế xuất khẩu thấp sang các thị trường lớn. Đó là một phần lý do khiến dòng vốn ngoại đang “chảy” vào Việt Nam trong thời gian gần đây.
Xuất khẩu dệt may được cho là một trong những lĩnh vực sẽ hưởng lợi lớn nhất sau khi Việt Nam gia nhập TPP. Giới quan sát cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch hơn cho doanh nghiệp nước ngoài.
AP dẫn đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, các hiệp định thương mại là cơ hội rất lớn với sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng có thể trở nên lãng phí nếu các công ty trong nước không tăng được hiệu suất và phần lớn lợi ích sẽ về tay người nước ngoài.
Chính phủ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 năm tới sẽ vào khoảng 6,5-7%. Mức tăng trưởng của năm ngoái đạt 6,7%.
Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ đang kỳ vọng vào một môi trường kinh doanh trong đó doanh nghiệp tư nhân không bị quốc doanh lấn át.
Hãng tin AP cũng trích dẫn đánh giá của Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam - Adam Sitkoff cho rằng, việc cần kíp hơn bây giờ là phải giải quyết các vấn đề như nợ xấu ngân hàng, và đảm bảo chính phủ đóng vai trò trọng tài, hơn là người tham gia trong nền kinh tế.
Ông Adam Sitkoff tin tưởng vào quá trình cải tổ nền kinh tế Việt Nam để giúp 93 triệu dân có lựa chọn hàng hóa tốt hơn, chất lượng cao hơn, giá thấp hơn và nhiều cơ hội hơn cho thế hệ tương lai.