tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-09-2017

  • Cập nhật : 29/09/2017

Ngành mía đường muốn hội nhập được phải giảm được giá thành

Sáng 28/9, tại tỉnh Thanh Hóa, Bộ NN&PTNT phối hợp Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 22 năm phát triển ngành mía đường Việt Nam.

Trải qua 22 năm phát triển, thành tựu lớn nhất mà ngành mía đường đạt được là hoàn thành “Chương trình sản xuất 1 triệu tấn đường” từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8 đã đề ra; hình thành ngành công nghiệp mía đường, xây dựng chuỗi liên kết “4 nhà” và giải quyết việc làm cho hàng triệu nông dân trồng mía.

Đời sống nông dân nhất là những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa được cải thiện, bộ mặt nông thôn những vùng có nhà máy đường có sự khởi sắc rõ ràng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn phải cơ cấu lại ngành mía đường

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành mía đường còn bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập trong quá trình phát triển như năng suất chất lượng thấp, chi phí giá thành cao, áp dụng công nghệ còn lạc hậu, quy mô sản xuất manh mún ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của người trồng mía. Những yếu tố này đã và đang gây nhiều bất lợi khi ngành mía đường thực hiện các cam kết tự do thương mại trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định có ý nghĩa sống còn đối với các nhà máy đường. Vì vậy, cần có chính sách trong hỗ trợ và liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng mía, đồng thời đa dạng các sản phẩm từ phụ phẩm của ngành mía đường…

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu quan điểm, ngành đường muốn hội nhập được phải giảm được giá thành, hiện nay doanh nghiệp đang mua mía nguyên liệu của nông dân từ 10.000 – 11.000 đồng/kg, mức giá này không đủ bù đắp chi phí, chưa kể đến tích lũy.

Vì vậy, doanh nghiệp phải phát huy nội lực, áp dụng khoa học công nghệ để phát triển những sản phẩm sau đường từ phụ phẩm của ngành mía đường.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, bên cạnh việc phát huy nội lực của doanh nghiệp, việc tổ chức sản xuất lại cũng như những cơ chế, chính sách đối với ngành mía đường cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp ban, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và đảm bảo thu nhập của nông dân trồng mía, ngành mía đường cần cơ cấu lại. Những yếu kém về các khâu trồng mía, chế biến đường và tiêu thụ sản phẩm đường cần phải được chấn chỉnh.

“Cần nâng cao năng suất chất lượng của chế biến đường, trong đó chú trọng giảm chi phí từ khâu sản xuất đến ứng dụng công nghệ ép đường, hướng đến tăng sản lượng và giá trị. Đảm bảo chất lượng mía ở các vùng nguyên liệu phải đưa giống có “trữ đường” với năng suất cao vào trồng đáp ứng cho ngành công nghiệp chế biến đường”, Thứ trưởng Nam nói.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, tùy theo điều kiện và lợi thế của từng vùng, các nhà máy đường thời gian tới cần lưu ý trong trồng những bộ giống mía phù hợp, liên kết với nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm tổn thất sau thu hoạch. Đây là những yếu tố quan trọng không chỉ một mình doanh nghiệp mà các địa phương trồng mía phải đặc biệt lưu ý.

Trong khuôn khổ Hội nghị, chiều nay sẽ diễn ra hội thảo “Đổi mới công nghệ và chính sách phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam tầm nhìn 2030”(VOV)
-------------------------------

Chính thức nhận giấy phép thành lập, UOB sắp thành ngân hàng ngoại thứ 9 của Việt Nam

Ngân hàng TNHH MTV UOB Việt Nam với vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng và thời hạn hoạt động là 99 năm đã chính thức nhận được giấy phép hoạt động vào ngày 21/9/2017. Ngân hàng UOB sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị và sớm khai trương hoạt động UOB Việt Nam.

Ngày 26/9/2017, tại Hà Nội, Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Huyền Anh đã trao Giấy phép thành lập và hoạt động Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank (UOB) Việt Nam cho ông Victor Ngo – Giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Kiểm toán Tập đoàn của UOB.

Theo Giấy phép số 57/GP-NHNN ngày 21/9/2017, ngân hàng 100% vốn nước ngoài của Ngân hàng United Overseas Bank Limited tại Việt Nam với tên gọi Ngân hàng TNHH MTV UOB Việt Nam với vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng và có thời hạn hoạt động là 99 năm.

Địa chỉ trụ sở chính của Ngân hàng tại Tầng trệt và tầng 15, Tòa nhà Central Plaza, số 17 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Về nội dung hoạt động, Ngân hàng TNHH MTV UOB Việt Nam được thực hiện các hoạt động của loại hình ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật và của NHNN được ghi rõ trong Giấy phép.

UOB là ngân hàng Singapore đầu tiên mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam năm 1995. Đây cũng là Ngân hàng Singapore đầu tiên được cấp phép thành lập ngân hàng con tại Việt Nam.

Cuối tháng 3/2017, UOB đã được NHNN chấp thuận sơ bộ để thành lập ngân hàng con có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngày 19/7/2017, Thống đốc NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy, sau nửa năm chuẩn bị thủ tục, giấy phép thành lập đã chính thức được cấp cho ngân hàng này.

Hiện Việt Nam đang có 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam gồm HSBC (Hồng Kông), ANZ (Úc), Standard Chartered, Shinhan Vietnam (Hàn Quốc), Hong Leong Bank (Malaysia - thành viên của Tập đoàn Hong Leong (Malaysia), CitiBank, CIMB (Malaysia), Public Bank Berhad (Malaysia). UOB sẽ trở thành ngân hàng ngoại thứ 9 của Việt Nam.


Ngân hàng con UOB trở thành ngân hàng ngoại thứ 9 tại Việt Nam

Phát biểu tại buổi trao Giấy phép, Phó chánh thanh tra (NHNN) Phạm Huyền Anh chúc mừng Ngân hàng United Overseas Bank Limited được cấp Giấy phép thành lập Ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và hy vọng UOB sớm khai trương đi vào hoạt động, luôn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao. Đại diện NHNN cũng kỳ vọng hoạt động của UOB sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng như thúc đẩy sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Singapore.

Ông Victor Ngo - Giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Kiểm toán Tập đoàn của UOB cảm ơn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao Giấy phép thành lập Ngân hàng 100% vốn nước ngoài và tin tưởng rằng Ngân hàng được thành lập sẽ hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Singapore và Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Ông Victor Ngo cam kết rằng, Ngân hàng UOB sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị và sớm khai trương hoạt động Ngân hàng 100% vốn nước ngoài của Ngân hàng UOB tại Việt Nam.(NDH)
----------------------------

Nợ xấu hệ thống ngân hàng TP.HCM đến cuối tháng 9 là 60.000 tỷ, 1/3 từ nhóm '0 đồng'

Nếu loại trừ nợ xấu tại 3 ngân hàng “0 đồng” khoảng hơn 20.000 tỷ đồng thì nợ xấu của hệ thống ngân hàng TPHCM còn chiếm tỷ lệ 2%. Hành lang pháp lý trước đây xử lý tài sản đảm bảo và nợ đã bán cho VAMC rất khó khăn.

Tính đến cuối tháng 9/2017, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tại TPHCM khoảng 60.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,9% tổng dư nợ. Nếu loại trừ nợ xấu tại 3 ngân hàng “0 đồng” khoảng hơn 20.000 tỷ đồng thì nợ xấu của hệ thống ngân hàng TPHCM còn chiếm tỷ lệ 2%.

Đây là thông tin được đưa ra từ ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM tại buổi lễ ký kết hợp tác giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Công ty Quản lý Tài sản các Tổ chức tín dụng (VAMC) vào sáng ngày 28/09.

Về nợ xấu, ông Minh cho biết giảm về tỷ lệ 2% là tín hiệu tích cực. Trước đây, hành lang pháp lý trong đó có việc xử lý tài sản đảm bảo và nợ đã bán cho VAMC rất khó khăn. Có những trường hợp nợ xấu xử lý 10 – 20 năm vẫn chưa xong như vụ EPCO – Minh Phụng…

Dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh, ông Minh cho biết xử lý nợ xấu đã yên nhưng vẫn chưa ổn, còn âm ỉ kéo dài. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 với thí điểm tại 6 tổ chức tín dụng gồm Sacombank, ACB, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng.

Thông tin thêm về các chỉ tiêu khác của hệ thống các tổ chức tín dụng tại TPHCM, ông Minh cho biết tính đến cuối tháng 9, huy động vốn đã tăng trưởng 8,5%, đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 12,4%, đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng với cơ cấu 79% cho sản xuất kinh doanh, 10,8% vào bất động sản và 10,2% vào tiêu dùng (Vietstock)

Trở về

Bài cùng chuyên mục