Xuất khẩu dăm gỗ Việt Nam đối mặt với khó khăn chồng chất
Làm gì để dẹp phân bón giả?
Donald Trump muốn chơi rắn trong thương mại với Trung Quốc
Nhà đầu tư Hàn Quốc mở rộng loại hình đầu tư ở Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh 30-09-2017
- Cập nhật : 30/09/2017
Dân Trung Quốc ồ ạt mua đất nông nghiệp Úc
Thống kê cho thấy tỉ lệ đất nông nghiệp người Trung Quốc sở hữu tại Úc đã tăng thêm 880% trong 1 năm qua, tương đương 13 triệu ha, trong bối cảnh nhà đầu tư các nước khác "rút quân".
Theo báo cáo của Văn phòng Thuế Úc (ATO), công bố hôm nay 29-9, diện tích đất nông nghiệp có phần sở hữu của người nước ngoài tại nước này đã giảm từ 52 triệu ha xuống 50 triệu ha trong 1 năm qua tính đến thời điểm ngày 30-6-2017.
Trong đó, số liệu gây kinh ngạc nhất là diện tích đất có phần sở hữu của người Trung Quốc đã tăng từ 1,46 triệu ha lên 14,4 triệu ha. Đặc biệt, có đến 9,1 triệu ha đất là thuộc sở hữu toàn bộ của các công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo báo Daily Telegraph, trong một chiến dịch "trấn áp" quy mô, chính quyền Thủ tướng Malcolm Turnbull đã ép nhà đầu tư nước ngoài bán lại số điền sản trị giá 134 triệu USD để bảo vệ những lợi ích kinh tế/an ninh trong nước.
Chính quyền Úc chủ trương hạn chế người nước ngoài mua các bất động sản đã hoàn chỉnh nhằm khuyến khích dòng tiền đầu tư đổ vào các dự án nhà ở mới cho người Úc mua hoặc thuê.
Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison nhấn mạnh chính quyền cam kết giám sát và tăng cường tính minh bạch trong ngành nông nghiệp và đầu tư nước ngoài vào Úc, dù hiểu rằng các hoạt động này mang lại công ăn việc làm cho người dân.
"Chính phủ ông Turnbull luôn hành động dứt khoát để bảo đảm đầu tư nước ngoài không xung đột với lợi ích quốc gia" - ông Morrison khẳng định.
Theo báo cáo của ATO, diện tích đất nông nghiệp Úc có phần sở hữu của nước ngoài hiện chiếm khoảng 13%, giảm từ mức 14% của năm 2016.
Mức giảm trên được giải thích là do nhà đầu tư Mỹ rút vốn mạnh khỏi Úc. Trong khi đó, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư đất nông nghiệp lớn thứ 2 tại Úc (chiếm 25% đất sở hữu nước ngoài), chỉ sau Anh (27%).
Giới quan sát nhận định mối quan tâm của người Trung Quốc đối với bất động sản Úc có thể đã đạt "đỉnh" sau khi chính quyền Bắc Kinh ban hành các biện pháp ngăn chặn nạn chảy máu ngoại tệ hồi cuối tháng 8.(Tuoitre)
-----------------------------
Hàng Việt bất ngờ thua hàng Trung Quốc tại Hàn Quốc
Thông tin được các doanh nghiệp đưa ra tại Chương trình Xúc tiến thương mại đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng Hàn Quốc do Bộ Công thương tổ chức ngày 29-9 tại TP.HCM.
Giá cà rốt của Trung Quốc rẻ hơn khoảng 20% so với cà rốt Việt Nam khiến mặt hàng này khó cạnh tranh. Không những vậy, nhiều sản phẩm rau củ quả cấp đông như hành lá, hẹ, tỏi… của Việt Nam có giá bán lúc nào cũng cao hơn 1,5 lần so với Trung Quốc.
Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công thương), cho biết hiện Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong đó, hàng nông lâm thuỷ sản là trong những nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế suất từ FTA giữa Việt Nam - Hàn Quốc (có hiệu lực từ tháng 12-2015) của Việt Nam đều tăng trưởng cao.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc tăng gần 28%, đạt hơn 328 triệu USD; rau quả tăng 12%, đạt gần 50 triệu USD. Tuy nhiên, con số nói trên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nhu cầu nhập khẩu hàng nông lâm thuỷ sản của Hàn Quốc (Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 35 tỷ USD/năm các sản phẩm nông lâm thuỷ sản).
Ông Hải cho rằng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt cần đầu tư vào khâu kiểm soát chất lượng, tạo giá trị mới cho sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh với các sản phẩm nông sản của các nước trong khu vực ASEAN cũng như Trung Quốc.
Hàng Việt xuất khẩu vào Hàn Quốc vẫn kém cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm Công ty cổ phần Lotte Mart Việt Nam cho rằng Việt Nam là nước nhiệt đới có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất và phát triển ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay xuất khẩu nông sản vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng phát triển đó. Nguyên nhân chính phần lớn là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ thông tin về thị trường cũng như các đối tác nhập khẩu.
Để tháo gỡ khó khăn này, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với Thương vụ tại Hàn Quốc tìm hiểu thông tin thị trường, những đối tác có thể nhập khẩu để công bố cho doanh nghiệp được biết. Thông qua các đối tác này, doanh nghiệp mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản một cách bền vững hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đầu tư hơn các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm có uy tín trên thế giới, và duy trì chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình giao dịch.
Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước phải quản lý chặt khâu sản xuất, đảm bảo sản phẩm phải được truy xuất được nguồn gốc khi đưa ra thị trường. Đồng thời phải xây dựng được hệ thống xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, không để xảy ra tình trạng một số đơn vị làm ăn gian dối, ảnh hưởng đến uy tín nông sản của nước nhà. (PLO)
---------------------------
TP HCM chậm phát triển KCX - KCN
Nếu không mở rộng và phát triển mới các KCX-KCN sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở công nghiệp bên ngoài
Sáng 29-9, tại tọa đàm Định hướng phát triển các KCX-KCN TP HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 do Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP HCM (Hepza) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng ngành công nghiệp nói chung và các KCX-KCN tại TP HCM chưa được quan tâm đúng mức nên chưa phát huy hết tiềm năng.
Theo TS Trần Du Lịch, việc xây dựng các KCX-KCN mang ý nghĩa chiến lược đối với kinh tế trên địa bàn. Tuy nhiên, do bất lợi về điều kiện thổ nhưỡng, hạ tầng giao thông kết nối và nhất là giá đất nông nghiệp nên việc xây dựng mới và mở rộng các KCX-KCN tập trung gặp khó khăn. Sau 25 năm phát triển, diện tích các KCX-KCN tập trung chỉ đạt được khoảng 50% diện tích đất quy hoạch cho các KCX-KCN. Nếu không khắc phục những bất lợi trên để mở rộng và phát triển mới các KCX-KCN thì không chỉ khó khăn đối với việc phát triển 4 nhóm hàng công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ mà còn ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở công nghiệp ngoài KCN.
Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng Hepza, cho biết các KCX-KCN trên địa bàn đang gặp một số thách thức như dự án đầu tư có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao chiếm tỉ lệ thấp. Mặt khác, chất lượng công tác quy hoạch chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển; các KCX-KCN có quy mô nhỏ, nằm rải rác, chưa tạo sự kết nối về hạ tầng... Các KCN chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, mô hình quản lý theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" đến nay phát sinh nhiều bất cập, do KCX-KCN chỉ chịu sự điều chỉnh ở cấp nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp luật. Do pháp luật chuyên ngành thường xuyên thay đổi nên việc ủy quyền cho ban quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành về lao động, thương mại, xây dựng, môi trường đối với các hoạt động phát sinh trong KCX-KCN chưa được thực hiện triệt để, thống nhất.
Tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định TP chưa phát huy được tiềm năng phát triển ngành công nghiệp. Phải tái cơ cấu việc sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển của TP. Hiện nay, ngành công nghiệp cũng như chưa thật sự quan tâm phát triển các KCX-KCN trên địa bàn. Công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 90% GDP
TP HCM nhưng chỉ được dành 6,8% quỹ đất; riêng ngành công nghiệp tạo ra 40% GDP TP HCM thì được quy hoạch 2,3% quỹ đất thành phố. Trên thực tế, mới 50% đất quy hoạch cho KCX-KCN được sử dụng. "Đất cho KCN đã ít mà còn chưa dùng hết, sắp tới sẽ dùng như thế nào? Phải rà soát lại xem nhà đầu tư muốn gì, thành phố cần gì để từ đó triển khai quy hoạch lại KCX-KCN trên địa bàn" - ông Nhân yêu cầu.
Theo Bí thư Thành ủy, các KCX-KCN phải cải thiện tính cạnh tranh. Hiện tại, giá đất tại các KCN TP HCM cao hơn các tỉnh, thành lân cận nên tính cạnh tranh kém. Tương lai, TP HCM sẽ phát triển khu Đông Bắc, vì vậy, các KCN vùng Đông Bắc cần định hình lại theo vướng gắn với chức năng đô thị, hạ tầng giao thông... (NLĐ)
-------------------------
IPO và cơ hội của châu Á
Doanh nghiệp VN nói chung và cộng đồng khởi nghiệp nói riêng có nhiều cơ hội để thu hút, tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ khắp toàn cầu
Ngày 27.9, kênh CNBC dẫn kết quả nghiên cứu từ Tập đoàn tư vấn Ernst Young cho thấy năm 2017 chính thức trở thành năm mà thế giới có số lượng công ty lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) nhiều nhất trong vòng 10 năm qua.
Cụ thể, chỉ mới đến quý 3 nhưng có đến 1.156 công ty IPO trên toàn thế giới, nhiều hơn 56% so với cùng kỳ năm trước. Xét về giá trị huy động vốn, IPO toàn cầu đem về cho các doanh nghiệp 126,9 tỉ USD, nhiều hơn 55% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, có một điều bất ngờ là Mỹ - thị trường IPO thường dẫn đầu lâu nay - lại giảm đến 29% số lượng công ty IPO và 51% số vốn huy động.
Nhận xét về diễn biến trái chiều của thị trường Mỹ so với toàn cầu, tờ Forbes dẫn lời nhiều chuyên gia đánh giá xu hướng IPO đang dịch chuyển về châu Á. Theo đó, các thị trường ở châu Á ngày càng trưởng thành hơn để thu hút và tạo điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng hiệu quả. Hơn thế nữa, châu Á hiện đang chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển, ngày càng khẳng định vị thế với kinh tế thế giới. Và thực tế, các quỹ đầu tư lớn cũng đang chú ý đến thị trường châu Á hơn, nhất là nhắm đến các IPO hấp dẫn.
Trong bối cảnh và xu hướng đó, doanh nghiệp VN nói chung và cộng đồng khởi nghiệp nói riêng có nhiều cơ hội để thu hút, tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ khắp toàn cầu đang đổ về khu vực.(Thanhnien)