Đề xuất Nhà nước bán “đất vàng”, cổ phần để tăng thu ngân sách
Các nhà rang xay thế giới cảnh báo cà phê Việt Nam
Quảng cáo trên 10 tuyến xe buýt TP.HCM
Hà Nội: Quy hoạch chung huyện Thường Tín rộng gần 13.000 ha
Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã giải ngân được gần một nửa
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-10-2015
- Cập nhật : 26/10/2015
Chậm nhất đến tháng 2/2016 sẽ xử lý xong sở hữu chéo
Số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012 xuống chỉ còn 3 cặp hiện nay và sẽ xử lý chậm nhất đến tháng 02/2016.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết đến tháng 8/2015, vốn điều lệ của hệ thống liên tục tăng lên và đạt trên 400 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 27% so với năm 2011, vốn chủ sở hữu đạt trên 500 nghìn tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm 2011.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì sở hữu vốn và tham gia tái cơ cấu các NHTM (hiện có 17 NHTMCP có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, trong đó có 09 ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài)
Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD cũng đã được xử lý một bước quan trọng trong giai đoạn 2011-2015. Sở hữu của các NHTMCP đã minh bạch và đại chúng hơn; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được xử lý và kiểm soát về cơ bản; các nhóm lợi ích đã giảm dần.
NHNN tích cực chỉ đạo các TCTD đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng (chẳng hạn các trường hợp tại NHTMCP Nam Việt, Phương Tây, Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Phương Nam, Sacombank, Eximbank, Đông Á,...).
Theo thống kê của NHNN, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012 xuống chỉ còn 3 cặp hiện nay. Tình trạng một TCTD sở hữu cổ phần tại một số TCTD hoặc một số TCTD sở hữu cổ phần tại một TCTD đã giảm so với thời gian trước đây.
Để tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD thực hiện xử lý vấn đề sở hữu chéo, sở hữu vượt giới hạn quy định, NHNN đã ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014, trong đó quy định cụ thể các điều kiện cho phép NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác, Thông tư số 06/2015/TT-NHNN ngày 01/6/2015 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật các TCTD. Theo đó, NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác với những điều kiện nhất định với mức dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD đó và chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD, trừ trường hợp TCTD là công ty con của NHTM đó.
Đại diện NHNN cho biết thêm với các biện pháp triển khai như trên tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo giữa các TCTD và giữa TCTD với doanh nghiệp đang từng bước giảm dần; các TCTD còn vi phạm về sở hữu chéo, cổ đông sở hữu vượt giới hạn quy định của pháp luật đều đã có phương án xử lý để thực hiện đúng quy định của pháp luật chậm nhất đến tháng 02/2016.
Xây kho ngoại quan tại Mỹ cho hàng Việt
Theo ông Dũng, mới đây chính phủ Mỹ đã đồng ý cho Baoovus xây một kho ngoại quan. “Hiện nay, chúng tôi đang kêu gọi đầu tư khu ngoại quan cảng quốc tế tại Baltimore, bang Maryland của Mỹ. Dự kiến khi hoàn thành, các DN Việt Nam xuất hàng vào thị trường Mỹ lưu kho tại đây sẽ giảm được 1/2 chi phí so với hiện tại” - ông Dũng thông tin.
Thông qua kho ngoại quan tại Baltimore, các DN không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hay bất kỳ một khoản thuế địa phương nào khác. Thời gian lưu kho là một năm và có thể gia hạn thêm sáu tháng, qua đó chủ hàng có đủ thời gian để tìm kiếm và thương lượng với khách hàng tiềm năng nhằm mục đích đạt được lợi nhuận cao hơn. Đây được xem là một trong những điều kiện giúp DN Việt xuất khẩu vào thị trường Mỹ tiết kiệm chi phí, ổn định giá sản phẩm” - ông Dũng nói.
TP.HCM kỳ vọng thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc - Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển (CBRE), cho biết trong chín tháng đầu năm 2015 có gần 25.000 căn hộ đã được giao dịch thành công tại thị trường TP.HCM. Con số này cao hơn hẳn năm 2014. Tương tự tại thị trường Hà Nội, số lượng căn hộ giao dịch đạt 14.000 căn hộ, cũng được xem là con số cao kỷ lục. Trong đó phân khúc căn hộ trung cấp chiếm thị phần lớn nhất, gần 50% số lượng căn hộ được tiêu thụ.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giới đầu tư bất động sản trong nước đang đặt kỳ vọng vào sự bứt phá của thị trường (trọng tâm là khu vực TP.HCM, Hà Nội, Phú Quốc) sau khi việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công.
Thủ tục thông quan các nước một giờ, Việt Nam năm ngày
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khẳng định như trên tại hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính về thuế và kế toán: Đánh giá của doanh nghiệp nhỏ và vừa” do VCCI tổ chức ngày 23-10.
Ông Tuấn cho rằng thật không công bằng khi thời gian giải quyết các thủ tục về thuế ở Việt Nam hết 872 giờ trong khi các nước trên thế giới chỉ hết hơn 100 giờ; thủ tục thông quan ở các nước chỉ mất một vài giờ nhưng ở Việt Nam mất đến 4-5 ngày. Điều này làm giảm sức cạnh tranh, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện cơ quan thuế quản lý 530.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
104 dự án tại các KCN tỉnh Quảng Nam đã đi vào hoạt động
Các KCN tỉnh Quảng Nam đã thu hút được 92 dự án trong nước, với vốn đăng ký 15,3 ngàn tỷ đồng và 41 dự án FDI tổng vốn 545 triệu USD. Trong đó 104 dự án đã đi vào hoạt động.
Theo đó sẽ điều chỉnh giảm diện tích KCN Điện Nam – Điện Ngọc từ 418 ha xuống còn 390 ha; tăng diện tích KCN Đông Quế Sơn từ 200 ha lên 211 ha; đồng thời, bổ sung KCN Phú Xuân với quy mô diện tích 108 ha vào quy hoạch phát triển các KCN cả nước đến năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc chuyển đổi các cụm công nghiệp (CCN): Hà Lam - Chợ Được, Tây An, Đại Tân và Tiên Thọ thành các KCN sẽ được xem xét khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định hiện hành.
Theo Đề án quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020 và Đề án chuyển đổi CCN thành KCN, tỉnh Quảng Nam quy hoạch 8 KCN với tổng diện tích đất 4.331 ha; 6 KCN với diện tích khoảng 2.148 ha đã được thành lập; 3 KCN đã đi vào hoạt động gồm Điện Nam – Điện Ngọc (390 ha), Bắc Chu Lai (604 ha), Tam Hiệp (568 ha). 2 KCN đang xây dựng cơ bản gồm Đông Quế Sơn (211 ha), Tam Thăng (175 ha) và 1 KCN Tam Anh (đã thành lập 200 ha) đang giãn tiến độ thực hiện. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 60%, lấp đầy các KCN đang hoạt động 68%.
2 KCN chưa thành lập gồm Thuận Yên (230 ha) và An Phú thuộc KKTM Chu Lai (30 ha). Trong 6 KCN đã thành lập trên có 5 KCN còn một phần diện tích chưa thành lập. Tổng diện tích đất chưa thành lập là 2.131 ha.
Hiện nay, các KCN tỉnh Quảng Nam đã thu hút được 92 dự án trong nước với vốn đăng ký 15,3 ngàn tỷ đồng và 41 dự án FDI tổng vốn 545 triệu USD. Trong đó 104 dự án đã đi vào hoạt động. Năm 2014 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 843 triệu USD, xuất khẩu 515 triệu USD, nhập khẩu 1.085 triệu USD chiếm gần 38% giá trị sản xuất công nghiệp và 67,4% giá trị xuất khẩu; đồng thời đã thu hút 36,8 ngàn lao động, bằng 36,3% tổng số lao động trong ngành công nghiệp của tỉnh.