Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Singapore chậm trong năm 2016
Vàng quay đầu giảm khi cuộc trưng cầu dân ý tại Anh có thể bị hoãn
IFC đầu tư 340 tỷ đồng vào Công ty thức ăn chăn nuôi Anova
EIA: Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ giảm tháng thứ 7 liên tiếp
EIA: Doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của OPEC giảm năm thứ 3 liên tiếp
Tin kinh tế đọc nhanh 27-10-2015
- Cập nhật : 27/10/2015
Xuất khẩu rau quả tăng hơn 500 triệu USD
Tổng kim ngạch xuất khẩu 11 mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ yếu sang thị trường Trung Quốc tăng hơn 700 triệu USD; riêng nhóm hàng rau quả đã tăng 543 triệu USD, chiếm hơn 77%.
Số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế cho thấy, 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng nông sản của Trung Quốc lên tới 21,4% mỗi năm, cao gấp hơn 3 lần so với 11 quốc gia thành viên TPP. Do vậy, các chuyên gia nông nghiệp khẳng định, trong tương lai gần, việc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản nói chung và hàng rau quả nói riêng sang thị trường Trung Quốc vẫn là hướng phát triển đặc biệt quan trọng.
Xuất khẩu gạo đã đạt gần 4,5 triệu tấn
Tính đến ngày 22-10, số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy: Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Hè Thu năm 2015 được khoảng 1,668 triệu ha/ 1,6 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch Hè Thu dứt điểm 1,668 triệu ha với năng suất khoảng 5,6-,5,7 tấn/ha, sản lượng khoảng 9,42 triệu tấn lúa.
Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Thu Đông 2015 được khoảng 800.000 ha/ 886.000 ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 300.000 ha với năng suất khoảng 5 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 1,5 triệu tấn lúa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt 6,5 triệu tấn.
ISO 20022 giúp Việt Nam hội nhập tốt Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Trong khi đang tồn tại nhiều tiêu chuẩn khác nhau được các tổ chức tài chính ngân hàng trong khu vực áp dụng, bằng việc hướng tới áp dụng tiêu chuẩn ISO 20022, các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ có năng lực thực hiện giao dịch qua biên giới dễ dàng hơn cũng như tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN sẽ được thành lập vào cuối năm nay.
Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo quốc tế về hoạt động ngân hàng 2015 (SIBOS) do SWIFT Standards tổ chức tại Singapore mới đây, ông Alexandre Kech, chuyên gia của SWIFT cho biết ISO 20022 là bộ tiêu chuẩn quốc tế mới nhất phục vụ cho giao tiếp trong các lĩnh vực thanh toán, chứng khoán, đầu tư cũng như thương mại quốc tế.
Vì thế, ISO 20022 có lợi thế thúc đẩy hội nhập doanh nghiệp và hội nhập về địa lý, theo đó cho phép nhiều nước có chung một tiếng nói khi giao dịch.
Theo chuyên gia này, hướng tới áp dụng ISO 20022, Việt Nam sẽ có lợi ích rõ ràng khi việc thực hiện giao dịch qua biên giới của các ngân hàng thương mại sẽ dễ dàng hơn cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Nhận thức được điều đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện có kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn ISO 20022 vào năm 2019.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của việc áp dụng tiêu chuẩn mới, cơ sở hạ tầng thanh toán qua biên giới của Việt Nam cần phải được đổi mới, nâng lên tầm tiêu chuẩn quốc tế trong thị trường chứng khoán.
Chuyên gia Alexandre Kech khẳng định, áp dụng ISO 20022 sẽ là một cơ hội cho Việt Nam, bởi sẽ giúp các ngân hàng thương mại trong hoạt động thanh toán qua biên giới, tạo thuận lợi cho các nhà xuất nhập khẩu trong hoạt động giao dịch và giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường hàng đầu của ASEAN, nếu đạt được bước ngoặt rõ ràng trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.
Hàng nhập lậu núp bóng hàng xách tay
Trong 9 tháng qua, Ban chỉ đạo 389 TP HCM đã phát hiện và thu giữ trên 5.600 điện thoại di động nhập lậu, nhưng tại các cửa hàng bán điện thoại trên địa bàn thành phố vẫn đầy rẫy hiện tượng rao bán điện thoại được cho là hàng xách tay, nhất là những loại điện thoại đời mới, có giá trị cao.
Điện thoại xách tay từ nước ngoài được chuyển lậu về nhanh đến mức, có những loại chỉ vừa được các nhà sản xuất tung ra bán ở nước ngoài buổi sáng, thì buổi chiều hàng xách tay đã về tới trong nước.
Cụ thể, sáng 25/9, Apple mới chính thức đưa điện thoại iPhone 6S ra bán, thì ngay trong chiều cùng ngày, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cùng lực lượng chức năng đã thu giữ 20 chiếc điện thoại di động iPhone 6S do một hành khách vận chuyển trên chuyến bay đến từ Singapore.
Tại khu vực bán điện thoại cũ tập trung trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), các loại điện thoại mới ra thuộc dạng đắt tiền của iPhone, Samsung, Nokia… nếu khách cần hàng xách tay, chủ cửa hàng chỉ cần alô, chờ một lát là có người mang tới liền. Còn ở khu vực chợ điện thoại trên đường Hùng Vương, quận 5, 10, điện thoại thông minh đời mới được quảng cáo là hàng xách tay bày bán nhan nhản.
Theo anh Hiển, chủ một cửa hàng điện thoại tại đây, dấu hiệu để nhận biết hàng xách tay đơn giản là loại hàng không có tem của nhà nhập khẩu. Mua hàng xách tay, khách phải chấp nhận chỉ có tem xác nhận của cửa hàng và bảo hành chất lượng bằng… niềm tin nếu điện thoại mang về dùng bị hư lỗi.
Liên quan đến vấn đề buôn lậu điện thoại, gần đây lực lượng Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã liên tiếp phát hiện 2 vụ xách tay lậu điện thoại iPhone 6 với số lượng lớn. Cụ thể, ngay sau khi hãng Apple tung ra sản phẩm điện thoại di động iPhone 6S tại thị trường nước ngoài, lập tức Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã bắt được hàng trăm chiếc iPhone mới tinh vận chuyển lậu về bằng đường hàng không.
Từ hiện tượng hàng chính hãng chưa được đưa về Việt Nam, du khách Việt xếp hàng mua điện thoại iPhone 6S tại Singapore trong ngày hãng Apple mở bán vào 25/9, lực lượng Hải quan sân bay đã lập tức tăng cường kiểm soát để ngăn chặn.
Kết quả, ngày 29/9, Hải quan Tân Sơn Nhất phối hợp với lực lượng điều tra chống buôn lậu kiểm tra và phát hiện ông Phạm Tam, trú tại phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh nhập cảnh về từ Mỹ mang theo 93 chiếc điện thoại di động iPhone 6S, trị giá trên 1,2 tỷ đồng, không có giấy phép nhập khẩu.
Ngày 1/10 Hải quan Tân Sơn Nhất và lực lượng của Cục Điều tra chống buôn lậu tiến hành kiểm tra 1 kiện hàng hóa không khai báo của hành khách Nguyễn Thị Phung đi trên chuyến bay từ Hàn Quốc về TP Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện 60 điện thoại di động iPhone 6S mới 100%; chủ hàng cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Không chỉ ở cửa khẩu, điện thoại di động nhập lậu bị thu giữ trong quá trình vận chuyển, mua bán trên thị trường cũng không ít. Chủ một cửa hàng điện thoại trên đường Cách Mạng Tháng 8 giải thích rằng, với điện thoại đã qua sử dụng, lý do khiến hàng xách tay bán vẫn chạy bởi luôn rẻ hơn hàng nhập khẩu chính hãng một đến vài triệu đồng/chiếc, tùy loại.
Còn với một số loại điện thoại mới ra, do hàng chưa về đến thị trường trong nước nên giá bán bị đẩy lên cao, khách mua phải xếp hàng để đăng ký mua mới có. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng nhập lậu điện thoại vẫn tiếp tục diễn ra.
Giá cao su Tocom lại về đáy 2 tháng rưỡi
Giá cao su Tocom giảm mạnh do yên tăng giá so với USD trong khi thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh với chỉ số Nikkei lên cao nhất 2 tháng.
Ngoài ra, giá cao su giao tháng 3/2016 trên sàn Thượng Hải cũng giảm mạnh 120 nhân dân tệ xuống 11.205 nhân dân tệ/kg.
Giá cao su RSS4 và RSS5 nội địa của Ấn Độ đồng giảm 0,77 cent Mỹ lần lượt xuống 0,1755 USD/kg và 0,1765 USD/kg.
Giá cao su RSS3 giao tháng 3/2016 trên Trung tâm giao dịch hàng hóa nông sản Thái Lan giảm 1,9 baht xuống 46,6 baht/kg.