Đây là lý do khiến USD sẽ tăng giá trong những tháng tới
“Doanh nghiệp có vốn nhà nước nên rút về sân sau”
Đằng sau cuộc chạy đua lãi suất
Nhu cầu vốn ngắn hạn giảm
Nhiều ngành nghề kinh doanh được hưởng lợi từ giá dầu giảm
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-09-2017
- Cập nhật : 29/09/2017
Bitcoin có thể trải qua đợt phân tách thứ 2
Đồng bitcoin tăng lên trên ngưỡng 4.000 USD trong phiên giao dịch đêm qua và vẫn đang trên đà tăng. Mới đây nhất có thời điểm đồng tiền điện tử đạt 4.200 USD.
Nguồn: Investing.com
Trong khi đó, đồng ethereum, đồng tiền lớn thứ 2 xét về mặt vốn hóa, lần đầu tiên tăng lên trên mức 300 USD trong vòng 2 tuần qua.
Đầu tuần này giá bitcoin bắt đầu phục hồi lên mức 4.000 USD sau đó giữ đà tăng ổn định do thị trường phản ứng với căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên.
Theo trang Coindesk cho biết các nhà phát triển bitcoin đang chuẩn bị cho đợt phân tách thứ 2 của đồng tiền điện tử. Đợt phân tách đầu tiên xảy ra hồi tháng 8 đã tạo ra đồng bitcoin cash.
Đợt phân tách thứ 2 dự kiến sẽ tạo ra đồng bitcoin gold do các nhà phát triển mong muốn cải thiện tốc độ giao dịch tiền điện tử.
Giám đốc điều hành của Morgan Stanley ông James Gorman nhận định đầu tư tiền ảo "không phải là trào lưu nhất thời".
Tuy nhiên sếp của Morgan Stanley bày tỏ quan ngại liệu rằng quan chức các nước có tăng cường siết chặt các dịch vụ liên quan đến bitcoin hay không.
Trung Quốc là một trong những quốc gia mạnh tay kiểm soát chặt chẽ tiền điện tử nhất khi họ yêu cầu các sàn giao dịch bitcoin đóng cửa vào cuối tháng 9/2017 (có sàn được phép hoạt động đến cuối tháng 10/2017). Mặc dù vậy, điều này cũng không thể ngăn cản những người ủng hộ bitcoin vì Trung Quốc chỉ chiếm 10-13% khối lượng giao dịch bitcoin trên toàn cầu trong năm nay.(NDH)
-------------------------
Cần hơn 42.200 tỷ để công nghiệp hóa khai thác hải sản xa bờ
Ngày 28/9, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức họp bàn xây dựng Quy hoạch phát triển khai thác hải sản xa bờ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của Quy hoạch là nhằm đưa nghề khai thác hải sản xa bờ cơ bản được công nghiệp hoá vào năm 2020, hiện đại hoá vào năm 2030; đưa ra được các mô hình tổ chức sản xuất hợp lý; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện nguồn lợi. Bên cạnh đó, nâng cao mức sống cho cộng đồng ngư dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Cụ thể, đến năm 2020 giữ ổn định sản lượng khai thác xa bờ khoảng 1,62 triệu tấn. Đối với tàu khai thác xa bờ, giảm số lượng tàu kéo lưới và tăng số tàu câu, lưới vây và nghề khác. Số lượng tàu dịch vụ hậu cần khoảng 1.480 chiếc; giải quyết việc làm cho khoảng 231.100 lao động khai thác xa bờ.
Đến năm 2030, vẫn giữ nguyên sản lượng khai thác và số lượng tàu khai thác xa bờ như năm 2020; trong đó vẫn tiếp tục giảm số lượng tàu lưới kéo và tăng số tàu câu, lưới vây và nghề khác. Số tàu dịch vụ hậu cần khoảng 1.570 chiếc; giải quyết việc làm cho khoảng 243.300 lao động.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2018-2030 là 42.209 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2018-2020 là 19.504 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2030 là 22.750 tỷ đồng. Vốn đầu tư được huy động từ nhiều nguồn, từ ngân sách Trung ương, địa phương, các thành phần kinh tế trong nước và tài trợ từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, việc ban hành Quy hoạch là rất cần thiết. Đây là công cụ quản lý tàu cá, sản lượng khai thác, vì hiện nay, các địa phương chưa quản lý được số lượng tàu, sản lượng khai thác...
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Tổng cục Thủy sản cần phải làm rõ lại các vấn đề liên quan đến số lượng tàu, phạm vi đánh bắt trên biển, chuyển đổi nghề, giảm số lượng tàu sử dụng lưới kéo... Bên cạnh đó, các giải pháp cần thực hiện theo hướng nhằm ổn định hoặc giảm sản lượng khai thác, nâng cao chất lượng.
Đối với việc quản lý đóng mới tàu cá cần phải nghiên cứu kỹ, vì hiện nay tàu cá đóng tự do là rất đang lo ngại. Quy hoạch cũng chưa tính đến hạ tầng, dịch vụ nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão...
Do đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị Tổng cục Thuỷ sản cần phải nghiên cứu, chỉnh sửa hoàn chỉnh trước khi ban hành để Quy hoạch phù hợp với Luật Thủy sản 2017 và Luật Quy hoạch sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới.(TTXVN)
------------------------------
EU trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 8 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu tôm sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 483,6 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016.
Với sự tăng trưởng này, EU đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, thay thế cho vị trí của Nhật Bản trước đó.
Theo VASEP, tính đến tháng Tám vừa qua, xuất khẩu tôm vào ba thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối EU là Anh, Hà Lan và Bỉ đều tăng trưởng ở mức hai con số, lần lượt 46,5%; 47,8% và 34,1%.
Sự tăng trưởng tích cực này là do người tiêu dùng EU hiện đang ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi; đồng thời các đối tác tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu cho các lễ hội cuối năm.
Hiện nay, trên thị trường EU, tôm Việt Nam phải cạnh tranh chủ yếu với tôm Ấn Độ và Ecuador.
Trong khi Ấn Độ có xu hướng giảm xuất khẩu tôm cho EU, Ecuador và Việt Nam ngày càng tăng cường xuất khẩu tôm vào thị trường này.
Đặc biệt, FTA giữa Ecuador và EU có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, cũng giúp nước này được hưởng ưu đãi thuế quan 0% so với mức thuế 3,6% trước đó, làm tăng khả năng cạnh tranh của tôm chân trắng Ecuador so với các nhà cung cấp khác.
Để xuất khẩu tốt tôm Việt Nam sang thị trường EU, VASEP cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định thuế suất ưu đãi và các quy tắc xuất xứ từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), dự kiến có hiệu lực trong năm 2018.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần bảo đảm tuân thủ mọi yêu cầu về các biện pháp kiểm dịch động thực vật của EU cũng như nên thực hiện các yêu cầu kỹ thuật, đóng gói, ghi nhãn…
Để đón đầu cơ hội và khai thác được nhiều lợi ích từ EVFTA, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng kế hoạch phù hợp nhằm nâng cao năng lực để đối phó với thách thức.
Mặt khác, người tiêu dùng EU sẽ ngày càng tăng mua các sản phẩm thủy sản sản xuất bền vững trong cả các kênh bán lẻ lẫn kênh dịch vụ ẩm thực. Do vậy, doanh nghiệp nên chú trọng vấn đề dán nhãn và kiểm định chất lượng để phát triển thị trường này.
Hiện EU đang chiếm khoảng trên 30% tổng giá trị nhập khẩu tôm của toàn thế giới, dao động từ 6-8 tỷ USD/năm.
Trong 10 năm gần đây (2007-2016), nhập khẩu tôm vào EU tăng từ 5,6 tỷ USD lên 6,7 tỷ USD vào năm 2016. (Vietnam+)
-------------------------------
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn "đói hàng"
Ngày 28/9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị với sự tham dự của đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Vận tải biển Việt Nam, Hiệp hội logistics, các chủ cảng, chủ hàng, chủ tàu đang hoạt động, khai thác tại khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải nhằm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cụm cảng biển này.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đã được đầu tư để hình thành một cơ ngơi rất lớn. Tuy nhiên, cụm cảng này hiện chưa phát huy hết hiệu quả, công suất, vẫn còn tình trạng “đói hàng” gây lãng phí tiềm năng, nguồn lực quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Trình đề nghị các doanh nghiệp, cơ quan chức năng, hiệp hội đóng góp ý kiến, nêu vướng mắc, bất cập, đưa ra giải pháp giúp tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm cảng. Địa phương cũng sẽ làm hết khả năng đối với những phần việc thuộc thẩm quyền.
Đồng thời, tích cực đề xuất, kiến nghị đối với những phần việc thuộc thẩm quyền Trung ương như sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao kết nối với cụm cảng như đường liên cảng, cầu Phước An, đường sắt và đường cao tốc, cũng như các cơ chế chính sách cho cụm cảng - Chủ tịch tỉnh cam kết.
Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh đặt vấn đề, tại sao các chủ hàng ít đưa hàng về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải mà chủ yếu đưa về cảng Cát Lái (Tp.Hồ Chí Minh) dù cảng này luôn trong tình trạng quá tải, kẹt xe.
Theo ông Minh, nguyên nhân vì cảng Cát Lái đã hình thành một “hệ sinh thái” gồm cảng (lên xuống hàng), hải quan (các thủ tục), đội xe chuyên chở… rất hài hòa, tối ưu hóa chi phí.
Hơn nữa, các chủ hàng đã hình thành thói quen đưa hàng về cảng Cát Lái mà không nghĩ đến nơi nào khác. Vì vậy, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần xây dựng một “hệ sinh thái” cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải giống như cảng Cát Lái; đồng thời, tăng cường tổ chức các hội nghị giới thiệu về cụm cảng cho các chủ hàng trong khu vực.
Ngoài ra, tỉnh cần phối hợp với Đồng Nai để hình thành các depot (cảng cạn) dọc quốc lộ 51; đồng thời, có cơ chế lôi kéo các doanh nghiệp vận tải đưa đội xe về đây - ông Minh đề xuất.
Ông Trịnh Tuấn Dũng - Phụ trách khai thác Hãng tàu CMA-CGM tại Việt Nam chia sẻ, có những lần Hãng đã đưa tàu mẹ vào cập cảng ở Singapore, xuống hàng rồi đưa lên tàu feeder vận chuyển về Tp. Hồ Chí Minh vẫn nhanh hơn là cập cụm cảng Cái Mép - Thị Vải rồi chuyển về Tp. Hồ Chí Minh do vấn đề về thủ tục hải quan.
Thậm chí, các chủ hàng ở Campuchia còn không hề biết có cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và chi phí đưa hàng về đây rẻ hơn nhiều so với đưa tới cảng Sihanoukville (Campuchia).
Vì vậy, Việt Nam cần xúc tiến tháo gỡ rào cản về hàng hóa giữa hai nước cũng như giới thiệu về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tới các chủ hàng Campuchia. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là trạm dừng chân cuối cùng của các tàu mẹ trước khi đi thẳng tới Mỹ, Châu Âu nhưng hiện chưa đáp ứng được kỳ vọng là điểm tập kết hàng lớn đối với các hãng - ông Dũng nhận xét.
Ở góc nhìn khác, ông Ngô Minh Thuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng, cần ưu đãi về thuế, chính sách, ưu tiên luồng xanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa đi trực tiếp Mỹ, Châu Âu; triển khai hoạt động của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành thường trực tại các cảng trong cụm phục vụ việc thông quan tại chỗ.
Bên cạnh đó, cần lắp đặt máy soi hải quan tại cụm cảng phục vụ công tác kiểm hóa được nhanh chóng; sớm triển khai mô hình Ban Quản lý khai thác cụm cảng (có lợi ích của các cảng thông qua việc mua cổ phần của nhau); nâng cấp, nạo vét luồng độ sâu âm 15m…
Theo ông Nguyễn Đình Việt - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các cảng biển thuộc Nhóm cảng biển số 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép-Thị Vải” theo Văn bản số 1178/TTg-KTN ngày 6/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ, 4 năm qua, Bộ giao thông Vận tải đã tích cực phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các bộ ngành liên quan, hiệu quả khai thác cảng Cái Mép - Thị Vải đã tăng lên rõ rệt.
Tổng hàng hóa và hàng container thông qua cụm cảng này tăng hàng năm. Cụ thể, năm 2013, tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng là hơn 35 triệu tấn (đạt tốc độ tăng trưởng 5%) và năm 2016 đạt tốc độ tăng trưởng hơn 30% với hơn 62 triệu tấn thông qua cảng.
Riêng hàng container năm 2013 đạt 0,95 triệu TEU thông qua cảng (tốc độ tăng trưởng 0,8%) còn năm 2016 đạt hơn 2 triệu TEU (tốc độ tăng trưởng gần 50%)(TTXVN)